Tóm tắt. Thực tế giảng dạy sinh viên cử tuyển những năm gần đây ở các trường Đại
học sư phạm và Đại học Quốc gia cho thấy: Dạy ngôn ngữ nói chung (Tiếng Việt
thực hành nói riêng) và dạy Cơ sở văn hóa Việt Nam có mối liên quan mật thiết với
nhau. Nếu xác định đúng đắn mối quan hệ này, việc giảng dạy có thể tránh được
những khó khăn do sự bất đồng văn hóa và phát huy được mặt thuận lợi của nó, tận
dụng khả năng rèn luyện, cung cấp tri thức, kỹ năng tổng hợp cho sinh viên, tạo
sự hấp dẫn và hiệu quả cao hơn cho người học. Điều đó càng góp phần khẳng định
quan điểm: Dạy học phải sát đối tượng mới có phương pháp phù hợp, hiệu quả.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 130 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phương pháp tích hợp giảng dạy tiếng và dạy văn hóa qua kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt thực hành cho sinh viên cử tuyển dự bị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci. 2012, Vol. 57, No. 4, pp. 114-119
PHƯƠNG PHÁP TÍCH HỢP GIẢNG DẠY TIẾNG
VÀ DẠY VĂN HÓA QUA KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY
TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH CHO SINH VIÊN CỬ TUYỂN DỰ BỊ
Lê Thị Tuyết Hạnh
Học viện Quản lí Giáo dục
E-mail: letuyethanhnguyen@yahoo.com.vn
Tóm tắt. Thực tế giảng dạy sinh viên cử tuyển những năm gần đây ở các trường Đại
học sư phạm và Đại học Quốc gia cho thấy: Dạy ngôn ngữ nói chung (Tiếng Việt
thực hành nói riêng) và dạy Cơ sở văn hóa Việt Nam có mối liên quan mật thiết với
nhau. Nếu xác định đúng đắn mối quan hệ này, việc giảng dạy có thể tránh được
những khó khăn do sự bất đồng văn hóa và phát huy được mặt thuận lợi của nó, tận
dụng khả năng rèn luyện, cung cấp tri thức, kỹ năng tổng hợp cho sinh viên, tạo
sự hấp dẫn và hiệu quả cao hơn cho người học. Điều đó càng góp phần khẳng định
quan điểm: Dạy học phải sát đối tượng mới có phương pháp phù hợp, hiệu quả.
Từ khóa: Tích hợp giảng dạy, Tiếng Việt thực hành, giáo dục văn hóa, tri thức - kĩ
năng tổng hợp.
1. Mở đầu
Trong những năm học vừa qua, do tính liên ngành của bộ môn, ngoài việc giảng
dạy cơ sở văn hóa Việt Nam, chúng tôi (Học viện Quản lí Giáo dục) còn được phân công
giảng dạy tiếng Việt thực hành cho khối dự bị cử tuyển. Đó là lớp học bao gồm sinh viên
các dân tộc miền núi thuộc cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam: Dao, Tày, Mường, Thái,. . .
từ Lào Cai, Yên Bái ở phía Bắc đến Gia Lai, Kon Tum ở phía Nam.
Với sinh viên cử tuyển – dạy để có kỹ năng nói và viết tiếng Việt tốt – chính là rèn
luyện tiếng mẹ đẻ thứ hai cho họ - thứ tiếng mà họ đã được học từ lâu, có hiểu biết khá
nhiều song vẫn còn nhiều bất cập. Như vậy, quá trình học tiếng Việt cũng là quá trình diễn
ra trong sự “giao thoa văn hóa” giữa văn hóa Việt và văn hóa các dân tộc anh em sống
trên lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế giảng dạy càng khẳng định rõ thêm điều đó: có một số lỗi lặp đi lặp lại ở
một số kiểu câu, lỗi dùng từ trong cách nói, cách viết của các học sinh người dân tộc thiểu
số. Điều đó đặt ra vấn đề: để giúp sinh viên người dân tộc chữa những “lỗi sai” tiếng Việt
(mà thực ra là dấu vết thói quen ngôn ngữ dân tộc), cần phải hiểu văn hóa riêng của họ,
nền tảng vật chất và tinh thần ảnh hưởng đến lối tư duy, ngôn ngữ của họ.
