Tóm tắt. Bài báo nghiên cứu vận dụng lí thuyết học tập trải nghiệm vào hoạt động hướng dẫn
sinh viên sư phạm Ngữ văn chiếm lĩnh nội dung phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản ở nhà
trường phổ thông. Trải nghiệm vai người đọc cung cấp cho sinh viên những chất liệu sống
động để hình thành tri thức lí thuyết về đọc hiểu và dạy học đọc hiểu văn bản, đồng thời cung
cấp cơ hội để đáp ứng mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành những chuyên gia về việc học
trong hoạt động này, tích hợp được kiến thức và kĩ năng của các học phần khác vào học phần
phương pháp. Bài báo đã xác định quy trình và phân tích làm sáng tỏ qua hoạt động trang bị
tri thức về chiến thuật dự đoán trong dạy học đọc hiểu cho sinh viên bằng con đường học tập
trải nghiệm từ vai người đọc.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 162 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Từ vai người đọc đến vai giáo viên dạy học đọc hiểu văn bản – Học qua trải nghiệm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
56
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0183
Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 12, pp. 56-64
This paper is available online at
TỪ VAI NGƯỜI ĐỌC ĐẾN VAI GIÁO VIÊN DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
– HỌC QUA TRẢI NGHIỆM –
Phạm Thị Thu Hương
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Bài báo nghiên cứu vận dụng lí thuyết học tập trải nghiệm vào hoạt động hướng dẫn
sinh viên sư phạm Ngữ văn chiếm lĩnh nội dung phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản ở nhà
trường phổ thông. Trải nghiệm vai người đọc cung cấp cho sinh viên những chất liệu sống
động để hình thành tri thức lí thuyết về đọc hiểu và dạy học đọc hiểu văn bản, đồng thời cung
cấp cơ hội để đáp ứng mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành những chuyên gia về việc học
trong hoạt động này, tích hợp được kiến thức và kĩ năng của các học phần khác vào học phần
phương pháp. Bài báo đã xác định quy trình và phân tích làm sáng tỏ qua hoạt động trang bị
tri thức về chiến thuật dự đoán trong dạy học đọc hiểu cho sinh viên bằng con đường học tập
trải nghiệm từ vai người đọc.
Từ khóa: Học tập trải nghiệm, đọc hiểu văn bản, đào tạo đọc hiểu.
1. Mở đầu
Nghiên cứu về trải nghiệm như một lí thuyết trong học tập là mối quan tâm và đóng góp học
thuật của nhiều nhà tư tưởng, tâm lí, giáo dục trên thế giới. Có thể kể đến một số tên tuổi nổi bật
như William James, John Dewey, Kurt Lewin, Jean Piaget, Carl Rogers, Lev Vygosky, Carl Jung,
Paulo Freire, David Knolb, Colin Beard, John P. Wilson, Michael Reynolds, Russ Vince và nhiều
học giả khác [1-5]... Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của kinh nghiệm như là nguồn
của quá trình học tập. Từ quan điểm của một nhà thực dụng luận, Dewey cho rằng giáo dục là “sự
kiến tạo hoặc tái tổ chức kinh nghiệm để làm tăng thêm ý nghĩa cho kinh nghiệm và nâng cao
năng lực điều khiển tiến trình của kinh nghiệm xảy ra sau đó” [6; 103]. Mô hình học tập trải
nghiệm của Dewey gồm các chặng bắt đầu từ động lực, quan sát, tri thức, đánh giá. Kết quả của
chu trình này là khởi điểm cho một chu trình kế tiếp để cuối cùng đi đến mục tiêu [dẫn theo 1; 34].
Kolb lại đề xuất mô hình chu trình học tập trải nghiệm với 4 giai đoạn, bắt đầu từ trải nghiệm cụ
thể, đến quan sát phản hồi, đến khái niệm hóa trừu tượng và thử nghiệm tích cực. Bước thứ tư
hoàn tất chu trình cũng là bước khởi đầu cho một trải nghiệm cụ thể ở chu trình kế tiếp [1; 51].
