Một số ý kiến về việc hướng dẫn tập đọc cho học sinh Lớp 4, 5

Tóm tắt. Bài viết khẳng định tầm quan trọng của dạy học Tập đọc lớp 4, 5 trong nhà trường Tiểu học. Căn cứ vào mục tiêu dạy học Tập đọc lớp 4, 5, tác giả đề xuất ba cấp độ dạy Tập đọc với học sinh cuối bậc Tiểu học: đọc đúng, đọc diễn cảm, đọc sáng tạo. Việc dạy học Tập đọc theo đề xuất của tác giả nếu được thực hiện đúng hướng sẽ góp phần giúp các em phát triển năng lực cảm thụ văn học, viết được những bài tập làm văn mang đậm dấu ấn cá nhân và đặc biệt các em sẽ hứng thú hơn với giờ học Tập đọc.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 213 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số ý kiến về việc hướng dẫn tập đọc cho học sinh Lớp 4, 5, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci. 2011, Vol. 56, No. 6, pp. 52-59 MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TẬP ĐỌC CHO HỌC SINH LỚP 4, 5 Trịnh Cam Ly Trường Đại học Sài Gòn E-mail: lytrinhcam@yahoo.com Tóm tắt. Bài viết khẳng định tầm quan trọng của dạy học Tập đọc lớp 4, 5 trong nhà trường Tiểu học. Căn cứ vào mục tiêu dạy học Tập đọc lớp 4, 5, tác giả đề xuất ba cấp độ dạy Tập đọc với học sinh cuối bậc Tiểu học: đọc đúng, đọc diễn cảm, đọc sáng tạo. Việc dạy học Tập đọc theo đề xuất của tác giả nếu được thực hiện đúng hướng sẽ góp phần giúp các em phát triển năng lực cảm thụ văn học, viết được những bài tập làm văn mang đậm dấu ấn cá nhân và đặc biệt các em sẽ hứng thú hơn với giờ học Tập đọc. 1. Đặt vấn đề Tiếng Việt là môn học quan trọng hàng đầu ở trường phổ thông nói chung và tiểu học nói riêng. Dạy Tiếng Việt ở nhà trường Tiểu học nhằm hình thành, phát triển ở học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt văn hóa để suy nghĩ, giao tiếp và học tập. Cuối bậc Tiểu học, học sinh có kĩ năng đọc thông, viết thạo, sử dụng được ngôn ngữ nói và viết trong giao tiếp (nói và viết câu đơn, câu ghép thông thường đúng ngữ pháp, nghe và đọc hiểu được văn bản có nội dung thích hợp với yêu cầu học tập và cuộc sống của các em). Tập đọc được dạy ở Tiểu học với tư cách là một phân môn của môn Tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm nhiệm việc hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh ở bậc học đầu tiên trong trường phổ thông. Biết đọc, khả năng tiếp nhận thông tin của học sinh tăng lên một cách nhanh chóng. Giờ dạy Tập đọc ở Tiểu học không chỉ đơn thuần rèn luyện kĩ năng đọc mà còn cung cấp tri thức, dạy các em biết rung cảm trước cái đẹp, cái thiện, hình thành những ước mơ và đặc biệt, khơi dậy trong các em năng lực hành động, sức mạnh sáng tạo. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối của bậc Tiểu học (lớp 4, 5), kĩ năng đọc của học sinh cần đạt được những cấp độ mới: đọc đúng, hiểu và có những cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn bản để đọc bằng cảm xúc và trái tim. Muốn làm được điều này, người giáo viên phải phát huy một cách sáng tạo vai trò của người tổ chức, hướng dẫn để học sinh đọc đạt được đến kết quả mong muốn. 52 Một số ý kiến về việc hướng dẫn tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Mục tiêu hướng dẫn Tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) xác định kĩ năng đọc cần đạt được với học sinh: * Lớp 4: - Đọc các văn bản nghệ thuật, khoa học, hành chính, báo chí. - Đọc thầm. - Đọc diễn