Các ranh giới địa lí tự nhiên trên tuyến thực tập địa lí tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng

Tóm tắt. Ranh giới địa lí tự nhiên là nội dung quan trọng của phân vùng địa lí tự nhiên. Ranh giới địa lí tự nhiên tồn tại khách quan với các thể tổng hợp tự nhiên giúp nhận biết sự phân hóa tự nhiên một cách trực quan nhất. Nghiên cứu của bài báo đã góp phần xác định được hai đoạn ranh giới phân cách 3 miền địa lí tự nhiên Trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Đó là dãy núi Tam Điệp là ranh giới tự nhiên giữa miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; dãy núi Bạch Mã là ranh giới tự nhiên giữa miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đồng thời cũng đã xác định được các ranh giới tự nhiên giữa các khu địa lí tự nhiên: Đồng bằng Bắc Bộ với Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh; Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh với Đồng bằng Bình Trị Thiên; Đồng bằng Bình Trị Thiên với Đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ; khu Bắc Trường Sơn với khu Nam Trường Sơn.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 337 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các ranh giới địa lí tự nhiên trên tuyến thực tập địa lí tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Natural Sci., 2014, Vol. 59, No. 4, pp. 154-160 This paper is available online at CÁC RANH GIỚI ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN TRÊN TUYẾN THỰC TẬP ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN HÀ NỘI - ĐÀ NẴNG Đào Ngọc Hùng Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội Tóm tắt. Ranh giới địa lí tự nhiên là nội dung quan trọng của phân vùng địa lí tự nhiên. Ranh giới địa lí tự nhiên tồn tại khách quan với các thể tổng hợp tự nhiên giúp nhận biết sự phân hóa tự nhiên một cách trực quan nhất. Nghiên cứu của bài báo đã góp phần xác định được hai đoạn ranh giới phân cách 3 miền địa lí tự nhiên Trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Đó là dãy núi Tam Điệp là ranh giới tự nhiên giữa miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; dãy núi Bạch Mã là ranh giới tự nhiên giữa miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đồng thời cũng đã xác định được các ranh giới tự nhiên giữa các khu địa lí tự nhiên: Đồng bằng Bắc Bộ với Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh; Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh với Đồng bằng Bình Trị Thiên; Đồng bằng Bình Trị Thiên với Đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ; khu Bắc Trường Sơn với khu Nam Trường Sơn. Từ khóa: Ranh giới địa lí tự nhiên, thể tổng hợp tự nhiên, miền địa lí tự nhiên, khu địa lí tự nhiên. 1. Mở đầu Mỗi thể tổng hợp tự nhiên đều có các đặc điểm chung tiêu biểu, được xác định bởi các tiêu chí và các chỉ tiêu nhất định, để có thể phân định được sự khác biệt giữa thể tổng hợp tự nhiên này với thể tổng hợp tự nhiên khác ở liền kề. Như vậy, đương nhiên giữa hai thể tổng hợp tự nhiên liền kề đều tồn tại một đường ranh giới tự nhiên mà khi vượt qua ranh giới này sẽ chuyển từ thể tổng hợp tự nhiên này sang thể tổng hợp tự nhiên khác. Lãnh thổ Việt Nam có hình thể hẹp ngang, chạy dài theo hướng kinh tuyến tới gần 15◦ vĩ tuyến nên có sự phân hóa tự nhiên theo hướng Bắc - Nam rất rõ rệt. Đặc điểm này cũng được thể hiện rất cụ thể trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng cách nhau