Tóm tắt. Sáng tạo là một thuộc tính tâm lí đặc biệt thể hiện khi con người đứng
trước hoàn cảnh có vấn đề. Thuộc tính này là tổ hợp các phẩm chất và năng lực mà
nhờ đó con người tạo ra được ý tưởng mới, độc đáo, hợp lí trên bình diện cá nhân
hay xã hội. Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh là một thuộc tính
tâm lí được hình thành và bộc lộ trong hoạt động học tập, giúp cho học sinh tạo ra
những ý tưởng mới, độc đáo. Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh
Trung học cơ sở (THCS) cũng thể hiện một cách đầy đủ các thành phần tâm lí như
sáng tạo nói chung. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính sáng tạo của học sinh như
các yếu tố của bản thân học sinh và các yếu tố bên ngoài như gia đình, nhà trường
và xã hội. Bước đầu nghiên cứu cho thấy tính sáng tạo của học sinh THCS chủ yếu
ở mức trung bình.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 263 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2014, Vol. 59, No. 2, pp. 161-168
This paper is available online at
TÍNH SÁNG TẠO TRONG HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP
CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ
Nguyễn Thị Huệ
Khoa Tâm lí - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Sáng tạo là một thuộc tính tâm lí đặc biệt thể hiện khi con người đứng
trước hoàn cảnh có vấn đề. Thuộc tính này là tổ hợp các phẩm chất và năng lực mà
nhờ đó con người tạo ra được ý tưởng mới, độc đáo, hợp lí trên bình diện cá nhân
hay xã hội. Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh là một thuộc tính
tâm lí được hình thành và bộc lộ trong hoạt động học tập, giúp cho học sinh tạo ra
những ý tưởng mới, độc đáo. Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh
Trung học cơ sở (THCS) cũng thể hiện một cách đầy đủ các thành phần tâm lí như
sáng tạo nói chung. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính sáng tạo của học sinh như
các yếu tố của bản thân học sinh và các yếu tố bên ngoài như gia đình, nhà trường
và xã hội. Bước đầu nghiên cứu cho thấy tính sáng tạo của học sinh THCS chủ yếu
ở mức trung bình.
Từ khóa: Sáng tạo, tính sáng tạo, hoạt động học tập, học sinh THCS.
1. Mở đầu
Sáng tạo là hoạt động cao cấp nhất của con người, là thuộc tính tuyệt vời nhất mà
con người có được. Sáng tạo được xem là dấu hiệu của sức khỏe tâm thần và trạng thái
của sức khoẻ tích cực. Sáng tạo cần cho mọi hoạt động của con người và có ở mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội. Tất cả những gì con người có được đều là kết quả của hoạt động
sáng tạo... Do đó cần tạo điều kiện để phát huy tối đa sự sáng tạo của con người.
Sáng tạo là yếu tố có tính quyết định đối với việc học tập của mỗi cá nhân. Sáng tạo
vừa là điều kiện để cá nhân học tập tốt vừa là biểu hiện năng lực học tập của con người.
Việc nghiên cứu tính sáng tạo trong học tập của học sinh THCS là hết sức quan trọng và
cần thiết để giúp các em học tập có hiệu quả cao hơn.
Ngày nhận bài: 15/10/2013. Ngày nhận đăng: 15/12/2013.
Liên hệ: Nguyễn Thị Huệ, e-mail: huenguyentlgd@gmail.com
161
Nguyễn Thị Huệ
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh THCS
2.1.1. Khái niệm
Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị mới về vật chất và
tinh thần. Sáng tạo là một thuật ngữ được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc
độ là một quá trình, năm 1962 tác giả Torrance cho rằng: “sáng tạo là một quá trình tạo
ra ý tưởng hoặc giả thuyết, thử nghiệm ý tưởng này đến kết quả. . . Kết quả này ít nhiều có
sự mới mẻ mà trước đây con người chưa bao giờ nhìn thấy, chưa có ý thức về nó” [8; 11].
Dưới góc độ sản phẩm, tác giả Ghiselin (1956) nhận xét: sáng tạo “là cấu dạng mới
nhất của thế giới kinh nghiệm, được tạo nên bằng sự cấu trúc lại kinh nghiệm đã có trước
đó, thể hiện rõ nhất sự nhận thức của chủ thể sáng tạo về thế giới và bản thân. . . ” [8; 12].