cảm đoạn văn, bài thơ, màn kịch ngắn. - Tìm hiểu ý nghĩa của bài văn, bài thơ và một số chi tiết có giá trị nghệ thuật trong bài văn, bài thơ. - Đọc thuộc một số bài thơ, đoạn văn. - Dùng từ điển học sinh hoặc các sách công cụ để tra cứu, ghi chép thông tin. Dạy Tập đọc cho học sinh lớp 4 cần xác định 3 mức độ cần đạt: a) Đọc thông: + Đọc các văn bản nghệ thuật, khoa học, báo chí có độ dài khoảng 250 chữ, tốc độ 90 – 100 chữ/phút. + Đọc thầm với tốc độ nhanh hơn lớp 3 (khoảng 100 – 120 chữ/phút). + Bước đầu biết đọc diễn cảm đoạn văn, đoạn thơ phù hợp với nội dung của từng đoạn. b) Đọc – hiểu: + Nhận biết dàn ý của bài đọc; hiểu nội dung chính của từng đoạn trong bài, nội dung của cả bài. + Biết phát hiện một số từ ngữ, hình ảnh, chi tiết có ý nghĩa trong bài văn, bài thơ được học; biết nhận xét về nhân vật trong các văn bản tự sự. c) Ứng dụng kĩ năng đọc: + Thuộc 6 đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ ngắn trong sách giáo khoa. + Biết dùng từ điển học sinh, sổ tay từ ngữ, ngữ pháp,. . . để phục vụ cho việc học tập. + Bước đầu biết tìm thư mục để chọn sách đọc và ghi chép một số thông tin đã đọc. * Lớp 5: - Đọc các văn bản nghệ thuật, hành chính, khoa học, báo chí. - Đọc thầm, đọc lướt để nắm thông tin. - Đọc diễn cảm bài văn, bài thơ, màn kịch ngắn. 53 Trịnh Cam Ly - Tìm hiểu ý nghĩa của bài văn, bài thơ và một số chi tiết có giá trị nghệ thuật trong bài văn, bài thơ. - Tìm hiểu ý nghĩa của bài văn, bài thơ; một số chi tiết có giá trị nghệ thuật. Nhận xét về nhân vật, hình ảnh, cách sử dụng từ ngữ và tình cảm, thái độ của tác giả. - Đọc thuộc một số đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ. - Tra từ điển học sinh, sổ tay từ ngữ, ngữ pháp để tìm và ghi chép thông tin. Hiểu các kí hiệu, số liệu trên sơ đồ, biểu đồ,... Dạy Tập đọc cho học sinh lớp 5 cần xác định 3 mức độ cần đạt: a) Đọc thông: + Đọc đúng và lưu loát các văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi, kịch), hành chính, khoa học, báo chí. . . có độ dài khoảng 250 - 300 chữ với tốc độ 100 – 120 chữ/phút. + Biết đọc thầm bằng mắt với tốc độ nhanh hơn lớp 4 (khoảng 120 – 140 chữ/phút). + Biết đọc diễn cảm bài văn, bài thơ, trích đoạn kịch ngắn. (Biết điều chỉnh giọng đọc về cao độ, trường độ, nhấn giọng ở các từ ngữ quan trọng để thể hiện đúng cảm xúc trong bài.) b) Đọc – hiểu: + Nhận biết dàn ý và đại ý của văn bản. + Nhận biết ý chính của từng đoạn trong văn bản. + Phát hiện các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết có ý nghĩa trong bài văn, bài thơ, trích đoạn kịch được học. Biết nhận xét về nhân vật trong văn bản tự sự. Biết phát biểu ý kiến cá nhân về cái đẹp của văn bản đã học. c) Ứng dụng kĩ năng đọc: + Thuộc 6 đoạn văn, đoạn thơ, bài thơ ngắn trong sách giáo khoa. + Biết dùng từ điển học sinh, sổ tay từ ngữ, ngữ pháp,. . . để phục vụ cho việc học tập. + Bước đầu biết tìm thư mục để chọn sách đọc và ghi chép một số thông tin đã đọc. Như vậy, rõ ràng, dạy kĩ năng Tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 không còn đơn thuần chỉ dừng lại ở việc đọc đúng văn bản mà yêu cầu học sinh phải đạt được những cấp độ đọc cao hơn: đọc diễn cảm và đọc sáng tạo văn bản tập đọc. 2.2. Một số hướng dẫn tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 Ai trong mỗi chúng ta, dù ý thức hay chưa ý thức rõ rệt, ngay từ thuở ấu thơ đều thích được nghe kể chuyện, đọc thơ. Đến tuổi đi học, được tiếp xúc với những 54 Một số ý kiến về việc hướng dẫn tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 câu thơ, bài văn hay trong sách giáo khoa Tiếng Việt, nhiều em còn đọc to lên đầy thích thú và lạ lẫm. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của bậc Tiểu học, do còn khó khăn để có thể đọc trơn, đọc đúng tiến tới đọc nhanh văn bản mà việc hiểu nội dung, đánh giá giá trị nghệ thuật của các bài văn, bài thơ còn hạn chế. Ở những lớp đầu cấp, nhiều em học sinh thực hiện xong yêu cầu đọc văn bản của giáo viên nhưng lại không trả lời được câu hỏi nội dung, không xác định được các biện pháp nghệ thuật tác giả đã sử dụng. Tức là hoạt động đọc diễn ra chưa có ý thức, chưa đạt được mức độ yêu cầu kiến thức và kĩ năng dạy học Tập đọc. Khi học sinh đọc và nêu lên được nội dung, giá trị nghệ thuật, cảm nhận yêu thích tác phẩm ở những góc độ khác nhau. . . tức là các em đã bắt đầu chuyển dần sang giai đoạn đọc có ý thức – đọc hiểu văn bản. Trong giai đoạn hiện nay, ở trường Tiểu học, việc dạy đọc, bên cạnh những thành công, còn nhiều hạn chế. Nhiều học sinh của chúng ta chưa đọc được như mong muốn. Kết quả học đọc của các em chưa đáp ứng được yêu cầu của việc hình thành kĩ năng đọc. Vì vậy, các em chưa lĩnh hội đầy đủ tri thức, tư tưởng, tình cảm của người khác chứa đựng trong văn bản được đọc. Giáo viên Tiểu học còn nhiều trăn trở trong mỗi giờ dạy Tập đọc: Bài tập đọc được đọc với giọng như thế nào, sửa lỗi phát âm cho học sinh ra sao, chọn từ khó để luyện đọc và từ khó cần giải nghĩa dựa vào những tiêu chí nào, đặt câu hỏi tìm hiểu bài như thế nào cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, có những biện pháp nào để nâng cao hiệu quả đọc diễn cảm cho học sinh lớp 4, 5. . . và quan trọng là làm thế nào để những gì đọc được tác động tích cực đến cuộc sống của các em. Ở Tiểu học hiện nay, các mức độ yêu cầu về chất lượng của việc đọc thành tiếng là đọc đúng và đọc diễn cảm. Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi đề cập thêm mức độ yêu cầu đọc sáng tạo văn bản tập đọc với mục đích phát huy cá tính sáng tạo của các em, giúp các em hình thành tốt hơn năng lực cảm thụ văn học thông qua giờ dạy Tập đọc. Như vậy, cần hướng dẫn tập đọc cho học sinh Tiểu học theo 3 cấp độ: 2.2.1. Đọc đúng Trong giờ Tập đọc ở lớp 4, 5, rèn đọc đúng được thực hiện chủ yếu ở phần Luyện đọc đầu tiết. Giáo viên cần quan tâm đến việc sửa lỗi phát âm và luyện đọc từ khó cho học sinh. Thứ nhất, việc sửa lỗi phát âm giáo viên cần phân biệt rõ 2 trường hợp: - Một là, học sinh phát âm sai do có tật ở một trong các cơ quan của bộ máy phát âm (ngắn lưỡi, dài lưỡi, dính tăng lưỡi, sứt môi, hở hàm ếch. . . ). Trường hợp này giáo viên mặc dù rất cần thiết sửa cho học sinh song chúng ta cần hiểu rằng việc làm này không chỉ thực hiện một ngày một buổi mà cần có sự kiên trì, bền bỉ, thậm chí có thể kết hợp với bài tập, phẫu thuật hoặc dùng phương tiện hỗ trợ để 55 Trịnh Cam Ly đạt được hiệu quả mong muốn. Không nên bắt học sinh đọc đi đọc lại nhiều lần lỗi các em mắc phải trong giờ học để tránh các biểu hiện tâm lí tiêu cực cho trẻ. - Hai là, học sinh phát âm sai do không cẩn thận, do lỗi phát âm địa phương hoặc phát âm sai bất thường. . . cần cố gắng giúp trẻ sửa