Một số giải pháp phát huy ảnh hưởng của văn hoá trong giáo dục mầm non

Tóm tắt. Sự phát triển xã hội gắn liền với việc chuyển tải cái mới từ bên ngoài và luôn gặp phải những rào cản nhất định, trong đó có rào cản thuộc về lịch sử truyền thống. Do vậy, sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục mầm non (GDMN) nói riêng cần phải được chuẩn bị cả về mặt văn hoá. Tất cả mọi sự nôn nóng áp dụng một cách máy móc những giá trị văn hoá xa lạ trong giáo dục đều không phù hợp với bản chất văn hoá của con người Việt Nam và sớm muộn cũng thất bại. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc đổi mới GDMN trên thực tiễn cần coi trọng các tác động của văn hoá đến quá trình đào tạo và sử dụng giáo viên mầm non (GVMN) nhằm duy trì những giá trị văn hoá truyền thống và bổ sung các giá trị mới phát huy nội lực của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 212 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số giải pháp phát huy ảnh hưởng của văn hoá trong giáo dục mầm non, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2012, Vol. 57, No. 5, pp. 101-107 MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HOÁ TRONG GIÁO DỤCMẦM NON Hoàng Thị Phương Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Email: hoangthiphuong59@yahoo.com.vn Tóm tắt. Sự phát triển xã hội gắn liền với việc chuyển tải cái mới từ bên ngoài và luôn gặp phải những rào cản nhất định, trong đó có rào cản thuộc về lịch sử truyền thống. Do vậy, sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục mầm non (GDMN) nói riêng cần phải được chuẩn bị cả về mặt văn hoá. Tất cả mọi sự nôn nóng áp dụng một cách máy móc những giá trị văn hoá xa lạ trong giáo dục đều không phù hợp với bản chất văn hoá của con người Việt Nam và sớm muộn cũng thất bại. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc đổi mới GDMN trên thực tiễn cần coi trọng các tác động của văn hoá đến quá trình đào tạo và sử dụng giáo viên mầm non (GVMN) nhằm duy trì những giá trị văn hoá truyền thống và bổ sung các giá trị mới phát huy nội lực của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay. Từ khóa: Giải pháp, văn hoá, giáo dục, mầm non. 1. Đặt vấn đề Văn hoá là hệ thống các sản phẩm và giá trị vật chất, tinh thần do con người, loài người sáng tạo ra trong lao động, hoạt động thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu và phục vụ cuộc sống của con người [1]. Trẻ em sinh ra, trở thành người đã trải qua quá trình lĩnh hội và làm chủ các giá trị văn hoá, phát triển các nhu cầu văn hoá, làm cho văn hoá thấm sâu vào trong lối sống, hành vi, hành động, thói quen. Đối tượng có ảnh hưởng đến sự phát triển trẻ em là những người lớn xung quanh. Ảnh hưởng của họ đến trẻ thông qua quan niệm, cách thức giáo dục trẻ và hành vi mà họ thể hiện hàng ngày. Kết quả nghiên cứu tác động của văn hoá đến việc hình thành nhân cách GVMN trong bối cảnh xã hội hiện nay [4] cho thấy: - Văn hoá có ảnh hưởng đến việc hình thành cấu trúc nhân cách của GVMN, với tổng hợp cả 3 mặt là định hướng giá trị, tiềm năng, khả năng, kĩ năng hoạt động, phẩm chất, thói quen. Các ảnh hưởng này xảy ra trong suốt quá trình hình thành nhân cách, bắt đầu từ nhỏ, trong quá trình học tập, đào tạo nghề, và hoạt động GD trẻ; 101 Hoàng Thị Phương - Ảnh hưởng của văn hoá đến hoạt động giáo dục trẻ của GVMN thể hiện ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Bên cạnh những yếu tố tích cực mang đậm tính truyền thống lại bộc lộ những nhược điểm ngăn cản họ tiếp cận cái mới, thay đổi cái cũ; ngược lại, những tác động của xã hội