Tóm tắt
Mục tiêu bài viết nhằm đưa ra một số góc nhìn, nhận định về vấn đề Đào tạo trực
tuyến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trước hết, tác giả thống nhất về
cách thức sử dụng thuật ngữ “đào tạo trực tuyến” hay “E-Learning” dựa trên tổng
quan một số nghiên cứu và tài liệu liên quan. Tiếp đó, bài viết tiếp cận với cách mạng
công nghiệp 4.0 qua một số thuật ngữ cơ bản của nó. Cuối cùng, các vấn đề E-Learning
được đặt vào bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để chỉ ra các thách thức và lợi thế
đối với hình thức đào tạo trực tuyến E-Learning. Đó là những thách thức đến từ mặt
công nghệ, nội dung và cả người học E-Learning để từ đó đòi hỏi hình thức đào tạo này
phải tận dụng các lợi thế nhằm nâng cao và phát triển trong điều kiện hiện nay.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 270 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thách thức và lợi thế của đào tạo trực tuyến trong cách mạng công nghiệp 4.0, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
171
THÁCH THỨC VÀ LỢI THẾ CỦA ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN
TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
ThS. Nguyễn Đức Nhân
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tóm tắt
Mục tiêu bài viết nhằm đưa ra một số góc nhìn, nhận định về vấn đề Đào tạo trực
tuyến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trước hết, tác giả thống nhất về
cách thức sử dụng thuật ngữ “đào tạo trực tuyến” hay “E-Learning” dựa trên tổng
quan một số nghiên cứu và tài liệu liên quan. Tiếp đó, bài viết tiếp cận với cách mạng
công nghiệp 4.0 qua một số thuật ngữ cơ bản của nó. Cuối cùng, các vấn đề E-Learning
được đặt vào bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để chỉ ra các thách thức và lợi thế
đối với hình thức đào tạo trực tuyến E-Learning. Đó là những thách thức đến từ mặt
công nghệ, nội dung và cả người học E-Learning để từ đó đòi hỏi hình thức đào tạo này
phải tận dụng các lợi thế nhằm nâng cao và phát triển trong điều kiện hiện nay.
Từ khóa: đào tạo trực tuyến, thách thức, lợi thế, cách mạng công nghiệp 4.0
Đào tạo trực tuyến (còn được gọi là E-Learning) mặc dù đã xuất hiện ở Việt
Nam được một khoảng thời gian, nhưng có thể nói rằng nó vẫn chỉ đang ở trong giai
đoạn hình thành và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hình thức đào tạo này
đang được quan tâm và triển khai tại nhiều trường đại học ở Việt Nam bởi những ưu
điểm vượt trội của nó trong cả việc dạy và học. Cùng với đó, cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động sâu rộng đến tất
cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại mỗi quốc gia. E-Learning cũng cần phải thực hiện
những sự cải tiến và chuyển đổi, tận dụng các lợi thế để đón nhận các thách thức
mới, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu học tập của người học một cách hiệu quả hơn. Đó
là việc tiếp cận với các khái niệm mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí
tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big
Data) để ứng dụng chúng trong đào tạo trực tuyến. Đó là sự thích nghi với nhu cầu
học tập di động MobilE-Learning ngày càng cao, hay sự kết hợp với các dịch vụ điện
tử e-services nhằm tăng cường sự hấp dẫn và gắn kết của người học.
1. Đào tạo trực tuyến (E-Learning)
Trước hết cần làm rõ định nghĩa về đào tạo trực tuyến E-Learning, đây là
một khái niệm tương đối mới và thường được dựa trên nền tảng hiểu biết về một
khái niệm cũ hơn: đào tạo từ xa (distance learning) - một hình thức giảng dạy và
học tập mà trong đó người học sẽ không có giao tiếp mặt đối mặt (face to face) với
người dạy.
172
E-Learning được định nghĩa như là một môi trường học tập sử dụng các công
nghệ về thông tin và truyền thông (ICTs - information and communication
technologies) làm nền tảng cho các hoạt động giảng dạy và học tập (Nichols, 2007).
Có thể hiểu đơn giản rằng, E-Learning là phương thức học tập ảo thông qua các thiết
bị có kết nối Internet đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện
tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi đáp hay yêu cầu cho học viên học trực tuyến
từ xa (UNESCO, 2009).
Như vậy, E-Learning về cơ bản là một dạng tiếp cận của đào tạo từ xa với cách
thức hiện đại và công nghệ tiên tiến. Một loạt các công cụ hấp dẫn và hữu ích đã
được áp dụng như là các video bài giảng, diễn đàn trao đổi, ứng dụng hội thảo video
hay hệ thống quản lý học tập.
