Đặt nền móng cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải kể đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý.
Nét nổi bật đặc thù của dân tộc Việt Nam chính là chủ nghĩa yêu nước truyền thống cùng ý chí đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước. Từ văn hóa dân gian đến văn hóa bác học, từ các nhân vật truyền thuyết đến những anh hùng dân tộc (Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi ) đều là những minh chứng hùng hồn cho khẳng định ấy. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trường kì lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất, đứng đầu bảng giá trị văn hóa - tinh thần Việt Nam. Mọi học thuyết đạo đức tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều được tiếp nhận, khúc xạ qua lăng kính của tư tưởng yêu nước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã giúp tôi tin theo Lênin và đi theo Quốc tế III”. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước chính là cội nguồn của tất cả những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa truyền thống của nước ta, là cột trụ vững chắc cho Tổ quốc ta trước mọi phong ba bão táp.
7 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 2105 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho toàn dân ta phấn đấu suốt đời học tập và noi theo. Cũng như các tư tưởng khác, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc thực tiễn, xuất phát từ các điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam, đồng thời có nguồn tư tưởng ảnh hưởng, đó là: Những giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ nghĩa Mác – Lênin và những phẩm chất cá nhân của Người.
NỘI DUNG
1, Những giá trị truyền thống dân tộc.
Đặt nền móng cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải kể đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý.
Nét nổi bật đặc thù của dân tộc Việt Nam chính là chủ nghĩa yêu nước truyền thống cùng ý chí đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước. Từ văn hóa dân gian đến văn hóa bác học, từ các nhân vật truyền thuyết đến những anh hùng dân tộc (Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi) đều là những minh chứng hùng hồn cho khẳng định ấy. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trường kì lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất, đứng đầu bảng giá trị văn hóa - tinh thần Việt Nam. Mọi học thuyết đạo đức tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều được tiếp nhận, khúc xạ qua lăng kính của tư tưởng yêu nước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã giúp tôi tin theo Lênin và đi theo Quốc tế III”. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước chính là cội nguồn của tất cả những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa truyền thống của nước ta, là cột trụ vững chắc cho Tổ quốc ta trước mọi phong ba bão táp.
Đất nước ta trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cùng sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong hoạn nạn khó khăn đã hình thành nên truyền thống “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, giúp dân tộc ta vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và sự xâm lăng của ngoại quốc. Dân tộc ta không phải một dân tộc lớn, kinh tế chưa vào hàng cường thịnh, trình độ phát triển còn thua kém rất nhiều nước, hơn nữa, vị trí địa lý của nước ta vừa dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vừa dễ trở thành món mồi béo bở cho các nước lớn. Chính vậy cho nên, để giữ vững giang sơn bờ cõi, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đưa đất nước tiến lên sánh ngang với năm châu bốn bể, không cách nào khác là toàn dân ta phải đoàn kết một lòng, bao bọc lẫn nhau, thương yêu giúp đỡ nhau, liên kết thành một khối vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy toàn diện tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái ấy của dân tộc vào sự nghiệp Cách mạng vĩ đại của Người, nhấn mạnh vào chữ “đồng” – đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
Dân tộc ta có một truyền thống lạc quan, yêu đời. Trong muôn nguy ngàn khó, người lao động vẫn động viên nhau “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Tinh thần lạc quan đó có cơ sở từ niềm tin vào sức mạnh của bản thân mình, tin vào sự tất thắng của chân lý, chính nghĩa, dù trước mắt còn đầy gian truân, khổ ải trực chờ. Hồ chủ tịch chính là hiện thân rõ ràng cho truyền thống lạc quan ấy.
Dân tộc Việt Nam, một dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất và chiến đấu. Vị trí địa – xã hội của nước ta chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa nhân loại, là đầu mối giao lưu văn hóa Bắc – Nam, Đông – Tây. Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn mang tinh thần ham học hỏi nhưng đồng thời trong quá trình học tập cũng tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo những tinh hoa nhân loại, để giúp nước ta cùng tiến bước với thế giới, hòa nhập chứ không hòa tan. Hình ảnh một chính khách giản dị mà trí tuệ uyên thâm của Hồ Chí Minh là một minh chứng sáng ngời cho truyền thống ấy.
2, Tinh hoa văn hóa nhân loại.
Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ Người đã được tiếp nhận một nền tảng Quốc học và Hán học vững vàng. Khi ra nước ngoài, Người đã không ngừng học hỏi những điều hay của Tây phương để có thể giúp dân tộc được giải phóng khỏi khiếp nô lệ. Chính sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và văn minh phương Tây đã hình thành nên nhân cách của một chủ tịch nước vĩ đại, có một không hai trên thế giới này.