Mô hình học tập trải nghiệm của Beard và Wilson là sự kết hợp khớp nối của 6 thành tố gồm môi
trường học tập, các hoạt động học tập (hai thành tố này làm nên môi trường bên ngoài của việc
học tập), các giác quan (phương diện tri giác, cảm nhận trong trải nghiệm), cảm xúc trong học tập,
tư duy trong học tập, học tập và sự thay đổi (ba thành tố cuối cùng làm thành phương diện môi
trường bên trong của hoạt động học tập) [4; 7]. Cùng với các nghiên cứu lí thuyết, học tập trải
nghiệm đã được vận dụng vào nhiều lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho các đối tượng, phạm vi khác
nhau, trong đó có đào tạo giáo viên [7-8].
Ngày nhận bài: 19/8/2018. Ngày sửa bài: 19/11/2018. Ngày nhận đăng: 12/12/2018.
Tác giả liên hệ: Phạm Thị Thu Hương. Địa chỉ e-mail: ptthuong@hnue.edu.vn
Từ vai người đọc đến vai giáo viên dạy học đọc hiểu văn bản – học qua trải nghiệm
57
Ở nước ta, lí thuyết học tập trải nghiệm được tập trung nghiên cứu gắn với những định hướng
đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Các công bố chủ yếu quan tâm đến những phương diện
chính sau đây: nghiên cứu trải nghiệm như một hoạt động giáo dục trong nhà trường; nghiên cứu
hoạt động trải nghiệm trong môn học và nghiên cứu vận dụng lí thuyết học tập trải nghiệm vào
lĩnh vực đào tạo giáo viên [9-11], Bài báo nghiên cứu vận dụng lí thuyết học tập trải nghiệm
vào quá trình đào tạo nghề cho sinh viên sư phạm Ngữ văn trong bối cảnh Việt Nam với mong
muốn sẽ tiếp tục đóng góp bổ sung vào quá trình phát triển năng lực cho người giáo viên tương lai,
đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của nền giáo dục nước ta hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Trải nghiệm và học tập trải nghiệm
Trải nghiệm được xem là quá trình con người có được nhận thức hay kĩ năng qua việc trực
tiếp dấn thân hành động (làm), qua quan sát hoặc cảm nhận các sự vật, hiện tượng, con người,
trong thế giới bằng tất cả các giác quan vật chất, tư duy và những xúc cảm, tác động cụ thể mà
quá trình đó gây ra ở chủ thể trong những điều kiện không gian thời gian nhất định. Trong “Dân
chủ và giáo dục”, John Dewey khi bàn đến “Kinh nghiệm và tư duy” đã khẳng định kinh nghiệm
(hay trải nghiệm – experience), về mặt bản chất bao gồm một yếu tố chủ động và một yếu tố bị
động. Phương diện chủ động của kinh nghiệm là làm thử, phương diện thụ động của nó là kinh
qua. “Mối liên hệ giữa hai mặt nói trên của kinh nghiệm là thước đo tính hiệu quả hoặc giá trị của
kinh nghiệm” [6;169]. Theo tác giả, trong quá trình làm thử và kinh qua đó, chúng ta làm cho sự
vật, hiện tượng thay đổi và bản thân chúng cũng làm chúng ta thay đổi. Nhưng chưa đủ, điều quan
trọng là sự thay đổi ở bản thân chúng ta phải trở thành một quá độ “được liên hệ hữu thức với
những hệ quả phản hồi lại”. Khi đó kinh nghiệm mới thực sự có ý nghĩa và chúng ta học được một
điều gì đó từ kinh nghiệm.