Một số lợi thế của hình thức đào tạo E-Learning được chỉ ra theo tài liệu của
UNESCO (2009) như sau:
Thứ nhất, E-Learning cho phép người học có thể truy cập khóa học từ bất kỳ
nơi đâu, bất kỳ thời gian nào. Do đó, các hoạt động học tập diễn ra mọi lúc mọi nơi,
kiến thức có thể được truyền đạt theo yêu cầu và đáp ứng một cách nhanh chóng, 24
giờ một ngày, 7 ngày trong tuần.
Thứ hai, E-Learning có thể giúp tiết kiệm cả về chi phí tài chính và thời gian.
Học phí cho các khóa học có thể được giảm thiểu đáng kể thông qua việc cắt giảm
chi phí đi lại và chi phí tổ chức địa điểm. Đồng thời, thời gian đào tạo có thể rút
ngắn từ 20 - 40% so với phương pháp giảng dạy truyền thống nhờ hạn chế sự phân
tán và thời gian đi lại.
Thứ ba, ưu thế vượt trội của các khóa học E-Learning chính là ở sự uyển
chuyển và linh động. Học viên có thể chọn lựa đăng ký nhiều khoá học mà họ có nhu
cầu cũng như đa dạng các loại khóa học khác nhau, như những khoá học có sự chỉ
dẫn của giảng viên trực tuyến hoặc khoá học tự tương tác. Hơn nữa, học viên có thể
tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những
tài liệu trực tuyến bổ trợ khác.
Cuối cùng, sự tối ưu của E-Learning đến từ việc hệ thống hóa với các hỗ trợ từ
các công nghệ số. Các nội dung bài giảng sẽ được truyền tải một cách nhất quán. Hệ
thống E-Learning cũng dễ dàng tạo và cho phép học viên tham gia học tập, thuận tiện
trong theo dõi tiến độ học tập và kết quả học tập của học viên. Với khả năng tạo
những bài đánh giá, người quản lý dễ dàng biết được nhân viên nào đã tham gia học,
khi nào họ hoàn tất khoá học, làm thế nào họ thực hiện và mức độ phát triển của họ.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến những mặt hạn chế của hình thức đào tạo trực
tuyến E-Learning, trong đó nổi bật là vấn đề cảm xúc và không gian tạo sự ấn tượng
cho người học cũng như sự hạn chế trong tương tác trực tiếp giữa người học và người
173
dạy. Do đó, E-Learning đòi hỏi người học phải có khả năng làm việc độc lập với ý
thức tự giác cao độ; đồng thời, người học cũng cần phải biết lập kế hoạch phù hợp với
bản thân, tự định hướng trong học tập, thực hiện tốt kế hoạch học tập đã đề ra. Quan
trọng hơn cả, hệ thống E-Learning chưa thể thay thế được các hoạt động liên quan tới
việc rèn luyện và hình thành kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng thao tác và vận động.
2. Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 (hay Industry 4.0) là một thuật ngữ gồm một loạt
các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cách mạng công
nghiệp 4.0 được Schwab (2017) định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ
và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong
không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư (kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công
nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động
lực là sự phát triển về khoa học - công nghệ.
Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp này là dựa trên nền tảng công nghệ
số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức
sản xuất (Schwab, 2017). Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp này là sự hợp
nhất về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số
và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. Những yếu tố cốt lõi
của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối –
Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Một số công nghệ đang và sẽ có
tác động lớn nhất như là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu
mới (graphene, skyrmions), công nghệ tự động hóa, xe tự lái, công nghệ nano và
đặc biệt là xu hướng chế tạo, sử dụng robot - người máy thay thế con người trong
quá trình thực hiện mọi loại hình công việc.
Hiện tại, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng với tốc độ đột phá
“không có tiền lệ lịch sử”trên toàn thế giới (Schwab, 2017), tại cả các quốc gia phát triển
cũng như các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội mới,
cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.
