Phong trào đông du (1905 - 1908)

Hiện tượng Đông Du đầu thế kỷ trước mãi còn vang vọng trong đời sống hiện tại. Chính bởi vị trí và ý nghĩa to lớn như vậy, trong suốt những năm qua Đông Du luôn là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài. Những vấn đề mang tính thời sự của Đông Du như là việc tôn tạo, bảo quản các di sản vật thể và phi vật thể của phong trào sẽ tiếp tục được chú ý.

docx6 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 3467 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phong trào đông du (1905 - 1908), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHONG TRÀO ĐÔNG DU (1905 - 1908) Hiện tượng Đông Du đầu thế kỷ trước mãi còn vang vọng trong đời sống hiện tại. Chính bởi vị trí và ý nghĩa to lớn như vậy, trong suốt những năm qua Đông Du luôn là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài. Những vấn đề mang tính thời sự của Đông Du như là việc tôn tạo, bảo quản các di sản vật thể và phi vật thể của phong trào sẽ tiếp tục được chú ý. I. ĐẶT VẤN ĐỀ  Thất bại hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) năm 1896, đồng thời đánh dấu sự chấm dứt vai trò phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng đứng đầu. Việt Nam biến thành một nước bị đô hộ, chia cắt, một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, có đổi mới nhưng không thực sự tiến bộ và cởi mở. Cuộc khai thác thuộc địa quy mô của thực dân Pháp cuối XIX - đầu XX, làm cho cuộc sống nhân dân ta tăm tối, rơi vào vòng lệ thuộc. Và ở cái buổi mà “trên sân khấu xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vai trò phong kiến càng lu mờ mà vai trò tư sản, tiểu tư sản mới nảy mầm đang non chưa đủ sức để mở màn và vọt ra được”[7; tr.38]. Một số nhà ái quốc nước ta đã phải đi tìm lấy cuộc sống ẩn dật chờ thời. Có kẻ quay lại hợp tác với bọn xâm lược, hay xem việc lớn đã qua, mang tâm trạng bi quan, bế tắc. Tuy thế, không ít sĩ phu vẫn một lòng sắt son với sự nghiệp cứu dân, cứu nước, họ là những tri thức tư sản hóa, đêm ngày trăn trở đi tìm con đường cứu nước và phát triển xã hội. Đây chính là động cơ đặc biệt giúp các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX nhanh chóng đón nhận, tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của “Tân thư”, “Tân văn” với những tư tưởng khuynh hướng tiến bộ từ bên ngoài dội vào. Thông qua Tân thư, Tân văn (từ sách vở Trung Quốc), những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây của Vônte, Rútxô, Môngtétxkiơ được giới thiệu với các sĩ phu Việt Nam, giúp họ khắc phục nhanh chóng sự luyến tiếc chế độ phong kiến, cung cấp cho họ nhiều kiến thức mới về tư tưởng chính trị và truyền cho họ ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả châu Á xuất hiện phong trào “châu Á bừng tỉnh”. Lúc này, bất luận là cách mạng Ba Tư (I – Ran), Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay là cuộc đấu tranh chống Anh của Ấn Độ do TiLak lãnh đạo đều mang tính quần chúng rộng rãi để thêm vào cho nó một tính chất mới – tính chất tư sản. Điều đặc biệt đáng nói ở đây là sự vùng lên của phong trào “châu Á bừng tỉnh” đều có bóng dáng ảnh hưởng ít nhiều từ phong trào Minh Trị Duy Tân (1868). Thành công của nước Nhật trên con đường cải cách và công nghiệp hóa sau Minh Trị Duy tân, rồi chiến thắng của người Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), đã cổ vũ các dân tộc phương Đông về khả năng khắc phục tình trạng lạc hậu và khả năng phục hưng của mỗi nước. Phan Bội Châu và một số sĩ phu cấp tiến Việt Nam mở đường Đông Du bởi sự thôi thúc và hấp dẫn của tấm gương phục hưng tự cường từ nước “đồng chủng, đồng văn” này. II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 1. Khái quát phong trào Đông Du (1) Tháng 1 năm 1905, lần đầu tiên một số sĩ phu Việt Nam do Phan Bội Châu đứng đầu sang Nhật. Từ lời giới thiệu của Lương Khải Siêu, sĩ phu Việt Nam đến gặp Đại Ôi bá tước và Khuyển Dượng Nghị là những lãnh tụ dân Đảng Nhật, một đảng có nhiều thế lực ở Nhật lúc bấy giờ. Họ không giúp Việt Nam quân sự, chỉ hứa lấy danh nghĩa dân Đảng Nhật, có thể giúp học sinh Việt Nam ăn học. Từ năm 1906, phong trào Đông Du đi vào hoạt động ngày càng rầm rộ trên cả ba miền đất nước, hàng loạt các tác phẩm của Phan Bội Châu được dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ, gửi về nước. Từ năm 1907 sang năm 1908 là thời kỳ phong trào Đông Du phát triển mạnh nhất với trên 200 lưu học sinh.  