Phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học từ việc thay đổi cách ra đề tập làm văn

Tóm tắt. Việc dạy Tập làm văn theo chương trình mới chú trọng đến việc hình thành và phát triển năng lực. Để làm được việc đó, cần sự phối hợp nhiều giải pháp, trong đó có việc thay đổi cách ra đề. Bài viết phân tích vấn đề dạy viết văn hiện nay và đề xuất định hướng xây dựng các dạng đề bài tập làm văn mở theo hướng phát huy năng lực viết sáng tạo cho người học. Các định hướng đề xuất là: 1. Xây dựng dạng đề bài viết theo các chủ đề; 2. Xây dựng dạng đề cung cấp cho học sinh các gợi ý; và 3. Xây dựng dạng đề bài học sinh có thể đổi vai để kể câu chuyện theo ý mình.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 225 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học từ việc thay đổi cách ra đề tập làm văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
41 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0147 Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 8, pp. 41-46 This paper is available online at PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC VIẾT SÁNG TẠO CHO HỌC SINH TIỂU HỌC TỪ VIỆC THAY ĐỔI CÁCH RA ĐỀ TẬP LÀM VĂN Vũ Trọng Đông Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một Tóm tắt. Việc dạy Tập làm văn theo chương trình mới chú trọng đến việc hình thành và phát triển năng lực. Để làm được việc đó, cần sự phối hợp nhiều giải pháp, trong đó có việc thay đổi cách ra đề. Bài viết phân tích vấn đề dạy viết văn hiện nay và đề xuất định hướng xây dựng các dạng đề bài tập làm văn mở theo hướng phát huy năng lực viết sáng tạo cho người học. Các định hướng đề xuất là: 1. Xây dựng dạng đề bài viết theo các chủ đề; 2. Xây dựng dạng đề cung cấp cho học sinh các gợi ý; và 3. Xây dựng dạng đề bài học sinh có thể đổi vai để kể câu chuyện theo ý mình. Từ khóa: Năng lực, viết sáng tạo, đề bài. 1. Mở đầu Chương trình phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục ban hành theo định hướng phát triển năng lực, trong đó chú ý đến phát triển năng lực viết sáng tạo. Tuy nhiên hiện nay, việc học sinh tiểu học thường viết những bài văn một cách rập khuôn, máy móc (rập khuôn từ cách mở bài, cách dùng từ ngữ trong câu văn, cách bộc lộ cảm nghĩ/ suy nghĩ của mình), thiếu cảm xúc, đặc biệt là thiếu tính sáng tạo. Việc học sinh luôn đi trên một lối mòn, viết đi viết lại những điều mà người khác đã viết khiến người đọc thấy nhàm chán và thất vọng về cách làm văn của học sinh. Nghiên cứu về vấn đề phát triển kĩ năng viết sáng tạo cho học sinh, Tác giả Trần Thị Hiền Lương trình bày một số quan điểm về “viết sáng tạo” và khẳng định “viết sáng tạo khuyến khích người học và giúp họ phát triển kĩ năng sáng tác, khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo” [4; tr360]. Tác giả cũng chỉ ra một số kinh nghiệm quốc tế về dạy viết sáng tạo, theo đó, tác giả đồng ý với một số chuyên gia trong việc xác định “những kiểu viết sáng tạo phổ biến trong nhà trường bao gồm kể chuyện, miêu tả và viết tranh luận” [4; tr360]. Tác giả Chu Thị Hà Thanh khi nghiên cứu về vấn đề này cho rằng “Yêu cầu viết sáng tạo là một khâu quan trọng trong các yếu tố của quá trình đổi mới môn Tiếng Việt theo hướng phát triển năng lực và nó được biểu hiện tập trung ở phân môn tập làm văn. Muốn học sinh viết sáng tạo cần đổi mới cách ra đề bài. Đề bài Tập làm văn có thể được thiết kế theo các hình thức đánh giá như: trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc kết hợp cả hai” [2; tr497]. Cả hai tác giả đều đề xuất các giải pháp phát triển năng lực viết sáng cho học sinh tiểu học, trong đó: Trần Thị Hiền Lương đề xuất một số sáng kiến về việc rèn viết sáng tạo có hiệu quả tại các trường tiểu học ở Anh; Chu Thị Hà Thanh chú ý đến việc xây dựng các tiêu chí cụ thể cho một đề bài như “đề bài phải xác định rõ các nhân tố giao tiếp”; “đề bài phải là tình huống giao tiếp có vấn đề”; “đề bài phải gần gũi với đời sống thực tế của học sinh”; “đề bài phải mang tính mở”; “đề bài yêu cầu sử dụng trí tưởng tượng” [2; tr.497-501]. Ngày nhận bài: 1/3/2018. Ngày sửa bài: 9/7/2018. Ngày nhận đăng: 25/8/2018. Tác giả liên hệ: Vũ Trọng Đông. Địa chỉ e-mail: dongvt@tdmu.edu.vn Vũ Trọng Đông 42 Nghiên cứu của cả hai tác giả mặc dù chưa đưa ra được những kiểu đề văn cụ thể, phù hợp với việc dạy viết sáng tạo cho học sinh trong giai đoạn hiện tại nhưng là nguồn tư liệu quý giúp chúng tôi trong việc nghiên cứu việc phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, việc phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học là rất khó, cần kết hợp đồng thời nhiều giải pháp như: Tăng thời lượng dạy viết cho học sinh, quan tâm nhiều hơn đến khả năng sáng tác của các em; thay đổi cách ra đề; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá;... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu việc thay đổi cách ra đề, bởi vì theo chúng tôi, với những đề bài rập khuôn, theo mẫu sẽ không thể nào hình thành được năng lực viết bài văn sáng tạo ở các em. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cơ sở lí luận 2.1.1. Thế nào là viết sáng tạo? Viết sáng tạo là một trong các yêu cầu của dạy học tạo lập văn bản trong xu hướng hiện đại, nhằm góp phần hình thành cho học sinh năng lực chung là năng lực sáng tạo (creative competence), một năng lực cốt lõi rất cần cho HS khi phải đối mặt với những thách thức và sự thay đổi liên tục của cuộc sống hiện đại. Trong viết sáng tạo, "người viết phải tạo ra một sản phẩm không giống với sản phẩm mà người khác đã tạo ra trước đó" [2; tr356]. Sản phẩm (bài viết, văn bản) sáng tạo được thể hiện trên cả phương diện nội dung và hình thức. Về nội dung, tùy theo mỗi kiểu loại văn bản mà xác định sự sáng tạo của người viết đến đâu, thể hiện qua những yếu tố nào. Về hình thức thể hiện, sự sáng tạo của người viết được bộc lộ qua thể loại văn bản, cách lựa chọn, sử dụng từ ngữ, cách đặt câu, sử dụng dấu câu Viết sáng tạo giúp học sinh không bị những suy nghĩ rập khuôn, máy móc đè nặng, áp đặt, nó như con tàu đưa các em vào thế giới của sự khám phá, nó đòi hỏi học sinh phải có ý tưởng, phải phác thảo được ý tưởng và thể hiện ý tưởng trong bài viết. Viết sáng tạo là viết về những điều mới mẻ. Luyện viết sáng tạo giúp người viết có kiến thức, có ý thức về sự suy nghĩ, khả năng suy nghĩ trong suốt thời gian viết cho đến khi đưa ra được sản phẩm tinh tế hơn. Viết sáng tạo giúp các em có được những trải nghiệm thực sự sâu xa hơn trong thế giới của sự sáng tạo. Viết sáng tạo là một hình thức viết diễn tả cảm nhận, cảm xúc, kinh nghiệm, tưởng tượng hay ý tưởng của người viết ở mức độ có ý thức hoặc tiềm thức. Nó được thúc đẩy bởi nhu cầu của người viết là "thể hiện", được thực hiện theo cách duy nhất, sáng tạo và thơ mộng. Idrees Pate cho rằng “Viết sáng tạo là bất kỳ dạng viết nào được viết bằng sự sáng tạo của trí tuệ: viết tiểu thuyết, viết thơ, sáng tác văn học phi hư cấu và nhiều hơn nữa. Mục đích là để thể hiện một cái gì đó, cảm nhận, suy nghĩ hoặc cảm xúc” [8]. Viết sáng tạo ở tiểu học có thể hiểu đơn giản là bài viết mà các em viết ra phải có cái mới cho dù nhỏ: mới về ý tưởng (nội dung), mới về cách biểu đạt (hình thức). 