3. Thách thức đối với đào tạo trực tuyến trong cách mạng công nghiệp 4.0
Mặc dù hình thức đào tạo E-Learning có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể
nhưng cũng có những thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay đối với việc
tăng cường và cải thiện hiệu quả của E-Learning. Những thách thức này đến từ chính
những vấn đề nội tại của hình thức đào tạo E-Learning kết hợp cùng với những đòi
hỏi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
174
Thách thức về mặt công nghệ của E-Learning. Đi cùng sự phát triển nhanh
chóng của các loại công nghệ như AI, IoT và BigData, các hệ thống E-Learning có
thể bắt kịp và tận dụng công nghệ mới như thế nào để giải quyết và cải thiện chất
lượng đào tạo. Một trong những vấn đề của E-Learning là sự hạn chế về giao tiếp
giữa mọi người với nhau. Con người về bản chất có những nhu cầu về mặt giao tiếp
xã hội, nếu không có sự tương tác với những người khác thì có thể sẽ là yếu tố triệt
tiêu động lực đối với người dùng. Mọi hoạt động đào tạo với E-Learning đều được
thực hiện thông qua các loại máy tính, gần đây là các thiết bị di động khác, đòi hỏi
cần có các ứng dụng tăng cường sự tương tác, ví dụ như ứng dụng hội thảo video hay
các ứng dụng giao tiếp bằng hình ảnh trực quan. Điều này cũng có thể góp phần giảm
sự nhàm chán mà các lớp học online thường mang lại, tăng cường sự gắn kết của học
viên với lớp học.
Như đã có nhắc đến trước đó, ngày nay các chương trình E-Learning có thể
được cung cấp qua các thiết bị di động đang ngày càng phổ biến rộng rãi như điện
thoại thông minh hay máy tính bảng. Sẽ không chỉ sử dụng máy tính cho công tác
đào tạo trực tuyến, mà đã tiến đến bước sử dụng MobilE-Learning, tức là giúp người
học tiếp cận dễ dàng hơn. Thiết bị mobile sẽ làm giản tiện hơn nữa việc học trực
tuyến và sẽ làm tăng số lượng người học lên nữa. Đối với người học, MobilE-
Learning nghĩa là sự kết nối và linh hoạt được tăng cường tương tự như sự kết hợp
giữa công việc và học tập. Điều này đồng nghĩa với tính linh động của E-Learning
càng phải được tăng lên, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong thời
gian di chuyển đến nơi làm việc của họ bởi chỉ đơn giản là có một chiếc smartphone
bên cạnh. Các hệ thống E-Learning sẽ đáp ứng nhu cầu này như thế nào? Phát triển
các ứng dụng điện thoại (apps) cho bài giảng hay ứng dụng hệ thống trả lời tự động
bằng AI cho một số câu hỏi thiết kế sẵn nhằm giảm thời gian chờ đợi các giảng viên
phản hồi, tạo sự tương tác liên tục với người học có thể sẽ là một giải pháp.
Thách thức về mặt nội dung của E-Learning. Để nâng cao chất lượng đào
tạo, nội dung giảng dạy của E-Learning cũng cần phải được đầu tư và phát triển với
chất lượng cao hơn, thực sự trở thành nội dung trực tuyến e-content. Có thể nhận
thấy rằng không phải tất cả các nội dung đào tạo đều phù hợp sử dụng trong nền tảng
E-Learning. Các nội dung trong đào tạo E-Learning cần được cập nhật một cách
nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua các hoạt động tương tác như cho phép học
viên tranh luận chủ động với các nội dung bài giảng qua các bài tập thay vì chỉ đưa ra
thông tin. Theo xu hướng phát triển giáo dục, người học sẽ đăng ký các khóa học vì
họ thật sự muốn học hỏi các kiến thức mới, từ đó nhu cầu gắn việc “học” với “hành”,
tức lý thuyết với thực tiễn là càng cao hơn. Các bài tập tương tác khác nhau sẽ mang
lại giá trị cao hơn cho người học và có vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo
E-Learning (Fuchsberger, et al., 2016).
175
Thách thức từ phía người học E-Learning. Cũng như mọi ứng dụng công
nghệ khác, sẽ luôn có hai mặt của vấn đề mà đòi hòi người dùng phải biết cách kiểm
soát nó. Đó không chỉ là về mặt sử dụng thành thạo các loại công nghệ mới và còn là
thay đổi phương thức học tập. E-Learning không phải là phù hợp với tất cả mọi
người bởi vì nó nhấn mạnh vào việc học tập độc lập, chủ động và đòi hỏi phải hoàn
thành rất nhiều các bài tập, nhiệm vụ và hoạt động tương tác khác. Người học với
một động lực thấp sẽ phải đối mặt với cảm giác áp lực và khó có thể hoàn thành khóa
học một cách hiệu quả. Thêm vào đó, nhiều người chưa có nhận thức phù hợp về tính
hiệu quả của E-Learning và vẫn học tập chủ yếu theo các phương pháp truyền thống,
từ đó làm gia tăng sự thiếu hứng thú và nhàm chán với các nội dung khóa học. Trong
khi đó, người học chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động của khóa học lại là
một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của đào tạo E-Learning. Nó đòi hỏi
một mức độ rất cao của việc tự tạo động lực học tập, do đó nhiều người học sẽ cảm
thấy khó khăn để chuyển từ phương pháp học tập truyền thống sang mô hình học tập
E-Learning kiểu mới.