hiện đại đã thay đổi tư duy, nhận thức, phẩm chất, thói quen của họ nhưng sự thay đổi chỉ nửa vời làm ảnh hưởng xấu đến quá trình đổi mới giáo dục trên thực tiễn; - Thực tiễn môi trường GD trẻ MN đã tạo điều kiện để duy trì các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, đồng thời cũng cản trở GVMN tiếp nhận các giá trị mới tích cực. Tác động của văn hoá đến thực tiễn GD trẻ MN thông qua cách thức giáo dục trẻ của GVMN cho thấy việc đào tạo và sử dụng GVMN cần hướng đến duy trì những giá trị văn hoá truyền thống và bổ sung các giá trị mới nhằm phát huy nội lực của GVMN đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới giáo dục hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu Việc phát huy ảnh hưởng của văn hoá trong GDMN cần phải bắt đầu từ việc đào tạo GVMN, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình GDMN trên thực tiễn. 2.1. Giải pháp về đào tạo GVMN Việc học nghề ở các trường chuyên nghiệp tuy không dài so với quá trình hình thành nhân cách con người, nhưng để lại dấu ấn tương đối đậm nét trong mỗi người trưởng thành, có thể thay đổi phần nào quan niệm, nhận thức, tư duy của họ về con người, xã hội, làm cơ sở cho các quyết định trong hành động thực tiễn, qua đó có thể thay đổi thói quen, hình thành các năng lực và phẩm chất cần thiết của con người trong cuộc sống. Do vậy, các cơ sở đào tạo GVMN cần quan tâm đến tính chất hai mặt của tác động văn hoá đến việc hình thành nhân cách GVMN để phát huy các ảnh hưởng tích cực và khắc phục các rào cản trong quá trình đào tạo nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người học. Hiệu quả của quá trình đào tạo phụ thuộc trước hết vào chương trình đào tạo. Một chương trình đào tạo nghề có chất lượng phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực của thực tiễn. Do vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo GVMN phải xuất phát từ thực tiễn GDMN để xác định mục tiêu, nội dung các môn khoa học cho phù hợp. Cần phải xem xét tác động của văn hoá đến đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra để tổ chức quá trình đào tạo đúng hướng nhằm thúc đẩy các yếu tố tích cực, hạn chế các yếu tố tiêu cực, phát huy tối đa nội lực của người học đáp ứng yêu cầu thực tiễn GDMN. - Đầu vào (đối tượng tào tạo). Sinh viên mới vào trường là những người trẻ trung, nhiệt tình, có trình độ văn hóa, nhiều tham vọng với mong muốn sáng tạo, hướng đến cái mới, thay đổi cái cũ. Tuy nhiên, sự hiểu biết về xã hội của họ còn hạn chế, kinh nghiệm sống ít ỏi, lại chịu ảnh hưởng của cách dạy dỗ mang tính phục tùng theo khuôn phép ở gia đình Việt Nam nên khi bước vào môi trường mới thường lúng túng trong các quyết định 102 Một số giải pháp phát huy ảnh hưởng của văn hoá... cần thiết có thể dẫn đến sai lầm nhận thức và hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quá trình đào tạo. Như vậy, để chuẩn bị cho việc đào tạo nghề có hiệu quả cần phải tiến hành rà soát lại đối tượng đào tạo (không chỉ dựa trên kết quả học tập ở phổ thông và điểm thi đại học) để xác định rõ cách thức nhận thức, quan niệm, suy nghĩ, nguyện vọng, sở trường, mong muốn của người học. Những thông tin này là cơ sở giúp cho việc điều chỉnh quá trình đào tạo kịp thời nhằm phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế của nó. - Quá trình đào tạo. Chất lượng đào tạo GVMN chịu ảnh hưởng nhiều thành tố của quá trình đào tạo: mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện, đánh giá, giáo viên Sư phạm mầm non (SPMN)... Vì vậy, cần phải tính đến tác động của văn hoá đến tất cả các khâu trên của