Thêm vào đó chúng tôi còn gặp phải những khó khăn về trình độ sinh viên không
đồng đều hay không có giáo trình tiếng Việt thực hành chính thức cho sinh viên cử tuyển.
114
Phương pháp tích hợp giảng dạy tiếng và dạy văn hóa qua kinh nghiệm giảng dạy...
Từ thực tế yêu cầu giảng dạy và đối tượng học tập như thế, chúng tôi đã buộc phải có sự
sáng tạo trong việc xây dựng, cải biên chương trình, thiết kế nội dung bài giảng cụ thể.
Mặc dù không sử dụng giáo trình của Nguyễn Minh Thuyết (ĐHXHNV) hay tác giả Lê A
- Nguyễn Quang Ninh (ĐHSP) song chúng tôi vẫn phải cho sinh viên rèn luyện tất cả các
kỹ năng thực hành tiếng Việt: phân loại phong cách chức năng, tạo lập văn bản (nói và
viết) với đủ các thao tác tìm ý, chọn ý, sắp xếp ý và lập dàn ý. . . Đây là những kỹ năng cần
thiết không chỉ với sinh viên cử tuyển dự bị mà còn với cả sinh viên đại học nói chung.
Tuy nhiên không thể nói đây là những vấn đề mới mẻ và hấp dẫn đối với họ, vì hầu hết
các kỹ năng này đều đã được đề cập đến trong chương trình tiếng Việt phổ thông. Chính
điều đó đã thôi thúc chúng tôi tìm một giải pháp mới cho vấn đề dường như đã cũ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tích hợp giảng dạy tiếng và dạy văn hóa
Thực tế rèn luyện những kỹ năng thực hành tiếng Việt cho sinh viên dự bị cử tuyển
đã cho thấy: những vấn đề về “stress”, “bảo vệ môi sinh”, “người lớn tuổi và chứng đột
quỵ”, “về một phương pháp xấp xỉ giải bài toán điều khiển tối ưu các hệ sai phân ngẫu
nhiên có ràng buộc hỗn hợp” như trong giáo trình sẵn có là những vấn đề thuộc chuyên
môn hẹp, trừu tượng, khó hiểu đối với sinh viên. Nhiều em chưa hiểu được những khái
niệm, thuật ngữ chuyên ngành để có thể hiểu đoạn văn. Chính vì vậy, cần phải đặt ra một
chủ đề quen thuộc, gần gũi để thu hút các em vào công việc. Đó là chủ đề dân tộc, quê
hương của bản thân với những nét đặc sắc độc đáo trong phong tục tập quán cũng như thổ
nhưỡng, văn hóa. . .
Nếu như ở các chủ đề đã nêu, chỉ có 30 – 40% sinh viên tham gia bài học thật sự thì
với chủ đề mới mà gần gũi quen thuộc với tất cả các em này, số lượng sinh viên tham gia
đạt tới 100%. Tất cả các em đều hào hứng viết bài, không ai để giấy trắng hay ngồi cắn
bút, nói chuyện riêng. . . vì các em đều thấy mình có khả năng viết được, có cái để nói ra
– với chủ đề này - chủ đề về chính đời sống thân thuộc của các em, quê hương, gia đình
các em. . . Một vấn đề đã cũ nhưng qua đó, chúng tôi đã thu hút được các em vào việc rèn
luyện các kỹ năng thực hành tiếng – mục tiêu của chương trình. Khi các em đã hào hứng
viết bài thì những khó khăn trong yêu cầu, hướng dẫn các em tổ chức bài theo dàn ý từ
khâu tìm ý, chọn ý. . . , rồi tìm ý chính và “tóm tắt văn bản” của chính mình các em đều có
thể vượt qua.