2.1.2. Năng lực viết sáng tạo Trong Tâm lí học, năng lực được định nghĩa: “Là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó có kết quả” [6; tr.178]. Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra những cái mới hoặc giải quyết vấn đề một cách mới mẻ của con người” [5; tr.29]. Với cách định nghĩa này, ta có thể hiểu năng lực sáng tạo là cái tiềm ẩn bên trong cá nhân, sáng tạo là sự hiện thực hóa năng lực sáng tạo của chủ thể bằng những sản phẩm sáng tạo. Nói cách khác, năng lực sáng tạo là khả năng tạo ra cái mới có giá trị của cá nhân dựa trên tổ hợp các phẩm chất độc đáo của cá nhân đó. Phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học từ việc thay đổi cách ra đề Tập làm văn 43 Từ cách hiểu đó, chúng tôi cho rằng “năng lực viết sáng tạo có là khả năng thể hiện cái mới trong bài viết của mình nhằm mang lại hiệu quả giao tiếp cao nhất.” 2.2. Xây dựng các dạng đề bài tập làm văn mở theo hướng sáng tạo Hiện nay, đề văn cho học sinh tiểu học tập trung chủ yếu vào các dạng văn miêu tả, kể chuyện, viết thư, tự sự và một vài kiểu viết văn bản thông thường theo mẫu. Vì thế đề bài thường yêu cầu học sinh kể/ tả... Ví dụ: “Kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem” (TV3, T2, tr.48). “Kể về một người hàng xóm mà em quý mến.” (TV3, T1, tr68)... Những dạng đề như thế này, theo Nguyễn Trí là: ''tạo nên nhiều hạn định bó buộc học sinh nếu các em muốn làm đúng yêu cầu của đề bài” [4]. Việc gò học sinh vào các kiểu viết như vậy phần nào kìm hãm khả năng sáng tạo của các em. Một bài văn hay không bao giờ đơn thuần chỉ là kể hay tả, mà phải là sự kết hợp kể, tả và lồng cảm xúc thực của các em vào đó. Các đề văn của chúng ta cũng thường giới hạn suy nghĩ của học sinh về những câu chuyện, sự việc, người, vật quen thuộc với các em. Sự quen thuộc là tốt, nhưng cách ra đề hiện nay học sinh khó có thể phát huy được trí tưởng tượng sáng tạo, khó tạo điều kiện cho các em sáng tác, hư cấu, giúp cho bài văn sinh động, hấp dẫn hơn. Để khắc phục, chúng tôi đề xuất xây dựng các dạng đề bài viết trên tinh thần tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo, kết hợp các kiến thức về miêu tả, kể chuyện, tự sự, viết thư... trong các bài viết theo những chủ đề được lựa chọn. 2.2.1. Xây dựng dạng đề bài viết theo các chủ đề quen thuộc hàng ngày của các em Thay vì tả cảnh, tả người, tả cây cối, con vật... chúng ta xây dựng đề bài viết theo các chủ đề. Các chủ đề này có thể xây dựng theo kiểu đồng tâm, xuyên suốt qua các lớp Tiểu học. Các chủ đề có thể là trường học, những thứ yêu thích, tình bạn, kỉ niệm, cá nhân và cảm xúc; động vật, thực vật; người nổi tiếng; sáng tác truyện (sử dụng trí tưởng tượng)... Ví dụ, chủ để trường học có thể ra đề: “Một bạn có ý định xin chuyển về trường của bạn để học và viết thư hỏi bạn. Bạn hãy kể về trường mình và cho bạn ấy một số lời khuyên”; “Viết về một kỉ niệm với thầy, cô giáo mà bạn sẽ nhớ mãi”; “Nếu bạn là Hiệu trưởng trường này, bạn sẽ làm gì?”... Chủ đề tình bạn, có thể ra đề: “Hãy kể về người bạn đầu tiên của bạn và những kỉ niệm hai người từng có với nhau”; “Nếu một người bạn thân của bạn chuyển đến một đất nước khác, bạn sẽ cảm thấy thế nào?”; “Điều gì ở một người bạn là quan trọng nhất đối với bạn: trung thành, sự chia sẻ, bao dung, giàu có hay xinh đẹp? Tại sao?”