Tóm tắt
Đô thị luôn được coi là nơi nắm giữ các quyền lực về chính trị, kinh tế quan
trọng của xã hội và có sức chi phối mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển
của vùng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đóng góp của đô thị về
phương diện kinh tế là rất lớn. Các đô thị thường là các trung tâm và là động lực
cho sự phát triển kinh tế của đất nước của vùng. Các đô thị là nơi đóng góp phần
giá trị GDP, giá trị công nghiệp - dịch vụ và giá trị tăng trưởng nền kinh tế. Đặc
biệt trong xu thế toàn cầu hiện nay. Để phát triển đô thị bền vững ở nước ta nhất là
các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng. cần phải hướng tới mục tiêu phát
triển, đó là: Thành phố Xanh, văn hiến, văn minh - hiện đai. Đây chính là phương
châm hợp lý để phát triển đô thị bền vững.
13 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 9 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp đổi mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
157
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM:
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI
TS. Dương Đức Tâm
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tóm tắt
Đô thị luôn được coi là nơi nắm giữ các quyền lực về chính trị, kinh tế quan
trọng của xã hội và có sức chi phối mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển
của vùng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đóng góp của đô thị về
phương diện kinh tế là rất lớn. Các đô thị thường là các trung tâm và là động lực
cho sự phát triển kinh tế của đất nước của vùng. Các đô thị là nơi đóng góp phần
giá trị GDP, giá trị công nghiệp - dịch vụ và giá trị tăng trưởng nền kinh tế. Đặc
biệt trong xu thế toàn cầu hiện nay. Để phát triển đô thị bền vững ở nước ta nhất là
các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng... cần phải hướng tới mục tiêu phát
triển, đó là: Thành phố Xanh, văn hiến, văn minh - hiện đai. Đây chính là phương
châm hợp lý để phát triển đô thị bền vững.
Từ khóa: Phát triển bền vững; thực trạng đô thị ở Việt Nam; Giải pháp cho
phát triển đô thị bền vững.
1. Những vấn đề chung về đô thị và phát triển đô thị bền vững
1.1. Khái niệm và đặc điểm đô thị ở Việt Nam
a. Các khái niệm chung về đô thị
- Đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt
động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp.
- Đô thị là nơi tập trung dân cư, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, sống
và làm việc theo kiểu thành thị.
- Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi
nông nghiệp, có cơ sở hạ tầng thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm
chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của một
miền, lãnh thổ, một tỉnh, một huyện, một vùng trong tỉnh hoặc trong huyện.
Khái niệm về đô thị có tính tương đối do sự khác nhau về trình độ phát triển
kinh tế - xã hội, hệ thống dân cư mà mỗi nước có quy định riêng tuỳ theo yêu cầu và
khả năng quản lý của mình. Song phần nhiều đều thống nhất lấy hai tiêu chuẩn cơ
bản, đó là:
+ Quy mô và mật độ dân số: Quy mô trên 2000 người sống tập trung, mật độ
trên 3000 người/km2 trong phạm vi nội thị.
158
+ Cơ cấu lao động: Trên 65% lao động là phi nông nghiệp.
Như vậy, đô thị là các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ có số dân từ 2000
người trở lên và trên 65% lao động là phi nông nghiệp.
Tại Việt Nam quy định đô thị là những thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ với
tiêu chuẩn về quy mô dân số cao hơn, nhưng cơ cấu lao động phi nông nghiệp thấp
hơn. Điều đó xuất phát từ đặc điểm nước ta là một nước đông dân, đất không rộng,
đi từ một nước nông nghiệp lên chủ nghĩa xã hội. Theo Quyết định số 132/HĐBT
ngày 5/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), quy định đô thị là các
điểm dân cư, có các yếu tố cơ bản sau đây:
- Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự
phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định.
- Quy mô dân số nhỏ nhất là 4000 người (vùng núi có thể thấp hơn).
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp >60% trong tổng số lao động, là nơi có sản
xuất và dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển.
- Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị.