Chương trình học tập ở đây khá đa dạng, sáng và trưa dạy tiếng Nhật, “học tri thức phổ thông”, buổi chiều dạy “tri thức quân sự”, đặc biệt là “tập luyện thao tác quân sự”. Khi học sinh Việt Nam vào học trong các trường của Nhật Bản, thì chương trình, quy tắc học ở trường đều do người Nhật quy định, còn ngoài trường đều do ta tự quản lí. Phan và các đồng chí của ông đã lập ra Hội Việt Nam Công Hiến (tháng 10 năm 1907) có chương trình riêng. Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Giám đốc và Kỳ ngoại hầu Cường Để làm chủ tịch hội. Dưới quyền hành chung của Ban lãnh đạo, Hội được chia ra thành 4 Bộ, mỗi Bộ đảm nhiệm từng mặt hoạt động của lưu học sinh. Các ủy viên của Bộ kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thu vào, chi ra và các việc trù bị. Đồng thời họ cũng là những người giỏi vận động, tranh thủ sự giúp đỡ cả trong và ngoài nước. Việt Nam Công Hiến rất chú trọng tổ chức những buổi “sinh hoạt chính trị” giúp học sinh rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng. Tại các chương trình nghị sự, có mặt đông đủ học viên thì Hội trưởng và Tổng lý huấn thị trước như khuyến cáo các vấn đề có liên quan đến sinh hoạt, học tập, có khi bình giảng nội dung một cuốn sách, nhắc nhở nhiệm vụ của các thành viên trước Tổ quốc. Sau đó, mọi người tự do trao đổi, góp ý các vấn đề đặt ra, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Hệ thống tổ chức bố trí nhân sự và điều hành hoạt động ở đây tựa như một “Chính phủ lâm thời” mà chính lời Phan Bội Châu bộc bạch: “Tôi nghiễm nhiên như một quan Công sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức Đốc kinh lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh vác không kham. Đồng thời chúng tôi dựng lên Tân Việt Nam Công Hiến bắt chước như một Chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy là cách thức sắp đặt còn sơ sài nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm” [2, tr.179]. Cũng chính vào lúc này, thực dân Pháp đã tìm ra nhiều manh mối của phong trào, chúng câu kết với Nhật để xúc tiến đàn áp. Tháng 9 năm 1908, khi các học sinh Trường Chấn Võ đang làm lễ tốt nghiệp thì Bộ Nội vụ Nhật hạ lệnh giải tán tổ chức học sinh Việt Nam, tịch thu các văn kiện, đuổi học sinh ra ngoài nước Nhật. Tháng 2 năm 1909, Phan Bội Châu, Cường Để cũng bị trục xuất khỏi nước Nhật. Phan và các đồng chí của Cụ phải về lẫn trốn ở Trung Quốc rồi qua Xiêm hoạt động một thời gian chờ đợi những cơ hội mới. 2. Phong trào Đông Du – hiện tượng lịch sử điển hình Hiện tượng lịch sử chính là sự kiện phản ánh những nét đặc trưng tiêu biểu cho một thời kỳ hay một giai đoạn lịch sử nhất định có thể kéo dài (về thời gian), lan rộng (không gian lịch sử), mang tính chất điển hình. Và vào những năm đầu của thế kỷ XX, một hiện tượng lịch sử với đầy đủ những đặc trưng của nó đã xuất hiện ở Việt Nam, đó chính là phong trào Đông Du yêu nước, tìm đường cứu nước phát triển tự cường do Phan Bội Châu cùng các đồng chí của ông - những nhà trí thức yêu nước thức thời, khởi xướng và thực hiện. Có thể khẳng định, Đông Du là hoạt động đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân trên nền tảng duy tân, đổi mới (2). Đây là một cuộc “đổi mới” về tư duy yêu nước và cứu nước, từ tư duy yêu nước, cứu nước truyền thống là bạo động, là cầm vũ khí đánh đuổi bè lũ cướp nước để khôi phục độc lập dân tộc đã chuyển sang tư duy cải cách, đổi mới, đề cao việc học tập tiến bộ. Đối với những sĩ phu “tân tiến” đầu thế kỷ XX, trước những biến đổi của Việt Nam về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục do chính sách thuộc địa gây ra, họ nhận thấy rằng bạo động cứu nước theo con đường Cần Vương đã phá sản, giờ đây cần đi theo con đường cứu nước mới, cần duy tân đất nước, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.  