Đề tài Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa tại tỉnh Quảng Nam hiện nay

Trong chiến lược phát triển của đất nước, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân có vị trí đặc biệt. Các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX của Đảng đều xác định quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước phụ thuộc rất lớn vào quá trình CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông thôn và nông dân đã, đang và sẽ là bài toán then chốt tạo tiền đề cơ bản cho chúng ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. Với khoảng 80% dân số sinh sống trên địa bàn nông thôn, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia hay từng khu vực đều phải đặt nông nghiệp - nông thôn như một khu vực kinh tế - xã hội trọng điểm và giàu tiềm năng, có tính quyết định đối với sự phát triển. Trong bối cảnh này, nếu giải quyết tốt các vấn đề văn hóa ở nông thôn chúng ta sẽ có những tiền đề và điều kiện cơ bản để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa khu vực, bởi phát triển văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, khu vực và cả nước. Văn hóa phải được gắn kết với quá trình phát triển kinh tế - xã hội với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động văn hóa ở nông thôn phải có mục tiêu, nội dung, các biện pháp và bước đi thích hợp để thực sự đóng vai trò là động lực và mục tiêu của sự phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đây là những vấn đề có tính chiến lược mà nếu giải quyết tốt sẽ là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới. Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được phát động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nông thôn là một khu vực bao gồm hai thực thể xã hội cơ bản: làng - xã và các thị tứ, thị trấn; trong đó làng xã là thực thể xã hội cơ bản, tiêu biểu cho xã hội nông thôn, là một khu vực tụ cư của cư dân nông thôn. Trong biến thiên lịch sử, làng - xã và văn hóa làng - xã có một vị trí đặc biệt. Do đó, nói đến nông thôn trước hết là phải nói đến làng -xã, từ làng - xã ta có thể có một bức tranh khá toàn diện về xã hội nông thôn trong quá trình phát triển.

pdf124 trang | Chia sẻ: ttlbattu | Lượt xem: 2044 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa tại tỉnh Quảng Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trong chiến lược phát triển của đất nước, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân có vị trí đặc biệt. Các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX của Đảng đều xác định quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước phụ thuộc rất lớn vào quá trình CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông thôn và nông dân đã, đang và sẽ là bài toán then chốt tạo tiền đề cơ bản cho chúng ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. Với khoảng 80% dân số sinh sống trên địa bàn nông thôn, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia hay từng khu vực đều phải đặt nông nghiệp - nông thôn như một khu vực kinh tế - xã hội trọng điểm và giàu tiềm năng, có tính quyết định đối với sự phát triển. Trong bối cảnh này, nếu giải quyết tốt các vấn đề văn hóa ở nông thôn chúng ta sẽ có những tiền đề và điều kiện cơ bản để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa khu vực, bởi phát triển văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, khu vực và cả nước. Văn hóa phải được gắn kết với quá trình phát triển kinh tế - xã hội với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động văn hóa ở nông thôn phải có mục tiêu, nội dung, các biện pháp và bước đi thích hợp để thực sự đóng vai trò là động lực và mục tiêu của sự phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đây là những vấn đề có tính chiến lược mà nếu giải quyết tốt sẽ là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới. Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được phát động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nông thôn là một khu vực bao gồm hai thực thể xã hội cơ bản: làng - xã và các thị tứ, thị trấn; trong đó làng xã là thực thể xã hội cơ bản, tiêu biểu cho xã hội nông thôn, là một khu vực tụ cư của cư dân nông thôn. Trong biến thiên lịch sử, làng - xã và văn hóa làng - xã có một vị trí đặc biệt. Do đó, nói đến nông thôn trước hết là phải nói đến làng - xã, từ làng - xã ta có thể có một bức tranh khá toàn diện về xã hội nông thôn trong quá trình phát triển. Làng - xã có thể hình dung như một quốc gia thu nhỏ, có đời sống vật chất và tinh thần bền vững. Vì vậy, trong bối cảnh CNH, HĐH đất nước hiện nay, phát huy những giá trị văn hóa làng, kết hợp với những yếu tố hiện đại của cuộc vận động xây dựng làng văn hóa thực chất là quá trình "tiếp biến văn hóa", là quy luật vận động tất yếu của văn hóa đương đại trong việc kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc. Xây dựng làng văn hóa là sự kế thừa và phát triển làng - xã Việt Nam trong điều kiện mới phù hợp với sự tiến bộ văn hóa xã hội. Làng là cái nôi văn hóa được ví như tấm gương phản chiếu sinh động nhất truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc: chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, thuần phong mỹ tục, mối quan hệ xóm giềng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình...tất cả kết thành tinh hoa văn hóa và bản lĩnh văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa bởi các thế lực xâm lược đô hộ. Tinh hoa ấy cần được phát huy mạnh mẽ biến thành động lực tinh thần cho công cuộc xây dựng làng văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở nông thôn, làm nền tảng cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Làng văn hóa chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng và phát triển các giá trị đạo đức, tình cảm, lối sống của cộng đồng...Và đây cũng chính là mảnh đất có khả năng tiềm tàng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi những hiện tượng văn hóa tiêu cực đã và đang tác động dữ dội đến mọi mặt của đời sống xã hội và gây ra những thay đổi đáng kể trong thang giá trị xã hội ở thời điểm hiện nay. Mặt trái của kinh tế thị trường đang có nguy cơ phá vỡ những giá trị văn hóa truyền thống. Bản sắc văn hóa dân tộc có những lúc, những nơi bị xâm hại bởi các sức mạnh ghê gớm của nó như: chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng...Kinh tế thị trường phát triển, lũy tre làng không còn là vành đai cát cứ. Nhưng tính cục bộ, địa phương chủ nghĩa, "phép vua thua lệ làng", tệ cường hào ở nông thôn lại trỗi dậy. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự xáo trộn các mối quan hệ trong làng và giữa các làng, làm nảy sinh hàng loạt vấn đề về ý thức đoàn kết cộng đồng, diện mạo văn hóa, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Cơ chế thị trường đang len lỏi vào những miền quê xa xôi nhất và có nguy cơ phá vỡ nét thanh bình của làng - xã xa xưa. "Cây đa, bến nước, sân đình"- hình ảnh tiêu biểu của làng quê đang có dấu hiệu bị biến dạng. Các tệ nạn xã hội đang có cơ hội và điều kiện chuyển dịch về nông thôn. Ma chay, cưới xin vẫn có xu hướng quay lại với tập tục rườm rà, tốn kém, xen lẫn cả mê tín dị đoan... Chính vì vậy, việc xây dựng làng văn hóa là nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa làng, phát huy tính tích cực của nó. Văn hóa làng vừa là kết quả hoạt động của những con người ở làng, đồng thời là môi trường, động lực làm cho từng thành viên trong cộng đồng làng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp tục tạo ra những giá trị văn hóa tiên tiến. Và, chỉ khi đó làng văn hóa mới thực sự khẳng định vai trò góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cơ chế thị trường, làm động lực phát triển nông thôn ở nước ta hiện nay. Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang thực hiện chủ trương xây dựng làng văn hóa. Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam tuy mới được chú trọng từ khi tái lập tỉnh (1997), song đã đóng góp một phần tích cực vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc về lý luận và thực tiễn, chưa tạo ra được những mô hình đảm bảo chắc chắn và phù hợp với từng miền, vùng dân cư, diện của phong trào còn hạn chế... Xác định tầm quan trọng và tính bức thiết hiện nay của cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu " Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay " làm luận văn tốt nghiệp, nhằm nhận diện và phân tích rõ hơn đặc trưng văn hóa làng, đặc sắc văn hóa làng Quảng Nam và công cuộc xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Lý luận và thực tiễn xây dựng làng văn hóa không hoàn toàn mới xét ở bình diện cả nước. Nhiều công trình đã được công bố với các cách tiếp cận khác nhau về văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa như: "Văn hóa làng và làng văn hóa" của GS.TS Nguyễn Duy Quý, PGS.TS Thành Duy và PGS Vũ Ngọc Khánh; "Văn hóa làng và sự phát triển" của GS.TS Nguyễn Duy Quý; "Làng xã Việt Nam - một số vấn đề kinh tế - xã hội" của GS. Phan Đại Doãn; "Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay" của Tô Duy Hợp; "Cộng đồng làng xã Việt Nam hiện nay" của tập thể tác giả Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; "Mô hình làng văn hóa ở nông thôn hiện nay" của Thu Linh; "Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng" của Tô Duy Hợp; "Tín ngưỡng làng xã" của PGS Vũ Ngọc Khánh; "Nếp cũ - Làng xóm Việt Nam" của Toan ánh; "Hương ước hồn quê" của Toan ánh; "Bản sắc văn hóa làng trong xây dựng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ" của TS. Lê Quý Đức... ở những công trình trên, các tác giả đã bàn về văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất ở làng xã. Nhiều tác giả đã đề cập đến hội làng, nếp sống, phong tục, tôn giáo, sân khấu dân gian, văn hóa nghệ thuật dân gian... Một số chuyên luận không những có ý kiến nhận xét về di sản của làng xã, về các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa; mà còn nêu lên những điểm tích cực và cả những tiêu cực của làng xã trong quá trình dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, đối với tỉnh Quảng Nam đây là vấn đề tương đối mới vì cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam mới được phát động vào ngày 12/7/1997 với Chỉ thị 04/CT-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Do vậy, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính hệ thống dưới dạng một luận văn khoa học giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề giữa lý luận và thực tiễn xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Mục đích nghiên cứu: Góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng làng văn hóa trong xu thế phát triển toàn diện ở nước ta nói chung và ở Quảng Nam nói riêng; đề xuất những phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam trong bối cảnh CNH, HĐH đất nước. Nhiệm vụ của luận văn: - Xác định rõ khái niệm văn hóa làng và làng văn hóa làm cơ sở lý luận chung cho toàn bộ luận văn. - Khảo sát các làng văn hóa ở Quảng Nam, tiến hành phân loại và rút ra những đặc trưng của văn hóa làng và làng văn hóa Quảng Nam. - Đề xuất những phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay. 4. Giới hạn nghiên cứu của luận văn Xây dựng làng văn hóa là một nội dung lớn trong sự nghiệp chung của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay, do đó có rất nhiều vấn đề mới cần đi sâu nghiên cứu. Tuy nhiên trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ văn hóa, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa (chủ yếu tập trung nghiên cứu làng người Việt - đại diện tiêu biểu nhất của làng Việt Nam); phân tích thực trạng xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam và đề xuất các phương hướng, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng làng văn hóa và đời sống văn hóa cơ sở ở Quảng Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. 5. Đóng góp của luận văn - Hệ thống hóa cơ sở lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa. - Phân tích cơ sở lý luận chung về xây dựng làng văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH. - Thuyết minh có căn cứ khoa học về sự tiếp nối biện chứng từ di sản văn hóa làng đến việc xây dựng làng văn hóa trong bối cảnh hiện nay. - Bổ sung một số quan niệm về làng văn hóa và công tác xây dựng làng văn hóa. - Tiến hành phân loại và rút ra những đặc trưng cơ bản của văn hóa làng và làng văn hóa ở Quảng Nam. - Đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp có tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam nói riêng và ở nước ta nói chung. Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy về lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... 6. Phương pháp nghiên cứu Luận văn vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học chủ yếu là phương pháp điều tra, điền dã, phân tích khảo cứu, phương pháp diễn giải và quy nạp, phương pháp so sánh, đối chiếu... trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn khách quan. 7. Kết cấu luận văn Ngoài phần mở đầu kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có nội dung gồm ba chương: Chương 1: Một số vấn đề lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa. Chương 2: Làng và văn hóa làng Quảng Nam. Chương 3: Thực trạng công tác xây dựng làng văn hóa và phương hướng, giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay. Chương 1 Một số vấn đề lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa 1.1. Quan niệm về văn hóa Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX trong lịch sử nhân loại cũng là sự kết thúc của Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (1988-1997) nhằm thực hiện Nghị quyết 41/87 ngày 9/12/1986 của Liên hợp quốc. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của cả nhân loại ở thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai đối với văn hóa đã phát triển rất sâu và rộng. Bước vào thế kỷ XX, thuật ngữ văn hóa đã thâm nhập vào đời sống xã hội một cách sâu sắc, làm thay đổi nhận thức của con người trong các hướng tiếp cận mới phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ. Văn hóa đã và đang trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Từ đó tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong việc hình thành khung lý thuyết mới trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến văn hóa - xã hội. Khái niệm văn hóa, theo nhà ngôn ngữ học người Đức W. Vun-đơ (W.Wundt) bắt nguồn từ một động từ tiếng La Tinh "Colere" và sau chuyển thành "Cultura" với nghĩa là cày cấy, vun trồng. Trong sự vận động của ngôn ngữ, "Cultura" chuyển nghĩa từ trồng trọt cây cối sang hàm nghĩa trồng trọt tinh thần, trí tuệ; gắn bó với con người dưới dạng thức mới, được biểu hiện trong mô thức phức tạp hơn song lại hàm chứa nội dung sâu sắc hơn so với nghĩa ban đầu của nó. Quan niệm về văn hóa được E.B. Tylor đề cập trong công trình "Văn hóa nguyên thủy" (1871) trở thành định nghĩa đầu tiên về đối tượng nghiên cứu của văn hóa. Theo ông, "văn hóa hay văn minh theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách là một thành viên của xã hội" [92, tr. 13], Trong thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu về văn hóa trên thế giới đã tiếp tục đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo kháo sát của PGS. Phan Ngọc, cho đến nay đã có trên 400 định nghĩa về văn hóa [62, tr. 19]. Điều này cho thấy "mảnh đất" văn hóa để cày xới, thâm nhập, tiếp cận rất rộng, đa dạng và phong phú. Trong bản tuyên bố chung tại Hội nghị quốc tế ở Mêhicô do UNESCO chủ trì họp từ 26/7 đến 6/8 năm 1982, người ta chấp nhận một quan niệm về văn hóa như sau: "Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng" [95, tr. 5- 6]. Tổng giám đốc UNESCO F.May-ơ (Federico Mayor Zaagoza) cũng có quan niệm về văn hóa nêu ra trong một bài viết của ông như sau: "Văn hóa là tổng thể sống động của các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc" [11, tr. 23]. Văn hóa chính là quá trình sáng tạo tự thân của con người trong sự phát triển của lịch sử - "Đó không phải là các lực lượng bẩm sinh xuất hiện một cách tự nhiên, mà chúng biến đổi do tác động của các quan hệ xã hội, do trình độ phát triển văn hóa. Các lực lượng bản chất người ấy được khách thể hóa thông qua họat động cải tạo thế giới của con người. Chính họat động này là phương thức tồn tại và tái sản xuất ra đời sống xã hội" [97, tr. 40]. ở Việt Nam, từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng - Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa" [58, tr. 431], đến nội hàm khái niệm văn hóa mà Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy tự phát triển