- Mật độ dân cư được xác định tùy theo từng loại đô thị phù hợp với đặc
điểm từng vùng.
b. Đặc điểm kinh tế - xã hội của đô thị
- Đô thị là nơi tập trung nhiều vấn đề có tính toàn cầu, bao gồm: Vấn đề môi
trường; vấn đề dân số; vấn đề tổ chức không gian và môi trường.
- Quan hệ thành thị - nông thôn luôn tồn tại, ngày càng trở nên quan trọng.
- Hệ thống thị trường đô thị với những đặc trưng riêng biệt.
- Đô thị như là một nền kinh tế quốc dân.
- Đô thị mang tính kế thừa của nhiều thế hệ cả về cơ sở vật chất, kinh tế và
văn hóa.
1.2. Đô thị phát triển bền vững
Trên thực tế, khái niệm “phát triển đô thị bền vững” rất đa dạng vì nó đề cập
đến nhiều tiêu thức khác nhau, như: về quản lý hành chính đô thi; người ta nhấn
mạnh đến mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và người dân; Về môi trường thì
nhấn mạnh đến thái độ ứng xử của thế hệ hiện tại trong việc khai thác tài nguyên để
dành lại cho các thế hệ mai sau. Hơn nữa, ở mỗi quốc gia, tùy theo từng đặc điểm
chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở mỗi giai đoạn để đưa ra những định nghĩa
cũng như các tiêu chí riêng của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ có ý
định đưa ra các nguyên tắc chung và mục đích cần hướng tới của sự phát triển đô thị
bền vững ở Việt Nam, đó là:
159
- Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển
Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy yếu tố con người
với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững.
Phát triển đô thị bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính
quyền, các cơ quan, doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển đô thị bền vững sẽ tạo điều
kiện cho mọi người trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận
nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng
vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau, đáp ứng ngày càng đầy đủ
hơn về nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, giúp cho người dân
sống ở các khu đô thị được thoải mái, hạnh phúc.
Về quản lý hành chính, đô thị phải đảm bảo mối quan hệ giữa cơ quan công
quyền và người dân,
Về môi trường, được nhấn mạnh đến thái độ ứng xử của thế hệ hiện tại trong
việc khai thác tài nguyên để dành lại cho các thế hệ mai sau.
- Đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên
Đô thị phát triển bền vững, cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà
không phương hại đến khả năng của chúng ta cũng như đáp ứng các nhu cầu của các
thế hệ trong tương lai.
- Đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và và phát triển xã hội
Việt Nam là một quốc gia nghèo nhưng tiền vay nợ cũng đến gần 30 tỉ USD, tính
ra mỗi đầu người dân từ già đến trẻ phải nợ nước ngoài khoảng 300 USD. Trên thực tế
chúng ta đang sử dụng vốn ODA không hiệu quả, rất nhiều dự án lớn vay tiền của WB
nhưng hiệu quả kém. Mặt khác, việc phát triển chưa thực sự cân bằng, chỉ tập trung vào
phát triển kinh tế mà coi nhẹ văn hóa và xã hội, đưa đến khoảng cách giàu nghèo, xung đột
xã hội, mâu thuẫn tôn giáo ngày một gia tăng. Vì vậy, để đảm bảo đô thị phát triển bền
vững thì phải quan tâm phát triển kinh tế cân bằng với phát triển văn hóa- xã hội.
- Đảm bảo phát triển hài hòa giữa con người với công nghệ - kỹ thuật
Công nghệ - kỹ thuật mang lại cho cuộc sống chúng ta nhiều điều tốt đẹp,
nhưng cũng mang lại thật nhiều phiền toái. Đường cao tốc là thủ phạm của việc chia rẽ
và cách ly các cộng đồng dân cư cho dù họ không sống ở các hòn đảo giữa biển khơi.
Điện thoại làm cho thông tin nhanh hơn nhưng quan hệ của con người lại lỏng lẻo
hơn. Công nghệ thực phẩm tạo ra các loại thức ăn nhanh giúp chúng ta tiết kiệm thời
gian nhưng bữa cơm gia đình dường như biến mất. Computer làm cho thế giới nhỏ lại
nhưng cũng chính nó khiến cuộc sống tẻ nhạt hơn. Mặt trái của công nghệ - kỹ thuật
hiện đại ngày càng bộc lộ làm cho chúng ta phải suy nghĩ và thận trọng hơn trong việc
sáng tạo và sử dụng nó trong cuộc sống.