Xuất dương cầu học là một quyết định mang tính đột phá, thay đổi hướng đi và phương pháp đấu tranh, mở cửa hướng ra bên ngoài để học hỏi, tiếp nhận những cái mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Phan Bội Châu, chính là con người với hoài bão cách tân, đứng trước bế tắc của lịch sử dân tộc đã cố gắng đi tìm lời giải đáp: tự cường để cứu nước. Xuất phát điểm của Phan chính là lòng yêu nước, thương dân - nền tảng cách tân vĩ đại đưa ông suốt cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng Đông Du vì thế có xuất phát điểm từ mục đích cứu nước, cho nên xét về bản chất chủ trương “vọng ngoại” của Phan Bội Châu cũng là một hình thức thể hiện của chủ nghĩa yêu nước chân chính và của tư tưởng duy tân tự cường.  Mục tiêu của phong trào là muốn tìm một thế lực mạnh bên ngoài có thể giúp Việt Nam chống lại Pháp để giành và giữ lấy độc lập sau đó phát triển đất nước giàu mạnh. Thế nhưng, khi chủ trương Đông Du cầu viện quân sự không được thực hiện thì các sĩ phu đã nhanh chóng chuyển thành phong trào Đông Du cầu học. Đây là một sự chuyển đổi hợp lý, có sức thuyết phục và có thể chuyển thành một phong trào yêu nước sẽ được nhiều người hưởng ứng. Phong trào đã nhen lửa cho sự thức tỉnh của dân tộc Việt Nam sau này. So với phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, chúng ta nhận thấy con đường canh tân ở Việt Nam có cả những điểm tương đồng và dị biệt. Điều cần nhận biết là cả hai nước đều nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập khoa học kỹ thuật từ bên ngoài. Ở Nhật có phong trào Hà Lan học thì ở Việt Nam có trào lưu đổi mới canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch… cuối thế kỷ XIX và phong trào Đông Du, Duy Tân đầu thế kỷ XX. Chỉ có điều phong trào Duy Tân ở Nhật Bản được tiến hành sau khi đã xóa bỏ sự tồn tại của chính quyền phong kiến Mạc Phủ, còn phong trào Duy Tân ở Việt Nam được thực thi trong điều kiện chế độ phong kiến đang còn tồn tại và đất nước đang nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Kết quả khác nhau là điều dễ hiểu, tuy vậy sự thức tỉnh ở Việt Nam vẫn xứng đáng được coi là một tia sáng trên bầu trời ảm đạm của phương Đông, báo hiệu cho những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới. 3. Vị trí, ý nghĩa của phong trào Đông Du trong lịch sử dân tộc. Người ta vẫn thường nhắc đến kết cục không mấy trôi chảy của phong trào Đông Du, nhưng hãy dừng lại ở chính phong trào để thấy rằng cần phải đặt nó vào hạng mục các công việc chuẩn bị đầu tiên cho một công chuyện hay cho một sự nghiệp như sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không nên coi phong trào đó như là kết quả của sự nghiệp giải phóng dân tộc, để rồi đồng nghĩa sự thất bại hay chưa thành công của Đông Du như là sự thất bại của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự thực, hiện tượng Đông Du trên đất Nhật Bản đầu thế kỷ XX đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tư tưởng và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam tạo nên bầu không khí cách mạng sôi nổi khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, thông qua hoạt động của phong trào đã hình thành một “nguồn lực” quan trọng, làm phong phú “nội lực” cho quê hương đất nước, tạo tiền đề khả năng “phát huy nội lực” trong tương lai không xa. Không chỉ là một phong trào xuất dương cầu học đơn thuần, đây còn là một phong trào chính trị, cách mạng, là một trường rèn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam. Thực tế lịch sử cho thấy, phong trào đã đào tạo được một số cán bộ cách mạng cung cấp cho phong trào yêu nước ở Việt Nam trong kỷ XX như Đặng Tử Mẫn, Lương Lập Nham (tức Lương Ngọc Quyến), Lương Nhị Khanh, Hoàng Trọng Mậu, Trần Hữu Lực… và