triệt để. Qua quá trình giao tiếp với trẻ, giáo viên cần nắm vững điểm mạnh, yếu của từng em để có hướng giúp đỡ phù hợp trong mỗi giờ học. Thứ hai, việc luyện đọc từ khó cần chú ý nhiều đến đọc các từ phiên âm tiếng nước ngoài và các từ khi đọc học sinh thường mắc lỗi phát âm địa phương. Người giáo viên cần xác định cụ thể những lỗi phát âm của từng địa phương để làm tiêu chí chọn từ khó cho học sinh luyện đọc. Thông thường, học sinh miền Bắc hay phát âm sai các tiếng có phụ âm đầu s – x (đi săn – đi xăn), tr – ch (cây tre – cây che), r – d – gi (rực rỡ - dực dỡ, giục giã – dục dã); vần ươu – iêu (con hươu – con hiêu) , ưu – iu (quả lựu – quả lịu). . . Học trò miền Nam hay mắc lỗi ở phụ âm đầu v – dz (vui vẻ - dzui dzẻ), q – g (thảo quả - thảo gủa); vần ênh – ên (chênh vênh – chên vên), vần êch –êt (con ếch – con ết). . . Nắm được một vài vấn đề mang tính thực tiễn trên, việc rèn đọc đúng cho học sinh lớp 4, 5 sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. 2.2.2. Đọc diễn cảm Trong giờ Tập đọc lớp 4, 5, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm sau khi tìm hiểu bài. Chất lượng của phần luyện đọc diễn cảm phụ thuộc vào hiệu quả của phần hướng dẫn tìm hiểu bài. Có nghĩa là, dạy tập đọc phải quan tâm đến mặt kĩ thuật đọc bài và mặt thông hiểu nội dung bài đọc. Lúc này, tập đọc được nâng lên một bước trở thành đọc hiểu. Sản phẩm của đọc hiểu một phần chính là giọng đọc diễn cảm của các em khi đọc mỗi văn bản tập đọc. Ví dụ: Để đọc diễn cảm bài tập đọc Mùa thảo quả (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – Trang 125), ngoài việc đọc đúng văn bản, để đọc diễn cảm, học sinh cần xác định: Đoạn 1: Từ đầu . . . đến "nếp khăn." - Nghỉ hơi rõ ở những câu ngắn: Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. - Nhấn giọng các từ ngữ: ngọt lựng, thơm nồng, thơm đậm, ủ ấp. Đoạn 2: Tiếp theo đến "lấn chiếm không gian". Nhấn giọng các từ ngữ: chín nục, ngây ngất kì lạ, mạnh mẽ, thoáng cái, vươn ngọn, lấn chiếm. Đoạn 3: Phần còn lại. - Nhấn giọng các từ ngữ: đột ngột, rực lên, đỏ chon chót, chứa lửa, chứa nắng, hắt lên, gió thơm, đất trời thơm. - Ngắt hơi đúng: 56 Một số ý kiến về việc hướng dẫn tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 Rừng say ngây/ và ấm nóng. Thảo quả/ như những đốm lửa hồng, ngày qua ngày/ lại thắp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt. Chú ý: Toàn bài đọc giọng kể xen lẫn miêu tả; ngắt giọng đúng ở những câu dài, ngắn khác nhau. Rõ ràng, học sinh chỉ có thể chia đoạn được, xác định các từ ngữ cần nhấn giọng, vị trí ngắt nghỉ hơi, giọng đọc của bài. . . khi hiểu nội dung bài đọc. Việc hiểu nội dung bài đọc chính là kết quả của việc hướng dẫn đọc có định hướng. Các câu hỏi tìm hiểu bài tập đọc trong sách giáo khoa hầu hết chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung, giáo viên có thể giải thích hoặc đặt câu hỏi giúp học sinh xác định vị trí ngắt nghỉ, nhấn giọng, xác định giọng đọc ở những bài đầu hoặc ở thể loại văn bản mới (như kịch). Sẽ rất cần thiết nếu ở mỗi bài tập đọc đều có câu hỏi cảm thụ, bởi chỉ có cảm thụ tốt, rung cảm trước cái hay, cái đẹp của tác phẩm các em mới có thể thổi hồn vào bài đọc, giúp dòng âm thanh vang lên trong không gian lung linh sắc màu. 2.2.3. Đọc sáng tạo Theo TS. Nguyễn Trọng Hoàn: Đọc sáng tạo là khả năng liên hệ những