160
- Đảm bảo phát triển đa văn hóa và đời sống đạo đức, tinh thần của các
nhóm người khác biệt nhau
Hầu như tất cả các thành phố lớn đều mang màu sắc của đa văn hóa. Đây là
điểm được coi là quan trọng nhất và cũng là đặc điểm lớn nhất của đô thị hiện đại,
đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại toàn cầu hóa. Bất cứ một thành phố nào cũng có sự
đa dạng và khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, quan điểm chính trị, phong tục tập quán,
thói quen văn hóa. Nếu người cầm quyền không đảm bảo được quyền phát triển đa
văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra xung đột. Cuộc nổi dậy của người nhập cư ở Pháp kéo
dài ba tuần tháng 1-2005 với 9.000 xe hơi bị đốt là một ví dụ điển hình cho trường
hợp này.
- Đảm bảo an ninh, hòa bình, trật tự và ổn định xã hội
Một thành phố giàu có, đầy ắp hàng hóa, đầy đủ tiện nghi nhưng con người
sống trong nó luôn cảm thấy bất an, tính mạng bị đe dọa, rủi ro cao, cuộc sống bấp
bênh thì đó không thể gọi là thành phố phát triển bền vững dưới bất kỳ khía cạnh nào.
Thành phố bền vững phải có trật tự, kỷ cương xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật
được đề cao.
- Đảm bảo sự tham gia dân chủ của người dân trong tiến trình phát triển
đô thị
Một thành phố muốn phát triển bền vững thì phải được người dân ủng hộ và
chung tay đóng góp ở các lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Công cuộc phát triển đô thị
phải có sự đóng góp và chia sẻ của tất cả mọi người. Để việc “đồng tham gia” thành
công phải có cơ chế rõ ràng và các điều kiện đảm bảo cho cơ chế ấy vận hành về mặt
pháp lý, diễn đàn, cơ sở vật chất. Những chương trình làm xanh thành phố, giảm
ngập lụt, giảm tắc nghẽn giao thông, phòng chống tội phạm chỉ có hiệu quả khi mà
người dân coi đó là công việc của mình chứ không phải của những nhà chính trị.
- Công bằng xã hội trong đời sống kinh tế
Công bằng là một mục tiêu và tiêu chí quan trọng về khía cạnh xã hội của phát
triển đô thị bền vững. Chắc chắn là có mức thu nhập khác nhau, hình thành nên
các nhóm người giàu nghèo khác nhau trong một thành phố bất kỳ nào đó. Trong
một đô thị được coi là phát triển bền vững thì mọi người phải được bình đẳng
trong khi tiếp cận các cơ hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc làm,
cải thiện đời sống, cư trú.... Những người thuộc nhóm yếu thế hay “dễ tổn thương”
như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân, đông con, người tật nguyền
phải được quan tâm đúng mức. Mọi người trong xã hội phải được bảo đảm bằng
các loại quĩ phúc lợi xã hội để không bao giờ bị rơi xuống đáy của xã hội rồi trở
thành tội phạm.
161
- Đảm bảo hài hòa giữa các thế hệ.
Trong một thành phố, nhất là những thành phố có nhiều tuổi, sẽ có rất nhiều thế
hệ chung sống với nhau. Không phải bao giờ và lúc nào mối quan hệ giữa các thế hệ
cũng tốt đẹp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các thành phố chuyển đổi từ một xã hội
nông nghiệp truyền thống sang xã hội hiện đại. Các giá trị xã hội truyền thống và cổ
truyền của thế hệ lớn tuổi rất dễ bị tổn thương với những giá trị xã hội hiện đại mà thế
hệ trẻ tiếp thu được từ bên ngoài. Một ví dụ điển hình và dễ thấy nhất là sự đổ vỡ khi
chuyển từ gia đình kép (nhiều thế hệ, đông con) sang kiểu gia đình hạt nhân ở Việt
Nam trong những năm qua.