Những điều đó thực sự trở nên lạ lẫm và thú vị đối với các em trong chính quá trình
tạo lập văn bản về một chủ đề đã “cũ”. Các em say sưa viết, say sưa rèn luyện các thao tác:
từ chủ đề chung triển khai thành các luận điểm, luận cứ và luận chứng. . . , rồi lại đi ngược
quá trình tạo lập văn bản ấy, để “tìm hiểu văn bản” của chính mình qua các thao tác: tìm
câu chủ đề của đoạn, tìm ý chính. . . Cái chính là văn bản của tác giả “chính mình” (my
self) thật gần gũi với các em, khiến các em hiểu rõ hơn ai hết quá trình vận động “tạo lập”
và “tiếp thu” văn bản ấy.
115
Lê Thị Tuyết Hạnh
2.2. Dạy tiếng Việt thực hành thực hiện thông qua giáo dục văn hóa và
ngược lại
Qua các bài viết của sinh viên cử tuyển - các đại diện của nhiều dân tộc anh em trên
khắp mọi miền đất nước, chúng tôi đã tổng hợp được nhiều tri thức phong phú, sinh động
về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa vùng và một số phương diện của các thành tố
văn hóa như văn hóa phong tục, tín ngưỡng, văn hóa ăn – mặc - ở. . . Chúng ta có thể biết
về tục “cướp vợ” của người Mông, lễ hội “lồng tồng” của người Tày, trang phục cầu kỳ
của người phụ nữ Dao, Mông. . . chi tiết và đầy đủ hơn sự mô tả của bất kỳ cuốn sách văn
hóa nào. Phương diện này thiết nghĩ không chỉ trò học ở thầy mà thầy cũng có thể học rất
nhiều tri thức cuộc sống tươi rói sinh động ở chính học trò mình.
Em Nông Thị Kiểm, dân tộc Tày viết về quê hương Bắc Kạn của mình đầy tình yêu
mến, tự hào: “Mỗi buổi sớm mai bạn có thể được ngắm nhìn cảnh” núi ấp ôm mây, mây ấp
núi” của quê hương tôi. Thật thú vị và nên thơ biết bao, xung quanh những đám mây trắng
muốt, bồng bềnh nổi lên một dãy núi xanh rì. Có rất nhiều núi nhưng nổi trội hơn cả có
lẽ là dãy “Fiabjooc” với sự pha trộn màu sắc hài hòa của rất nhiều loại hoa. Buổi trưa cái
nắng vàng chói lọi như muốn tôn thêm vẻ đẹp vốn rất thanh bình của Bắc Kạn. Chiều về
bạn sẽ được tận hưởng những giây phút hoàng hôn thật thanh khiết và nhẹ nhàng. . . Nếu
đến thăm Bắc Kạn vào mùa xuân, bạn sẽ được biết đến những câu hát sli, hát lượn hay âm
thanh ngọt ngào của cây đàn tính hai dây. Trong các lễ hội “lồng tồng” bạn còn được tham
gia vào nhiều trò chơi của các dân tộc thật vui, thật khỏe. Đặc biệt hội hồ Ba Bể (10 tháng
giêng) đang là điểm hẹn hò của nhiều nam thanh nữ tú khắp nơi. Hội Hồ diễn ra liên tục
trong 3 ngày với rất nhiều trò chơi thú vị. Tôi thích nhất là được xem các cô gái cùng các
chàng trai trong y phục của dân tộc mình đua thuyền độc mộc trên lòng hồ Ba Bể trong
xanh. Mỗi thuyền gồm một cặp trai tài gái sắc, họ đang cố gắng đem sức thanh xuân và
trổ tài điều khiển khéo léo của mình để có thể là người về đích đầu tiên. . . ”.
Em Long Thị Thanh Huyền dân tộc Tày - Lào Cai viết “Nếu có một lần lên Lào
Cai mời bạn đến Bắc Hà đắm chìm trong không gian của hoa mận xanh. Bạn sẽ hòa mình
trong những trang phục rực rỡ của các cô gái H’Mông. Bạn sẽ hòa vào trong ly rượu làm
ngất ngây lòng người. Bạn cũng không thể bỏ qua Sapa, khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng
– thành phố trong sương. Các bạn sẽ du dương trong tiếng khèn tìm bạn trong đêm xuân
“chợ tình”. . . ”.