Từ khái niệm cốt lõi là trải nghiệm, học tập trải nghiệm được quan niệm là “quá trình ở đó tri
thức được tạo ra thông qua chuyển hóa kinh nghiệm” [1;49]. Tri thức là “thành quả của sự tổ hợp
nắm bắt và chuyển hóa kinh nghiệm. Nắm bắt kinh nghiệm là quá trình thu nhận thông tin, chuyển
hóa kinh nghiệm là quá trình mỗi cá nhân hành động dựa trên những thông tin này” [1;51]. Các
đặc điểm của học tập trải nghiệm như Kolb chỉ ra gồm: Học tập được nhận thức như là quá trình
chứ không phải chỉ là kết quả; Học tập là một quá trình liên tục dựa trên kinh nghiệm; Quá trình
học tập đòi hỏi giải quyết các xung đột một cách biện chứng giữa các mô hình đối lập về sự thích
nghi với thực tại; Học tập là một quá trình thích ứng toàn diện với thực tại; Học tập liên quan đến
sự thâm nhập giữa con người và môi trường, Học tập là quá trình kiến tạo tri thức (trang 37- 49).
Ứng với mô hình học tập đó, nhà giáo dục trải nghiệm phải đảm nhiệm vai trò là người điều khiển
trong với giai đoạn thứ nhất, là chuyên gia của môn học trong giai đoạn thứ hai, người đánh giá
theo chuẩn trong giai đoạn thứ ba và là huấn luyện viên ở giai đoạn thứ tư [1; 303]. Cùng quan
điểm này là các phát biểu của Chickering (1977),Canton (1977), Saddington (1992), Javis (1999).
Tiếp cận khái niệm trong mối quan hệ đối lập trải nghiệm – phi trải nghiệm, các nhà nghiên cứu
khác chỉ rõ, học tập trải nghiệm là “học tập trong đó người học tiếp xúc trực tiếp với thực tế được
nghiên cứu. Nó đối lập với việc học tập trong đó người học chỉ đọc về, nghe về và nói hoặc viết
về thực tại này mà không tiếp xúc với chúng như một phần của quá trình học tập” (Keenton và
Tate). Học tập trải nghiệm “chắc chắn không phải là ghi nhớ tri thức lí thuyết trừu tượng, đặc biệt
nếu những điều này được dạy bằng các phương pháp chính thức truyền thống như thuyết giảng và
đọc từ các cuốn sách” (Warner Weil và Mc Gill). “Sự tương phản giữa học tập phi trải nghiệm và
trải nghiệm là sự khác biệt giữa nhiều hơn hay ít hơn sự trừu tượng, nhiều hơn hay ít hơn các biểu
tượng ngôn ngữ trong sự thâm nhập mà ở đó việc học tập xảy ra” (Turmin) [dẫn theo 4; 25, 26].
Tiếp cận khái niệm học tập trải nghiệm từ phương diện con người tổng thể (whole person), Beard
Phạm Thị Thu Hương
58
cho rằng học tập trải nghiệm là “một quá trình tri nhận liên quan đến các trải nghiệm có ý nghĩa, ở
các mức độ phong phú, đóng vai trò như là nguồn của học tập. Những trải nghiệm này nhúng vào
một cách tích cực và gắn kết một cách chủ động thế giới bên trong người học, như một con người
chỉnh thể (bao gồm thể chất, trí tuệ, cảm xúc và tâm linh) với thế giới môi trường học tập bên
ngoài phức tạp của họ (bao gồm địa điểm và hoạt động, không gian, ngữ cảnh chính trị, xã hội,
văn hóa,) để tạo nên các trải nghiệm giàu có, đáng nhớ cho việc học tập” [4; 26]. Trong học tập
trải nghiệm, trải nghiệm là nguồn, là cơ sở của học tập, nhưng học tập chỉ thực sự xảy ra khi có sự
phản hồi, phản ánh các trải nghiệm đó trong người học. Ứng với quá trình học tập trải nghiệm,
Mumford xác định các tư cách của người học lần lượt gồm: nhà hoạt động (bước 1), nhà phản ánh
(bước 2), nhà lí thuyết (bước 3), nhà thực hành (bước 4) [dẫn theo 4; 43].