- Phát triển không gian hợp lý
Qui hoạch đô thị thực chất là việc bố trí và phân bổ con người cùng với
khối lượng vật chất đồ sộ trên một bề mặt không gian ba chiều. Việc phân bổ này
có thể làm cho thành phố phát triển bình thường hay bất bình thường, làm cho
hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở nên thăng bằng hay mất ổn định. Việc qui
hoạch và thiết kế đô thị sai lầm đã làm cho TP Hồ Chí Minh ngập nước không
chỉ vào mùa mưa mà cả vào mùa khô. Việc không tập trung phát triển giao thông
cách đây hơn 15 năm đã để lại hậu quả nghiêm trọng là các công sở, trường học
không muốn ra bên ngoài khiến cho mật độ trong khu vực trung tâm thành phố
ngày càng cao, phát triển kiểu nhà ống dọc theo trục đường khiến tai nạn giao
thông ngày càng trở nên khủng khiếp.
- Đảm bảo phát triển cân đối đô thị - nông thôn
Suy cho cùng bài toán phát triển bền vững ở đô thị lại có nguồn gốc từ nông
thôn. Sự phát triển mạnh mẽ ở nông thôn không chỉ hỗ trợ cho đô thị phát triển như
cung cấp lương thực thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp do đô thị tạo ra, mà
còn làm giảm áp lực lên đô thị. Một khi nông thôn phát triển mạnh thì người nhập cư
về thành phố giảm, lực lượng lao động thanh niên sẽ ở lại nông thôn, sự cân bằng
trong phát triển giữa hai khu vực là bài toán rất quan trọng cho sự phát triển bền
vững. Chính phủ Việt nam đang cố gắng phát triển “điện, đường, trường, trạm, chợ”
ở các vùng sâu, vùng xa nhưng hiệu quả còn hạn chế do nhiều lý do khác nhau.
2. Thực trạng và định hướng phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam
2.1. Thực trạng phát triển đô thị ở Việt Nam
Việc phát triển đô thị ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có nhiều chuyển
biến tích cực về số lượng, cụ thể: Năm 1999 cả nước có 629 đô thị, đến nay có 772
đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 47 đô thị loại
III, 64 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V. Trong 6 tháng đầu năm, có TP. Thanh
Hóa nâng lên đô thị loại I, các TP. Rạch Giá, TP. Bạc Liêu, TP. Ninh Bình, TP.
162
Thái Bình nâng lên loại II, 3 đô thị loại V hình thành mới và 1 đô thị (thị trấn Cầu
Diễn thuộc huyện Từ Liêm cũ sát nhập vào quận mới).
Về đơn vị hành chính đô thị, hiện nay Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực nên
việc nâng cấp quản lý hành chính và điều chỉnh ranh giới hành chính đô thị phải
thông qua thường trực Quốc hội, 6 tháng đầu năm nay không có biến động về cấp
quản lý hành chính, cả nước có 5 thành phố trực thuộc trung ương, 63 thành phố
thuộc tỉnh, 47 thị xã thuộc tỉnh, 613 thị trấn (trong đó 27 thị trấn là đô thị loại IV).
Tỉnh có nhiều thị trấn nhất là Thanh Hóa với 28 thị trấn. Tỉnh Ninh Thuận chỉ có 3
thị trấn, thành phố Đà Nẵng không có thị trấn nào.
Về dân số thành thị (gồm dân số nội thành, nội thị và thị trấn) đạt khoảng
30,4 triệu người, tập trung tại 2 đô thị loại đặc biệt và 15 đô thị loại I khoảng 14,8
triệu người chiếm 49% dân số các đô thị trên toàn quốc). Tỷ lệ đô thị hóa trung bình
cả nước đạt khoảng 34%, tăng trung bình 1% năm. Đô thị hóa tập trung cao nhất tại
vùng Đông Nam Bộ (64,15%), thấp nhất tại vùng Trung Du miền núi phía Bắc
(21,72%). Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ dân số thành thị cao,
cao nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh 83%, Bình Dương 71,6%, Quảng Ninh
68,86%, Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất cả nước gồm: Thái Bình
10,7%, Tuyên Quang 12,41%, Sơn La 13,7%, Bắc Giang: 13,05%...