Em Đinh Thị Nguyệt – dân Ka donng lại giới thiệu quê hương Kontum - mảnh đất
giàu truyền thống đấu tranh cách mạng: “Nơi đây có đỉnh núi Ngọc Linh hùng vĩ, có dòng
Dakbla hiền hòa xinh đẹp trải rộng phù sa, có thác Yaly huyền thoại nay đã trở thành
công trình thủy điện mang ánh sáng về khắp buôn làng. . . Vào mỗi buổi chiều, men theo
những con đường nối phố với rừng, ta thấy một màu xanh thăm thẳm của những cánh
rừng thông, rừng sim. . . Kontum được biết đến bởi văn hóa Cồng Chiêng và nhà Rông.
Vào những ngày hội, đâu đó trong các bản làng, ta ngây ngất trong mùi hương của hoa Pơ
lang và thưởng thức giai điệu du dương trầm bổng của tiêng chiêng, tiếng cồng trong mái
nhà Rông đầy ắp tiếng cười. Đó cũng là lúc mọi người trao cho nhau những chén rượu cần
ngọt lịm, mát lạnh và say sưa nối vòng xoay trong tiếng chiêng náo nức, tưng bừng”.
116
Phương pháp tích hợp giảng dạy tiếng và dạy văn hóa qua kinh nghiệm giảng dạy...
Em Lý Thị Thu Hằng, dân tộc Nùng lại thấy là Hà Giang quê mình thật đẹp với
cảnh “thác Mơ nằm trên một trong 99 ngọn núi xếp sát nhau của huyện Na Hang, nhìn
tổng thể như một thành lũy vững chắc bao bọc lấy những thung lũng nhỏ bên trong. Dòng
thác Mơ chảy từ trên đỉnh núi xuống tung bọt trắng xóa như một chiếc thang nối đất với
trời”.
Kết thúc câu chuyện về phong tục lễ hội bản mường vào mùa xuân, cô gái Mường
Phạm Thị Thương miêu tả như một lời mời gọi, lời hứa hẹn “Mùa xuân trải mướt một màu
xanh lên rừng núi, bản làng. Những nụ hoa đào, hoa mận đua nhau nở trong nắng xuân
ấm áp. Tất cả như đang vẫy gọi những con chim đi xa của núi rừng quay trở về tổ ấm, như
gọi mời những bạn bè bốn phương hãy về với sắc xuân tươi đẹp trên đất Mường”.
Kể về phong tục hôn nhân của người Mông – cô sinh viên Lý Tuyết Nhung ở Mù
Căng Chải ý thức được rõ ràng nét đẹp văn hóa của truyền thống dân tộc mình: “Phần
nhiều vợ chồng người Mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau rất hòa thuận, cùng làm ăn,
cùng lên nương xuống chợ, cùng về nhà mẹ vợ, đi hội hè. . . Nam nữ vui xuân thường thổi
khèn gọi bạn tình trong những đêm trăng. Tiếng khèn môi của các cô gái H’Mông e ấp,
dịu dàng và đầy chân thật. Tiếng hát đôi nam nữ bầy tỏ tình cảm trong đêm xuân là lời
yêu thương, hẹn hò, lời ngợi ca vẻ đẹp cuộc sống quê hương, đất nước.
Quê hương em, vùng đất xa xôi ấy mãi mãi in sâu trong tâm trí biết bao phong cảnh
đẹp, tình cảm con người chân thật, giản dị và nồng hậu. Thế hệ chúng em nguyện sẽ hiến
dâng tuổi trẻ của mình cho quê hương thân yêu và tổ quốc Việt Nam bền vững muôn đời”.
Thiết tưởng việc giáo dục tư tưởng chính trị đạo đức các mạng trong mục tiêu xây
dựng nhân tố con người trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước của chúng
ta hôm nay cũng chỉ nhằm một mục đích bồi đắp nên những tâm hồn, nhân cách lý tưởng
như thế.