... Chủ đề kỉ niệm có thể ra đề: “Hãy kể về quyết định khó khăn nhất mà bạn phải làm? Điều gì làm cho quyết định này trở nên khó khăn?”; “Món quà đặc biệt nhất mà bạn đã từng nhận được là gì, bạn nhận món quà đó trong trường hợp nào?”; “Viết về một người đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của bạn”. Chủ đề cá nhân và cảm xúc, đề bài có thể là: “Hãy viết về một thứ gì đặc biệt đến mức bạn sẽ không bao giờ bán nó với bất cứ giá nào? Giải thích tại sao bạn sẽ không bao giờ bán đồ vật này”; “Đất nước nào bạn muốn ghé thăm nhiều nhất? Tại sao?”; “Bạn cảm thấy thế nào khi bạn biết rằng bạn đang chuyển đến một thành phố mới vào tháng tới?”; “Viết về những gì bạn làm vào cuối tuần. Cuối tuần của bạn khác với các ngày trong tuần như thế nào?”; “Bạn có biệt danh không? Tại sao bạn có nó, nó có ý nghĩa gì đối với bạn. Nếu bạn không có biệt danh, hãy chọn một cho chính mình và giải thích tại sao bạn chọn biệt danh này” Chủ đề sáng tác truyện chúng ta có thể cho học sinh sáng tác những câu chuyện thú vị bằng những gợi ý ban đầu như sau: Tại sao con ngựa vằn có sọc?; Tôi tỉnh dậy và tìm thấy một con khủng long ở sân sau của tôi; Khi tôi đang đi qua rừng, tôi vấp phải một quả trứng khổng lồ; hay Tôi không thể làm bài tập về nhà của tôi tối qua vì ... (tạo ra ý tưởng mà giáo viên có thể chưa bao giờ nghe nói đến trước đây)Ta cũng có thể yêu cầu học sinh sử dụng trí tưởng tượng nhiều hơn với các đề bài viết: “Hãy tưởng tượng rằng bạn có thể trở nên vô hình bất cứ khi nào bạn muốn, bạn sẽ làm gì?”; “Nếu bỗng nhiên bạn có khả năng như một siêu nhân, bạn sẽ làm gì?”; “Bạn sẽ làm gì nếu bạn tìm thấy một tấm thảm ma thuật hay một cây đũa thần?” “Một chiếc đĩa bay đã xuất hiện trên thị trấn của bạn, kể cho mọi người nghe về điều Vũ Trọng Đông 44 đó” ; “Người ngoài hành tinh đã bắt cóc bạn khi bạn đang đi bộ đến trường. Viết một bức thư cho người bạn thân nhất của bạn trên trái đất và kể cho người đó về câu chuyện này”. Với dạng đề này, các em sẽ thoải mái sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo của các em trong việc xây dựng cốt truyện, bày tỏ cảm xúc. Chúng ta cũng có thể nhận thấy tâm tư, tình cảm, mong muốn của các em thông qua những bài viết của các em, đồng thời sử dụng cho nhiều cấp độ, lớp khác nhau (tất nhiên, với mỗi mức lớp, chúng ta phải xây dựng được các rubric đánh giá bài viết phù hợp với mức độ của lớp đó). Những đề bài này cũng giúp chúng ta tránh được việc chép các bài văn mẫu được tạo ra theo các đề văn truyền thống. 2.2.2. Xây dựng dạng đề cung cấp cho học sinh các gợi ý Trong dạng đề bài này, chúng ta tạo cho HS một cái "khung" định sẵn. “Khung” đó có thể là một đoạn mẫu trong đề có tác dụng gợi ý, khơi gợi sự sáng tạo cho các em. Ví dụ, GV có thể cung cấp cho HS đoạn mẫu để tả mầu xanh của khu rừng, từ đó đặt câu hỏi khai thác để giúp HS cảm nhận về cách tả mầu xanh mướt, xanh đậm, xanh thẳm xanh lơ, của bầu trời, của mặt nước, của lá cây trong rừng. Sau đó yêu cầu HS tả một cánh đồng, một mảnh vườn với mầu xanh hay một mầu nào đó khác. Hoặc là tạo mẫu ngay trong đề bài TLV. Thay vì những đề văn cộc lốc như tả lại khu vườn nhà em, tả lại cánh đồng làng em, tả cô giáo/bố/mẹ em, cần có những đề văn khuyến khích và tạo điều kiện để HS viết sáng tạo. Ví dụ, thay vì yêu cầu HS tả một loài hoa yêu thích, GV có thể ra đề như sau: "Để lại sắc vàng trong nắng Cúc vẫy tay chào mùa thu Để lại hương nồng trong gió Ngọc lan khẽ bước qua mùa Từ ý thơ trên, em hãy tả một loài hoa mà em yêu thích."