4. Lợi thế của đào tạo trực tuyến trong cách mạng công nghiệp 4.0
Các thách thức trên đối với đào tạo trực tuyến về công nghệ, nội dung hay từ
phía người học cũng chính là động lực để hệ thống phải ngày càng hoàn thiện hơn.
E-Learning đang được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục tại các quốc gia phát
triển và sẽ tiếp tục được phát triển hơn nữa tại các quốc gia đang phát triển với những
lợi thế vốn có của nó, cùng với các lợi thế đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp
4.0 hiện nay.
Giáo dục đến được với tất cả mọi người. Sự biến chuyển của giáo dục cùng
với sự phát triển của công nghệ đã mở ra một viễn cảnh mới, cơ hội học tập dành cho
học viên ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội. Bất cứ ai cũng có
thể tham gia vào các khóa học với một thiết bị có kết nối Internet. Đi cùng với cuộc
cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là một nền kinh tế tri thức mà gắn liền với nó là
một xã hội học tập – đào tạo suốt đời. Theo xu hướng, nông nghiệp cũng chuyển hóa
dần sang nông nghiệp hữu cơ, đòi hỏi có tri thức, hay lực lượng lao động phổ thông
cũng sẽ dần được thay thế bằng các loại robot. Giáo dục hiện đại, đặc biệt với các
hình thức đào tạo trực tuyến có thể giúp cho lực lượng này được đào tạo lại một cách
nhanh chóng và hiệu quả.
Tận dụng Big Data trong chia sẻ tri thức và đánh giá hiệu quả học tập. Các
giảng viên và nhà giáo dục có thể tạo ra một mạng lưới rộng khắp nhằm chia sẻ các
nguồn lực, công cụ và ý tưởng trong giảng dạy một cách nhanh chóng và dễ dàng;
đồng thời đó là nguồn cung cấp tri thức để nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với các
176
học viên, các dữ liệu về toàn bộ quá trình học tập và đào tạo có thể được phân tích và
đánh giá, từ đó giúp họ có được định hướng phát triển phù hợp và hiệu quả nhất. Vấn
đề quan trọng là việc quản lý các dữ liệu này một cách thích hợp, người học sẽ có thể
tiếp cận với dữ liệu bất cứ lúc nào cho việc theo dõi lịch sử cũng như phân tích cho
tương lai.
Dễ dàng tích hợp với các dịch vụ điện tử e-services. E-service là thuật ngữ để
ám chỉ các loại dịch vụ được cung cấp qua nền tảng Internet (Mandal, 2015). Nó bao
gồm các loại dịch vụ đa dạng như e-insurances, e-banking hay e-financial advice.
Trong xu hướng công nghệ hiện nay, việc tích hợp các loại dịch vụ trên sẽ tạo sự
thuận tiện đáng kể cho người dùng khi mà họ đã quen thuộc với việc sử dụng các
thông tin điện tử, từ đó tăng sự hấp dẫn cũng như gắn kết cho người dùng với khóa
đào tạo mà họ tham gia.
5. Kết luận
Dù đào tạo trực tuyến E-Learning không còn là một xu hướng mới, nhưng cuộc
cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho nó nhiều chuyển biến đáng kể. Việc xây
dựng môi trường học tập trực tuyến sẽ đòi hỏi phải ngày càng được cải thiện đáp ứng
hiệu quả các hoạt động học tập của người học. Sự phát triển không ngừng của công
nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này sẽ mang lại không chỉ những cơ hội
mà còn là nhiều thách thức không nhỏ đối với các hệ thống đào tạo trực tuyến E-
Learning hiện nay. Các khái niệm mới ra đời, các nhu cầu mới phát sinh thêm đòi hỏi
các hệ thống đào tạo E-Learning phải phân tích, tận dụng được các lợi thế nhằm đối
mặt hiệu quả với các thách thức đến từ cách mạng công nghiệp 4.0.
177
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Fuchsberger, V. et al., 2016. Knowledge Acquisition in Industry 4.0: Studying (e)
Learning Experience, s.l.: s.n.
2. Mandal, N., 2015. A Present Scenario of E-Information Service in Rural India.
Knowledge Lıbrarıan, 2(6), pp. 149-176.
3. Nichols, M., 2007. E-Learning in context, s.l.: s.n.
4. Schwab, K., 2017. The fourth industrial revolution. Crown Business.
5. Tavangarian, D. et al., 2004. Is E-Learning the Solution for Individual Learning?.
Electronic Journal of E-Learning, 2(2), pp. 273-280.
6. UNESCO, 2009. Guide to measuring information and communication
technologies (ICT) in education, s.l.: s.n.