ﻫ Những giá trị phương Đông
Chịu ảnh hưởng tự gia đình, những giá trị, tư tưởng của Nho giáo đã được Người tiếp nhận từ rất sớm. Tuy nhiên, không phải tất cả những khuôn phép của Nho giáo Người đều chấp nhận. Với một trí tuệ vượt lên trên thời đại, Người luôn biết chắt lọc những mặt tích cực để học theo, những mặt tiêu cực để loại bỏ. Trong tiêu chuẩn làm người quân tử của Nho giáo “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” Người đã tiếp nhận quan điểm “tu thân”, tất cả phải lấy tu thân làm gốc, tu thân không thành thì không thể làm nên nghiệp lớn. Nho giáo còn đề cao văn hóa và truyền thống hiếu học trong xã hội, yếu tố góp phần làm nên trí tuệ siêu việt của Người sau này.
Bên cạnh Nho giáo, tư tưởng Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ Phật giáo. Đó là tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, là nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, tinh thần bình đẳng, chống phân biệt giai cấp, đề cao lao động Người tiếp thu quan điểm “chính tâm” này của Phật giáo, kết hợp với “tu thân” của Nho giáo, hình thành nên quan điểm sống “tu thân – chính tâm” của bản thân mình. Ngoài ra, chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp nhận tư tưởng “vô vi” của Đạo giáo, phát triển chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn thành “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
ﻫ Những giá trị phương Tây
Hành trình đi tìm đường cứu nước của Hồ chủ tịch đã qua hầu hết các châu lục, lưu lại ở nhiều nước Châu Âu như Anh, Pháp, Mĩ và nổi bật hơn cả là những năm tháng sống và hoạt động ở Pháp.
Với trí tuệ ưu việt, Người nhanh chóng tiếp thu được vốn trí thức của thời đại. Người đọc thông viết thạo hơn 6 loại ngôn ngữ khác nhau, hiểu biết văn hóa Pháp và một số nước khác. Đặc biệt, Người đã tiếp thu được truyền thống văn hóa dân chủ và tiến bộ ở Pháp, cùng với đó là sự tác động mạnh mẽ của tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Đại Cách mạng Pháp năm 1791; tư tưởng dân chủ của Cách mạng Mĩ, về “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” trong Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776. Tất cả dần hình thành nên phong cách làm việc dân chủ của Hồ chủ tịch sau này.
Tựu chung lại, Hồ Chí Minh trở thành một huyền thoại sống của nhân loại chính do ở sự kết một cách hoàn hảo những tinh hoa Đông – Tây kim cổ, sự chắt lọc tinh tế tri thức và văn hóa của dân tộc cũng như của thế giới. Người đã gom góp tất cả những quý báu từ mọi thời cũng chỉ nhằm hướng đến một mục đích, hoàn thành ham muốn tột bậc duy nhất của Người, “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
3, Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nói một cách hình tượng hơn, nhờ có chủ nghĩa Mác-Lênin mà từ những giá trị tư tưởng, văn hóa của thế hệ trước được Bác tiếp thu và chọn lọc, kiến tạo nên hệ thống tư tưởng đặc thù của Bác. Không có chủ nghĩa Mác-Lênin thì cũng không có tư tưởng Hồ Chí Minh sánh ngang tầm lịch sử và thời đại, cách mạng Việt Nam cũng không có thành tựu to lớn như hiện nay. Chính bởi tính quyết định ấy mà khi nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh không thể nào tách rời khỏi chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thế giới có Mác – Ăngghen – Lênin – Hồ Chí Minh, điều đó khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là học trò xuất sắc nhất, người kế thừa duy nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong vô vàn những con người thuộc thời đại Hồ Chí Minh, không ai khác lại chỉ có duy nhất mình Người có thể thấu hiểu toàn diện nhất hệ tư tưởng của Mác-Lênin. Điều này chỉ có thể lý giải bằng con đường mà Hồ chủ tịch đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thứ nhất, hành trang tư tưởng của Người khi ra đi tìm đường cứu nước chính là chủ nghĩa yêu nước cháy bỏng với một vốn học vấn chắc chắn, năng lực trí tuệ sắc sảo, giúp Người phân tích và đánh giá chính xác về các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Người đã khẳng định rõ ràng rằng để có thể thực hiện được công cuộc giải phóng dân tộc thì không thể đi theo đường lối quân chủ hay dân chủ, cách mạng hay cải lương của các sĩ phu yêu nước khi ấy.