nhiều gương mặt thanh niên ưu tú khác. Đông Du mang dáng dấp của một cuộc vận động cải cách văn hóa, giáo dục đầu tiên của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” tiến đến đấu tranh giành lại độc lập, chủ quyền quốc gia – dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Các chí sĩ Đông Du khi sang Nhật, họ được học văn hóa (tiếng Nhật, tiếng Anh, văn học, toán, lý, hóa, sử, địa…), học quân sự ở các trường tiểu học, trung học, cao đẳng. Với chương trình học tập như vậy, họ được trang bị chìa khóa “mở trí khôn”, để trở thành các chí sĩ cách mạng có trình độ học vấn vượt qua sự dốt nát, lạc hậu. Do đó Đông Du đã góp phần vào việc thức tỉnh dân tộc, góp phần làm phá sản chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Đông Du cùng những hoạt động sôi nổi, những tác phẩm tràn đầy nhiệt huyết của Phan Bội Châu kết hợp với phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục ở trong nước thực sự đã làm thức tỉnh nhân dân cả nước, tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức tư tưởng và hình thái đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chuyển hướng mạnh mẽ từ hệ tư tưởng phong kiến sang tư tưởng dân chủ và làm dấy lên sức mạnh tiềm tàng của dân tộc theo xu hướng tư tưởng tiến bộ của thời đại lúc bấy giờ. Như vậy, tầm nhìn của phong trào Đông Du rất xa và rộng, chỉ có điều hoàn cảnh chính trị - xã hội đương thời không cho phép phong trào đến cái đích thành công. Hoạt động của phong trào và sự nghiệp cũng như hoài bão của các sĩ phu yêu nước đã gióng lên một hồi kèn vang vọng, mãi thúc dục những ai là người Việt yêu nước muốn canh tân đất Việt thân thương không chỉ trong thời gian đó mà cả hôm nay cùng mai sau.  Hiện tượng Đông Du vừa là bước ngoặt của phong trào dân tộc Việt Nam, vừa là khởi điểm đầu tiên khá sâu đậm của sự tiếp xúc giao lưu giữa hai dân tộc Nhật - Việt trong lịch sử cận, hiện đại. Đặt trong bối cảnh lịch sử xã hội đương thời cách đây một thế kỷ quả là sớm. Đúng như nhà nghiên cứu Chương Thâu nhận định “Phan Bội Châu qua phong trào Đông Du cầu học, đáng được tôn vinh nhà cách mạng có tư tưởng liên minh quốc tế sớm nhất trong qúa trình đi tìm đường cứu nước” [9; tr.535]. Mặc dù về phía quan phương chính thống của chính phủ Nhật Bản thì không thể trực tiếp giúp đỡ (công khai) cho phong trào Đông Du, nhưng tình cảm “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” vẫn được đồng cảm và phát triển, đặc biệt các nhân sĩ, tri thức tiến bộ và nhân dân Nhật Bản vẫn cưu mang, hào hiệp, giúp đỡ nhiệt tình cho phong trào. Trải qua thăng trầm lịch sử, năm 1973 hai nước Việt - Nhật chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, tiếp nối những giá trị truyền thống của quan hệ giao lưu văn hóa lâu đời, sự hợp tác giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực. Lúc này không chỉ người Việt tiếp tục Đông Du sang Nhật Bản, mà ngày càng đông người Nhật cũng Nam Du sang Việt Nam để nghiên cứu, học tập, du lịch và đầu tư kinh tế. Phan Bội Châu trung thành với đường lối bạo động nhưng với phong trào Đông Du, ông đã chứng tỏ mình là một nhà duy tân tiên phong. Phan Châu Trinh tuy cực lực phản đối bạo động và ngoại viện song chủ trương đưa thanh niên đi du học, bồi dưỡng nhân tài nhằm chấn hưng đất nước lại gần gũi với tư tưởng của ông. Đây là một phong trào gây ấn tượng mạnh và có ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào cách mạng nước ta nửa đầu thế kỷ XX. Không lâu sau, năm 1911 Nguyễn Ái Quốc cũng lên đường Tây du tìm con đường cứu nước, cái vũ khí mà Nguyễn Ái Quốc tìm không chỉ là một lực lượng vật chất có đủ để giải phóng dân tộc, mà là một lực lượng tinh thần mạnh hàng triệu lần hơn lực lượng vật chất đó. Tiếp sau, Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, đó cũng là công việc cuối thế kỷ XX, khi đất nước ta cũng lâm vào bế tắc trong tiến trình phát triển, và sự đổi mới nhạy bén từ trong đường lối mở cửa đã được khơi thông một cách hữu hiệu. Hiện tượng duy tân bằng