Ở góc độ là một thuộc tính tâm lí, tác giả Nguyễn Huy Tú quan niệm: sáng tạo là
một thuộc tính tâm lí đặc biệt thể hiện khi con người đứng trước hoàn cảnh có vấn đề.
Thuộc tính này là tổ hợp các phẩm chất và năng lực mà nhờ đó con người tạo ra được ý
tưởng mới, độc đáo, hợp lí trên bình diện cá nhân hay xã hội.
Cũng như khái niệm sáng tạo, khái niệm tính sáng tạo cũng rất đa nghĩa và cũng
được xem xét dưới nhiều góc độ. Theo nhà tâm lí học người Đức Pigpig (1988) thì: tính
sáng tạo là một thuộc tính nhân cách đặc biệt giúp con người tạo ra cái mới. Một nhà tâm
lí học người Đức khác là K.Urban cũng cho rằng: “tính sáng tạo của con người là một
thuộc tính nhân cách bộc lộ sản phẩm của hoạt động mới mẻ, độc đáo và tối lợi, gây ngạc
nhiên cho bản thân và cho người khác” [8; 23].
Đối với học sinh THCS, sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong hoạt
động học tập, vì vậy nhà trường cần có biện pháp để phát triển tính sáng tạo cho các em.
Qua nghiên cứu, các nhà giáo dục đều khẳng định: tất cả các môn học trong nhà trường
phổ thông đều có thể phát huy tính sáng tạo cho học sinh, nhưng hiệu quả của nó ra sao
lại phụ thuộc vào cách tác động của giáo viên, đặc biệt là phương pháp giảng dạy. Thực
tế các nhà trường hiện nay việc dạy chỉ mới quan tâm đến phát triển tư duy lô gic, mong
muốn tạo ra những con người thông minh, ít chú ý đến phát triển khả năng sáng tạo cho
học sinh, ít chú ý đến tính sáng tạo trong học tập, đây mới là năng lực quan trọng trong
nguồn lực con người. Đây cũng là vấn đề lớn đang đặt ra cho giáo dục phổ thông.
Đại đa số các nhà tâm lí học đều thống thất khái niệm tính sáng tạo, theo quan niệm
của nhà tâm lí học người Đức - K.Urban cho rằng: “tính sáng tạo của con người là một
thuộc tính nhân cách bộc lộ sản phẩm của hoạt động mới mẻ, độc đáo và tối lợi, gây ngạc
nhiên cho bản thân và cho người khác”.
Trong hoạt động học tập, học sinh không chỉ chiếm lĩnh tri thức có sẵn của nhân
loại mà phải biết sáng tạo ra cái mới, có những cách tiếp cận mới, quan điểm mới, cách
giải quyết mới khác với những hiểu biết thông thường. Chính những điều đó vừa giúp học
sinh củng cố, mở rộng tri thức đã học mà còn tạo hứng thú để khám phá, tìm hiểu những
162
Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở
tri thức mới. Tính sáng tạo của học sinh có thể biểu hiện ở việc tạo ra những ý tưởng mới,
sự liên kết linh hoạt và sự diễn tả độc đáo, không lặp lại.
Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh là một thuộc tính tâm lí được
hình thành và bộc lộ trong hoạt động học tập, giúp cho học sinh tạo ra những ý tưởng mới,
độc đáo.
Nếu như sự sáng tạo của các nhà khoa học khám phá, tạo ra cái mới cho toàn thể
nhân loại, những cái chưa ai nghĩ đến thì cái mới học sinh tạo ra chủ yếu mới đối với
bản thân. Cái mới, sự sáng tạo của học sinh luôn có sự hướng dẫn, chỉ bảo của giáo viên.
Trong hoạt động học tập, sự sáng tạo của học sinh thể hiện ở khả năng biến đổi những
kiến thức của nhân loại thành cái riêng của cá nhân. Sáng tạo của học sinh trên cơ sở tiếp
nhận những cái có sẵn, sáng tạo trên nền của một sáng tạo khác.
2.1.2. Những biểu hiện tính sáng tạo của học sinh THCS trong hoạt động học tập
Dạy học ở phổ thông nói chung và trường THCS nói riêng lâu nay chủ yếu bắt học
sinh ghi nhớ, nhớ được càng nhiều càng tốt. Song việc ép buộc học sinh ghi nhớ dễ làm
cho các em mất hứng thú, căng thẳng và nhanh chóng quên ngay sau khi học. Để khắc
phục tình trạng đó, trong dạy học cần phát huy trí sáng tạo của học sinh. Mục đích của
giáo dục không phải là truyền thụ tri thức mà là khai thác, phát triển sức sáng tạo của con
người. Học tập không phải là quá trình lặp lại những khuôn mẫu mà biết linh hoạt, nhạy
bén trong mọi tình huống, hình thành cách giải quyết riêng, độc đáo.
