Một số vấn đề về năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học của học sinh trung học cơ sở

Tóm tắt. Bài viết tập trung nghiên cứu về năng lực nói chung và năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học của học sinh trung học cơ sở nói riêng. Trong sự so sánh giữa quan niệm tiếp nhận truyền thống (tiếp nhận tri âm) với quan điểm tiếp nhận hiện đại, tác giả bài viết đã khẳng định tính khả thi khi xây dựng các biện pháp hướng dẫn cho học sinh trung học cơ sở cách thức, kĩ thuật tự tiếp nhận tác phẩm văn học một cách hiệu quả.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 211 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học của học sinh trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Education Science, 2013, Vol. 58, No. 4, pp. 88-93 This paper is available online at MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NĂNG LỰC TIẾP NHẬN TÁC PHẨM VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ Trương Thị Bích Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài viết tập trung nghiên cứu về năng lực nói chung và năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học của học sinh trung học cơ sở nói riêng. Trong sự so sánh giữa quan niệm tiếp nhận truyền thống (tiếp nhận tri âm) với quan điểm tiếp nhận hiện đại, tác giả bài viết đã khẳng định tính khả thi khi xây dựng các biện pháp hướng dẫn cho học sinh trung học cơ sở cách thức, kĩ thuật tự tiếp nhận tác phẩm văn học một cách hiệu quả. Từ khóa: Năng lực tiếp nhận, đổi mới giáo dục, lí luận dạy học. 1. Mở đầu Các nghiên cứu về năng lực, về tiếp nhận tác phẩm văn học (TPVH), về đặc trưng phẩm chất tâm lí của lứa tuổi thiếu niên đã là những gợi ý cho các nhà giáo dục, các nhà phương pháp dạy học đưa ra các biện pháp phù hợp và khả thi trong quá trình dạy học đọc – hiểu TPVH. Trên cơ sở về quan niệm năng lực của học sinh (HS) trung học cơ sở (THCS) trong tiếp nhận văn học ở mức độ bình thường (cùng với mức tài năng và thiên tài), cùng với quan điểm tiếp nhận kí thác (xem tác phẩm như là nơi gửi gắm tư tưởng, tình cảm của người đọc), có thể khẳng định khả năng tự tiếp nhận, tự khám phá, cảm nhận cái hay, cái đẹp TPVH của HS THCS dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV). 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái niệm năng lực và năng lực tự tiếp nhận TPVH của HS THCS 2.1.1. Khái niệm Tâm lí học hiện đại cho rằng con người ta không những khác nhau về nhu cầu, hứng thú, tính tình, khí chất,... mà còn khác nhau về năng lực. - Năng lực là toàn bộ những thuộc tính tâm lí, làm cho người ta thích hợp với một loại hoạt động nhất định, đưa lại lợi ích cho xã hội (Rubinstêin). Ngày nhận bài: 15-12-2012. Ngày chấp nhận đăng: 18-4-2013 Liên hệ: Trương Thị Bích, e-mail: bichnxbgd@gmail.com 88 Một số vấn đề về năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học... - Năng lực đó là tổng hợp những thuộc tính của cá nhân, những thuộc tính đó xác định kết quả sự luyện tập nào đó của học tập và rèn luyện (Platônôp). - Năng lực là những đặc điểm tâm lí của con người mà nhờ đó sự tiếp thu tích luỹ những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo được dễ dàng và nhanh chóng hơn (Pêtơrôpxki). - "Năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy" [4]. Nhìn chung, các nhà tâm lí thường xem xét năng lực ở hai khía cạnh: sự tổng hợp các thuộc tính tâm lí và hiệu quả công việc. Tính nhạy bén, tính chắc chắn, sâu sắc và dễ dàng là những biểu hiện của năng lực trong quá trình lĩnh hội một hoạt động nào đó. Người có năng lực là người đạt hiệu suất và chất lượng hoạt động cao trong những hoàn cảnh khách quan và chủ quan như nhau (điều kiện hoạt động, vốn kiến thức ban đầu, kinh nghiệm,...). Năng lực có yếu tố bẩm