gần 5◦ vĩ tuyến (từ 21◦01’ B-105◦51’Đ đến 16◦02’B-108◦11’Đ). Ngày nhận bài: 4/4/2014. Ngày nhận đăng: 6/5/2014. Tác giả liên lạc: Đào Ngọc Hùng, địa chỉ e-mail: daongochung69@gmail.com 154 Các ranh giới địa lí tự nhiên trên tuyến thực tập địa lí tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng Việc xác định các ranh giới tự nhiên trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng là rất quan trọng và cần thiết giúp ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập các môn Địa lí tự nhiên nói chung và Địa lí tự nhiên Việt Nam nói riêng, tạo điều kiện cho các sinh viên địa lí được đến tận nơi, được cảm nhận trực tiếp và làm sáng tỏ những vấn đề lí thuyết, làm cơ sở cho việc nghiên cứu những vấn đề thực tiễn và giảng dạy địa lí Việt Nam sau này. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về ranh giới địa lí tự nhiên * Khái niệm ranh giới địa lí tự nhiên Đa số các nhà địa lí trên thế giới thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thể tổng hợp tự nhiên trên bề mặt Trái Đất, cũng đồng thời thừa nhận sự tồn tại khách quan của các đường ranh giới tự nhiên. Ranh giới tự nhiên là khu vực ở rìa ngoài cùng của mỗi thể tổng hợp tự nhiên đã có những biến đổi suy giảm về số lượng nhưng vẫn còn mang dấu ấn quyết định đặc điểm và tính chất của thể tổng hợp tự nhiên đó. Nói một cách khác ở ranh giới khoanh vi các thể tổng hợp tự nhiên, bản sắc của các thể tổng hợp tự nhiên đã mờ nhạt khá nhiều. Đối với hai thể tổng hợp tự nhiên liền kề thì chính tại đường ranh giới của chúng lại thể hiện rõ sự khác biệt và giúp nhận biết được sự biến đổi về chất giữa hai thể tổng hợp tự nhiên này. Thực tế ngoài thực địa cho thấy ranh giới tự nhiên cấp cảnh quan, cấp khu, cấp miền tự nhiên thường là một dải có tính chất chuyển tiếp, có bề rộng từ vài trăm mét đến vài nghìn mét; cấp đới, cấp xứ tự nhiên có bề rộng tới hàng chục nghìn mét. * Tính chất các ranh giới địa lí tự nhiên Tính chất các ranh giới tự nhiên có thể được thể hiện khá rõ hoặc diễn ra từ từ. Theo Mincov, tính chất của ranh giới các khu vực địa lí tự nhiên phụ thuộc vào sự trùng lặp lớn nhất hay không trùng lặp với các ranh giới của các thành phần riêng biệt. Ranh giới được thể hiện rõ rệt thường ở các nơi có sự trùng lặp trong chồng xếp bản đồ ranh giới của một số thành phần cấu tạo gây nên (địa chất, địa mạo). Theo Armand, thường ranh giới các khu vực diễn ra từ từ bởi vì ranh giới của các thể tổng hợp tự nhiên cấp cao thường theo các dấu hiệu khí hậu [5, 6]. Theo Ixatsenko, không nên cho rằng ranh giới của mọi cảnh quan đều do một nhân tố nào gây nên [1]. * Việc xác định ranh giới địa lí tự nhiên Đối với các thể tổng hợp tự nhiên các cấp, ranh giới tự nhiên là các khoanh vi hoặc các đường được xác định từ việc chồng xếp bản đồ thể hiện các tiêu chí và các chỉ tiêu xác định cụ thể. Đối với các thể tổng hợp tự nhiên cấp cao hơn như, đới, xứ, miền, khu tự nhiên, ranh giới tự nhiên thường là các đường. * Việc thể hiện ranh giới địa lí tự nhiên Các ranh giới tự nhiên được thể hiện trên bản đồ, sơ đồ phân vùng địa lí tự nhiên 155 Đào Ngọc Hùng được biểu diễn bằng các đường với kí hiệu về kích thước và màu sắc khác nhau. Trên thực tế có những đoạn đường ranh giới tự nhiên của các cấp phân vị cao hơn trùng với các cấp phân vị thấp hơn. Ranh giới địa lí tự nhiên được vạch ra cần được xem xét một cách cụ thể tại mỗi nơi có sự phân cách các thể tổng hợp tự