gì đang đọc với những gì đã được đọc, lấy đó làm cơ sở để tiếp tục mở rộng biên độ của sự hiểu biết – thậm chí với văn bản nghệ thuật, đọc sáng tạo còn có thể xác định nghĩa mới cho hình tượng. Mức độ hiểu này tương ứng với khả năng đọc “vượt ra những dòng chữ” [5]. Khả năng liên tưởng, tưởng tượng của học sinh Tiểu học là vô cùng phong phú. Dạy tốt môn Tập đọc có tác động rất lớn đến việc phát huy năng lực liên tưởng, tưởng tượng của trẻ. Dạy học cũng luôn luôn đòi hỏi người giáo viên phải giúp học sinh có sự xâu chuỗi kiến thức giữa những nội dung đã học, nội dung đang học và nội dung sẽ học, kích thích sự phát triển tư duy của trẻ. Dạy đọc văn bản Ngữ văn THCS hiện nay theo ba cấp độ: đọc – suy ngẫm – liên tưởng. Dạy Tập đọc lớp 4, 5 cũng rất cần thiết tạo được tiền đề tốt cho dạy giờ dạy Ngữ văn THCS. Đó chính là lí do chúng tôi đề xuất việc dạy đọc sáng tạo cho học sinh lớp 4, 5 bậc Tiểu học. Trên thực tế, khi học sinh làm tập làm văn, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp cách viết: Ông (bà) em râu tóc bạc phơ giống hệt ông (bà) tiên trong câu chuyện cổ tích, đôi mắt em bé tròn như hai hột nhãn. . . Như vậy, rõ ràng các em đã có sự liên tưởng để so sánh. Mặc dù sự liên tưởng ở đây còn mang đậm màu sắc cá nhân song chúng ta cũng ghi nhận chúng như những dấu hiệu đầu tiên của đọc sáng tạo. Ở mỗi bài văn của các em, chúng ta rất dễ dàng gặp những hình ảnh so sánh, nhân hóa đã xuất hiện trong bài tập đọc các em đã được học. Ví dụ: trăng tròn như cái đĩa, mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa khổng lồ, mặt biển sáng trong như một tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch, hai bàn tay em bé như hai nụ hồng. . . Mặc dù chưa có sự sáng tạo nhưng các em đã có khả năng nhớ, xâu chuỗi và hồi tưởng 57 Trịnh Cam Ly lại những gì đã được học một cách rất tự nhiên. Nhiệm vụ của người giáo viên ở đây là phải phát huy được khả năng liên tưởng, tưởng tượng của các em qua từng bài đọc, kích thích năng lực sáng tạo của từng cá nhân học sinh. Ví dụ: + Khi dạy bài Ở Vương quốc Tương Lai (Tiếng Việt 4 – Tập 1 – Trang 70, 71, 72), giáo viên có thể đặt câu hỏi: Nếu em là một trong những em bé ở Vương quốc Tương Lai, em sẽ sáng chế ra (trồng) những gì? Vì sao? + Khi dạy bài Sắc màu em yêu (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – Trang 19, 20), có thể hỏi học sinh: Em thích màu nào nhất? Màu đó gợi cho em những sự vật gì quen thuộc và gần gũi? Khi các em đọc văn bản, dưới sự định hướng của giáo viên, các em có sự nhận xét: cùng viết về mẹ nhưng nhà thơ Trần Quốc Minh so sánh: Mẹ là ngọn gió của con suốt đời còn Trần Đăng Khoa lại khẳng định: Mẹ là đất nước, tháng ngày của con. . . để thể hiện cảm xúc dào dạt với đấng sinh thành. Các em sẽ thấy được cùng viết về một đối tượng song mỗi nhà thơ, nhà văn lại có cách tiếp cận riêng. Và nếu các em cũng tạo ra được những nét riêng ấy trong bài làm của mình tức là hiệu quả của đọc sáng tạo đã được nâng thêm một bước. Làm được điều này là không dễ song lại là vô cùng cần thiết, vô cùng quý giá và là một góc nhỏ chúng ta cần khơi dậy trong tâm hồn thơ văn của các em. Không phải học trò lớp 4, 5 nào cũng có khả năng đọc “vượt ra những dòng chữ” nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó nếu chúng ta có kế hoạch và giải pháp bồi dưỡng cho học