Dạy nghĩa của từ cho học sinh tiểu học học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai

Tóm tắt. Bài báo giới thiệu các biện pháp chính mà người giáo viên có thể dùng khi dạy nghĩa của từ cho học sinh học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai. Các biện pháp thường dùng cho dạy nghĩa từ trong một lớp học song ngữ bao gồm: biện pháp dịch từ - đối - từ qua tiếng mẹ đẻ của học sinh, biện pháp trực quan sự vật, biện pháp phương pháp trực quan hành động, biện pháp định nghĩa từ qua các nét nghĩa (giải nghĩa từ bằng tiếng Việt). Ngoài ra, học sinh cũng có thể đoán nghĩa từ qua văn cảnh.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 281 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dạy nghĩa của từ cho học sinh tiểu học học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Vol. 56, No. 5, pp. 36-42 DẠY NGHĨA CỦA TỪ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC HỌC TIẾNG VIỆT VỚI TƯ CÁCH NGÔN NGỮ THỨ HAI Nguyễn Thu Phương Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: nguyenthuphuong-521989@yahoo.com Tóm tắt. Bài báo giới thiệu các biện pháp chính mà người giáo viên có thể dùng khi dạy nghĩa của từ cho học sinh học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai. Các biện pháp thường dùng cho dạy nghĩa từ trong một lớp học song ngữ bao gồm: biện pháp dịch từ - đối - từ qua tiếng mẹ đẻ của học sinh, biện pháp trực quan sự vật, biện pháp phương pháp trực quan hành động, biện pháp định nghĩa từ qua các nét nghĩa (giải nghĩa từ bằng tiếng Việt). Ngoài ra, học sinh cũng có thể đoán nghĩa từ qua văn cảnh. 1. Đặt vấn đề Trong các đơn vị ngôn ngữ, từ được xem là đơn vị trung tâm. Với một ngôn ngữ, từ là phương tiện quan trọng phản ánh những bình diện khác nhau của hiện thực cuộc sống. Với mỗi người, từ là phương tiện để tạo lập và tiếp nhận lời nói trong hoạt động giao tiếp; mặt khác, nếu thiếu từ, con người không thể tư duy một cách mạch lạc. Sự phong phú trong vốn từ của một người tỉ lệ thuận với năng lực tư duy và năng lực giao tiếp ngôn ngữ của người đó. Điều đó có nghĩa là muốn giao tiếp và tư duy tốt, mỗi người luôn phải trau dồi làm cho vốn từ của mình ngày càng phong phú, tích cực. Như tất cả các tín hiệu khác, từ có hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái biểu đạt của từ là âm thanh, chữ viết; cái được biểu đạt của từ là ý nghĩa. Nếu không nắm được nghĩa, những âm thanh trống rỗng hoàn toàn không có giá trị giao tiếp. Vì vậy, giúp học sinh học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, đặc biệt là học sinh tiểu học các dân tộc ít người hiểu ý nghĩa của từ và biết cách sử dụng từ là nhiệm vụ quan trọng của việc dạy tiếng. 2. Nội dung nghiên cứu Khi dạy nghĩa từ cho học sinh tiểu học (HSTH) học tiếng Việt (TV) với tư cách là ngôn ngữ thứ hai, giáo viên không chỉ cần quan tâm tới vốn ngôn ngữ của các em (bao gồm vốn tiếng mẹ đẻ và vốn TV – nếu có), mà còn cần chú ý tới những nhân tố khác có ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em: đặc điểm tư duy, đặc 36 Dạy nghĩa của từ cho học sinh tiểu học học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai điểm tâm lí, nhận thức, kinh nghiệm sống của HS lứa tuổi tiểu học,... Đa số học sinh các dân tộc (DT) ít người thường nhút nhát, thiếu tự tin nên không mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Việt. Môi trường học