nhiên có các đặc điểm nổi trội khác nhau theo cấp phân vị trong hệ thống phân vị được sử dụng để phân vùng địa lí tự nhiên đối với lãnh thổ nghiên cứu. 2.2. Nhận biết các ranh giới tự nhiên trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng * Ranh giới giữa các miền địa lí tự nhiên Trong sơ đồ phân vùng địa lí tự nhiên Việt Nam, Vũ Tự Lập xác định trên lãnh thổ Việt Nam có 3 miền địa lí tự nhiên: miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Miền địa lí tự nhiên là kết quả của sự đan cắt giữa một đới tự nhiên (yếu tố địa đới) và một xứ tự nhiên (yếu tố phi địa đới) [2]. Hình 1. Sơ đồ phân vùng tự nhiên Việt Nam trên tuyến thực địa Hà Nội - Đà Nẵng 156 Các ranh giới địa lí tự nhiên trên tuyến thực tập địa lí tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng Trên tuyến thực địa Hà Nội - Đà Nẵng có hai đoạn trong ranh giới tự nhiên phân chia giữa hai miền địa lí tự nhiên khác nhau: - Đoạn ranh giới tự nhiên giữa miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ ở phía nam Đồng bằng Bắc Bộ Hai miền địa lí tự nhiên Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có chung đới tự nhiên rừng gió mùa chí tuyến nhưng có sự khác nhau về xứ tự nhiên: Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ thuộc xứ Hoa Nam - Bắc Việt Nam, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc xứ Đông Dương nên nằm ở hai miền địa lí tự nhiên khác nhau. Đoạn ranh giới phía nam giữa hai miền này là dãy núi đá vôi Tam Điệp. Có thể dễ dàng nhận biết đường ranh giới này thông qua địa giới hành chính của hai tỉnh Ninh Bình (với thị xã Tam Điệp) ở phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa (với thị xã Bỉm Sơn) ở phía Nam. Hình 2. Núi Tam Điệp, ranh giới tự nhiên giữa miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (ranh giới tự nhiên giữa khu Đồng bằng Bắc Bộ và khu Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh) Dãy núi Tam Điệp là dải cuối cùng của dãy núi đá vôi Hòa Bình - Thanh Hóa tiến tới gần sát bờ biển. Riêng trong địa phận Ninh Bình và Thanh Hóa, núi Tam Điệp dài trên 20 km, rộng từ 2 - 7 km với những ngọn núi cao trên 200 m. Đây là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trước đây khi chưa có đường quốc lộ 1A, con đường thiên lí Bắc - Nam qua đây phải vượt qua 3 đèo (núi Ba Dội) có độ dốc không lớn lắm. Tuy ranh giới này chưa rõ rệt là ranh giới khí hậu nhưng điều quan trọng có thể nhận biết đây là khu vực đường chia nước giữa một bên là lưu vực sông Hồng (ở phía Bắc) và một 157 Đào Ngọc Hùng bên là lưu vực sông Mã (ở phía Nam). Từ 2 lưu vực sông khác nhau dẫn đến sự hình thành của đất phù sa sông cũng khác nhau. Đất phù sa sông Hồng phì nhiêu, màu mỡ hơn, trong khi đất phù sa sông Mã nghèo dinh dưỡng, pha cát nhiều hơn, có diện tích hẹp hơn và bị chia cắt; đồng thời đã xuất hiện đất cát biển ở khu vực ven biển. - Đoạn ranh giới tự nhiên giữa miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ tại dãy Bạch Mã Hai miền này cùng thuộc xứ Đông Dương nhưng có sự khác biệt về đới tự nhiên. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ thuộc đới rừng gió mùa á xích đạo nên khác hẳn với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc đới rừng gió mùa chí tuyến. Dãy núi Bạch Mã được xác định là ranh giới tự nhiên giữa hai miền. Dãy núi Bạch Mã là khối núi granit hùng vĩ có độ cao trung bình trên 1000 m. Đường thiên lí Bắc - Nam và đường quốc lộ 1A vượt qua dãy Bạch Mã ở đèo Hải Vân có độ cao 496 m. Điều đáng chú ý là dãy núi Bạch Mã đồng thời cũng được nhiều nhà khí hậu xác định là ranh giới giữa 2 miền khí hậu: miền khí hậu phía Bắc và miền khí hậu phía Nam với các chỉ tiêu cụ thể như sau: Bảng 1. Một số chỉ tiêu chủ yếu để phân chia miền khí hậu Việt Nam Chỉ tiêu Miền khí hậuphía Bắc Miền khí hậu phía Nam Tổng lượng bức xạ (Kcal/cm2/năm) 140 Biên độ năm của nhiệt độ (◦C) > 9 < 9 Tổng số giờ nắng trong năm (Giờ) 2000 (Theo Nguyễn Đức Ngữ, Nguyễn Trọng Hiệu [4]) Từ đường chia nước của dãy núi Bạch Mã còn có thể xác định hai hệ thống lưu vực sông: phía Bắc là các hệ thống sông nhỏ thuộc tỉnh Bình Trị Thiên và phía Nam là hệ thống sông Thu Bồn chủ yếu nằm trên lãnh thổ của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, là một trong chín hệ thống sông lớn của nước ta có diện thích trên 10.000 km2. * Ranh giới giữa khu địa lí tự nhiên Ranh giới tự nhiên giữa các khu địa lí tự nhiên trên tuyến thực địa Hà Nội - Đà Nẵng có hai đoạn là ranh giới giữa khu Đồng bằng Bắc Bộ và khu Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh trùng với ranh giới hai miền tự nhiên: miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; khu Đồng bằng Bình Trị Thiên với khu Đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ trùng với ranh giới giữa hai miền tự nhiên: miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ranh giới giữa hai khu tự nhiên Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh và Đồng bằng Bình Trị Thiên cùng nằm trong miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có nét đặc sắc là được phân cách bởi dãy núi Hoành Sơn [3]. Dãy núi Hoành Sơn dài 50 km chạy theo hướng Tây - Đông, từ dãy Trường Sơn ở phía Tây kéo dài tới biển Đông. Đỉnh cao nhất trong dãy núi có độ cao 1044 m. Đèo Ngang là đèo vượt qua dãy Hoành Sơn ở vị trí thuận lợi nhất có độ cao 256 m. Theo Vũ Tự Lập, dãy núi Hoành Sơn còn là ranh giới của hai á đới trong đới rừng gió mùa chí 158 Các ranh giới địa lí tự nhiên trên tuyến thực tập địa lí tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng tuyến: Ở phía Bắc đèo Ngang là á đới rừng gió mùa chí tuyến có 3 tháng mùa đông lạnh, có tháng nhiệt độ trung bình xuống dưới 18 ◦C và 3 tháng khô; Ở phía Nam đèo Ngang là á đới rừng gió mùa chí tuyến có mùa đông ngắn, thường không đến 3 tháng và nhiệt độ không còn tháng nào xuống dưới 18 ◦C (theo Vũ Tự Lập). Vì thế ranh giới tự nhiên giữa hai khu Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh và Đồng bằng Bình Trị Thiên tại dãy núi Hoành Sơn (đèo Ngang) là một trong những ranh giới tự nhiên rất đặc sắc trên tuyến thực địa tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng. Bảng 2. Nhiệt độ trung bình tháng và năm (◦C) tại các trạm khí tượng thuộc khu Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh và Đồng bằng Bình Trị Thiên Nhiệt độ trung bình (◦C) Trạm khí tượng Tháng Năm 12 1 2 Thanh Hóa 18,6 17,1 17,3 23,6 Vinh 18,9 17,6 18,0 23,9 Hà Tĩnh 18,6 17,4 18,1 23,9 Đồng Hới 19,9 19,0 19,4 24,6 Đông Hà 20,1 19,7 20,4 25,0 Huế 20,8 20,0 21,0 25,2 Nguồn: Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy Văn 3. Kết luận 1-Ranh giới tự nhiên có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng trong nghiên cứu địa lí tự nhiên nói chung và trong phân vùng địa lí tự nhiên nói riêng. Ranh giới tự nhiên giúp làm sáng tỏ cấu trúc ngang của các thể tổng hợp tự nhiên