Về đất đô thị, tổng diện tích cả nước 331.698 km2, diện tích đất đô thị không
có biến động so với năm 2017, đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị đạt
34,017 km2 chiếm khoảng 10,26% diện tích đất tự nhiên của cả nước, nội thành nội
thị 14.760 km2 chiếm khoảng 4,42% diện tích đất tự nhiên của cả nước. Nhiều khu
vực nội thành, nội thị vẫn còn 50-60% diện tích đất nông nghiệp hoặc để trống chưa
sử dụng phát triển đô thị. Hiện tượng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê thế chấp,
góp vốn bằng quyền sử dụng đất đặc biệt vùng ven đô đang rất cần quản lý chặt chẽ.
2.2. Những hạn chế và nguyên nhân của việc phát triển đô thị bền vững
Mặc dù viêc phát triển đô thị ngày càng tăng, đời sống của người dân được
cải thiện, mức độ đáp ứng nhu cầu về văn hóa, giao thông cũng được nâng lên một
mức độ nhất định so với những năm trước đây. Tuy nhiên, hệ thống đô thị Việt
Nam vẫn còn một số hạn chế khá cơ bản, như:
- Số lượng đô thị phát triển nhanh nhưng chất lượng đô thị còn thấp. Đặc
biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực
quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng
ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng
phát triển đô thị hiện nay chưa đáp ứng với sự đổi thay về tư duy đô thị hóa, phát
triển đô thị theo hướng CNH, HĐH, phát triển đô thị gắn với bảo vệ chủ quyền quốc
gia tầm nhìn.
163
- Phát triển đô thị và đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc hiện chưa thể hiện rõ
bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền, tạo sự cách biệt giữa đô thị và
nông thôn. Bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Tài
nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước
bị thu hẹp, nhu cầu sản xuất, dịch vụ ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên
thiên nhiên của đất nước. Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng
tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị hóa lan rộng làm các
khu vực này lại nằm lọt vào giữa khu dân cư đông đúc. Việc mở rộng đô thị dẫn đến
chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia. Năng lực
thu gom xử lý rác thải rắn đặc biệt là các chất thải rắn nguy hại chưa được thực hiện
đúng quy định.
- Đặc điểm thói quen sử dụng giao thông cá nhân gây lãng phí nghiêm trọng
nguồn thiên nhiên, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn. Về kinh tế, tài chính
đô thị còn hoạt động kém hiệu quả, công tác điều phối vốn đầu tư xây dựng còn bị
dàn trải, việc huy động vốn từ các nguồn vốn vay, khối kinh tế tư nhân và từ cộng
đồng chưa tạo động lực kích hoạt quá trình phát triển. Phát triển các khu kinh tế,
đặc khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh còn dàn trải
chưa có sự lựa chọn thích hợp cho thành công.
- Đối với công tác quy hoạch, bất cập hiện nay là chưa xác định rõ mối quan
hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy
hoạch các ngành. Chưa có nhiều đồ án, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị được thực
hiện do loại hình dự án này khá phức tạp thiếu quy định luật pháp, các nhà đầu tư
chưa thực sự quan tâm.
- Về quản lý đô thị còn chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng xu thế phát
triển đô thị. Đầu tư phát triển đô thị, khu đô thị mới chưa có kế hoạch nhiều nơi làm
sai, chậm muộn so với quy hoạch. Chính quyền chưa có giải pháp điều hòa các lợi
ích nhà nước - chủ đầu tư và người dân, công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật, không
gian, kiến trúc đô thị chưa được thực hiện do thiếu quy chế quản lý kiến trúc cảnh
quan hoặc có quy chế nhưng triển khai áp dụng còn hạn chế. Kết nối hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ, công tác quản lý môi trường
đô thị chưa chặt chẽ.
- Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả
đầu tư xây dựng còn thấp ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị.
Nguồn lực cho phát triển đô thị còn dải trải. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ
thuật đô thị lớn, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.
Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp.