Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho các lớp chất lượng cao của khoa Toán - Tin trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt. Bài báo đề cập đến mục tiêu đào tạo của các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), trên cơ sở đó đề xuất cơ sở khoa học và các nguyên tắc chính của việc xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN. Từ khóa: Mục tiêu đào tạo, cử nhân chất lượng cao, chương trình chuẩn quốc tế.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 92 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho các lớp chất lượng cao của khoa Toán - Tin trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2012, Vol. 57, No. 10, pp. 3-7 XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN QUỐC TẾ CHO CÁC LỚP CHẤT LƯỢNG CAO CỦA KHOA TOÁN-TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠMHÀ NỘI Đỗ Đức Thái Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: doducthai@hnue.edu.vn Tóm tắt. Bài báo đề cập đến mục tiêu đào tạo của các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), trên cơ sở đó đề xuất cơ sở khoa học và các nguyên tắc chính của việc xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN. Từ khóa: Mục tiêu đào tạo, cử nhân chất lượng cao, chương trình chuẩn quốc tế. 1. Mở đầu Sự thành công của các lớp chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN trong 10 năm qua đã được phân tích trong [3]. Nhưng để có thể nâng cao hơn nữa vị thế của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN trong nước, trong khu vực và vươn tới hội nhập quốc tế thì một vấn đề cấp bách đặt ra là phải xây dựng một chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp này trong những năm sắp tới. Trong bài báo này chúng tôi muốn đề xuất một số quan điểm để từ đó đưa ra những giải pháp cho vấn đề trên. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Mục tiêu đào tạo của các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán- Tin, Trường ĐHSPHN là gì? Như chúng ta đã biết, mục tiêu dào tạo của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là: - Đào tạo giáo viên Toán chất lượng cao cho nền giáo dục phổ thông. - Đào tạo giảng viên Toán, đặc biệt là Tiến sĩ Toán học, cho các trường Đại học Sư phạm và các trường đại học khác trong cả nước. - Đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ tiệm tiến đến trình độ quốc tế cho nền Toán học của đất nước. Căn cứ vào những mục tiêu trên, ta có thể xác định mục tiêu đào tạo chính cho các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là đào tạo đội ngũ giảng viên Toán cho các trường Đại học Sư phạm và các trường đại học khác trong cả nước. Đội 3 Đỗ Đức Thái ngũ đó phải góp phần hình thành nên đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ tiệm tiến đến trình độ quốc tế cho nền Toán học của đất nước. Còn có những lý do khác để giải thích việc lựa chọn mục tiêu như trên cho các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN. Trong nhiều năm nay, Nhà nước cũng đã đầu tư kinh phí để cử đi đào tạo ở nước ngoài thông qua Đề án 322 và Đề án 911. Nhiều nước cũng cấp học bổng cho sinh viên ta đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước họ. Đặc biệt, thông qua tài trợ của quỹ VEF của Chính phủ Mỹ, một số sinh viên Việt Nam đã được đi học tại những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Qua quá trình tuyển lựa thấy rõ một hiện tượng là rất ít sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Toán đủ năng lực chuyên môn để xét chọn đi học theo Đề án 322 hoặc theo VEF. Hơn thế nữa, một số sinh viên nhận được học bổng ở nước ngoài đã không đủ trình độ để theo kịp chương trình đào tạo của họ. Như vậy trình độ Toán học của sinh viên nước ta hiện nay chưa tiệm tiến được đến trình độ quốc tế. Việc đặt ra mục tiêu như trên sẽ góp phần thay đổi tình trạng đó, góp phần tạo ra một nguồn sinh viên đủ khả năng nhận được các học bổng để theo học tốt ở các trường đại học hàng đầu của nước ngoài. 2.2. Cơ sở khoa học của việc xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là gì? 2.2.1. Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là một nhu cầu tất yếu Chương trình đào tạo là một trong những yếu tố quyết định nhất đến chất lượng đào tạo sinh viên đại học. Rõ ràng rằng mục tiêu đặt ra như trên đòi hỏi tất yếu việc sinh viên các lớp chất lượng cao phải được đào tạo theo một chương trình riêng nhằm đáp ứng những chuẩn mực quốc tế. Những phân tích trong [1,2] cho chúng ta thấy rõ những mặt còn hạn chế trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Toán của Khoa Toán các trường đại học sư phạm nói chung, đồng thời nó cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa chương trình đào tạo của chúng ta với chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Không thể san lấp được khoảng cách như vậy nếu