[3] Hay, thay vì yêu cầu HS tả dòng sông quê em, GV có thể ra đề: "Buổi sáng, khi ông mặt trời thức giấc, dòng sông quê em vàng rực rỡ với những hạt nắng vàng nhảy nhót trên sóng. Buổi trưa, sông lại hiền hòa yên ả với con đò êm êm khua nước, với những rặng cây xanh mướt nghiêng soi, xanh mầu xanh thăm thẳm của trời. Em hãy tả lại sự thay đổi của dòng sông quê em trong ngày để mọi người cùng biết." “Khung” đó cũng có thể là một dàn ý cơ bản mà dựa trên đó, cùng với tranh minh họa, học sinh viết lại bài văn bằng ngôn ngữ, bằng sự diễn đạt và theo trí tưởng tượng của mình để tạo ra sản phẩm có tính riêng, độc đáo. Ví dụ, thay vì đề bài “Hãy kể về những món quà sinh nhật mà bạn nhận được?” (thực tế là có những học sinh chưa từng nhận được quà sinh nhật, hoặc số quà sinh nhật của em ít ỏi đến mức không có gì để kể, để tả..) Chúng ta cho học sinh quan sát tranh sinh nhật của một bạn khác, cung cấp sẵn nội dung (giống như một dàn ý cơ bản) và yêu cầu học sinh viết lại bài văn theo ý các em. Đề bài gợi ý trong trường hợp cụ thể này như sau: Phát triển năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học từ việc thay đổi cách ra đề Tập làm văn 45 Trên đây là hình ảnh buổi sinh nhật của Hùng, bạn An đã viết về sinh nhật Hùng như sau: “Sinh nhật Hùng Ông tặng Hùng quả bóng. Ba tặng Hùng chiếc xe đạp. Mẹ tặng Hùng một cuốn truyện mới. Em Na tặng Hùng một tấm thẻ (bức ảnh) siêu nhân.” Em hãy quan sát các bức tranh và viết lại bài văn của bạn An theo cách của mình để bài văn hay hơn. 2.3.3. Xây dựng dạng đề bài học sinh có thể đổi vai để kể câu chuyện theo ý mình. Trong chương trình hiện hành, chúng ta cũng đã có những đề bài văn theo cách đổi vai kể lại câu chuyện như: “Em hãy kể lại câu chuyện Thỏ và Rùa trong vai Thỏ/ Rùa”. “Em hãy kể lại câu chuyện Tấm Cám trong vai Cám”... Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, dạng bài này chưa có nhiều, nội dung đề bài thường xoay quanh các câu chuyện quen thuộc. Việc áp đặt học sinh vào một vai cụ thể nào đó mà các em không thích (chẳng hạn vai Cám trong truyện Tấm Cám, vai Lí Thông trong truyện Thạch Sanh, Thỏ trong câu chuyện Thỏ và Rùa...) không kích thích được hứng thú sáng tạo của các em, dẫn đến nội dung bài viết thường nghèo nàn, thiếu đi những lập luận sắc sảo, thiếu các ý tưởng mới. Thêm nữa, với dạng bài này, bắt buộc học sinh phải đọc trước câu chuyện, có hiểu biết về câu chuyện và tính cách nhân vật, do đó khi kể lại câu chuyện học sinh thường bị ám thị bởi những gì các em đã biết. Ngược lại, nếu học sinh chưa đọc, việc kể lại câu chuyện như thế gần như không thể thực hiện được, và trên hết, dù kể theo cách nào, vai nào (theo yêu cầu của đề bài) thì bài viết (câu chuyện học sinh kể lại) cũng không thể xa khỏi ý chính quen thuộc của câu chuyện ban đầu. Vì thế, chúng tôi đề xuất dạng đề bài viết gắn liền với những bức tranh miêu tả những tình tiết cơ bản. Các bức tranh đó không nói rõ là câu chuyện nào, nội dung ra sao mà gợi ý cho học sinh về một cốt truyện nào đó, từ xuất phát đó, học sinh sẽ sáng tạo ra cốt truyện theo tưởng tượng của mình, đồng thời sử dụng ngôn ngữ, văn phong của mình, Tạo ra những bài viết theo cách riêng của các em một cách sáng tạo nhất. Ví dụ: Đề bài: Một con cáo lẻn vào cửa tiệm và ăn trộm đồ ăn nhưng một chuyện bất ngờ đã xảy ra, em