Nhóm hư từ chỉ nguyên nhân trong tiếng Việt

Tóm tắt. Không chỉ thực từ mới có sự phong phú về quan hệ đồng nghĩa. Quan hệ này giữa các hư từ cũng tiềm ẩn những giá trị ngữ nghĩa, ngữ dụng sâu sắc. Sự khác nhau về sắc thái nghĩa giữa những hư từ đồng nghĩa giúp chúng ta phát hiện ra những nét rất tinh tế trong cách nhìn nhận và thể hiện bản thể cũng như thế giới của dân tộc qua ngôn ngữ. Tiếng Việt có gần 10 đơn vị hư từ cùng mang ý nghĩa chỉ nguyên nhân: vì, bởi, do, tại, nhờ, số là, nguyên là, vốn là, chả là. . . Việc mô tả, phân tích sự đồng nhất và khác biệt của nhóm hư từ này trên các phương diện sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu thái, khả năng kết hợp, phong cách chức năng. của bài viết góp phần khẳng định đồng nghĩa là hiện tượng rất đáng chú ý trong việc nghiên cứu nghĩa của các hư từ Việt.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 207 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhóm hư từ chỉ nguyên nhân trong tiếng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 24-28 NHÓM HƯ TỪ CHỈ NGUYÊN NHÂN TRONG TIẾNG VIỆT Bùi Thanh Hoa Trường Đại học Tây Bắc E-mail: buithanhhoatbu@gmail.com Tóm tắt. Không chỉ thực từ mới có sự phong phú về quan hệ đồng nghĩa. Quan hệ này giữa các hư từ cũng tiềm ẩn những giá trị ngữ nghĩa, ngữ dụng sâu sắc. Sự khác nhau về sắc thái nghĩa giữa những hư từ đồng nghĩa giúp chúng ta phát hiện ra những nét rất tinh tế trong cách nhìn nhận và thể hiện bản thể cũng như thế giới của dân tộc qua ngôn ngữ. Tiếng Việt có gần 10 đơn vị hư từ cùng mang ý nghĩa chỉ nguyên nhân: vì, bởi, do, tại, nhờ, số là, nguyên là, vốn là, chả là. . . Việc mô tả, phân tích sự đồng nhất và khác biệt của nhóm hư từ này trên các phương diện sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu thái, khả năng kết hợp, phong cách chức năng... của bài viết góp phần khẳng định đồng nghĩa là hiện tượng rất đáng chú ý trong việc nghiên cứu nghĩa của các hư từ Việt. 1. Mở đầu Hư từ trong truyền thống nghiên cứu Việt ngữ học có khi được thuật ngữ hoá là “từ công cụ” với quan niệm đây là lớp từ trống nghĩa, chỉ có chức năng ngữ pháp thuần tuý. Ngữ nghĩa học từ vựng cũng không xếp hư từ (từ phi định danh) vào đối tượng nghiên cứu. Vì thế, trong một khoảng thời gian dài, vấn đề nghĩa của hư từ chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm và giải quyết một cách toàn diện. Sự phát triển mạnh mẽ của ngữ dụng học cũng như quan điểm nghiên cứu ngữ nghĩa học hoạt động trong vài thập kỉ trở lại đây đã mở ra những lối đi mới, khả thi cho việc xác định và miêu tả nghĩa của hư từ. Các nhà Việt ngữ học như Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Anh Quế, Phạm Hùng Việt, Nguyễn Đức Tồn, Nguyễn Đức Dân. . . trong các chuyên luận, công trình của mình đã có những kết luận riêng về nghĩa của hư từ. Theo đó, hư từ cũng chịu sự tác động từ một số quy luật hay quan hệ ngữ nghĩa của hệ thống từ vựng như: hiện tượng nhiều nghĩa, hiện tượng trái nghĩa, hiện tượng đồng nghĩa. . . Trong đó, quan hệ đồng nghĩa giữa các hư từ là một hiện tượng ngôn ngữ khá lí thú, thể hiện sự phong phú và giàu có của hư từ tiếng Việt. Nghiên cứu sự đồng nhất và khác biệt của nhóm hư từ mang ý nghĩa chỉ nguyên nhân là một trong những tiền đề cho phép chúng tôi xây dựng lí thuyết đồng nghĩa của hư từ tiếng Việt cũng như thao