1. Lí do chọn đề tài
Hồng Lâu Mộng ra đời đánh dấu sự xuất hiện của một “thiên cổ tuyệt bút”
cũng như đánh dấu một bước phát triển mới của tiểu thuyết Trung Quốc. Hồng
Lâu Mộng vĩ đại không chỉ ở những tư tưởng, những triết lí nhân sinh sâu sắc mà
còn ở sự kết tinh của cả một nền văn hóa Trung Hoa với chất thần bí sâu đậm.
Tào Tuyết Cần đã tạo cho Hồng Lâu Mộng một màu sắc kì ảo, nửa mộng nửa
thực với nhiều thủ pháp ngụ ẩn độc đáo, trong đó có thủ pháp đặt tên nhân vật.
Giải mã thủ pháp nghệ thuật này chính là một phương cách tiếp cận và đào sâu
những bình diện quan trọng trong tác phẩm dười một góc độ khác. Đó cũng chính
là lí do chúng tôi đến với đề tài “Hệ thống tên nhân vật trong Hồng Lâu Mộng và
những sự ẩn ngụ”
10 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 455 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hệ thống tên nhân vật trong Hồng Lâu Mộng và sự ẩn ngụ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
149
HỆ THỐNG TÊN NHÂN VẬT TRONG HỒNG LÂU MỘNG
VÀ SỰ ẨN NGỤ
Nguyễn Thanh Hà
Sinh viên năm 3, Khoa Ngữ văn
GVHD: TS. Đinh Phan Cẩm Vân
1. Lí do chọn đề tài
Hồng Lâu Mộng ra đời đánh dấu sự xuất hiện của một “thiên cổ tuyệt bút”
cũng như đánh dấu một bước phát triển mới của tiểu thuyết Trung Quốc. Hồng
Lâu Mộng vĩ đại không chỉ ở những tư tưởng, những triết lí nhân sinh sâu sắc mà
còn ở sự kết tinh của cả một nền văn hóa Trung Hoa với chất thần bí sâu đậm.
Tào Tuyết Cần đã tạo cho Hồng Lâu Mộng một màu sắc kì ảo, nửa mộng nửa
thực với nhiều thủ pháp ngụ ẩn độc đáo, trong đó có thủ pháp đặt tên nhân vật.
Giải mã thủ pháp nghệ thuật này chính là một phương cách tiếp cận và đào sâu
những bình diện quan trọng trong tác phẩm dười một góc độ khác. Đó cũng chính
là lí do chúng tôi đến với đề tài “Hệ thống tên nhân vật trong Hồng Lâu Mộng và
những sự ẩn ngụ”
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chính mà chúng tôi sử dụng trong bài nghiên cứu
này là phương pháp khảo sát, thống kê và phương pháp so sánh đối chiếu. Bên
cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương
pháp đồng đại và lịch đại.
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Sơ lược về truyền thống dùng chữ của người Trung Hoa
Có thể thấy rằng sự ngụ ẩn trong những cái tên là một điều không mới trong
văn học cổ điển nói riêng, trong nền văn hóa Trung Hoa nói chung. Đặc trưng
của loại chữ tượng hình đã tạo nên tính nhiều nét nghĩa cho chữ Hán. Với nét đặc
thù về ngôn ngữ như trên, người Trung Hoa hình thành nên hai đặc tính: thứ nhất
là thích tìm hiểu những ý bóng bẩy ngoài câu chữ, thứ hai là cách dùng chữ rất
tinh xảo. Hai đặc tính này dần biến thành truyền thống của xã hội và cuối cùng
trở thành tập quán trong tâm trí người Trung Hoa. Với tập quán này, người Trung
Hoa rất coi trọng, chăm chút cho việc dùng chữ trong đó có việc đặt tên. Từ
truyền thống xã hội hình thành nên truyền thống văn chương. Nghệ thuật đặt tên
đi vào trong văn học tiếp tục làm nên một thủ pháp nghệ thuật độc đáo, nhất là
trong văn học cổ điển Trung Quốc. Cách đặt tên nhân vật có khi thể hiện tư
Năm học 2008 – 2009
150
tưởng của tác giả, có khi được xem như một thủ pháp nghệ thuật đắc dụng để
khắc họa một phương diện nào đó của nhân vật và thể hiện cái tài của người nghệ
sĩ. Đến Hồng Lâu Mộng, thủ pháp mang tính truyền thống này đã được kế thừa
và phát huy một cách sáng tạo.