Tính sáng tạo trong học tập của học sinh thể hiện ở việc các em tự tìm ra vấn đề
qua đó tiếp thu những cái mới mà các em chưa biết hoặc thu được các kết quả khác bằng
những thủ pháp mới, các thao tác mới, cách nhìn nhận mới. . . Tính sáng tạo của học sinh
còn được thể hiện trong việc vận dụng những kiến thức mà các em đã biết vào hoàn cảnh
mới, tránh được sự khuôn sáo, lặp lại một cách nhàm chán theo mẫu đã định.
Tính sáng tạo bao gồm tất cả những yếu tố như “tính mềm dẻo, tính linh hoạt, tính
độc đáo, tính nhạy cảm vấn đề, tính cấu trúc kế hoạch, tính định nghĩa lại” [5; 52]. Tính
sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh THCS cũng thể hiện một cách đầy đủ các
thành phần tâm lí như sáng tạo nói chung, đó là:
- Tính mềm dẻo trong hoạt động học tập của học sinh thể hiện ở khả năng tổ hợp,
kết hợp các yếu tố riêng lẻ một cách nhanh chóng để tạo ra cái mới, đưa ra nhiều ý tưởng
với một vấn đề đặt ra, được thể hiện bằng ngôn ngữ, hành vi hoặc kết hợp cả ngôn ngữ và
hành vi. Tính mềm dẻo ở học sinh còn được thể hiện ở khả năng nhớ lại, tái hiện lại một
cách nhanh chóng các kinh nghiệm cũ, từ đó hình thành và tạo ra ý tưởng mới. Sự mềm
dẻo được thể hiện trong suy nghĩ, trong biểu đạt, diễn đạt trôi chảy, nhanh chóng của học
sinh về một vấn đề, tình huống.
- Tính linh hoạt trong hoạt động học tập của học sinh thể hiện ở việc vận dụng linh
hoạt các thao tác tư duy, trong việc chuyển đổi các giải pháp, các quan điểm, cách tiếp
cận. . . cho phù hợp hơn. Tính linh hoạt giúp cho học sinh không suy nghĩ theo đường mòn,
163
Nguyễn Thị Huệ
rập khuôn, máy móc theo những gì đã có trong kinh nghiệm trước đây mà phải thay đổi
cho phù hợp với điều kiện mới. Tính linh hoạt bộc lộ ở tốc độ và khả năng tổ hợp các vấn
đề, gạt bỏ sự cứng nhắc. . .
- Tính độc đáo trong hoạt động học tập của học sinh biểu hiện ở sự khác biệt trong
sự thực hiện, lựa chọn các giải pháp, các ý tưởng so với các giải pháp, quan điểm cũ tồn
tại trong kinh nghiệm của bản thân. Tính độc đáo thể hiện ở sự hiếm, lạ trong quá trình
giải quyết nhiệm vụ học tập của học sinh, khi chưa ai trong lớp nghĩ ra. Tính độc đáo là
một trong những đặc trưng cơ bản của tính sáng tạo. Tính độc đáo trong học tập của học
sinh chỉ có được khi các em tư duy một cách độc lập, không phụ thuộc vào ý kiến của
người khác vì thế các em có thể nhìn nhận sự vật hiện tượng ở góc độ mới lạ hơn so với
cách nhìn quen thuộc.
- Tính cấu trúc - kế hoạch là khả năng học sinh có thể tạo nên cấu trúc mới từ những
tri thức cũ và năng lực xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện nhiệm vụ học tập mới. Sáng
tạo của học sinh cũng như sáng tạo của nhân loại, nó không diễn ra bất ngờ, đột ngột, rập
khuôn, máy móc. Đó cũng là quá trình ấp ủ những ý tưởng trong thời gian nhất định, là
việc xây dựng kế hoạch và nỗ lực thực hiện kế hoạch một cách triệt để.
- Tính nhạy cảm là khả năng học sinh nhanh chóng phát hiện ra các sai lầm, mâu
thuẫn, những bất cập, không hợp lí, không khả thi về một vấn đề cụ thể. Tính nhạy cảm
giúp cho học sinh tạo ra động lực tìm kiếm cái mới, nhanh chóng nắm bắt được vấn đề
cần giải quyết. Nhạy cảm cũng giúp học sinh nhanh chóng xác định cái đúng, cái hợp lí
trong quá trình học tập, giải quyết vấn đề và đề ra những giải pháp, những bổ sung nhằm
khắc phục những cái thiếu sót, chưa hợp lí.
- Thành phần định nghĩa lại sự vật, hiện tượng là khả năng học sinh nhìn nhận,
tiếp nhận vấn đề trong một hoàn cảnh với một tư duy mới. Đó là khả năng học sinh tiếp
cận một vấn đề cũ dưới quan điểm mới hay lí giải nó dưới nhiều tình huống, hoàn cảnh
khác nhau.
Các thành tố cấu trúc tâm lí của tính sáng tạo không phải là sự cộng lại đơn giản
hay xếp cạnh nhau mà là một chỉnh thể thống nhất, chúng tương hỗ với nhau, bổ sung hỗ
trợ nhau. Việc tách rời các thành phần chỉ có ý nghĩa nghiên cứu, trong thực tế khó có thể
phân định rạch ròi từng yếu tố riêng biệt để phân tích cũng như đo lường, tính toán.
2.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh
Trung học cơ sở
Các yếu tố từ bản thân học sinh
- Khả năng tưởng tượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sáng tạo của cá nhân.
Nhờ sự tưởng tượng, hoạt động sáng tạo mới có thể được diễn ra. Biểu tượng của tượng
tượng là kết quả của sự phối hợp, cải biến những biểu tượng cũ để tạo nên biểu tượng
mới độc đáo. Chính vì thế, biểu tượng của tưởng tượng cũng đã bao hàm sự sáng tạo. Tác
giả Ribo khẳng định: Bất cứ một phát minh lớn nhỏ nào cũng chỉ được hợp nhất bằng trí
164
Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở
tưởng tượng. Như vậy, tưởng tượng đã giúp học sinh tạo ra sản phẩm sáng tạo (sản phẩm
mới) từ những biểu tượng đã có.
- Khả năng tư duy của học sinh. Có thể nói tư duy có vai trò hết sức quan trọng đối
với hoạt động sáng tạo. Những sản phẩm tư duy của học sinh ít nhiều đều mang tính sáng
tạo, độc đáo riêng của từng cá nhân. Đặc biệt, nhờ tư duy độc lập, không phụ thuộc vào
người khác mà học sinh tạo ra sản phẩm sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Các nghiên cứu
đã chỉ ra rằng, học sinh có hai loại tư duy đặc trưng là tư duy hội tụ và tư duy phân kì.
Những học sinh có kiểu tư duy hội tụ thường tập trung vào những vấn đề cụ thể, tìm một
câu trả lời, một đáp án đúng, duy nhất cho một vấn đề đặt ra. Những học sinh theo lối tư
duy phân kì lại đưa ra nhiều ý tưởng để hướng tới một giải pháp sáng tạo, độc đáo. Kiểu
tư duy này thích hợp với hoạt động sáng tạo.
- Khả năng quan sát là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính sáng tạo của cá nhân.
Quan sát giúp học sinh nhanh chóng nhận ra vấn đề, giúp học sinh có tư liệu để hình thành
cái mới. Quan sát để có nguồn tư liệu cho mọi quá trình nhận thức trong đó có sự sáng tạo.
- Khả năng ghi nhớ có ảnh hưởng to lớn đến mức độ sáng tạo của học sinh. Trí nhớ
giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm của nhân loại thành vốn kinh nghiệm riêng của bản
thân. Kết quả này tham gia đắc lực vào quá trình sáng tạo của cá nhân. Cụ thể là học sinh
dựa vào trí nhớ để tổng hợp, liên tưởng, xâu chuỗi, sàng lọc ý tưởng để tìm ra cái mới.
Không có trí nhớ không thể có sự sáng tạo.
Trí nhớ giúp học sinh phân định những kiến thức đã biết với những kiến thức mình
chưa biết. Qua đó học sinh mới có thể đánh giá được cái mới lạ, độc đáo của các sản phẩm
tạo ra.