tác tập hợp, mô tả, phân loại các nhóm hư từ đồng nghĩa khác. 24 Nhóm hư từ chỉ nguyên nhân trong tiếng Việt 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Nhóm hư từ mang ý nghĩa chỉ nguyên nhân 2.1.1. Ý nghĩa nguyên nhân * Khái niệm Nguyên nhân được định nghĩa là “Hiện tượng làm nảy sinh ra hiện tượng khác, trong quan hệ với hiện tượng khác đó” [6;688]. * Phương thức biểu thị ý nghĩa nguyên nhân Bằng thực từ: nguyên nhân, nguyên do, nguyên cớ, lí do, duyên cớ. . . Ví dụ: (1) Nguyên nhân thất bại của đội tuyển là thiếu tinh thần đoàn kết Bằng hư từ: vì, bởi, do, tại, nhờ, số là, nguyên là, vốn là, chả là. . . Ví dụ: (2) Vì thiếu tinh thần đoàn kết nên đội tuyển thất bại. 2.1.2. Ý nghĩa khái quát của nhóm hư từ chỉ nguyên nhân Các hư từ: vì, bởi, do, tại, nhờ, số là, nguyên là, vốn là, chả là. . . biểu thị điều sắp nêu ra là lí do hoặc nguyên nhân của điều được nói đến. 2.1.3. Về sắc thái ý nghĩa * "Vì, bởi, do" chỉ nguyên nhân nói chung . Vì có ý nghĩa khái quát nhất, có thể được dùng để chỉ hầu hết các loại nguyên nhân. Do trong nhiều trường hợp mang ý nghĩa chỉ loại nguyên nhân tức thì, trực tiếp của một sự kiện, hiện tượng nào đó. Ví dụ: (3) Tôi hồi phục sức khoẻ rất nhanh, chủ yếu do trẻ trung, chẳng phải do thuốc [8;97]. Trường hợp này, khó có thể thay thế các hư từ chỉ nguyên nhân khác trong nhóm. Ví dụ: (4) Tôi học xong đại học, do thi trượt tốt nghiệp nên phải ở nhà để đợi năm sau thi lại [8;130]. Bởi: Ngược lại với do, bởi trong một số trường hợp được dùng để nói về những nguyên nhân sâu xa hoặc mang tính tổng hợp. Ví dụ: (5) Khát cháy họng, cầm bát nước không muốn ghé môi mà vẫn phải uống. Đói lử lả, miếng cơm cứng nhắc cũng cứ phải nuốt. Bởi không thể rời xa công việc. Bởi khắc khoải trong mơ vẫn là nỗi kinh sợ con tàu gặp nạn. Bởi sự sống của con đường đã trở thành danh dự, lương tâm [5;403]. Trường hợp này, không thể thay thế do để diễn đạt nguyên nhân của việc cố gắng ăn cơm, uống nước của những người công nhân đường sắt. Nguyên nhân ở đây không thuộc về những trạng thái sinh lí của cơ thể trực tiếp gây ra hành động ăn, uống như trạng thái đói, khát mà là những trạng thái tâm lí, tinh thần không nhìn thấy được. Ví dụ: (6) Tuy cũng trái lòng, vì chuyện mình “đi làm” nơi không đàng hoàng. 25 Bùi Thanh Hoa Song trong hoàn cảnh của bà, kiếm được việc, cũng phải gọi là may. Bởi có ai để ý giúp hai bà cháu đâu [10;140]. * "Tại" được dùng để biểu đạt những nguyên nhân dẫn tới hậu quả hoặc kết quả tiêu cực, không như mong muốn của cá nhân hay cộng đồng. Ví dụ: (7) Tại thời tiết diễn biến thất thường nên sản lượng nông nghiệp tụt giảm nghiêm trọng. (8) Con hư tại mẹ cháu hư tại bà. (Tục ngữ) * "Nhờ" ngược lại với "tại" dùng để biểu đạt những nguyên nhân tốt , mang lại những hiệu quả, kết quả tích cực như mong muốn hoặc trên mức mong muốn của cá nhân hay cộng đồng. Ví dụ: (9) “Soèm có được uy ấy là nhờ sự dẻo dai bền chắc của cơ bắp khi mang vác, sự khôn ngoan thận trọng khi giao dịch, sự biết điều khi chia tiền lãi. . . ” [9;282]. * "Chả là, số là" diễn đạt nguyên nhân theo hướng giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ. Chả là, số là vì vậy, có chức năng nhấn mạnh phần nguyên nhân trong phát ngôn. Ví dụ: (10) Số là/ Chả là nó không tính toán kĩ nên mới nhỡ việc. (11) “Con bé cháu ngoại sau lưng cụ chăm chú đấm khẽ vào vai, vào lưng bà, chốc chốc lại cười một mình. Chả là Thắm vừa xem ti vi, thấy mình giống thị nữ đấm lưng cho thái hậu” [9;43]. Việc chốc chốc lại cười một mình của Thắm là hành động khó hiểu, không bình thường trong lúc đang chăm sóc bà. Vì vậy, chả là trong trường hợp này có tác dụng giải thích rõ ràng về nguyên nhân của hành động cười một mình, giúp người đọc hiểu rõ tình huống tâm lí của nhân vật. Nếu thay thế chả là bằng vì, do,. . . sắc thái giải thích, diễn giải cho tường tận sẽ không còn. * "Nguyên là, vốn là" chỉ nguyên nhân với sắc thái khẳng định hệ quả , hành động, tính chất, đặc điểm mà nguyên nhân ấy đem lại là đương nhiên, tất yếu. Ví dụ: (12) Nguyên là/ Vốn là người lính từng vào sinh ra tử nên Phùng không thể khoanh tay đứng nhìn gã đàn ông vũ phu trút những trận đòn thắt lưng lên người vợ khốn khổ. 2.1.4. Về đặc điểm kết hợp Nhóm hư từ đang xét luôn đứng trước vế chỉ nguyên nhân. Bởi, chả là, số là có xu hướng đứng trước kết cấu chủ vị. Các hư từ còn lại có thể đứng trước các kết cấu chủ vị, cụm từ chính phụ hay các thực từ. Ví dụ: (11) 26 Nhóm hư từ chỉ nguyên nhân trong tiếng Việt a. Vì/ bởi/ do/ tại trời mưa nên buổi biểu diễn phải tạm hoãn. b. Vì/do/tại mưa nặng hạt nên buổi biểu diễn phải tạm hoãn. c. Vì /tại mưa nên buổi biểu diễn phải tạm hoãn. Tiểu nhóm chả là, số là, nguyên là, vốn là thường xuất hiện trong những phát ngôn mà cả hai vế nguyên nhân – kết quả đều có chung chủ ngữ. * Khả năng kết hợp với các đại từ thay thế, đại từ nghi vấn Bởi, vì, do, nhờ có khả năng kết hợp các đại từ thay thế: đó, thế, vậy. . . tạo thành những tổ hợp vừa có chức năng chỉ nguyên nhân, vừa thực hiện chức năng liên kết. Nhóm này cũng có khả năng kết hợp với các đại từ nghi vấn đâu, ai, gì tạo thành các câu hỏi truy nguyên về nguồn gốc, nguyên nhân. Riêng vì, tại có thể kết hợp với sao. Các từ còn lại trong nhóm hư từ chỉ nguyên nhân không có khả năng kết hợp với các đại từ thay thế, nghi vấn. * Khả năng kết hợp giữa các hư từ trong nhóm Các hư từ trong nhóm có thể kết hợp với nhau theo phương thức ghép tạo thành những hư từ ghép chỉ nguyên nhân: bởi vì, bởi do, bởi tại, tại vì, số là vì/ bởi/ tại, chả là vì/ bởi/ tại. 2.1.5. Về sắc thái biểu thái Sắc thái biểu thái là sự thể hiện tình cảm, thái độ, sự đánh giá của người nói kèm theo nghĩa của từ. Ở những thực từ đồng nghĩa, sắc thái biểu thái là một phương diện quan trọng để xác định sự khác biệt giữa các đơn vị trong nhóm đồng nghĩa (ăn – xơi – hốc – tọng. . . ; chết – từ trần – bỏ mạng – ngoẻo. . . ). Còn ở hư từ đồng nghĩa, sắc thái biểu thái có tầm quan trọng không đồng đều. Có những nhóm hư từ rất dễ nhận thấy sự khác biệt trên phương diện này như nhóm hư từ phủ định: không – chẳng – chả – cóc – đếch... Ngược lại, có những nhóm hư từ rất khó xác định sự dị biệt về sắc thái biểu thái. Hư từ chỉ nguyên nhân thuộc về nhóm thứ hai. Một cách tổng quát, có thể nhận định vì, bởi, do mang sắc thái trung hoà. Tại, nhờ, chả là, số là, nguyên là, vốn là mang sắc thái nhấn mạnh tới nguyên nhân của sự việc, hiện tượng được nói tới. Tại bộc lộ sắc thái đánh giá tiêu cực còn nhờ thể hiện sắc thái đánh giá tích cực của người nói đối với nguyên nhân được nêu ra. 2.1.6. Về khả năng định phong cách Khả năng định phong cách chính là tần số sử dụng của hư từ trong một kiểu phong cách ngôn ngữ. Đây