quá trình đào tạo. Nếu quan niệm mục tiêu đào tạo là phát triển ở người học một cách tối đa mọi tiềm năng tiềm ẩn trong họ, làm cho họ có khả năng làm chủ mọi tình huống, đương đầu với mọi thách thức sẽ gặp phải trong cuộc đời, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp một cách chủ động sáng tạo thì cần chú trọng vào cách học. Điều này, sẽ chỉ đạo việc lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học. Cần thay đổi quan niệm về nội dung đào tạo. Tư duy dàn trải và cào bằng trong việc xác định các môn học và thời lượng của nó không còn phù hợp với yêu cầu của việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay nữa. Hơn nữa, cần nhận thức rõ và kiên định với quan niệm cho rằng nội dung đào tạo không chỉ là tri thức lí thuyết, thực hành mà còn là kiến thức về phương pháp (cách học, cách nghĩ, cách làm, cách giải quyết các vấn đề của thực tiễn...). Đây là cơ sở để các nhà làm chương trình cân đối lại các môn học trong chương trình đào tạo, đảm bảo thời lượng cho các môn chung vừa đủ làm cơ sở cho người học có thể lĩnh hội kiến thức chuyên ngành. Đồng thời, nó cũng định hướng cho việc thay đổi phương pháp đào tạo. Việc đổi mới phương pháp đào tạo cần phải hướng đến mục tiêu đào tạo nghề và giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực và thời gian đào tạo ngày càng giảm. Dựa vào đặc thù của chương trình đào tạo GVMN để lựa chọn và phối hợp các phương pháp giáo dục tích cực nhằm tạo ra hiệu quả giáo dục; cần tạo các cơ hội cho sinh viên được tích cực, chủ động thể hiện ý tưởng, khả năng của họ; tạo điều kiện cho họ được tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện kĩ năng sư phạm không chỉ trong quá trình thực hành mà ngay trong khi dạy lí thuyết; xây dựng môi trường dạy học thân thiện để khơi dậy tiềm năng trí tuệ cho sinh viên giúp họ có thể phát huy hết tiềm năng phục vụ cho quá trình giáo dục trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở thực hành để sinh viên có thể thực thi các ý tưởng mới tích cực trên thực tiễn. Phương pháp đánh giá kết quả quá trình đào tạo cũng cần thay đổi. Một mặt, phải kết hợp đánh giá quá trình với đánh giá cuối học phần hay cuối đợt thực hành, thực tập để bản thân sinh viên, giáo viên Sư phạm thấy được sự tiến bộ của sinh viên, hiệu quả của 103 Hoàng Thị Phương phương pháp dạy học và trên cơ sở đó có thể điều chỉnh cách học, cách dạy kịp thời. Mặt khác, cần nâng cao yêu cầu đánh giá đáp ứng mục tiêu đạo tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay: cần coi trọng các tiêu chí đánh giá mức độ hiểu, vận dụng sáng tạo hơn là đánh giá trình độ ghi nhớ đơn thuần; trong đánh giá kết quả thực hành coi trọng các ý tưởng sáng tạo hơn là mức độ thực hiện thuần thục các kĩ năng đơn giản. Việc tạo ra những thay đổi trên đây trong quá trình đào tạo lại phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên SPMN, giáo viên trường thực hành - những người trực tiếp tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận cái mới và thực thi cái mới trong giáo dục trẻ em. Đồng thời, họ cũng có thể tạo ra các rào cản trong quá trình đào tạo. Do vậy, giáo viên SPMN phải trở thành những người tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình giảng dạy, tự học, thực hành và nghiên cứu khoa học giúp họ có đủ kiến thức, kĩ năng để thực thi ý tưởng và có bản lĩnh để bảo vệ ý tưởng của mình dựa trên cơ sở khoa học; Trường SPMN phải có sự phối hợp với các cơ sở thực hành để thống nhất cách thức tổ chức thực hành, thực tập cho sinh viên và cách thức đánh giá hoạt động thực hành của