- Tính tích cực của cá nhân là yếu tố quyết định trực tiếp sự phát triển của cá nhân
trong đó có tính sáng tạo. Sáng tạo trước hết là tạo ra cái mới cho bản thân sau đó mới nói
đến xã hội. Để sáng tạo cá nhân phải nỗ lực tích cực rất lớn. Các nghiên cứu đều chỉ ra kẻ
thù cản trở sự sáng tạo là sự lười biếng, tính ỳ tâm lí, sự phụ thuộc tư duy, tâm lí ngại đổi
mới, không dám chấp nhận mạo hiểm. . .Đối với học sinh, để sáng tạo các em phải độc
lập suy nghĩ, không phụ thuộc vào sách tham khảo hay ý kiến của người khác, tự mình
tìm phương án tối ưu để giải quyết công việc.
- Tự tin “là trạng thái tâm lí giúp cá nhân tin rằng mình có những năng lực cần thiết
để tiếp cận và xử lí các vấn đề do cuộc sống yêu cầu” [2, tr. 1077]. Tự tin vào năng lực của
bản thân là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc phát triển trí sáng tạo của cá
nhân. Tự tin được nảy sinh từ kết quả so sánh năng lực bản thân mình với những yêu cầu
thực tiễn phải giải quyết. Tự tin của một người được xác định bởi các tình huống yêu cầu
có tính cụ thể và ngày càng khái quát. Con người có lòng tự tin cao đối với một yêu cầu
nào đó khi nó tự đánh giá trước rằng mình có thể vượt qua tình huống ấy [6]. Tự tin cho
con người sự can đảm, không khuất phục trước những thành kiến, không sợ hãi khi phải
từ bỏ lối mòn quen thuộc để khám phá con đường mới. Tự tin cho con người sức mạnh
sáng tạo, làm cho con người dám chấp nhận và sẵn sàng cho sự thay đổi.
165
Nguyễn Thị Huệ
- Say mê về bản chất “là biểu hiện về cường độ của hứng thú mạnh mẽ, là thái độ
đặc biệt của cá nhân đối với một sự vật, hiện tượng nào đó, mang lại khoái cảm cho cá
nhân trong quá trình hoạt động, làm nảy sinh khát vọng hành động, làm tăng hiệu quả của
hoạt động” [7, tr. 111]. Đối với hoạt động sáng tạo, say mê có tác động gắn kết xúc cảm
của nhân cách đối với hoạt động. Tính tích cực hoạt động của cá nhân phụ thuộc rất lớn
vào sự say mê. Trong hoạt động trí tuệ điều này trước hết liên quan đến say mê đối với
kết quả nhận thức về một lĩnh vực nhất định. Sau đó say mê nhận thức này tác động trong
hoạt động cụ thể góp phần phát triển sự sáng tạo.
- Động cơ chính là yếu tố thúc đẩy hoạt động sáng tạo của cá nhân [4]. Nói đến
động cơ của hoạt động sáng tạo thường được hiểu là nguyên nhân của sự lựa chọn hành
động hay cử chỉ, là tập hợp các điều kiện bên trong, bên ngoài thúc đẩy hoạt động tích cực
của chủ thể. Nói khác đi, nó thường được hiểu là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo ở
con người.
Ngoài ra còn một số yếu tố chủ quan cá nhân khác như sự khó khăn tâm lí đặc trưng
ở mỗi cá nhân, một số phẩm chất liên quan đến xúc cảm, đặc điểm nhân cách. . . , trong
phạm vi của một bài báo chúng tôi không thể bàn hết được.
Các yếu tố khách quan
Để các năng lực sáng tạo của cá nhân có thể phát triển đầy đủ ở mức cao nhất cần
tạo ra môi trường thuận lợi, thích hợp. Môi trường sáng tạo gồm môi trường gia đình, môi
trường nhà trường và môi trường xã hội. Các môi trường đó cũng chính là các yếu tố khách
quan ảnh hưởng đến tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh THCS.
- Môi trường gia đình có ý nghĩa nền tảng quan trọng đến hành vi nhân cách của
con người trong đó có sáng tạo. Các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng, môi trường gia
đình hạnh phúc là điều kiện cho trẻ bộc lộ tính sáng tạo. Trẻ chỉ sáng tạo khi được động
viên, an ủi, gia đình trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em. Ngoài ra, cơ sở vật chất, các
điều kiện của gia đình. . . cũng có những ảnh hưởng đến tính sáng tạo của học sinh.