sinh đọc sáng tạo. Học sinh chỉ có thể đọc sáng tạo, liên hệ những gì đang đọc với những gì đã được đọc, mở rộng biên độ của sự hiểu biết trên cơ sở các em có kĩ năng đọc hiểu tác phẩm. Giáo viên cũng chỉ có thể đánh giá được mức độ sáng tạo của trẻ khi đọc văn bản thông qua hệ thống câu hỏi hoặc bài tập. Ví dụ: + Đọc bài thơ Quang cảnh làng mạc ngày mùa (Tiếng Việt 5 – Tập 1 – Trang 10), em học tập được tác giả điều gì khi viết văn tả cảnh? Tại sao tác giả lại chọn màu vàng là màu chủ đạo cho bức tranh làng quê ngày mùa? + Trong các bài thơ đã học ở chương trình lớp 4, 5, có những bài nào viết về tình cảm mẹ con? Cách viết của các tác giả có gì giống và khác nhau? Học sinh chỉ có thể trả lời câu hỏi khi các em nhớ bài, hiểu bài. Tùy từng nội dung bài học mà giáo viên có câu hỏi và bài tập phù hợp, kích thích khả năng đọc sáng tạo của các em. Đây cũng chính là một việc làm có ý nghĩa giúp phát huy khả năng liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh, nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho các em, giúp các em viết được những bài văn mang cá tính sáng tạo, làm cho mỗi “tác phẩm văn học” của các em thực sự trở thành một sinh thể nghệ thuật. 58 Một số ý kiến về việc hướng dẫn tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 3. Kết luận Tóm lại, dạy Tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 bậc Tiểu học cần tiến hành theo ba cấp độ: đọc đúng, đọc diễn cảm, đọc sáng tạo. Rèn kĩ năng tập đọc cho học sinh lớp 4, 5 theo ba cấp độ tức là chúng ta đã thể hiện được sự quan tâm sâu sắc đến khả năng đọc hiểu của các em để giúp các em đạt được kĩ năng đọc ở các cấp độ khác nhau, đáp ứng mục tiêu đào tạo con người mới phù hợp với xu thế phát triển của toàn xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Hạnh, 2002. Dạy học đọc hiểu ở Tiểu học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [2] Nguyễn Trọng Hoàn, 2002. Rèn kĩ năng cảm thụ thơ văn cho học sinh Tiểu học. Nxb Hà Nội, Hà Nội, [3] Nguyễn Trọng Hoàn, 2009. Rèn kĩ năng tập đọccho học sinh lớp 4 theo chương trình Tiểu học mới. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [4] Nguyễn Trọng Hoàn, 2009. Rèn kĩ năng tập đọccho học sinh lớp 5 theo chương trình Tiểu học mới. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [5] Nguyễn Trọng Hoàn, 2003. Một số vấn đề về đọc hiểu văn bản ngữ văn. Tạp chí Giáo dục, Công ty in Công đoàn Việt Nam, số 56, trang 25, Hà Nội. [6] Nguyễn Thanh Hùng, 2008. Đọc hiểu tác phẩm văn chương trong nhà trường. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [7] Trần Mạnh Hưởng, 2011. Luyện tập về cảm thụ văn học ở Tiểu học. Nxb Giáo dục Việt Nam, [8] Lê Phương Nga, 2001. Dạy Tập đọc ở Tiểu học. Nxb Giáo dục. ABSTRACT Some ideas in teaching Reading subject for grade 4th & grade 5th pupils This article emphasizes the importance of teaching Reading at Grade 4 & 5 in Primary schools. Based on the teaching objective, the author proposes three levels of training for Reading. Correct pronunciation, reading, expressive and creative reading. If the author’s proposal is accepted and followed, that will assist pupils to develop their ability in literature comprehension, paragraph writing exercises with personal ideas and opinions, they will be more motivated to progress in Reading lessons. 59
Tài liệu liên quan