sinh nhưng nếu những thuộc tính làm nên năng lực đó không được đưa vào thử thách trong các hoạt động cụ thể thì năng lực sẽ không bao giờ được bộc lộ và tất nhiên không bao giờ có sản phẩm của năng lực bẩm sinh. Năng lực không phải là của "trời cho" mà là sản phẩm của nỗ lực và rèn luyện. Năng lực cũng phải chịu sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Ví dụ, học sinh (HS) muốn có năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học (TPVH) thì phải rèn luyện các kĩ năng thuộc về tiếp nhận. Đó là kĩ năng đọc văn, kĩ năng hiểu văn, kĩ năng phân tích, cắt nghĩa, bình giá TPVH. Tức là, phải bằng lao động và trong lao động, năng lực mới được hình thành và phát triển. Năng lực tiếp nhận TPVH một cách độc lập cũng phải được rèn luyện và phát triển trong hoạt động của các thao tác tiếp nhận cụ thể. 2.1.2. Các mức độ của năng lực với việc rèn luyện năng lực tự tiếp nhận TPVH của HS THCS Người ta chia năng lực thành ba mức độ khác nhau, đó là năng lực bình thường, tài năng và thiên tài [3]. - Năng lực bình thường là cách nói chung nhất, chỉ mức độ thấp nhất của năng lực, biểu thị sự hoàn thành có kết quả một hoạt động nào đó. - Tài năng chỉ mức độ cao hơn năng lực, người có tài năng chính là người có khả năng giải quyết được các vấn đề trong thực tiễn và trong lí luận một cách sáng tạo, tạo ra những giá trị trong cuộc sống. Tài năng là sự kết hợp phức tạp nhiều năng lực. Tập hợp những năng lực đó chỉ thực sự trở thành tài năng trong lao động cần cù sáng tạo. ”Tài năng về cơ bản là tình yêu tha thiết đối với công việc” (M. Gorki). Những người có tài năng khác những người xung quanh không chỉ ở những năng lực đó mà còn ở khả năng làm việc to lớn, ở sự cần cù, miệt mài trong công việc. - Thiên tài chỉ mức độ cao nhất của năng lực. Thiên tài là năng lực kiệt xuất của những vĩ nhân trong lịch sử nhân loại. Với ba mức phân chia trên của năng lực, bài viết quan niệm năng lực trong tiếp nhận TPVH của HS THCS ở mức độ một, tức năng lực bình thường. Đây là mức độ thấp 89 Trương Thị Bích nhất của năng lực, biểu thị sự hoàn thành có kết quả một hoạt động nào đó. Ở đây đặt ra yêu cầu: HS THCS qua quá trình rèn luyện, thực hành, lĩnh hội dưới sự hướng dẫn, tổ chức của GV sẽ có năng lực đủ để hoàn thành việc khám phá và diễn đạt cái hay, cái đẹp của TPVH. Không thể đặt ra yêu cầu các em phải có năng lực ở mức tài năng hoặc thiên tài. Đấy là thiên bẩm, đấy là năng khiếu. Tuy nhiên, cũng không thể không chú ý đến đối tượng HS có năng khiếu về văn học (dù đối tượng này không nhiều). GV giỏi là người có khả năng nắm vững đối tượng HS, có kế hoạch riêng trong việc bồi dưỡng năng lực văn học cho từng đối tượng, chuẩn bị cho bước nhận thức cao hơn về văn học nói riêng và tất cả các bộ môn nói chung. 2.2. Năng lực tiếp nhận TPVH của HS THCS Với lứa tuổi HS THCS, nếu quan niệm năng lực gắn với năng khiếu thì có rất nhiều kiểu năng khiếu khác nhau. Em có giọng ca tốt, em giỏi môn toán, em am tường về lịch sử, em vẽ rất đẹp,... Thế nhưng những năng khiếu như thế rất ít và không thể cứ có bất kỳ một sự tác động giáo dục nào cũng đều tạo nên được các năng khiếu ấy. Như đã trình bày ở trên, quan niệm của tác giả bài viết về năng lực của HS ở các môn học nói chung và với môn Văn nói riêng trong nhà trường THCS là từ các thuộc tính tâm lí lứa tuổi sẵn có, với sự tác động giáo dục có tính sư phạm, các em sẽ được rèn luyện cách thức, kĩ năng để đón nhận, tiếp thu kiến thức ở mức độ ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Tất nhiên, tuỳ vào tố chất của từng HS mà cùng một điều kiện tác động sư phạm của GV, các em sẽ có khả năng đón nhận kiến thức ở mức độ khác nhau. Về khái niệm ”tiếp nhận": Tiếp nhận có nghĩa là "đón nhận cái từ người khác, nơi khác