hãy quan sát tranh và kể câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình dưới vai cáo, chủ tiệm hoặc người kể chuyện. (Đề bài này đi kèm với 5 tranh theo ý tưởng dưới đây: Tranh 1: Người chủ khóa cửa tiệm để đi, cáo ẩn sau hàng rào chăm chú nhìn. Tranh 2: Khi chủ tiệm đi chưa xa, cáo tìm thấy một lỗ nhỏ bên vách nhà. Tranh 3: Cáo chui vào tiệm qua lỗ hổng đó (vẽ từ phía trong với những kệ hàng đầy ắp các đồ ăn) Tranh 4: Cáo ăn căng tròn bụng, đồ ăn vứt vương vãi, dở dang khắp nơi. Tranh 5: Người chủ tiệm mở cửa vào và Cáo đang cố chui qua lỗ ban đầu nhưng bụng quá to nên không lọt.) Với đề bài này, học sinh có thể lựa chọn vai Cáo, kể lại câu chuyện của mình, tự nghĩ ra đoạn kết để thoát thân và rút ra bài học cho bản thân mình. Có thể chọn vai chủ tiệm, bộc lộ sự hài lòng vì đã đánh lừa được Cáo. Cũng có thể chọn vai người kể chuyện, từ đó tạo ra cái kết hợp lí cho câu chuyện theo cách của mình. Chúng tôi cũng cho rằng, với cách ra đề như trên, phần nào đáp ứng được yêu cầu viết văn bản đối với học sinh tiểu học quy định trong chương trình ngữ văn mới đó là: “viết đoạn văn và bài văn tự sự (kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện học sinh tự tạo cốt truyện dựa trên trí tưởng tượng của các em); viết đoạn văn và bài văn Vũ Trọng Đông 46 miêu tả (tả thực và bước đầu tả có hư cấu những sự vật, hiện tượng gần gũi)” [1; tr.13]; Đồng thời, chúng tôi cũng cho rằng, khi sử dụng cách ra đề mới, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải đổi mới. Không thể là cách mà chúng ta lâu nay vẫn chấm bài Tập làm văn của học sinh theo kiểu “đếm ý cho điểm”. Việc đánh giá phải được thực hiện theo tinh thần dự thảo môn Ngữ văn mới, đó là “coi trọng đánh giá năng lực Ngữ văn trên cả 02 bình diện: ý tưởng sáng tạo và khả năng diễn đạt, thể hiện/ trình bày ý tưởng đó một cách sáng sủa mạch lạc (cả nói và viết)” [1; tr.100]. 3. Kết luận Dạy văn là quá trình đầy phức tạp, công phu. Dạy văn là dạy cho con người biết yêu cuộc đời trong toàn bộ tính hiện thực của nó; biết lấy từ nó nguồn sống cho mình để có thể sống phù hợp với nó, nâng nó lên cao đẹp hơn. Sức sống của bài văn được nuôi bởi thái độ của chủ thể đối với cuộc sống. Việc thay đổi cách dạy văn hiện nay là việc làm cần thiết và có tính cấp bách. Đề xuất của chúng tôi nhằm góp một chút nhỏ vào công cuộc đổi mới chương trình ngữ văn nói chung và việc dạy học viết sáng tạo ở tiểu học nói riêng. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, phản biện, tranh luận từ quý thầy cô giáo để hoàn thiện vấn đề. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. [2] Chu Thị Hà Thanh, 2015. Đề bài tập làm văn và việc rèn luyện năng lực viết sáng tạo cho học sinh tiểu học. Kỷ yếu hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục”. Nxb Đại học Vinh. [3] Lê Phương Nga, 2013. Bảo đảm mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh tiểu học. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, số 58, 2013. [4] Trần Thị Hiền Lương, 2010. Phát triển kĩ năng viết sáng tạo cho học sinh phổ thông. Trong H. H. Bình, Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Huỳnh Văn Sơn, 2009. Tâm lí học sáng tạo. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [6] Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), 2005. Tâm lí học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [7] Nguyễn Trí, Đề mở và chấm bài tập làm văn theo đề mở ở cấp tiểu học. vn/trao-doi/de
Tài liệu liên quan