sinh viên tạo điều kiện cho họ được làm việc trong môi trường “tự do sáng tạo” để thể hiện các ý tưởng tích cực trong giáo dục trẻ MN. - Đầu ra (sản phẩm đào tạo). Một qui trình đào tạo giáo viên chỉ thực sự kết thúc sau khi có thông tin phản hồi trên thực tiễn giáo dục trẻ MN về chất lượng đào tạo giáo viên. Sản phẩm của quá trình đào tạo có được thực tiễn chấp nhận hay không có giá trị như một áp lực với cường độ mạnh có tác dụng điều chỉnh lại quá trình đào tạo. Những thay đổi chậm trễ của quá trình đổi mới trên thực tiễn giáo dục MN hiện nay lại có thể trở thành lực cản quá trình đổi mới ở trường Sư phạm. Do vậy, để có thể thực hiện quan điểm giáo dục tích cực trên thực tiễn, cần có sự phối hợp thống nhất giữa các cơ sở tham gia vào quá trình giáo dục trẻ MN như các trường Sư phạm MN, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lí GDMN. 2.2. Giải pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình GDMN a) Về việc xây dựng chương trình GDMN. Chương trình GDMN là bản thiết kế tổng hợp được vạch ra với các mục tiêu và cách thức để đạt được nó trong thời gian nhất định. Nó cho biết toàn bộ nội dung giáo dục, chỉ rõ điều gì có thể trông đợi ở trẻ, phác hoạ qui trình cần thiết để thực hiện nội dung cũng như cách thức kiểm tra đánh giá và tất cả được sắp xếp theo thời gian chặt chẽ. Chính vì vậy, hiệu quả GD trẻ phụ thuộc trước hết vào chương trình GDMN. Trên thực tiễn, việc xây dựng chương trình GDMN chủ yếu do các nhà nghiên cứu về chương trình đảm nhiệm có sự phối hợp với các chuyên gia khác thuộc lĩnh vực GDMN. Trải qua nhiều lần thay đổi chương trình GDMN, nhưng cách thức xây dựng chương trình không có sự thay đổi nhiều, chủ yếu vẫn dựa trên sự tham khảo chương trình các nước trên thế giới và thay đổi đôi chút cho phù hợp với trẻ em VN, cũng như hoàn cảnh kinh 104 Một số giải pháp phát huy ảnh hưởng của văn hoá... tế, xã hội nước ta. Thực tế, chúng ta chưa có sự khảo sát toàn diện về thực tiễn GDMN, đặc biệt là xác định những tác động của văn hoá đến GDMN thông qua cách thức GD trẻ của GVMN, các bậc cha mẹ, cách quản lý GD... làm cơ sở để xây dựng một chương trình GDMN riêng, mang nét độc đáo của văn hoá, con người VN. Do vậy, cần phải xây dựng một chương trình GDMN phản ảnh những đặc trưng cơ bản của con người và xã hội VN. Bởi vì đây là chương trình GD trẻ MN và do GVMN là người VN thực thi, trong môi trường GD là xã hội VN. Tất các các yếu tố này chi phối việc thực thi chương trình GD và có ảnh hưởng rõ đến hiệu quả GD trẻ trên thực tiễn. Để phát huy ảnh hưởng của văn hoá, khắc phục các rào cản của nó trong quá trình thực hiện chương trình (tư tưởng quá sùng bái cái mới; nôn nóng bỏ cũ, thay mới; không lường trước được các trở ngại khi đưa chương trình vào thực tiễn) cần lưu ý đến một số điểm khi xây dựng chương trình GDMN: - Cần xác định rõ cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình. Nếu coi đây là chương trình hướng đến sự phát triển trẻ MN thì toàn bộ chương trình từ việc đặt mục tiêu, xác định nội dung, lựa chọn phương pháp, phương tiện, cách đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình cũng phải hướng đến phát triển mọi tiềm năng của trẻ, giúp trẻ học cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của nó một cách chủ động sáng tạo. - GVMN phải được tham gia và tham gia tích cực vào việc xây dựng, đánh giá và điều chỉnh chương trình giáo dục. Sự tham gia này giúp họ hiểu rõ chương trình GD mà họ là người trực tiếp thực hiện; đồng thời, cũng giúp cho người làm chương trình dự kiến trước được những thuận lợi khó