tập, giao tiếp TV của HS người DT chủ yếu là ở trên lớp, trong giờ học; khi về nhà các em lại nói bằng tiếng mẹ đẻ. Chính vì thế, việc dạy học tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn. Vốn từ tiếng Việt của HS người DT ở những lớp đầu cấp TH còn rất hạn chế. Thậm chí, rất nhiều HS các DT ít người ở vùng sâu, vùng xa, hầu như chưa biết TV. Do đó, với HSDT, đặc biệt là HS mới học TV, lời giải nghĩa từ phải thật dễ hiểu; với những lần đầu từ xuất hiện (từ mới), chỉ nên giải nghĩa ở mức sơ giản, đủ để HS hiểu nội dung chính của câu hoặc đoạn, bài có từ mới đó. Khi từ xuất hiện lại ở những bài sau, việc giải nghĩa sẽ được nâng dần lên để HS hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa của từ. Người giáo viên có kinh nghiệm cần biết chọn biện pháp thích hợp nhất giúp các em hiểu về sự vật, hoạt động, hiện tượng, hay quan hệ, tính chất, quá trình,. . . mà từ phản ánh. Dưới đây là một số biện pháp giải nghĩa từ và cách vận dụng những biện pháp này trong các dạng bài TV lớp 1 cho HS người DT học TV với tư cách ngôn ngữ thứ hai. 2.1. Một số biện pháp giải nghĩa từ cho HS người DT học TV với tư cách ngôn ngữ thứ hai Để dạy nghĩa từ cho HS người DT học TV với tư cách là ngôn ngữ thứ hai, cần tuân thủ các nguyên tắc dạy học từ ngữ ở tiểu học như: nguyên tắc đồng bộ, nguyên tắc thực hành; nguyên tắc trực quan, nguyên tắc tính đến đặc điểm của từ trong hệ thống ngôn ngữ. Mặt khác, cần lựa chọn, vận dụng một cách linh hoạt và hợp lí các biện pháp giải nghĩa từ như: giải nghĩa bằng trực quan, giải nghĩa bằng ngữ cảnh, giải nghĩa bằng cách so sánh, đối chiếu với từ khác, giải nghĩa bằng từ đồng nghĩa, trái nghĩa, giải nghĩa bằng cách phân tích thành tố, giải nghĩa bằng cách định nghĩa. . . Ngoài ra, cần chú ý vận dụng các phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai vào việc giải nghĩa từ ngữ cho HS một cách hiệu quả, như: phương pháp sử dụng tiếng mẹ đẻ của HS, phương pháp trực tiếp, phương pháp trực quan sự vật, phương pháp trực quan hành động,. . . Cần chọn cách giải nghĩa phù hợp nhất với từ, dễ hiểu, tiết kiệm và hiệu quả. Đôi khi, cần phối hợp nhiều cách khác nhau để giải nghĩa một từ. Sau đây là các biện pháp thường được dùng để giải nghĩa từ cho HS học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai. 2.1.1. Giải nghĩa từ TV bằng tiếng mẹ đẻ của HS Giải nghĩa từ bằng tiếng mẹ đẻ là cách chuyển dịch từ TV sang tiếng mẹ đẻ để HS hiểu nghĩa từ TV. Cách giải nghĩa này tốn ít thời gian, học sinh tiếp nhận và hiểu từ tiếng Việt trên cơ sở vốn từ tiếng mẹ đẻ có sẵn. Cách giải nghĩa này còn tránh được căng thẳng trong nhận thức cho HS. Có hai mức độ: a) Giải nghĩa từ tiếng Việt bằng từ tương đương trong tiếng mẹ đẻ của HS. Ví dụ: Có thể giải nghĩa từ thông minh (bài đọc Anh hùng biển cả, trang 145, SGK Tiếng Việt 1, tập 2) cho HS lớp 1 người H’mông bằng cách chuyển dịch sang 37 Nguyễn Thu Phương từ tương đương (tiếng H’mông có từ tương đương với từ thông minh của tiếng Việt): [zê] - chữ viết là njê. b) Giải nghĩa từ TV qua lời giải nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ của HS. Cách giải nghĩa từ TV qua lời giải nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ của HS thường được dùng với những từ TV không có từ tương đương trong tiếng mẹ đẻ của HS. Cách giải nghĩa từ bằng tiếng mẹ đẻ phát huy tác dụng ở giai đoạn đầu, khi HS mới học tiếng Việt và nên dùng để dạy nghĩa của những từ ngữ chỉ đặc điểm, trạng thái, tính chất. Giải nghĩa từ bằng tiếng mẹ đẻ là cách giải nghĩa nhanh nhất, tiết kiệm nhất nhưng nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp nhận tiếng Việt của HS. Để giải nghĩa từ bằng tiếng mẹ đẻ của HS, người dạy phải biết tiếng mẹ đẻ của các em hoặc phải có trợ giảng. Nếu trong lớp có HS sử dụng được tiếng Việt, giáo viên có thể trao đổi trước để các em trợ giúp giải nghĩa từ mới. 2.1.2. Giải nghĩa từ TV cho HS bằng trực quan sự vật (tranh ảnh, vật thật, mô hình...) Để giải nghĩa từ, người dạy đưa ra các vật thật, tranh ảnh. . . để giúp HS hiểu nghĩa từ. Ví dụ: Để giải nghĩa từ cá heo (bài đọc Anh hùng biển cả, trang 145, SGK Tiếng Việt 1, tập 2), người dạy cho HS xem tranh cá heo và nói: Đây là cá heo. Giải nghĩa từ bằng trực quan sự vật là biện pháp rất phù hợp đối với HS tiểu học nói chung và cho HS học TV với tư cách là ngôn ngữ thứ hai nói riêng, vì nó giúp cho HS hiểu nghĩa từ một cách sinh động, đơn giản, cụ thể. Nhưng cách giải nghĩa này đòi hỏi người dạy phải chuẩn bị khá công phu về đồ dùng dạy học và khó có thể dùng để giải nghĩa những từ trừu tượng. Biện pháp giải nghĩa từ bằng trực quan sự vật thường được dùng khi cần giúp HS hiểu nghĩa các từ chỉ sự vật, biện pháp này phù hợp với HS mới học TV. 2.1.3. Giải nghĩa từ TV cho HS bằng từ trực quan hành động Giải nghĩa từ cho HS học TV với tư cách ngôn ngữ thứ hai bằng trực quan hành động là cách giáo viên (GV) làm động tác bằng cơ thể để HS quan sát, làm theo, nói và đọc từ theo GV, qua đó sẽ hiểu được nghĩa của từ. Ví dụ: Để giải nghĩa các động từ ra, vào, GV có thể làm động tác đi ra, đi vào kết hợp phát âm các từ đó. Sau đó, yêu cầu HS làm động tác và nói theo GV. Với cách này, HS được hiểu từ qua trải nghiệm nên sẽ dễ nhớ nghĩa của từ và nhớ lâu. Biện pháp này chủ yếu được dùng khi giải nghĩa các từ chỉ hoạt động. Giải nghĩa từ bằng trực quan hành động giúp HS nhanh chóng hiểu và nhớ nghĩa từ. Đây là cách giải nghĩa rất phù hợp với HS học TV là ngôn ngữ thứ hai. 2.1.4. Giải nghĩa từ trực tiếp bằng TV cho HS Giải nghĩa từ trực tiếp bằng TV cho HS học TV với tư cách ngôn ngữ thứ hai là cách giáo viên giúp HS hiểu nghĩa từ bằng chính TV, không cần liên hệ với tiếng mẹ đẻ của các em. Khi giải nghĩa từ theo cách này, người dạy có thể kết hợp dùng 38 Dạy nghĩa của từ cho học sinh tiểu học học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai vật thật, tranh ảnh để minh họa. Chẳng hạn, để giải nghĩa Chùm cam (bài ôn tập trang 134 - SGK Tiếng Việt 1, tập 1), có thể giải thích: nhiều quả cam trên một cành gọi là chùm cam, đồng thời chỉ tranh vẽ chùm cam cho HS quan sát. Giải nghĩa từ trực tiếp bằng TV được dùng khi HS đã có vốn từ TV ở một mức độ nhất định. Khi giải nghĩa từ bằng TV cần chú ý dùng những từ ngữ, cách diễn đạt thật đơn giản, dễ hiểu. Cách giải nghĩa này giúp cho HS được tư duy bằng TV, được dùng TV như một công cụ để giao tiếp, qua đó vốn từ và năng lực dùng từ của các em được củng cố và phát triển. 2.1.5. Giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh Giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh là cách GV giải nghĩa từ gắn với câu, đoạn, bài; không giải nghĩa từ tách khỏi hoàn cảnh sử dụng. Theo cách này, người dạy cần gợi mở, giúp HS dựa vào những từ ngữ đứng trước, đứng sau từ mới hoặc dựa vào những câu trước và sau câu có từ mới để suy đoán nghĩa của từ mới. Nếu HS suy đoán nghĩa của từ chưa đúng, GV sẽ điều chỉnh. Giúp HS học tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai hiểu nghĩa từ bằng ngữ cảnh là cách không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức mà còn giúp các em ghi nhớ cách kết hợp từ mới với những từ đứng trước và sau nó. Nếu ngữ cảnh là đoạn văn, bài văn thì ở những mức độ khác nhau, HS có thể nhận biết một cách tự nhiên mối liên hệ giữa các câu trong đoạn văn, bài văn. Trên đây chúng tôi vừa trình bày một số biện pháp giải nghĩa từ cho học HS dân tộc ít người. Trong thực tế, có thể áp dụng kết hợp một lúc các biện pháp giải nghĩa khác nhau tùy theo đặc trưng của từ cần giải nghĩa, tùy theo đặc điểm của tiếng mẹ đẻ của HS và tùy theo đối tượng HS. Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào, giáo viên cũng phải hướng dẫn được HS sử dụng các từ đó vào hoạt động giao tiếp. Bởi hoạt động giao tiếp là đích, đồng thời cũng là môi trường để dạy TV nói chung, dạy nghĩa của từ nói riêng. 2.2. Giải nghĩa từ cho HS lớp 1 học TV với tư cách ngôn ngữ thứ hai trong các bài học tiếng Việt Việc giải nghĩa từ cho HS học TV với tư cách là ngôn ngữ thứ hai cần được tiến hành trong tất cả các giờ học, vì hầu như các môn học đều có cung cấp từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm mới. Ở mỗi giờ học, bài học việc giải nghĩa từ cần hướng tới đích hỗ trợ và gắn với mục tiêu của bài học. 2.2.1. Giải nghĩa từ TV giờ học vần (giai đoạn đầu HS làm quen và học TV) Mục đích hàng đầu và quan trọng nhất của dạy học vần là trang bị cho HS kiến thức về hệ thống chữ viết tiếng Việt. Trong giờ học vần, HS được đọc, viết âm, vần mới (nắm được mối quan hệ giữa âm và chữ). Âm, vần mới học được ghép thành tiếng (tiếng có nghĩa). Tiếp đó HS được học từ khóa, cụm từ và câu ứng dụng. Việc giải nghĩa từ trong giờ học vần sẽ giúp HS xác lập được mối quan hệ giữa âm, chữ 39 Nguyễn Thu Phương và nghĩa, hỗ trợ các em mau nhớ âm, vần mới học và tạo hứng thú cho các em trong học tập. Ví dụ: Khi dạy vần uôm, ươm (Bài 66, trang 134, SGK Tiếng Việt 1, tập 1) có thể kết hợp giải nghĩa từ như sau: + GV cho HS xem tranh trong SGK (tranh vẽ cánh buồm và đàn bướm). + GV chỉ tranh và hỏi: Đây là cái gì? Đây là con gì? (Yêu cầu HS trả lời bằng tiếng mẹ đẻ). + GV giới thiệu từ mới (kết hợp chỉ tranh): TV gọi là cánh buồm, đàn bướm. + GV chỉ tranh, nói lại bằng TV: cánh buồm, đàn bướm, yêu cầu HS nói theo. Sau khi HS đã hiểu nghĩa từ khóa, GV giới thiệu: tiếng buồm có vần uôm , rồi hướng dẫn HS phân tích vần uôm, đánh vần, ghép vần, ghép tiếng. . . theo quy trình chung. Cách giới thiệu, phân tích dạy vần ươm được làm tương tự như giới thiệu và dạy vần uôm. Như vậy, khi dạy vần uôm, ươm cho HS, GV đã làm nhiệm vụ giải nghĩa từ bằng biện pháp dùng tranh ảnh (trực quan), kết hợp với dùng tiếng mẹ đẻ. Khi luyện đọc câu ứng dụng, GV có thể vận dụng biện pháp dùng tiếng mẹ đẻ của HS kết hợp dùng tranh ảnh để giải nghĩa bông cải, nở rộ,. . . giúp các em hiểu nội dung câu ứng dụng: Những bông cải nở rộ nhuộm vàng cả cánh đồng. Trên trời, bướm bay lượn từng đàn. Việc giải nghĩa từ trong giờ học vần không chỉ có tác dụng giúp HS dễ nhớ âm, vần mới, mà còn là cơ hội để các em được phát triển vốn từ, học cách sử dụng từ. 2.2.2. Giải nghĩa từ TV cho HS trong giờ chính tả Giải nghĩa từ cho HS trong dạy học chính tả là giúp HS hiểu nghĩa từ ngữ trong bài tập chép, bài chính tả nghe - viết hoặc trong các bài tập. Đây là một trong những cơ sở để HS viết đúng, làm đúng các bài tập chính tả. Giải nghĩa các từ mới, các từ HS thường viết sai sẽ giúp các em dựa vào nghĩa để nhớ và phân biệt cách viết. Ví dụ: Khi dạy bài chính tả Nghe - viết Ò. . . ó. . . o ( SGK Tiếng Việt 1, tập 2, trang 150), để giúp HS không mắc lỗi tr/ch, có thể giải nghĩa từ tre trong bài viết bằng cách: cho HS xem tranh vẽ cây tre hoặc chỉ cây tre thật (nếu có). GV giúp HS phân biệt nghĩa của tre với nghĩa của che (làm động tác minh họa cho từ che hoặc giải nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ). Khi đã hiểu nghĩa, phân biệt được nghĩa của tre và che, HS sẽ phân biệt được cách viết và viết đúng. 2.2.3. Giải nghĩa từ cho HS trong giờ tập đọc Mục đích của dạy học tập đọc là giúp HS đọc trôi chảy và hiểu nội dung bài đọc. Để hiểu được bài đọc, HS cần hiểu các từ ngữ trong bài. Ở mỗi bài tập đọc, người dạy cần chọn ra những từ ngữ mới hoặc từ ngữ khó, từ quan trọng để giải nghĩa. Khác với HSTH học TV với tư cách là tiếng mẹ đẻ, HSDT, HS học TV với 40 Dạy nghĩa của từ cho học sinh tiểu học học tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ hai tư cách là ngôn ngữ thứ hai có thể cần được giải nghĩa số lượng từ ở mỗi bài tập đọc nhiều hơn. Mức độ giải nghĩa từ chỉ nên đủ để hiểu nghĩa tường minh, hiểu nội dung chính của bài tập đọc. Với HSDT ở những lớp cuối cấp tiểu học hoặc những HS đã có vốn từ TV phong phú mới đặt ra yêu cầu giải nghĩa từ ở tất cả các bình diện: nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa văn chương. . . Ví dụ: Ở bài tập đọc Ngưỡng cửa (Tuần 8 phần Luyện tập tổng hợp - SGK Tiếng Việt 1 tập 2) cần giải nghĩa từ Ngưỡng cửa ở mức độ đơn giản: đó là nơi đầu tiên người thân dắt em bước ra ngoài để tập đi; từ nơi đó, em tự bước ra ngoài để gặp bạn bè, để đi học. . . Có thể giải nghĩa từ này bằng cách dùng tiếng mẹ đẻ của HS và kết hợp chỉ tranh minh họa. Khi chọn và giải nghĩa từ trong bài tập đọc, người dạy cần chú ý tạo điều kiện và giúp HS hiểu nghĩa từ trong ngữ cảnh của câu hoặc đoạn, bài. Trong bài tập đọc có những từ mới HS có thể hiểu nghĩa nhờ ngữ cảnh, không nên giải nghĩa bằng những cách khác. Có thể làm rõ ý này qua bài tập đọc Con quạ thông minh: CON QUẠ THÔNG MINH (1) Một con quạ khát nước. (2) Nó tìm thấy một chiếc lọ có nước. (3) Song nước trong lọ có ít, cổ lọ lại cao, nó không sao thò mỏ vào uống được. (4) Quạ liền nghĩ ra một kế. (5) Nó lấy mỏ gắp từng hòn sỏi bỏ vào lọ. (6) Nước dâng lên dần dần. (7) Thế là quạ tha hồ uống. (SGK Tiếng Việt 2, tập 1, trang 155). Nhờ các từ ngữ ở câu (4), và các câu đứng trước, đứng sau (ngữ cảnh), HS có thể suy ra nghĩa của từ kế. Nếu giải nghĩa từ này bằng tiếng mẹ đẻ của HS hoặc giải nghĩa trực tiếp bằng tiếng Việt là không tận dụng được ngữ cảnh, không “tối ưu” trong dạy học. Trong bài tập đọc, nếu có những câu văn được dùng với nghĩa bóng, không nên giải nghĩa từng từ mà cần giúp HS hiểu nghĩa cả câu. Ví dụ: HS không thể hiểu câu văn Trường học là ngôi nhà thứ hai của em (Bài tập đọc Trường em trang 46- SGK Tiếng Việt 1, tập 2) bằng cách hiểu và ghép nghĩa của từng từ trong câu. Bởi vậy phải giải nghĩa cả câu và nhờ ngữ cảnh của bài tập đọc, HS mới có