Lí thuyết học tập trải nghiệm và con đường tổ chức học tập cho người học gắn với trải
nghiệm đã đi vào nhà trường như một sự cân bằng cần có, tránh tình trạng thuần túy tiếp cận
hàn lâm, thể hiện rõ tư tưởng mà Dewey từng phát biểu - giáo dục chính là bản thân cuộc sống
chứ không phải chỉ là sự chuẩn bị cho tương lai. Học tập dựa trên trải nghiệm cũng được vận
dụng vào các bậc học từ phổ thông đến đại học, các lĩnh vực đào tạo khác nhau, trong đó có đào
tạo giáo viên.
2.2. Học phương pháp dạy học đọc hiểu văn bản từ trải nghiệm vai người đọc – ưu
điểm và những điều cần lưu ý
2.2.1. Trải nghiệm vai người đọc cung cấp cho sinh viên những chất liệu sống động để hình
thành tri thức lí thuyết về đọc hiểu và dạy học đọc hiểu văn bản ở nhà trường phổ thông
Đọc hiểu là một mạch nội dung của chương trình giáo dục phổ thông. Lí thuyết đọc hiểu văn
bản và đào tạo giáo viên dạy đọc hiểu văn bản quan tâm đến những vấn đề như luận giải về đối
tượng đọc hiểu – các loại văn bản và đặc điểm của chúng chi phối hoạt động chiếm lĩnh đối tượng
của chủ thể - bạn đọc học sinh; hành động đọc – quá trình kiến tạo ý nghĩa văn bản; chủ thể đọc
hiểu và quá trình đọc hiểu văn bản; các bình diện, yếu tố của đọc hiểu; Vai trò của ngữ cảnh đọc
hiểu đối với hoạt động xây dựng ý nghĩa của văn bản; Hệ thống các chiến thuật đọc hiểu văn bản;
Đọc hiểu và dạy đọc hiểu văn bản từ các định hướng tiếp cận lí thuyết khác nhau, các mô hình đọc
phân tích – từ dưới lên, mô hình đọc bao quát từ trên xuống, Đây là những kiến thức có tính
chất liên ngành: lí luận văn học, tâm lí học, giáo dục học, không dễ dàng tiếp nhận đối với sinh
viên nếu họ thuần túy chỉ đọc tài liệu hoặc nghe thuyết trình nội dung khoa học. Tiếp cận trải
nghiệm giúp cho kiến thức lí thuyết được khái quát từ thực tiễn sinh động của chính bản thân chủ
thể học tập sinh viên, giúp họ dễ dàng hơn trong việc “chuyển vào trong” nội dung khoa học về
đọc hiểu và dạy học đọc hiểu văn bản. Quả vậy, “một lượng thật nhỏ kinh nghiệm còn tốt hơn cả
một tấn lí thuyết bởi vì chỉ có kinh nghiệm thì lí thuyết mới có được ý nghĩa sống động và có thể
kiểm chứng. Một kinh nghiệm giản đơn, dù là một kinh nghiệm vô cùng tầm thường, cũng có thể
sinh ra và chuyên chở mọi lí thuyết (hoặc nội dung trí tuệ), song một lí thuyết mà tách rời khỏi
một kinh nghiệm thì dứt khoát không thể lĩnh hội được, ngay cả khi xét nó như một lí thuyết”
[6;175]. Bằng việc trải nghiệm vai độc giả để đọc ‘Thợ đào đá truyền kiếp” [12] sinh viên có thể
phác họa bức chân dung bạn đọc tích cực trong hành trình đọc hiểu văn bản với những hành động
cụ thể vừa tuyến tính vừa tổng hợp. Họ nhận ra mình đã huy động và sử dụng tri thức nền như thế
nào ngay khi vừa đọc nhan đề của văn bản lên, để dự đoán nội dung câu chuyện phải chăng viết
về những nhọc nhằn, bất trắc, đánh cược tính mạng với tử thần của những người làm nghề đá “cha
truyền con nối” xưa nay? Họ cũng đã điều chỉnh nội dung dự đoán này ra sao khi từng bước tiến
hành hoạt động đọc theo trật tự tuyến tính của văn bản – Hóa ra tưởng vậy mà chẳng phải như vậy.