cũng chính là đặc điểm của hư từ xét về phương diện sử dụng. Có thể khẳng định, nhóm hư từ chỉ nguyên nhân xuất hiện trong hầu hết các phong cách ngôn ngữ. Riêng chả là, số là có khả năng định phong cách hội thoại, khẩu ngữ. Bởi được dùng nhiều trong ngôn ngữ thơ ca. 3. Kết luận Việc phân tích nhóm hư từ chỉ nguyên nhân cho phép khẳng định không chỉ thực từ mới có sự phong phú về quan hệ đồng nghĩa. Quan hệ này giữa các hư từ 27 Bùi Thanh Hoa cũng tiềm ẩn những giá trị ngữ nghĩa, ngữ dụng sâu sắc. Sự khác nhau về sắc thái nghĩa giữa những hư từ đồng nghĩa giúp chúng ta phát hiện ra những nét rất tinh tế trong cách nhìn nhận và thể hiện bản thể cũng như thế giới của dân tộc qua ngôn ngữ. Hiện tượng đồng nghĩa ở hư từ góp thêm một bằng chứng rất thuyết phục về cái giàu, cái đẹp và cái trong sáng của tiếng Việt. Có thể nói, một trong những quy luật phát triển của từ vựng tiếng Việt là đồng nghĩa hoá các khái niệm, các phạm trù. Trong đó, hiện tượng đồng nghĩa hoá các hư từ vừa là biểu hiện của một loại quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng, vừa là một hiện tượng có tính chất xã hội. Nó cũng đồng thời vừa là hệ quả, vừa là phương tiện thực hiện những yêu cầu của sự diễn đạt, giao tiếp bằng ngôn ngữ ngày càng phong phú, tinh tế, chính xác và hiệu quả hơn. Với ý nghĩa to lớn ấy, hiện tượng đồng nghĩa ở hư từ cần được nhận thức và nghiên cứu một cách triệt để hơn với sự trợ giúp từ những thành tựu ngữ nghĩa, ngữ pháp và ngữ dụng của ngôn ngữ học. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Hữu Châu, 2004. Giáo trình từ vựng học tiếng Việt. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [2] Đỗ Hữu Châu, 1982. Ngữ nghĩa học hệ thống và ngữ nghĩa học hoạt động. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, tr. 18-33. [3] Đỗ Hữu Châu, 1999. Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [4] Nguyễn Thiện Giáp, 1985. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Đại học Tổng hợp, Hà Nội. [5] Ma Văn Kháng, 2007. Người đàn bà chơi vĩ cầm (tập truyện ngắn). Nxb Sân khấu. [6] Hoàng Phê (cb), 1992. Từ điển tiếng Việt. Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội. [7] Phan Anh Quế, 1988. Hư từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [8] Nguyễn Huy Thiệp, 2003. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn học. [9] Văn mới 2006 – 2007. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007. [10] Văn mới 2006 – 2010. Nxb Hội Nhà văn, 2010. ABSTRACT Formal group words denoting causes in Vietnamese Not only notional words have an abundance of synonymous relations but also these relationships between formal words are potentially deeply semantic and con- text values. The differences in tone between the synonymous formal words that help us detect very subtle features in the perception and expression as well as the world’s population through language. Nearly 10 Vietnamese units with formal words mean denoting cause: because, for, by, in, through. The description and analysis are sim- ilar and different of this formal words group on the terms of shades of meaning, nuanced expressive behavior, the ability to combine style functions... in the paper contribution asserted that the synonymous is the noticeable phenomenon in the study meaning of Vietnamese formal words. 28
Tài liệu liên quan