công cuộc Đông Du diễn ra đầu thế kỷ XX mang một kết cục khác. Tuy vậy, hai sự kiện đó đã gặp nhau từ một tư tưởng lớn, đó chính là làm sao đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ trầm trọng như mất nước, thoát khỏi những định kiến và lề thói cũ. Cả hai phong trào đều lựa chọn cái mới, cái tiến bộ làm giải pháp cơ bản của sự phát triển. Hoạt động yêu nước và cách mạng của phong trào Đông Du, xét trong tính liên tục của lịch sử dân tộc, đã là một đoạn đường cần thiết chuẩn bị cho thắng lợi cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đông Du vì vậy, chính là “dấu gạch nối” (3) kể từ sau khi phong trào yêu nước Cần Vương thất bại cho đến trước khi Nguyễn Ái Quốc thành công với con đường cách mạng vô sản. Đã xa vào quá khứ đầy 1 thế kỷ, những bài học lịch sử của phong trào Đông Du vẫn còn nóng hổi trong đời sống hiện tại: Đông Du chỉ ra rằng không thể trông chờ vào đế quốc để chống đế quốc, vì bản chất chủ nghĩa đế quốc thường giống nhau, phải biết tự “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Điều đáng ghi nhận và đánh giá cao là Phan Bội Châu cùng các đồng chí của ông đã thấy rõ không có bạo lực cách mạng, vũ trang thì không thể thắng được kẻ thù. Có điều chọn con đường bạo động vũ trang những nhà cách mạng Đông Du không hề coi nhẹ việc nâng cao dân trí. Xây dựng lực lượng để bạo động giành độc lập dân tộc vẫn phải rất coi trọng việc truyên truyền giáo dục, thức tỉnh quốc dân đồng bào.  Đông Du đầu thế kỷ XX còn cho thấy, trong thời cận - hiện đại của lịch sử Việt Nam để cứu nước, để phát triển xã hội, những nhà ái quốc không thể tự giam mình trong phạm vi quốc gia mà phải tiếp cận với thế giới, phải tiếp xúc và giao lưu bên ngoài; từ đó có thể hiểu mình, hiểu người, hiểu rõ thực trạng đất nước, tìm ra giải pháp đúng cho đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà trong đường lối đối ngoại hiện nay Đảng ta luôn dành sự chú ý đặc biệt đến các đối tác chiến lược nhằm mục đích phục vụ tốt công cuộc đổi mới. III. KẾT LUẬN Hiện tượng Đông Du đầu thế kỷ trước mãi còn vang vọng trong đời sống hiện tại. Chính bởi vị trí và ý nghĩa to lớn như vậy, trong suốt những năm qua Đông Du luôn là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài. Những vấn đề mang tính thời sự của Đông Du như là việc tôn tạo, bảo quản các di sản vật thể và phi vật thể của phong trào sẽ tiếp tục được chú ý. Các vấn đề như nghiên cứu về tính dân tộc, tính địa phương, các mối quan hệ của phong trào với thế giới bên ngoài… sẽ được làm sáng tỏ và đi vào chiều sâu, tương xứng với vị trí to lớn của nó trong tiến trình lịch sử dân tộc./.  -------------------------------------------- CHÚ THÍCH (1). Đông Du – nước Nhật ở phía Đông của Việt Nam, Đông Du – còn nhằm chỉ phong trào ở các nước phương Đông nói chung. (2). Tác giả có cùng quan điểm và trích lại ý của GS. Đinh Xuân Lâm trong các công trình nghiên cứu gần đây. (3). Tác giả nhấn mạnh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Phan Bội Châu, Toàn tập (tập II). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990. [2]. Phan Bội Châu, Toàn tập (tập VI). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990. [3]. Trần Bá Đệ (chủ biên) - Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002. [4]. Trần Đình Dương - Sự chuyển biến của phong trào yêu nước và cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX. Nxb ĐHQG Hà Nội, 2002. [5]. Feray (P. Richard) – Le Vietnam au xxe siècle (Nước Việt Nam ở thế kỷ XX). Paris, 1979. [6]. Kimurahiroshi – Furuta Motoo, Nguyễn Duy Dũng - Những bài học về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nxb Thống kê, Hà Nội, 2005. [7]. Tôn Quang Phiệt - Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa, 1956. [8]. Phong trào Đông du và Phan Bội Châu. Nxb Nghệ An trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005. [9]. Chương Thâu - Nghiên cứu Phan Bội Châu. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.  Theo: /edu.goonline.vn