3.2. Hệ thống tên nhân vật
Hồng Lâu Mộng có tất cả khoảng 448 nhân vật và hầu như đều có tên họ
đầy đủ. Tuy không phải cái tên nào cũng có sự ẩn ngụ thế nhưng mỗi cái tên là
mỗi cái hay, cái đẹp riêng. Tác giả đặt tên nhân vật dựa trên nhiều yếu tố khác
nhau thế nhưng nhìn chung có thể chia tên nhân vật trong Hồng Lâu Mộng thành
hai nhóm sau: nhóm gắn liền với các yếu tố thiên nhiên (mùa, tuyết, trăng, mây,
nước, chim, hoaNguyên Xuân, Thám Xuân, Sử Tương Vân, Nghênh Xuân,
Tích Xuân, Vương Hi Phượng, Hương Lăng, Uyên Ương, Tình Văn, Tập Nhân,
Xạ Nguyệt, Tử Quyên, Oanh Nhivà nhóm gắn liền với các bảo vật (ngọc, trâm,
vòng, đàn): Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa, Diệu Ngọc, Lý Hoàn, Bảo Cầm,
Kim Xuyến, Ngọc Xuyến
3.3. Những sự ngụ ẩn trong hệ thống tên nhân vật
3.3.1. Sự ngụ ẩn tư tưởng, thái độ của tác giả
Hai nhân vật đầu tiên phải kể đến là Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn. Chân Sĩ
Ẩn tuy xuất hiện không nhiều nhưng là nhân vật đóng vai trò kết cấu quan trọng
trong tác phẩm. Chân Sĩ Ẩn đồng âm“chân sự ẩn”, tức là sự thật bị ẩn giấu đi.
Giả Vũ Thôn đồng âm “giả ngữ thôn”, tức là lời kể nôm na, quê mùa và không có
thật. Tên của hai nhân vật này có sự gắn kết mật thiết với nhau. Đó là sự thật ẩn
giấu đằng sau những lời kể quê mùa không thật. Nếu Chân Sĩ Ẩn là sự thật được
ẩn giấu thì Giả Vũ Thôn chính là những câu chuyện chứa đựng sự thật đó. Nếu
như Chân Sĩ Ẩn chỉ xuất hiện vài lần và gợi mở những hàm nghĩa sâu xa trong
tác phẩm thì Giả Vũ Thôn quán xuyến từ đầu đến cuối câu chuyện và những
thăng trầm trong cuộc đời ông cũng đều có mối liên hệ với những sự kiện trong
phủ Giả. Đó chính là thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc: hãy
tìm hiểu sự thật đằng sau những câu chuyện tưởng chừng như là mộng ảo, là
hoang đường ấy, đó là những bi kịch rất thật của những con người trong xã hội
phong kiến lúc bấy giờ.
Diệu Ngọc, Tích Xuân, Uyên Ương là những cái tên thể hiện thái độ cảm
thông thương xót của tác giả đối với những kiếp hồng nhan bị dập vùi trong xã
hội phong kiến. Diệu Ngọc tức là viên ngọc màu nhiệm – một cái tên mang đậm
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
151
chất khí chất nhà Phật. Là một vị ni cô, mang một cái tên đậm chất nhà Phật như
thế nhưng Diệu Ngọc lại là người vương vấn cuộc sống thế tục nhiều hơn ai hết.
Diệu Ngọc không cam tâm với cuộc sống thanh tâm quả dục nhưng nàng lại
không đủ can đảm để vượt qua những rào cản của phong kiến và tuy xem thường
cuộc sống tục lụy nhưng nàng cũng vẫn nặng lòng với nó. Thế giới bên ngoài am
Lũng Thúy đầy xuân sắc luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với Diệu Ngọc. Và
dù đã tự xưng là “người ngoài cửa” nhưng những ẩn tình dành cho Bảo Ngọc
vẫn không thể che giấu được. Cái tên Diệu Ngọc bày tỏ một thái độ cảm thông,
chua xót của tác giả. Một cô gái khao khát sống, khao khát hạnh phúc như Diệu
Ngọc mà phải chịu gửi mình ở chốn Phật môn. Thế nhưng, cuối cùng, cửa Phật
cũng không thể giúp cho Diệu Ngọc giữ được tâm trong sáng, thân trong sạch.
Cái tên Diệu Ngọc đã hoàn toàn trái ngược với số phận, càng thấy rõ sự chua xót,
cay đắng của tác giả trong hai chữ “diệu ngọc”. Đây cũng là một sự phủ định đối
với quan niệm triết học xuất thế, đồng thời cũng là minh chứng cho sự sụp đổ
không thể tránh khỏi của chế độ phong kiến. Cái tên Tích Xuân thoạt nghe tưởng
như chỉ là một cách đặt tên bình thường, nối liền sau ba cô chị Nguyên Xuân,
Nghênh Xuân và Thám Xuân thế nhưng đây lại là cái tên mang nhiều ẩn tình của
tác giả. Tích có nghĩa là thương tiếc, tích xuân tức là thương tiếc mùa xuân.