khăn của việc thực thi chương trình trên thực tiễn. - Khi xác định nội dung chương trình cần quan tâm đến yếu tố truyền thống trong giáo dục trẻ MN. Trên cơ sở đó sẽ bổ sung dần những tri thức mới, phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ, đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay. - Cách phân bố chương trình phải dựa trên cách thức lĩnh hội và lưu giữ thông tin của trẻ, cũng như đặc điểm điều kiện tự nhiên, địa lý, xã hội của nước ta, khắc phục lối tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa của người làm chương trình, người thực hiện chương trình trên thực tiễn. b) Về tổ chức thực hiện chương trình GDMN. Hiệu quả GD trẻ không chỉ phụ thuộc vào chương trình GDMN, vào chất lượng đào tạo GVMN mà chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tổ chức quản lý hoạt động GD trẻ ở trường MN. Nhân tố văn hoá có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình này, có thể thúc đẩy hoặc cản trở GVMN thực thi chương trình giáo dục trẻ trong thực tiễn. Do vậy, để phát huy ảnh hưởng của văn hoá trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục ở trường MN, cần thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, duy trì phong cách làm việc khoa học, kỉ cương, dân chủ trong trường MN. Nó đòi hỏi các cán bộ quản lí cũng như toàn bộ giáo viên, nhân viên trong trường 105 Hoàng Thị Phương phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động chung của nhà trường. Muốn vậy, phải tôn trọng kỉ luật nhà trường, chú ý đến danh dự của nhà trường trong cư xử với mọi người, đoàn kết hợp tác trên những nguyên tắc chung, chống lại bệnh quan liêu, cơ hội. Nền kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn những yếu tố, điều kiện thuận lợi làm nảy sinh tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tạo ra những mặt trái, tiêu cực trong lối sống, quan niệm và hành vi đạo đức trái ngược với quan niệm đạo đức mới. Do vậy, cần cụ thể hoá các qui định về đạo đức nhà giáo trong trường MN và tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên nhà trường thực hiện một cách tự giác, tạo thành nề nếp, thói quen làm việc có tính chuẩn mực trong nhà trường. Thứ hai, xây dựng nếp sống văn hóa trong trường MN.Môi trường văn hoá ở trường MN được hình thành, phát triển và hoàn thiện từ chức năng, nhiệm vụ và vai trò của nó đối với việc GD trẻ. Các biểu hiện rõ nhất của nó thể hiện trong quan hệ chỉ đạo, phối hợp và phụ thuộc giữa giáo viên, nhân viên và ban giám hiệu nhà trường; ở các chuẩn mực xử sự, nghi thức giao tiếp, phương pháp giải quyết công việc, ý thức chấp hành kỉ luật, kể cả hình thức bên ngoài như việc xây dựng, bài trí trường lớp, sử dụng bỉểu tượng, cách ăn mặc, đi đứng của các thành viên... Môi trường văn hoá có ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ, thói quen làm việc của các thành viên trong trường, chấp nhận nó như một truyền thống. Do vậy, nó có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng nếp sống văn hoá trong trường MN thông qua hành vi điều hành và hoạt động của cán bộ, giáo viên, nhân viên như: đề cao tinh thần tự quản, tự giác, thái độ có trách nhiệm với công việc và cơ hội vươn lên của mọi người; áp dụng cách thức điều hành dân chủ của cán bộ quản lí, áp dụng các quy chế để điều hành và kiểm tra công việc; nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, hợp tác, tin cậy lẫn nhau; tạo ra bầu không khí cởi mở trong trường MN, các chuẩn mực thi đua, khen thưởng được đề ra thích đáng, giải quyết các xung đột hợp lý... Đề cao các thái độ cầu thị, đoàn kết, khiêm