Cái hành trình “đào đá truyền kiếp” này trở thành cảm nhận về hành trình cật vấn, truy tìm sự thật,
hành trình tự “phơi sáng” những góc tối của bản thân. Họ hình dung tưởng tượng vẽ ra bức tranh
về nhân vật chính giữa ngổn ngang “hố nhỏ đã thành hố lớn, rồi thành ao cạn, còn xung quanh đất
Từ vai người đọc đến vai giáo viên dạy học đọc hiểu văn bản – học qua trải nghiệm
59
cao dần lên mãi, chất ngất lưng chừng trời”. Cuộc kiếm tìm miệt mài, nhọc nhằn và quyết tâm
đeo đuổi đến tận cùng “dù có cao nữa, tới tận đỉnh trời, thì lão cũng phải đào cho kì cùng, phải
làm rõ thực hư – bấy lâu lão nằm mơ hay tỉnh?” đã không có hồi kết khi khép lại tác phẩm “lão lại
vồ lấy thó. Chiếc thó chưa bao giờ phản bội. Nó sẽ giúp lão đào đến tận cùng. Lão phải làm rõ
thực hư, bấy lâu lão nằm mê hay tỉnh”. Chính lão đã lấy đất bồi đắp lên gốc ổi, nơi chôn xác thằng
Túc để che giấu cái mùi gây thịt người mà trong phút xui khiến của bản năng cán thó trong tay lão
đã gây tội ác. Thời gian và đất đá cùng nỗ lực chôn vùi, xóa nhòa, trốn chạy của con người tưởng
đã phủ rong rêu, mụ mị, mù lòa lên tất cả. Nhưng trong một khoảnh khắc, câu nói của thằng Bản
con lão Phượng Sò đã đánh thức hình ảnh thằng Túc, tiếng khóc vào vạo của nó khi đi tìm con bê
lạc. Lão không thể cố chờ đến sáng mai để truy tìm sự thật. Cái cán thó sẽ giúp lão Những liên
tưởng đến Edgar Poe, những lẫn lộn mập mờ giữa hư thực thực hư, những băn khoăn, ngộ nhận,
tự vấn trên hành trình kiến tạo nghĩa của một bạn đọc khi trực tiếp làm việc cùng câu chữ, tất cả
cung cấp “đầu vào” sống động của những trải nghiệm, là cơ sở để có thể tiến hành phân tích, khái
quát hóa, xây dựng bức chân dung về hoạt động của độc giả trong quá trình tiếp nhận văn bản văn
chương, cũng là cơ sở để phân tích, xác định các kĩ thuật đọc cần được sử dụng trong hành trình
đó. “Chất liệu của tư duy không phải là suy nghĩ mà là hành động, sự việc, sự kiện và các mối liên
hệ của sự việc” [6; 190]. Với ý nghĩa đó, trải nghiệm vai bạn đọc trở thành con đường cung cấp
chất liệu cho tư duy.