chuyển giao cho" [5]. Cũng là "đón nhận", cũng là "chuyển giao" nhưng tiếp nhận TPVH tinh tế, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Nội dung tiếp nhận VH không có hình khối, màu sắc,... mà vô ảnh, vô hình. TPVH chỉ thực sự có hình ảnh, có sức sống trong tư duy, trong trí não, trong sự liên tưởng, tưởng tượng của người đọc. Nghiên cứu và xây dựng khoa học tiếp nhận văn học là một bước phát triển của khoa học lí luận và phương pháp giảng dạy văn học. Quan điểm tiếp nhận văn học truyền thống rất tâm đắc với tiếp nhận tri âm và tiếp nhận kí thác [6]. Tiếp nhận tri âm đòi hỏi người tiếp nhận phải hiểu và cảm cuộc sống được gợi lên trong tác phẩm như chính tác giả. Tức là người đọc phải có "thế giới nội tâm trùng với thế giới nội tâm của nhà văn". Với quan niệm tiếp nhận tri âm này, có thể hình dung được một thời, TPVH đã được coi là một sản phẩm xa xỉ, sang trọng, kén người đọc, không phải ai cũng được đọc và đọc được. Đây là yêu cầu tuyệt đối hoá, hiếm hoi và khó thực hiện. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long đã phải than: "Tri âm thực khó thay, âm đã khó tri mà người tri cũng khó gặp, hoạ hoằn gặp được, nghìn năm có một". Tuyệt đối hoá quan niệm tiếp nhận tri âm trong xã hội hiện đại ngày nay càng khó có sức thuyết phục. Thứ nhất, thế hệ độc giả ngày nay đông đảo và khả năng tiếp nhận của họ đa dạng hơn nhiều. Họ có quyền được đọc và có đủ điều kiện để đọc và hiểu được TPVH. Chính họ là người thẩm định giá trị của TPVH, quyết định sự tồn tại, sức sống của 90 Một số vấn đề về năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học... TPVH đó. Thứ hai, tác giả sáng tạo ra tác phẩm, nhưng độc giả lại có nhiều cách để thẩm định nó. Thực tế đã có rất nhiều tác giả phải cảm ơn người đọc khi trong quá trình thưởng thức, người đọc đã phát hiện ra giá trị mới của tác phẩm. Quan niệm tiếp nhận kí thác đi ngược lại với tính tiếp nhận lí tưởng của quan niệm tri âm. Quan niệm tiếp nhận này được thực hiện theo nguyên tắc: "Người ta nói không có ý ấy, nhưng người nghe có lòng" và "Dụng tâm của tác giả chưa chắc đã vậy, nhưng dụng tâm của người đọc tại sao lại không phải như vậy". Quan niệm đọc kí thác xem tác phẩm như là nơi gửi gắm tư tưởng, tình cảm của người đọc. Cách hiểu của người đọc có hợp với ý định của tác giả hay không không quyết định, cái chính là gặp gỡ với tác giả ở chỗ nào đó. Tiếp nhận văn học như là cái cớ cho hoạt động tưởng tượng. Đúng là nghệ thuật có chức năng phát triển tưởng tượng nhưng nó vốn là một "sinh mệnh" hoàn chỉnh, một kết cấu chặt chẽ, thành tố của tác phẩm tự nó mang các chuẩn mực để cắt nghĩa nó. Bản thân tác phẩm có nghĩa tự trị. Nếu trí tưởng tượng của người đọc vượt quá phạm vi cho phép sẽ trở thành sự suy diễn vô căn cứ. lí luận tiếp nhận hiện đại đã biết trân trọng và phát huy những gì là ưu điểm của lí luận tiếp nhận truyền thống. Tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật nhất định phải là sự tiếp nhận của tâm hồn, của trái tim, cho nên phải tri âm và kí thác. Trong giảng dạy TPVH cụ thể, GV cần phải vận dụng quan điểm tiếp nhận tri âm để đưa HS trở về với con đường sáng tạo của nhà văn, trở về với hoàn cảnh, với thời gian sáng tác, hiểu sâu hơn nỗi niềm, tình cảm của nhà văn... Chẳng hạn, người đọc sẽ mãi đồng cảm với niềm hạnh phúc, niềm vui sáng tạo của nhà văn Hồ Phương khi bắt gặp anh bộ đội mà "năm ngón chân tòi ra khỏi đôi giầy vải đã rách". Sau thời gian khói lửa chiến tranh, anh đã trở về nông trường và vui vẻ với nghề chăn bò của một người công nhân bình thường. Nhân vật anh Nhẫn trong tác phẩm Cỏ non chính là bóng dáng của người công nhân bình thường này,... GV cũng phải biết vận dụng quan niệm tiếp nhận kí thác để động viên, khuyến khích HS mạnh dạn tưởng tượng và sáng tạo từ ý nghĩa của bản thân tác phẩm. Tuy nhiên, như đã trình bày, muốn tri âm và kí thác phải có căn cứ từ ý nghĩa thực tế của tác phẩm, từ phẩm chất tâm lí của chủ thể tiếp nhận, tuỳ khả năng sáng tạo của mỗi loại người đọc... Ý nghĩa của lí luận tiếp nhận hiện đại là giải thích rõ được hoạt động tiếp nhận và từ đó cho thấy sự tồn tại đích thực của tác phẩm cũng như số phận lịch sử của nó. Tiếp nhận văn học là cụ thể hoá, hiện thực hoá tác phẩm trong trí tưởng tượng, là sự đối thoại với tác giả, là quá trình chờ đợi, thắc mắc, giải đáp. Trong tiếp nhận, người đọc có thể gặp gỡ với tác giả, và cũng có thể cách xa so với tác giả. Như vậy, năng lực tiếp nhận TPVH là năng lực đón nhận (có hiệu quả) những giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức, giá trị giáo dục từ TPVH, từ tác giả và từ sự hướng dẫn, tổ chức của người dạy học. Các hành động "đón nhận" và "chuyển giao" hay tiếp nhận văn học chính là "một quá trình hoạt động bằng sự thực hành và thưởng thức" [2]. Năng lực tiếp nhận TPVH chỉ được hình thành và rèn luyện trong hoạt động tiếp nhận văn học. Vậy bản chất của hoạt động tiếp nhận văn học là gì ? Hoạt động ấy trong nhà trường diễn ra ra sao với tầm đón nhận của HS THCS. Hoạt động tiếp nhận TPVH chỉ xảy ra khi có hiện tượng giao tiếp giữa chủ thể tiếp 91 Trương Thị Bích nhận và đối tượng tiếp nhận. Nhà văn đứng đằng sau tác phẩm chờ đợi sự cảm thông, phán xét, đánh giá của người tiếp nhận. Trong quá trình tiếp nhận, TPVH từ hệ thống kí hiệu ngôn ngữ im lặng trở nên toả sáng lung linh làm bừng thức lí trí hướng tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ của người tiếp nhận. TPVH đang được sinh thành trong tâm thức người đọc nó. Muốn tiếp nhận một TPVH, người tiếp nhận phải bắt đầu bằng việc đọc văn bản. Các hình thức đọc trong môi trường lớp học là đọc - nghe, đọc - nhìn và đọc - phát âm. Đọc - nghe là sự tiếp xúc giữa người đọc với tác phẩm qua việc nghe đọc diễn cảm của người khác ; đọc - nhìn là đọc thầm, đọc một mình ; đọc - phát âm là tiếp xúc với tác phẩm bằng chính giọng đọc của mình. Tất cả các hình thức đọc đó là bước đầu chuẩn bị cho một sự tìm tòi, khám phá và cảm nhận văn bản văn học: đọc - hiểu. Cũng có nhiều cách khác để đến với TPVH (đọc các bài phê bình, đánh giá văn học, nghe người khác giảng,...) nhưng bản chất của hoạt động giao tiếp văn học chỉ thực sự diễn ra khi người đọc phải tự mình đọc, suy ngẫm, tìm tòi, so sánh, liên tưởng các yếu tố nội dung, nghệ thuật trong bản thân TPVH. Như vậy, đọc văn gắn với việc hiểu văn và có hiểu được văn mới viết được văn. Phải phân biệt rõ đọc chữ với đọc văn, viết chữ với viết văn. Đọc chữ chỉ đơn thuần là đọc phát âm, đọc cho ”tròn vành rõ chữ”, còn đọc văn là cả một quá trình hoạt động phức tạp của lí trí tỉnh táo, của sự rung cảm mãnh liệt tâm hồn trong việc chiếm lĩnh, khám phá TPVH, là sự "ngộ ra", "nhận ra" chân lí nghệ thuật cũng như chân lí cuộc sống. Muốn tiếp nhận văn bản văn học, người đọc phải có một trình độ đọc - hiểu nhất định. Ở góc độ nào đó, đọc - hiểu chính là đọc - phân tích. "Đọc - hiểu là một hoạt động giao tiếp, ở đó người đọc lĩnh hội lời nói đã được viết thành văn bản nhằm làm thay đổi những hiểu biết, tình cảm hoặc hành vi của chính mình, đọc - hiểu là hoạt động đọc cho mình (người đọc)" [1]. Người đọc không phải lúc nào cũng hiện diện trực tiếp bên cạnh một tác phẩm đã hoàn thiện. Trong quá trình sáng tác, tác giả cũng đã hình dung ra thế hệ độc giả cho cuốn sách của mình. Tức là, ngay trong quá trình "sinh thành", tác phẩm cũng đã "bị" người đọc giám sát. Hay nói cách khác, người đọc này đã góp phần kiến tạo nên cấu trúc, nội dung tác phẩm, kiến tạo nên "đề án tiếp nhận". Các nhà lí luận gọi đó là người đọc giả định. Còn người đọc thực tế là những người được trực tiếp thưởng thức tác phẩm, trực tiếp thẩm định tác phẩm. Với người đọc thực tế này, không như văn học một thời chỉ dành cho những người "biết đọc", TPVH đến với mọi đối tượng người đọc có nhu cầu được đọc, có quyền được đọc. Nếu như người đọc tinh hoa là những người đọc "sành điệu", có trình độ đọc văn ở bậc cao thì đối tượng người đọc - HS nếu không có sự hướng dẫn, điều chỉnh của GV chắc chắn sẽ có những cách đọc tự phát, ngây thơ. Thực tế dạy học đã cho rất nhiều dẫn chứng. Quả thật, nói có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu cách hiểu khác nhau về một văn bản văn học là rất đúng. Từ "đề án tiếp nhận", từ "vai trò gạch nối", từ "cái neo giữ cho độc giả cùng thời với tác giả hiểu thấu đáo giá trị văn bản" [2], người đọc có thể tha hồ đưa trí tưởng tượng để hiểu văn bản theo trình độ riêng của mình. Tuy nhiên, như đã đề cập, không thể hiểu "thoải mái", "tự do"... một cách phi nghệ thuật và dung tục. HS trong nhà trường phổ thông sẽ được học cách tiếp nhận TPVH một cách có hệ thống, theo nguyên tắc cảm nhận nghệ thuật, cảm nhận cái đẹp. Mọi suy tưởng của HS về TPVH phải xoay xung quanh sợi chỉ đỏ (chủ đề) xuyên suốt tác phẩm mà nhà văn đã kiến tạo nên cho dù trí tưởng tượng của các em có ”bay bổng” đến bao nhiêu đi 92 Một số vấn đề về năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học... nữa. Đây là điểm khác giữa tiếp nhận TPVH trong nhà trường và tiếp nhận TPVH ngoài nhà trường. Trong nhà trường, HS được hướng dẫn cách đọc - hiểu văn bản văn học nên suy nghĩ của các em về tác phẩm sẽ "chụm" hơn, "gần" hơn với chân lí nghệ thuật, giảm được cách hiểu tự phát, tự do, tuỳ tiện. Dưới sự giúp đỡ của GV, HS sẽ dần điều chỉnh được cách hiểu, cách cảm, tiến dần từ người đọc tự phát đến người đọc giả định và sẽ có một số HS nhờ năng khiếu thiên bẩm, nhờ sự miệt mài tự học sẽ có thể trở thành người đọc tinh hoa. 3. Kết luận Tiếp nhận văn học trong nhà trường, khác căn bản với tiếp nhận văn học ngoài nhà trường là HS (người tiếp nhận) được đặt trong môi trường giáo dục, trong quá trình dạy học. HS không chỉ lĩnh hội, tiếp nhận các đơn vị nghệ thuật của TPVH với mục đích giải trí đơn thuần, tự phát mà "thông qua việc dạy cách lĩnh hội văn bản, tập cho các em từng bước thành thạo các thao tác tư duy, tăng dần phẩm chất sáng tạo, phê phán của tư duy, từ đó cùng với các môn học khác góp phần dần dần hình thành năng lực giải quyết vấn đề ở các em" [1]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Hạnh, 2002. Dạy học đọc - hiểu ở Tiểu học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Nguyễn Thanh Hùng, 2002. Đọc và tiếp nhận văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Bùi Văn Huệ, 1996. Tâm lí học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [4] Hoàng Phê (chủ biên), 1997. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng. [5] Trần Đình Sử, 2003. Lí luận và phê bình văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Dương Thiệu Tống, 1995. Trắc nghiệm và đo lường kết quả học tập. Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. ABSTRACT Some theoretical issues on the capabilities of lower secondary school students to perceive a literary work The article deals with the the capabilities in general and the capabilities of lower secondary school students to perceive a literary work in particular. Comparing the tradi- tional perceptive capabilities and the modern perceptive capabilities of lower secondary school students, the authoress has affirmed that it is quite possible to develop and take meaures to teach lower secondary school students the ways and techniques to perceive a literary work effectively. 93
Tài liệu liên quan