tốn, lên án các thái độ hách dịch, cục bộ, vô kỉ luật... Thứ ba, quan tâm thích đáng đến việc phát triển nguồn nhân lực là GVMN. GVMN vừa là lực lượng thúc đấy quá trình đổi mới GDMN, vừa có thể cản trở quá trình này. Do vậy, phải quan tâm đến việc phát triển nội lực ở họ bằng cách: Đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho GVMN, đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định, an toàn, dân chủ để chuyên tâm với công việc, tạo điều kiện cho họ được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, được phát triển trong cộng đồng; Nâng cao năng lực tự thực hiện nhu cầu cho GVMN, tạo điều kiện để họ có thể tự thay đổi vị thế của mình trong cộng đồng, xã hội dựa vào khả năng tự vận động, biết sử dụng chuyên môn của mình và tận dụng xu thế phát triển của xã hội hiện đại để tự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình; Mở rộng các cơ hội cho GVMN được lựa chọn để thực hiện nhu cầu, tạo điều kiện cho họ được lựa chọn công việc, cách thức giáo dục trẻ, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ... theo đúng nhu cầu, hứng thú, khả năng của mình giúp họ thể hiện bản thân, tự khẳng định mình. 106 Một số giải pháp phát huy ảnh hưởng của văn hoá... 3. Kết luận Ảnh hưởng của văn hoá đến thực tiễn GD trẻ MN cho thấy việc đào tạo và sử dụng GVMN cần hướng đến việc duy trì và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống và bổ sung các giá trị mới cho phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện nay. Bên cạnh mặt tích cực cần phát huy luôn tồn tại mặt trái ẩn sau nó tạo thành lực cản trong thực tiễn GD thường khó nhận thấy, nên khó thay đổi. Cách tốt nhất là sử dụng mặt tích cực để khống chế mặt trái của nó trong quá trình đào tạo nghề cũng như trong việc xây dựng và triển khai chương trình GDMN trên thực tiễn. Điều này sẽ giúp cho các nhà giáo dục trẻ thấy được mặt tích cực và nhận ra mặt trái của nó đang tồn tại trong chính họ, làm cản trở hoạt động giáo dục trẻ để họ tự khắc phục trong thực tiễn. Đây là việc làm không đơn giản nhưng không phải không làm được nếu bản thân chúng ta kể cả những người đào tạo GV, sử dụng GV và bản thân GV có hiểu biết, có mong muốn và sẵn sàng thay đổi. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Chí Bảo, 2010. Văn hoá và con người Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2] Chương trình giáo dục mầm non, 2009. Ban hành kèm theo Thông tư số:17/2009/TT- BGD ĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [3] Nguyễn Văn Khánh, 2010. Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Hoàng Thị Phương, 2012. Tác động của văn hoá đến việc hình thành nhân cách giáo viên mầm non. Tạp chí Giáo dục. [5] Nguyễn Quang Uẩn, 2010. Tuyển tập nghiên cứu về Tâm lí-Giáo dục. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. ABSTRACT The influence of culture in preschool education Social development is associated with exposure to new things and an acceptance always faces barriers, among them the barrier of tradition. For this reason, innovation of educa- tion and particularly preschool can be hindered by cultural requirement. Applying foreign cultural values in education is inconsistent with the nature of Vietnamese culture and any effort to do so is bound to fail. Therefore, in order to bring about any innovation, that which is new should be presented with respect to the cultural impact. A preschool teacher should promote traditional cultural values and attempt to only add new values in order to meet the requirements of society today. 107
Tài liệu liên quan