2.2.2. Trải nghiệm vai người đọc cung cấp cơ hội để đáp ứng mục tiêu đào tạo sinh viên trở
thành những chuyên gia về việc học trong dạy học đọc hiểu
Kết quả trực tiếp của hoạt động thâm nhập văn bản trong hành trình trải nghiệm vai bạn đọc
trước hết là sự kiến tạo ý nghĩa của chính văn bản đó trong từng cá nhân bạn đọc sinh viên. Cùng
với điều này, họ học được “cách” làm ra sản phẩm. Đọc – trải nghiệm cho mình để rồi trong môi
trường học tập lại đọc – trải nghiệm để cộng hưởng chia sẻ cùng các chủ thể tiếp nhận khác. Hành
động bộc lộ kết quả tiếp nhận như vậy cho thầy cô và bạn bè trong lớp giúp sinh viên học được gì
với tư cách là một giáo viên Ngữ văn trong tương lai? Có lẽ đầu tiên là học được cách cần phải
trình bày như thế nào để người khác hiểu được trải nghiệm của mình, có thể đồng cảm hoặc đối
thoại cùng trải nghiệm đó. Để làm được điều này người trình bày cần có khả năng bước ra khỏi
“lực hấp dẫn” của trải nghiệm để quan sát về nó như là một yếu tố khách quan, độc lập với mình,
đồng thời cũng phải có khả năng bước ra khỏi cấu trúc nhận thức của bản thân để hiểu cấu trúc
nhận thức của người khác, từ đó mà nỗ lực trình bày, chia sẻ trải nghiệm hiệu quả nhất trong khả
năng có thể. John Dewey đã phân tích điều này khi ông viết: “Hãy thử làm một thí nghiệm sau
đây: bạn hãy kể lại một kinh nghiệm nào đó cho một người khác, một cách đầy đủ và chính xác,
nhất là khi chủ đề lại hơi phức tạp, bạn thấy mình phải thay đổi cách nhìn đối với kinh nghiệm mà
bạn đang chia sẻ; nếu không thế bạn sẽ không thể diễn đạt trôi chảy. Bạn phải hệ thống hóa điều
bạn định nói, trước khi truyền đạt cho người khác. Nhưng muốn hệ thống hóa, bạn phải thoát ra
khỏi kinh nghiệm ấy, quan sát nó như thể bạn là một người khác, cố gắng tìm ra điểm tương đồng
giữa mình và người đang được truyền đạt, để sao cho cách truyền đạt không quá khó hiểu với
người nghe. Trừ trường hợp giao tiếp thông thường trong cuộc sống hàng ngày hoặc những câu
nói mà ai cũng có thể hiểu dễ dàng, khi chúng ta muốn kể cho người khác một điều gì đấy, nếu
như không muốn kể lại một cách ngớ ngẩn, chúng ta buộc phải hình dung mình đang ở vị trí của
người đó” [6; 22].
Quả vậy, chúng ta không thể trở thành chuyên gia về việc học nếu bản thân chúng ta không
phải là người học. “Là người giáo viên đúng nghĩa là trở thành một người học. Việc dạy bắt đầu
khi bạn, người giáo viên học từ người học, đặt chính bạn vào vị trí của họ để bạn có thể hiểu cái
mà họ hiểu và cách mà họ hiểu điều đó”[dẫn theo 1; 287]. Hoạt động trải nghiệm vai người đọc
giúp sinh viên thu hoạch được tri thức về các kĩ năng, chiến thuật đọc hiểu. Kết quả thu hoạch này
trở thành một nội dung quan trọng cho hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản ở nhà trường phổ
Phạm Thị Thu Hương
60
thông trong bối cảnh chú trọng phát triển năng lực học sinh. Mô hình chuyển giao kĩ năng đọc
cho học sinh trong đào tạo đọc hiểu văn bản được khởi xướng bởi Pearson và Gallagher (1983),
được phát triển bởi các nhà nghiên cứu như Fisher, Frey, Duke và nhiều học giả khác chia hoạt
động đọc làm ba giai đoạn chính. Ở giai đoạn thứ nhất, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người giáo