thể hiểu được ý tác giả muốn gửi gắm trong câu văn và hiểu nội dung toàn bài. 2.2.4. Giải nghĩa từ tiếng Việt cho HS trong giờ kể chuyện HS hiểu nội dung truyện, kể lại được bằng tiếng Việt các nhân vật, sự việc, tình tiết chính của cốt truyện là mục tiêu cần đạt ở các giờ dạy học kể chuyện. Muốn đạt được mục tiêu ấy, trước hết HS phải hiểu từ, vì các từ ngữ sẽ giúp HS hiểu nội dung, nhớ và kể lại được câu chuyện. Do đó, việc giải nghĩa từ trong dạy học kể chuyện là rất cần thiết. Những từ mới, từ khó, từ quan trọng. . . cần được ưu tiên giải nghĩa. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, GV sẽ chọn cách giải nghĩa thích hợp (tương tự như cách chọn và giải nghĩa từ trong dạy học tập đọc). Trong dạy học kể chuyện, sau khi giải nghĩa từ ngữ (bằng tranh ảnh, vật thật, bằng trực quan hành động, bằng tiếng mẹ để của HS,. . . ), GV có thể giới thiệu thêm những từ ngữ đồng 41 Nguyễn Thu Phương nghĩa, gần nghĩa để HS sử dụng khi kể lại câu chuyện. VD: Nếu dạy HS kể chuyện Con quạ thông minh, sau khi giải nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ cho HS hiểu từ thông minh, nên giới thiệu thêm các từ gần nghĩa với từ thông minh như: khôn, khôn ngoan, giỏi, nhanh trí. . . 3. Kết luận Dạy nghĩa từ là nhiệm vụ cần thực hiện ở mỗi giờ học Tiếng Việt nhằm giúp HS học tập thuận lợi, đạt mục tiêu của mỗi bài học. Tuy nhiên, việc giải nghĩa quá nhiều từ một cách tuỳ tiện không giúp cho vốn từ của HS phát triển như mong đợi. Bởi vì các em không ghi nhớ kịp hình thức, ý nghĩa và cách sử dụng quá nhiều từ trong một thời gian ngắn. Do vậy, GV cần lựa chọn những từ cần giải nghĩa trong mỗi bài và cách giải nghĩa phù hợp với mỗi từ, với điệu kiện thực tế của địa phương, phù hợp với vốn ngôn ngữ, vốn sống của HS. Làm được như vậy, HSTH học TV với tư cách là ngôn ngữ thứ hai - trong đó có HS các DT thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam - sẽ thuận lợi hơn trong học tập, giao tiếp và có điều kiện để đạt chuẩn kiến thức kĩ năng môn tiếng Việt ở cuối cấp tiểu học. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán, 1996. Phương pháp dạy học Tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] Lê Phương Nga, 2010. Giáo trình Phương pháp dạy học Tiếng Việt 2. Nxb Đại học Sư phạm. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo & UNICEF, 2007. Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ. Tài liệu lưu hành nội bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. [4] C. Baker, 1997. Foundations of Bilingual Education and Bilingualism. Multilin- gual Matters Ltd: Clevedon, Philadelphia, Sydney. [5] J. Echevarria (ed.), 1998. Teaching Language Minority Students in Elementary Schools. Calif. Stat. Univ. ABSTRACT Teaching Vietnamese as the second language for primary school pupils by focusing mainly on conveying the meaning of word in the language This article supplies main methods teachers can use to teach meanings of words. The methods used in teaching word meaning in the bilingual classroom are literal translation through mother language, direct method, Total Physical Response and definition of word meanings. Teachers can also assist students with specific techniques and practice in contextual guesswork. Guided discovery involves asking questions or offering examples that guide students to guess meanings correctly. 42
Tài liệu liên quan