chúng ta không thực sự thay đổi chương trình đào tạo của mình. Ngoài ra, được học theo chương trình đáp ứng những chuẩn mực quốc tế cũng là nguyện vọng của nhiều sinh viên và gia đình của họ, đáp ứng được nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực cao. 2.2.2. Chương trình là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá xếp loại đại học Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học và kĩ thuật đã đòi hỏi sự thay đổi của hệ thống giáo dục đại học của mỗi quốc gia, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới mà mỗi một hệ thống giáo dục này phải nghiên cứu tìm cách giải quyết tối ưu phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia đó. Các nhà nghiên cứu của các nước tiên tiến đã có nhiều công trình nghiên cứu về những vấn đề trên xoay quanh những chủ đề sau: - Xác định lại mục tiêu của hệ thống giáo dục đại học trong xu thế hội nhập và trước sự đòi hỏi của nền kinh tế tri thức. 4 Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho các lớp chất lượng cao... - Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho tương hợp với những mục tiêu đã được xác định lại. - Đổi mới phương pháp dạy và học đại học, đặc biệt dưới ảnh hưởng to lớn của công nghệ thông tin và điện tử - viễn thông. Trong những vấn đề trên nổi bật lên vấn đề về chương trình đào tạo. Có thể nói tất cả các trường đại học có uy tín trên thế giới đều đã dày công nghiên cứu và xây dựng cho mình một chương trình đào tạo riêng và chương trình đào tạo cũng đã thực sự trở thành một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá xếp lọai các trường đại học. Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học hàng đầu đã công bố chương trình đào tạo của mình trên Website để sinh viên của tất cả các nước trên thế giới có thể truy cập tham khảo. Đó chính là học liệu mở theo cách gọi hiện nay. Trong một xu thế chung của thế giới như vậy, việc xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là một nhu cầu cấp bách, đặng giúp chúng ta vươn dần tới việc xuất hiện trong bảng xếp loại các trường đại học hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. 2.2.3. Xây dựng và sử dụng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là hoàn toàn khả thi (i) Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số chương trình tiên tiến tại một số trường đại học trọng điểm và đã có những tổng kết bước đầu của chương trình này. Điều đó cho phép chúng ta rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng và sử dụng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN. (ii) Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN có một tiềm lực khoa học mạnh. Cho đến nay, tất cả các cán bộ của khoa có tuổi từ 30 trở lên đều đã có học vị tiến sĩ hoặc đang làm nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Tỉ lệ cán bộ giảng dạy của khoa có trình độ tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học đạt hơn 80%. Trong 5 năm gần đây, số công trình công bố quốc tế của các cán bộ trong Khoa là: - Trong các tạp chí thuộc danh mục SCI là 55. - Trong các tạp chí thuộc danh mục SCI-E là 59. - Trong các tạp chí ngoài danh mục ISI là 47. Ngoài ra, số các công trình công bố trong các tạp chí quốc gia là 64. Cho đến nay số lượng cán bộ của Khoa Toán-Tin đã và đang được đào tạo tiến sĩ tại Pháp là 18, tại Mỹ là 8, tại Nhật Bản là 3 và tại các nước Châu Âu là 8. Tiềm lực khoa học như trên của Khoa Toán-Tin cho phép chúng ta xây dựng và sử dụng thành công chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN. (iii) Khoa Toán-Tin đã xây dựng được quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học hàng đầu của nước ngoài, đã tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học quốc tế đầu ngành. Một số giáo sư của Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản. . . đã đến trực tiếp giảng dạy tại Khoa. Sự hợp tác quốc tế đó không chỉ tạo ra môi trường thuận lợi cho các cán bộ 5 Đỗ Đức Thái giảng dạy của Khoa trong công tác nghiên cứu và đào tạo mà còn là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN trong việc xây dựng và sử dụng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa. (iv) Từ năm học 2007-2008 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho Trường thực hiện Đề án “Phối hợp đào tạo Thạc sĩ Toán học trình độ quốc tế giữa Trường ĐH- SPHN và một số trường đại học nước ngoài”. Học viên của Đề án này sẽ học một năm (M1) tại Trường ĐHSPHN, năm thứ 2 (M2) sẽ được cử đi học ở một trường đại học nước ngoài là đối tác của Trường ĐHSPHN. Chương trình của năm học M1 theo đúng chương trình chuẩn của Pháp, các môn học được giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh do những nhà Toán học đầu ngành của Việt Nam (kể cả giáo sư Việt Nam ở nước ngoài) và một số giáo sư nước ngoài đảm nhận. Sau 5 năm triển khai thực hiện có thể khẳng định rằng Đề án đã thành công tốt đẹp. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp M2 đã được cấp học bổng để tiếp tục làm luận án tiến sĩ tại một số trường đại học danh tiếng của Châu Âu và Mỹ. Sự thành công của Đề án này cho phép chúng ta rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng và sử dụng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN. 2.3. Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN theo nguyên tắc nào? Như đã trình bày ở trên, có ba mức tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn cơ sở; Tiêu chuẩn quốc gia; Tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi một loại tiêu chuẩn như trên đòi hỏi trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và công bố tương ứng. 2.3.1. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và công bố chuẩn đào tạo quốc gia cử nhân sư phạm Theo chúng tôi, việc thiết kế chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN phải tuân thủ các nguyên tắc sau. (i) Nguyên tắc thứ nhất: Chương trình được thiết kế nhằm đáp ứng ở mức cao nhất triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo và chuẩn đào tạo của ngành Toán của Việt Nam. Như chúng ta đã biết, giải pháp hệ thống cho việc thiết kế chương trình đào tạo của bất kỳ cấp học nào cũng là như sau: Bước 1:Một cái nhìn tổng thể về giáo dục đại học toán phải bắt đầu từ triết lý giáo dục ngành Toán. Triết lý giáo dục này dựa trên ba yếu tố chính: Các triết lý giáo dục nói chung, kinh nghiệm trên thế giới và tình hình thực tế tại Việt Nam. Bước 2: Triết lý giáo dục ngành Toán sẽ dẫn ta đến mục tiêu giáo dục ngành Toán. Bước 3:Mục tiêu giáo dục ngành Toán sẽ dẫn ta đến xác định nội dung học vấn đại học ngành Toán và xây dựng được chuẩn giáo dục đại học Việt Nam ngành Toán đáp ứng yêu cầu của mục tiêu giáo dục ngành Toán. Bước 4: Nội dung học vấn và chuẩn giáo dục ngành Toán sẽ quyết định việc thiết kế chương trình đào tạo (tổng thể và từng môn học) và giáo trình thể hiện chúng. 6 Xây dựng chương trình chuẩn quốc tế cho các lớp chất lượng cao... Bước 5:Bước 4 sẽ quyết định phương pháp dạy/học, phương pháp kiểm tra/đánh giá. Như vậy, theo lược đồ trên chương trình phải được thiết kế nhằm đáp ứng ở mức cao nhất triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo và chuẩn đào tạo của ngành Toán. (ii) Nguyên tắc thứ hai: Chương trình được thiết kế trên cơ sở xác định rõ những định hướng cơ bản về mục tiêu, nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo của hệ thống đào tạo cử nhân Toán của một số trường đại học hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, cũng phải dự báo được xu thế phát triển của hệ thống giáo dục đại học của thế giới. (iii) Nguyên tắc thứ ba: Chương trình được thiết kế trên cơ sở nghiên cứu kỹ và hiểu rõ chương trình toán của một số đại học hàng đầu trên thế giới. (iv) Nguyên tắc thứ tư: Chương trình phải được thiết kế phù hợp với điều kiện cụ thể của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN về đội ngũ giáo viên, năng lực của sinh viên và cơ sở vật chất của Trường ĐHSPHN. (v) Nguyên tắc thứ năm: Chương trình phải được thiết kế theo một cái nhìn tổng thể nhưng vẫn phải là một hệ thống mở và có khả năng lan tỏa cho việc đào tạo đại trà. 3. Kết luận Xây dựng và sử dụng chương trình chuẩn quốc tế cho hệ thống các lớp cử nhân chất lượng cao của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN là một chặng đường dài với nhiều gian nan vất vả, nhưng chúng ta cần phải làm được vì chỉ có như thế mới khẳng định được vị thế hàng đầu của Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN ở trong nước, trong khu vực và vươn tới hội nhập quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Đức Thái, Nguyễn Tiến Dũng, 2011. Triết lý giáo dục đại học ngành toán ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên, yếu tố căn bản đổi mới giáo dục VN”, Hà Nội tháng 12/2011, tr. 129-142. [2] Đỗ Đức Thái, 2012. Báo cáo phân tích thực trạng Chương trình đào tạo đại học hệ chính quy theo học chế tín chỉ ngành sư phạm Toán. Báo cáo của Dự án Phát triển giáo viên THPT và TCCN năm 2012. [3] Bùi Văn Nghị, Đỗ Đức Thái, 2012. Nhìn lại 10 năm đào tạo sinh viên chất lượng cao của Khoa Toán -Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo khoa học Bộ môn Lý luận và PPDH bộ môn Toán, Khoa Toán-Tin, Trường ĐHSPHN năm 2012. ABSTRACT International standards for honor programs of the Department of Mathematics and Informatics at the Hanoi National University of Education In this paper, the educational objectives of the honor programs of the Department of Mathematics and Informatics at the Hanoi National University of Education are discussed and scientific foundations and core principles to design international standard programs for the honor programs are proposed. 7
Tài liệu liên quan