2.3. Quan hệ giữa tư duy văn hóa – ngôn ngữ với việc chữa một số lỗi cú
pháp, dùng từ thường gặp cho sinh viên cử tuyển
2.3.1. Lỗi cú pháp thường gặp
Qua thực tế giảng dạy và những thống kê bước đầu cho thấy: số lượng sinh viên
người dân tộc thiểu số mắc cùng lỗi sai ở kiểu câu có đề ngữ ở đầu hoặc đồng chủ ngữ,
đồng vị ngữ chiếm tỷ lệ khá cao (hơn 80%). Ở trường hợp này, đại đa số lỗi sai do người
viết nhầm đề ngữ, hoặc đồng chủ ngữ với chủ ngữ, đồng vị ngữ với vị ngữ tạo ra những
câu thiếu một trong hai thành phần nòng cốt( chủ ngữ, vị ngữ) hoặc trùng lặp. . . Trong
văn bản của các em, những câu như thế này không phải là hiếm: “Nói đến quê hương,
thường nghĩ tới màu sắc, đặc điểm rất độc đáo của quê hương mình” (Hơ Văn Pó – Dân
tộc Thái); “Quê em, một miền quê thanh bình với những đồng lúa nương ngô, núi non
trùng điệp nối tiếp nhau tạo nên một thung lũng bao quanh nó như làm ta thêm gắn bó
với nhau hơn” (Triệu Thúy Lan – Dân tộc Dao). Điều đáng quan tâm là loại lỗi này gặp ở
cả những bài viết tốt, những sinh viên tỏ ra sử dụng tương đối thành thạo ngôn ngữ tiếng
Việt chứ không chỉ xuất hiện ở những bài viết kém, những sinh viên có năng lực sử dụng
ngôn ngữ kém. . . Điều nay cho phép đặt ra một giả định: đó là những sản phẩm ngôn ngữ
117
Lê Thị Tuyết Hạnh
chịu ảnh hưởng của lối tư duy hình tượng – cụ thể của những người dân có cuộc sống vật
chất và tinh thần gắn bó nhiều với tự nhiên, có phần thô sơ, chất phác, hình thành lối nói
với kiểu tạo câu chú ý đến chủ đề hơn chủ thể của câu nói và không phân biệt rạch ròi hai
khái niệm này?
2.3.2. Lỗi dùng từ
Lỗi dùng từ của các em thường là từ dùng chưa chính xác do sắp xếp sai trật tự từ
hoặc đặt trong kết hợp không phù hợp.
- Kết hợp số từ + danh từ cụ thể (bỏ qua danh từ chỉ loại):
Ví dụ: một + Mường Lát; một + quê hương
- Kết hợp tính từ mức độ + danh từ:
Ví dụ: Rất + Mường Lát
Thật là + bao quanh
(Ngoài ra còn có trường hợp kết hợp tính từ chỉ mức độ và tính từ cả trước và sau
danh từ: “cây cối khá phát triển tốt”)
- Kết hợp một từ cụ thể với một từ trừu tượng gần với lối diễn đạt tu từ mang dấu
vết của cách nhìn hồn nhiên, chất phác với tự nhiên
Ví dụ: “đắm chìm trong không khí sắc trời của hoa mận trắng”
-Cấu trúc diễn đạt biểu cảm là kiểu kết cấu của sinh viên các dân tộc thiểu số ưa
dùng với một tỷ lệ khá cao: Câu dài chứa nhiều đề ngữ, đồng chủ ngữ, đồng vị ngữ, bổ
ngữ. . .
Đây là một câu trong một bài viết được coi là có năng lực diễn đạt tiếng Việt khá
trôi chảy, (Lý Tuyết Nhung – dân tộc H’mông): “Quê hương em, Mù Căng Chải mến yêu
thật đẹp biết bao hình ảnh sương mù quanh năm bao phủ, ai đã từng lên mảnh đất đó một
lần thì không thể không nhớ vùng đất Khao Pha, nơi đã từng là căn cứ cách mạng của một
thời kháng chiến oanh liệt và hào hùng, đặc biệt là đội du kích Lý Nủ Chu”.