để từ đó cùng với cấu trúc đứng và cấu trúc động lực cho biết những đặc điểm chung nổi bật của các thể tổng hợp tự nhiên. Ranh giới tự nhiên còn chứng minh một cách hết sức rõ ràng sự phân hóa của tự nhiên mà người ta có thể cảm nhận được mỗi khi xác định được và vượt qua các ranh giới này trên thực địa. 2-Tuyến thực địa tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng dọc theo các đồng bằng trên quốc lộ 1A mặc dù chỉ dài hơn 760 km, khoảng 5◦ vĩ tuyến nhưng đã phản ánh rõ được quy luật phân hóa địa đới của tự nhiên thông qua các thành phần chính của tự nhiên như khí hậu, thực vật cũng như thông qua các thể tổng hợp tự nhiên cấp vùng và miền nói chung. 3-Trên tuyến thực địa tự nhiên Hà Nội - Đà Nẵng có thể nhận biết được 2 đoạn ranh giới miền tự nhiên, đó là đoạn vượt qua dãy núi đá vôi Tam Điệp và dãy núi granit Bạch Mã. Hai đoạn ranh giới miền tự nhiên này đồng thời cũng là ranh giới tự nhiên giữa các khu tự nhiên: khu Đồng bằng Bắc Bộ và khu Đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh, khu Đồng bằng Bình Trị Thiên và khu Đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ. Ranh giới các khu tự nhiên trong cùng một miền địa lí tự nhiên trên tuyến thực địa Hà Nội - Đà Nẵng rất điển hình là đoạn ranh giới trên đèo Ngang khi vượt qua dãy núi 159 Đào Ngọc Hùng Hoành Sơn. Ranh giới này cũng là ranh giới của hai á đới, được minh chứng bằng các số liệu khí hậu, càng tăng thêm độ thuyết phục khi xác định sự khác biệt giữa hai khu tự nhiên liền kề cùng với các dấu hiệu khác nữa như sự xuất hiện các cồn cát và đầm phá rất điển hình ở khu Đồng bằng Bình Trị Thiên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] A. G. Ixatsenko, 1969. Cơ sở cảnh quan học và phân vùng địa lí tự nhiên. Vũ Tự Lập và nnk dịch. Nxb Khoa học, Hà Nội. [2] Vũ Tự Lập, 1999. Địa lí tự nhiên Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Đặng Duy Lợi (chủ biên) và nnk, 2003. Địa lí tự nhiên Việt Nam 1-2. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [4] Nguyễn Đức Ngữ, Nguyễn Trọng Hiệu, 2005. Tài nguyên khí hậu Việt Nam. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. [5] A. E. Phêđinna, 1973. Phân vùng địa lí tự nhiên. Tư liệu Đại học Sư phạm Hà Nội (tài liệu dịch). [6] V. I. Prokaev, 1971. Những cơ sở của phương pháp phân vùng địa lí tự nhiên. Nxb Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội. ABSTRACT Natural boundaries discovered on a physical geography field trip from Hanoi to Da Nang Natural boundaries are an important component of physical-geographical regionalization. They exist objectively within the physical-geographical complex and allow a differentiation in the terrain in a visual way. Two boundaries were identified in the area between Hanoi and Da Nang which delineate three physical-geographical regions. These boundaries are (i) the Tam Diep mountains, a natural boundary separating North/Northeast Vietnam from Northwest/North Central Vietnam, (ii) the Bach Ma mountains, the natural boundary that separates Northwest/North Central Vietnam from South Central/South Vietnam. We also identified natural boundaries within the physical-geographical zones: the Red River delta and the Thanh Nghe Tinh plains, the Thanh Nghe Tinh plains and the Binh Tri Thien plains, the Binh Tri Thien plains and the coastal plains of South Central Vietnam and the North Truong Son and the South Truong Son Mountains. 160