Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong cuộc khủng hoảng của xã hội phong kiến Việt Nam
Những hiện tượng lịch sử xuất hiện trong thượng từng kiến trúc dưới nhiều hình thái tư tưởng phức tạp: chính trị, pháp lý, tôn giáo, nghệ thuật, triết lý; nhưng tất cả những hình thái đó, xét tới cùng, là do phương thức sản xuất đời sống vật chất quy định. Vậy muốn hiểu rõ sự biến chuyển trong thượng từng kiến trúc, trước hết phải nghiên cứu sự biến chuyển vật chất trong điều kiện kinh tế của sự sản xuất, những mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nghiên cứu lịch sử Việt-nam, chúng ta thấy từ ba thế kỷ nay xã hội Việt-nam trải qua những cuộc đảo lộn sâu sắc, chế độ phong kiến suy đồi, nhà Nguyễn bán nước cho giặc xâm lăng, chính sách tàn ác của bọn thực dân và cuộc cách mạng vĩ đại phản đế phản phong của nhân dân Việt-nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, giai cấp và Đảng công nhân. Những hiện tượng này phát hiện dưới hình thức chính trị và văn hóa, nhưng nguyên nhân căn bản vẫn là cuộc đảo lộn vật chất trong đời sống kinh tế, sự đối kháng giữa những đòi hỏi phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội phong kiến và thực dân phong kiến. Tất nhiên phải căn cứ vào sự đối kháng đó, thì mới đánh giá đúng những sự biến chuyển trong thượng tầng kiến trúc. Thiếu phân tích những điều kiện kinh tế, thì dẫn đi vào phương diện duy tâm, hoặc nhận những giải pháp một chiều, làm lu mờ trách nhiệm của mọi vai trò trong lịch sử.