kinh tế - xã hội" [24, tr. 10] là sự phát triển các quan niệm về văn hóa của Đảng ta nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay. Như vậy, điểm thống nhất trong những quan niệm trên là đều xem lao động sáng tạo là cội nguồn của văn hóa. Và, chính văn hóa đã đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân, làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt mang tính nhân bản sâu sắc, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có lý trí và tình cảm trong khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ. Và cũng chính nhờ văn hóa mà con người thể hiện được phẩm chất, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án "chưa hoàn thành", đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những "ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân mình" [95, tr. 5-6]. Dưới góc độ tiếp cận xem lao động sáng tạo là cội nguồn, khởi điểm của văn hóa hướng về các giá trị nhân bản nhằm hoàn thiện con người, nhà nghiên cứu Hoàng Vinh đã có quan niệm xác đáng rằng: "Văn hóa là toàn bộ sáng tạo của con người, tích lũy lại trong quá trình hoạt động thực tiễn xã hội, được đúc kết thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, biểu hiện thông qua vốn di sản văn hóa và hệ ứng xử văn hóa của cộng đồng người. Hệ giá trị xã hội là một thành tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng của một cộng đồng xã hội, nó có khả năng chi phối đời sống tâm lý và một họat động của những con người sống trong cộng đồng xã hội ấy" [102, tr. 43]. Hoạt động sáng tạo văn hóa vật chất và tinh thần của con người là nhằm hình thành nên các giá trị văn hóa để từ đó cộng đồng người nói chung và mỗi con người nói riêng soi vào nó để chiêm nghiệm, đối chiếu và phấn đấu để đạt được những chuẩn mực giá trị cần thiết mà mỗi cá nhân, gia đình, xã hội đòi hỏi. Vì vậy, có thể hiểu: Văn hóa là quá trình vận động đặc biệt làm biến đổi liên tục và sâu sắc đến năng lực sáng tạo của cá nhân và cộng đồng nhằm ngày càng hoàn thiện nhân cách và xã hội, vươn tới sự thống nhất cao giữa mỗi cá nhân - gia đình - cộng đồng làng xã và toàn xã hội vì sự tồn tại và phát triển tiến bộ của con người và xã hội. 1.2. Quan niệm về văn hóa làng Phác họa một bức tranh tổng quát về văn hóa làng chính là cơ sở và tiêu chí giúp chúng ta có đủ dữ liệu để khái quát thực trạng văn hóa - xã hội ở nước ta hiện nay. 1.2.1. Làng người Việt Trong đời sống xã hội Việt Nam cổ truyền, "làng xã có vị trí hết sức đặc biệt: làng là đơn vị cơ bản hình thành quốc gia dân tộc. Nước (quốc gia) chỉ là tổng số, là kết quả của sự liên kết các làng, xã, là "liên làng", "siêu làng". Làng có vai trò gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Làng là nhân tố giữ vai trò quyết định trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc "còn làng thì còn nước"" [31, tr. 7]. Theo "Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam", làng là tiếng cổ của Việt Nam dùng để chỉ đơn vị tụ cư của người Việt có từ lâu đời. Xã là từ Hán - Việt dùng để chỉ đơn vị hành chính thấp nhất ở nông thôn Việt Nam [61, tr. 368-706]. Xã của người Việt có thể bao gồm từ một đến vài làng. Trong trường hợp xã là một làng thì phần lớn tên xã trùng với tên làng. Trong trường hợp xã bao gồm nhiều làng thì trong ngôn ngữ hành chính làng được gọi là thôn. Trong ngôn ngữ dân gian và trong cuộc sống đời thường từ làng được sử dụng phổ biến hơn cả với nhiều hàm nghĩa tình cảm, phi hành chính "làng ta", "làng mình", "người làng", "sống ở làng, sang ở nước", "một miếng giữa làng"... Vì làng có nguồn gốc bản địa sâu xa và bền vững nên trong lịch sử, xã có thể bị thu hẹp hay phình to ra tùy theo các quyết định hành chính, nhưng làng là đơn vị khá ổn định không dễ thay đổi. Bởi vì, theo nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn: "Làng là một đơn vị cộng cư có một vùng đất chung của cư dân nông nghiệp, một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc, mặt khác là mẫu hình xã hội phù hợp, là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình - tông tộc gia trưởng, đảm bảo sự cân bằng và bền vững của xã hội nông nghiệp
Tài liệu liên quan