- Môi trường nhà trường có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ và khả
năng sáng tạo của học sinh. Bàn về ảnh hưởng của yếu tố giáo dục nhà trường đến khả năng
sáng tạo của cá nhân, các nhà tâm lí học đều khẳng định, mỗi môn học trong nhà trường
đều có khả năng riêng trong việc phát triển khả năng sáng tạo cho học sinh. Khả năng
sáng tạo của học sinh phụ thuộc rất lớn vào thái độ người giáo viên như: tôn trọng những
câu hỏi khác thường của học sinh; tôn trọng những ý tưởng sáng tạo của học sinh;. . . Đặc
biệt giáo viên cần chú ý đến phương pháp giảng dạy phát huy tính tích cực, chủ động, sáng
tạo của học sinh. . . Các điều kiện cơ sở cật chất, trang thiết bị; nội dung chương trình;
phương pháp; hình thức tổ chức; quan hệ thầy trò; cách dạy, cách giáo dục của thầy. . . đều
có những ảnh hưởng nhất định đến sự sáng tạo của học sinh.
- Môi trường xã hội, nền văn hóa cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành
và phát triển nhân cách sáng tạo.Chủ thể sáng tạo được tự do tư tưởng, tự do tranh luận,
tự do tâm lí, có được những điều kiện để thực thi ý tưởng, có những chế tài thích hợp kích
166
Tính sáng tạo trong hoạt động học tập của học sinh trung học cơ sở
thích hoạt động sáng tạo, tôn vinh những tài năng, sản phẩm, chương trình sáng tạo, nâng
đỡ mọi ý tưởng dù là viễn vông là những điều kiện quan trọng cho sự sáng tạo. Các nhà
tâm lí học cho rằng: tính sáng tạo là sản phẩm của mối quan hệ giữa con người với nhau,
giữa con người với hoàn cảnh sống, với nghệ thuật. Theo Tumin, xã hội là nền tảng của
tính sáng tạo, còn Anderson thì khẳng định: mấu chốt quan trọng của tính sáng tạo nằm
trong quan hệ của con người với con người. Triết học Mác chỉ ra rằng: sáng tạo luôn bắt
nguồn từ những điều kiện lịch sử nhất định. Do đó, cần phải tạo ra không khí kích thích
sáng tạo trong xã hội bằng cách giáo dục con người lòng khát khao, hăng hái, say mê
trong công việc, tâm lí tiếp thu cái mới. . .
2.1.4. Một số kết quả nghiên cứu ban đầu về tính sáng tạo của học sinh THCS
Bằng phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động, phương pháp trắc nghiệm tính
sáng tạo bằng TEST TSD-Z của Klaus K.Urban, trắc nghiệm tính sáng tạo VKT của
K.J Schoppe, các luận văn thạc sĩ tâm lí học của nhiều học viên cho thấy: Tính sáng tạo
của học sinh THCS chủ yếu ở mức độ trung bình (chiếm trên 80%), mức cao rất ít (dưới
1%), trên trung bình (dưới 10%), mức thấp trên 10%.
So sánh theo giới tính cho thấy không có sự khác biệt giữa học sinh nam và học
sinh nữ về mức độ sáng tạo theo kết quả trắc nghiệm hình vẽ và ngôn ngữ.
Không có sự khác biệt nhiều về tính sáng tạo giữa học sinh các khối 6 và 8. Nói cụ
thể là sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
So sánh học sinh giữa các vùng miền cũng cho thấy không có sự khác biệt về tính
sáng tạo.
Nghiên cứu về tính sáng tạo của học sinh trong hoạt động học tập bằng các bài tập
đo nghiệm kết quả ban đầu cho thấy: Mức độ sáng tạo của học sinh đại đa số là trung
bình (trên 80%). Mức độ sáng tạo trong học tập của học sinh có quan hệ mật thiết với học
lực. Những học sinh có học lực giỏi có tính sáng tạo cao hơn so với học sinh có học lực
yếu, kém.
Sử dụng các bài tập đo nghiệm để đánh giá các thành phần tâm lí trong cấu trúc
tâm lí của sáng tạo cũng cho thấy: biểu hiện các thành phần tâm lí trong cấu trúc tâm lí
của sáng tạo chủ yếu ở mức trung bình. Trong đó có thành phần linh hoạt và thành phần
nhạy cảm có tỉ lệ cao hơn so với các thành phần khác.
3. Kết luận
Tính sáng tạo là một thuộc tính của nhân cách, là một phẩm chấ