Thứ hai, khác với các nhà yêu nước cách mạng Việt Nam tiền bối, ở Nguyễn Tất Thành đã có sự thống nhất giữa mục đích và phương pháp ra đi tìm đường cứu nước. Trên con đường bôn ba của mình, Người đã nhận thức ra bản chất tàn bạo, độc ác, bất công của chủ nghĩa tư bản, đế quốc ở mọi nơi đều như nhau, đều bóc lột, chà đạp con người lao động đến tận cùng; trên đời này chỉ có hai giống người “giống người áp bức, bóc lột và giống người bị áp bức, bóc lột”. Chính vậy cho nên, để giải phóng dân tộc ta khỏi ách nô lệ, phải đi sâu vào trong quần chúng nhân dân, sử dụng sức mạnh của chính những con người bị chà đạp ấy để đưa họ ra khỏi kiếp lầm than. Không thể nào giống như các sĩ phu yêu nước khác, đi đến các tầng lớp trên, các tầng lớp bóc lột nhân dân lao động, để nhờ vào sức mạnh của họ giải phóng cho tầng lớp dưới bị bần cùng hóa. Làm như các vị tiền bối chính là không thống nhất giữa mục đích và phương pháp, chỉ dẫn đến bế tắc mà thôi. Cũng chính trong quá trình đi sâu vào quần chúng ấy, cùng khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của bản thân mình mà Nguyễn Tất Thành đã hoàn thiện trí tuệ của mình bằng vốn hiểu biết văn hóa, chính trị và thực tiễn cuộc sống phong phú của cả nhân loại.
Thứ ba, khác với các nhà trí thức tư sản phương Tây đến với chủ nghĩa Mác-Lênin chủ yếu như đến với một học thuyết nhằm giải quyết những vấn đề về tư duy hơn là hành động Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin xuất phát từ khát vọng tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Cũng tức là, Bác tìm đến với Mác, với Lênin là để đưa những học thuyết ấy từ trên trang giấy ứng dụng vào thực tiễn thời đại. Thời kì đầu của những năm tháng tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã biết đến Cách mạng Tháng Mười và ủng hộ nó nhưng chỉ theo cảm tính tự nhiên, Người cũng biết đến và rất kính yêu Lênin vì ông là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình, sau đó Người tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ tỏ sự đồng tình với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Nhưng ngay cả khi ấy, Nguyễn Ái Quốc vẫn là một người dân mất nước đang khao khát đi tìm độc lập tự do cho dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức khác. Chỉ khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người mới thấy rõ quan hệ thống nhất giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng của dân tộc thuộc địa. Từ đó mà Người tìm thấy con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và nghiên cứu chủ nghĩa Mác sâu hơn.
Thứ tư, khác với nhiều nhà cách mạng khác trên thế giới, Người tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương pháp nhận thức mácxít, mà theo cách “Đắc ý vong ngôn” của phương Đông, nghĩa là cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất, vận dụng sáng tạo lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để hoạch định đường lối, chủ trương, giải pháp, tìm đối sách phù hợp cho thực tiễn cách mạng Việt Nam. Với sự tiếp nhận tinh hoa trí tuệ Tây phương trên nền tảng phương Đông, Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ tư tưởng đặc trưng riêng, phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ.
4, Những phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử nhân loại chỉ có duy nhất một Hồ Chí Minh, con người mà cả những ai chưa từng gặp mặt, chỉ nghe danh cũng phải nghiêng mình kính phục. Với tất cả những nguồn cội tư tưởng của Người đã phân tích ở trên, từ những giá trị của dân tộc cũng như tinh hoa của nhân loại rồi đến chủ nghĩa Mác-Lênin đều là những yếu tố hoàn toàn mang tính khách quan, là những điều hiện hình mà bất kì ai cũng có thể biết đến. Nhưng vì sao chỉ có một Hồ Chí Minh chắt lọc được những điều tốt nhất từ kho tàng nhân loại, thấu hiểu và vận dụng triệt để nhất chủ nghĩa Mác-Lênin, hình thành một hệ tư tưởng mới mang tên Hồ Chí Minh? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Người.
Điều đầu tiên phải kể đến đó là khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và luôn sáng suốt trong mọi hoàn cảnh của Người. Nhờ có bộ óc phê phán tinh tường, sự sáng suốt trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản hiện đại, Người đã đánh giá được đúng bản chất của các cuộc cách mạng đó, không để cái bề ngoài “tự do, bình đẳng, bác ái” đánh lừa bản thân. Một phần của sự thông tuệ ấy là do được thừa hưởng từ gia đình dòng dõi nhưng hơn tất cả là trí tuệ vượt lên trên mọi người, sánh ngang tầm thời đại.
Tiếp đó chính nhờ sự khổ công học tập và rèn luyện trong suốt những năm tháng bôn ba nước ngoài để chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của thời đại, những kinh nghiệm đấu tranh của phong trào công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, từng bước đến gần hơn với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Cuối cùng là ở tâm hồn vị tha của một nhà yêu nước, lý tưởng của một người cộng sản và một trái tim nhân hậu, yêu nước, thương dân, luôn hướng đến những con người cùng khổ sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Chính nhờ những phẩm chất trên mà Người hiểu rõ bản chất bản chất thực tại, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh và tiên đoán về những điều sắp đến trong tương lai.
KẾT LUẬN
“Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho toàn dân tộc ta học tập và noi theo. Việc đi sâu tìm hiểu cội nguồn tư tưởng của Người là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu và cũng là tìm đến đường lối đúng đắn cho những công cuộc cách mạng thời đại mới của nước ta.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh – Một số nhận thức cơ bản, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009
Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2003.
Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, 2009.