viên dạy đọc hiểu. Họ sẽ phải làm mẫu và trực tiếp hướng dẫn học sinh cách thức kiến tạo nghĩa
của văn bản bằng kĩ thuật “cuốn phim trí óc”. Trong giai đoạn thứ hai, họ sẽ hướng dẫn học sinh
cùng đọc một văn bản cụ thể bằng cách hỗ trợ, bắc “giàn giáo” với các chiến thuật đọc để học sinh
trở thành “người xây dựng” ngôi nhà ý nghĩa bằng chính hoạt động đọc của cá nhân. Giai đoạn
cuối cùng, giáo viên “buông” dần sự hỗ trợ, giám sát để học sinh chủ động hơn trong hoạt động
thực hành đọc độc lập [13]. Ở hai giai đoạn đầu, rõ ràng giáo viên chỉ có thể thực hiện tốt, cung
cấp những “mẫu” làm việc sinh động, chân thực, dễ hiểu với học sinh nếu họ nhập vai thuần
thục – trở thành bạn đọc. Tất nhiên sau chặng nhập vai – “bước vào” – sẽ là “bước ra” hướng dẫn
học sinh cùng phân tích mẫu và thực hành theo mẫu. Hoạt động trải nghiệm nhập vai bạn đọc
chẳng những giúp sinh viên có thể dạy học sinh cách đọc văn mà còn tạo điều kiện cho họ hiểu
học sinh có thể nghĩ gì, gặp khó khăn nào, mong muốn ra sao khi làm việc cùng văn bản. Họ sẽ có
những khích lệ kịp thời, những câu hỏi và hình thức hoạt động sát với đối tượng, làm cho người
học thấy hứng thú, đồng hành cùng học sinh trong quá trình tạo nghĩa. Việc hiểu học sinh hơn sẽ
tạo cơ hội để có được sự cộng hưởng thẩm mĩ giữa nhà văn (qua văn bản), nhà giáo và bạn đọc
học sinh.
Cũng cần phải nói thêm hoạt động trải nghiệm vai bạn đọc của sinh viên trong lớp học tín chỉ
về phương pháp dạy học diễn ra trong môi trường tiếp nhận tập thể. Đây cũng là lúc sinh viên
nhận ra tính đa nghĩa của tác phẩm văn học, sự cắt nghĩa, lí giải và ấn tượng riêng của từng cá
nhân độc giả không giống nhau. Nhờ đó, họ nhận ra quy luật chung và thực tế sinh động đa dạng
khi các chủ thể kiến tạo ý nghĩa. Đó cũng chính là “bức tranh” lớp học trong tương lai. Sự nghiệm
trải ấy cho họ hiểu rằng không có lí do gì mình lại áp đặt cách hiểu riêng của bản thân lên tất cả
những người khác. Hiểu tác phẩm văn chương không phải là cố gắng tiếp nhận ý kiến của người
nào đó, dẫu là chuyên gia đi chăng nữa, về tác phẩm. Dạy học đọc hiểu văn bản văn chương lại
càng không phải là bạn đọc học sinh được thôi miên bằng phương pháp như Jean Vial nói - “từ
mồm đến tai”. Trải nghiệm vai người đọc cũng tạo cơ hội để sinh viên có thể tích hợp các nội
dung học tập khác vào quá trình chiếm lĩnh tri thức về phương pháp dạy học Ngữ văn. Là bạn đọc
khi tìm hiểu học phần văn học dân gian, văn học nước ngoài, văn học Việt Nam qua các chặng
đường, những điều này có thể trở thành chất liệu cụ thể sinh động, đa dạng, là đầu vào cho hoạt
động chuyển hóa kinh nghiệm thành tri thức về phương pháp dạy học.
2.2.3. Một số điểm cần lưu ý
Tuy có giá trị không thể phủ nhận, song cần phải nhận thấy những giới hạn của mô hình học
tập trải nghiệm nói chung, trải nghiệm vai bạn đọc để hình thành vai giáo viên dạy đọc hiểu nói
riêng. Sử dụng các chất liệu trải nghiệm của cá nhân người học làm tiền đề để khái quát hóa lí
thuyết và thực hành vận dụng tri thức có thể đứng trước tình trạng “quy nạp không hoàn toàn”.
Trải nghiệm của mỗi