Lối viết này phảng phất âm hưởng của những câu văn trong sử thi dân tộc – những
câu văn của “Đam San”, “Xinh Nhã” “Xống chụ xôn xao”. . .
Những nhận xét bước đầu này gợi ý cho chúng tôi về việc làm cần thiết để giúp cho
việc hướng dẫn sinh viên cử tuyển thực hành tiếng Việt hiệu quả hơn: phân loại các loại
lỗi thường gặp, xem xét nó trong mối quan hệ với văn hóa dân tộc để dự đoán nguyên
nhân và đề ra cách chữa phù hợp.
Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một sự khảo sát kỹ càng hơn trên một diện rộng hơn
cũng như có thể trở thành đề tài cho một loạt công trình cùng hướng nghiên cứu sâu hơn
và hiệu quả hơn.
3. Kết luận
* Quá trình giảng dạy sinh viên cử tuyển những năm gần đây là quá trình chúng tôi
được tiếp xúc với những sắc màu văn hóa- ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Đó cũng là một
điều kiện khiến giảng viên có thể bồi dưỡng thêm những tri thức văn hóa cần thiết cho
118
Phương pháp tích hợp giảng dạy tiếng và dạy văn hóa qua kinh nghiệm giảng dạy...
mình, nắm được những thói quen tư duy ngôn ngữ của sinh viên người dân tộc để tìm ra
những phương pháp chữa lỗi có hệ thống giúp cho việc sử dụng ngôn ngữ Việt ngày càng
trong sáng, đồng thời cũng làm phong phú hơn cách diễn đạt tiếng Việt.
* Dạy ngôn ngữ nói chung (Tiếng Việt thực hành nói riêng) và dạy Cơ sở văn hóa
Việt Nam có mối liên quan mật thiết với nhau: Nếu xác định đúng đắn mối quan hệ này,
việc giảng dạy có thể tránh được những khó khăn do sự bất đồng văn hóa và phát huy
được mặt thuận lợi của nó, tận dụng khả năng rèn luyện cung cấp tri thức kỹ năng tổng
hợp cho sinh viên, tạo sự hấp dẫn và hiệu quả cao hơn cho người học.
* Một vấn đề phương pháp luận nữa có thể rút ra từ kinh nghiệm thực tế của chúng
tôi, dù đó là vấn đề không còn mới trong phương pháp giảng dạy: Dạy học phải sát đối
tượng, sát đối tượng mới có phương pháp phù hợp, hiệu quả. Để kết thúc bài viết này,
chúng tôi muốn mượn lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch với các nhà văn: “Khi viết, phải luôn
tự hỏi: viết cho ai, viết cái gi, viết như thế nào?”. Cũng có thể nói như vậy với người giáo
viên, khi dạy học, phải luôn tâm niệm: Dạy ai? Dạy cái gi? Dạy như thế nào?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cao Xuân Hạo, 2001. Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
[2] Hà Thúc Hoan, 1997. Tiếng Việt thực hành. Nxb Tp Hồ Chí Minh.
[3] Nguyễn Minh Thuyết - Nguyễn Văn Hiệp, 1997. Tiếng Việt thực hành. Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
[4] Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2007. Tiếng Việt thực hành. Nxb Thống kê.
ABSTRACT
Language and Culture teaching combination method via experiences
of teaching Vietnamese in Use for pre-university nomination students
The reality of teaching nomination students at University of Education and Vietnam
National University shows that there is a close relationship between teaching language in
general (Vietnamese in Use in specific) and teaching Vietnamese Cultural Basis. If this
relationship is accurately defined, the teaching can avoid difficulties arising from cul-
tural misunderstandings and bring into play its advantages: make use of training, provide
students with knowledge and classifying skill, create attractiveness and effectiveness for
learners. This contributes to reinforce the point: teaching needs to adhere learners to find
out effective and appropriate methods.
119