Trong cái nhìn tưởng chừng như lãnh đạm, vô sự, Tích Xuân rất thấu đáo những
chuyện xảy ra xung quanh mình. Nàng nhìn thấy được nỗi buồn ẩn trong niềm
vui của chị cả Nguyên Xuân khi về tỉnh thân, thấy được sự bất hạnh của chị hai
Nghênh Xuân, thấy được nỗi khổ đau của chị ba Thám Xuân. Và bao nỗi niềm ai
oán của các chị em khác cùng sự sụp đổ ngày càng gần hơn của phủ Giả. Thấu
suốt cảnh phú quý vinh hoa của cuộc đời chỉ là hư vô và nhận thức được tương
lai cuộc đời mình, Tích Xuân tìm cho mình một sự giải thoát nơi cửa Phật. Chữ
“tích” trong cái tên Tích Xuân đã nói thay cho tấm lòng của tác giả đối với số
phận của các cô gái trong Hồng Lâu Mộng. Mang tên một loài chim tượng trưng
cho cuộc sống lứa đội hạnh phúc nhưng số phận của nhân vật Uyên Ương lại
hoàn toàn trái ngược. Sự đồi bại, vô sỉ của những kẻ quyền thế trong xã hội
phong kiến đã đẩy một cô gái trong trắng, đang tràn đầy tuổi thanh xuân phải
“thề dứt bạn uyên ương”, thề dứt bỏ tình yêu đôi lứa. Cô gái trẻ trung xinh đẹp
mang tên Uyên Ương, loài chim của hạnh phúc lứa đôi, cuối cùng đã phải dứt bỏ
cuộc sống hồng trần để về nơi Cảnh Ảo khi chưa một lần nếm trải hương vị của
tình yêu. Ngụ ý phê phán trong cái tên Uyên Ương là vậy. Đó là một lời châm
biếm đầy xót xa, lời tố cáo gay gắt đối với xã hội phong kiến đã tước đoạt quyền
sống, quyền hạnh phúc của con người.
Năm học 2008 – 2009
152
3.3.2. Sự ngụ ẩn tính cách và số phận các nhân vật
3.3.2.1. Tính cách
Vừa chào đời đã ngậm trong miệng một viên ngọc quý, vị công tử nhà họ
Giả được đặt tên là Bảo Ngọc. Con người ấy khi mới xuất hiện đã mang một vẻ
gì đó khác người “Quả là giữa đám đồng thau lại nổi lên viên ngọc sáng suốt
như ráng trời ban mai, lóng lánh đủ năm màu lại nhẵn mịn như váng sữa”. Cái
tên Bảo Ngọc phần nào nói lên được những nét tính cách khác thường của nhân
vật này. Bảo Ngọc vốn có tư chất thông minh, khí chất hơn người. Đối với Bảo
Ngọc, chốn quan trường chỉ toàn những phường “mọt dân hại nước”. Trái lại,
Bảo Ngọc yêu mến, quý trọng những cô gái trong sạch, lương thiện bất kể thân
phận, địa vị. Chàng thương yêu Đại Ngọc, quý trọng Bảo Thoa, gần gũi thân thiết
với tất cả các cô gái từ tiểu thư cho đến những nàng hầu. “Xương thịt của con gái
là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con
gái thì tôi nhẹ nhàng khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn
vậy.” Trong khi xã hội phong kiến xem người phụ nữ là một thứ đồ chơi thì Bảo
Ngọc trân trọng người phụ nữ, căm ghét những lễ giáo phong kiến đã dày vò họ,
chia sẻ những gánh nặng tinh thần mà họ phải gánh chịu. Bảo Ngọc đúng là một
viên ngọc quý, hiếm thấy giữa cái xã hội phong kiến đầy rẫy bọn đàn ông ô trọc
chỉ biết giẫm đạp lên nhân phẩm người phụ nữ mà sống.
Cùng với Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc cũng là một nét tính cách khác thường
giữa xã hội phong kiến. Hình ảnh viên ngọc trong cái tên Đại Ngọc gợi lên vẻ
đẹp thi vị, thoát tục, hiếm có. “Đôi lông mày điểm màu khói nhạt, dường như cau
mà lại không cau, đôi con mắt chứa chan tình tứ, dường như vui mà lại không
vui. Má hơi lũm vẻ âu sầu.” Không chỉ vậy, Đại Ngọc còn là một cô gái thông
minh nhạy cảm, sắc sảo và tài năng hơn người. Khả năng thi phú của nàng ngoài
Bảo Thoa ra thì không ai có thể sánh kịp. Ngôi vị quán quân trong những cuộc
thi ở Hải Đường thi xã do Đại Ngọc và Bảo Thoa luân phiên nhau đảm nhận. Đại
Ngọc còn hơn Bảo Thoa ở một tâm hồn thi sĩ thật sự, một trái tim lúc nào cũng
chan chứa tình thơ. Thế nhưng viên ngọc này lại là viên ngọc giữa rừng, chứa
đựng một cá tính phức tạp, độc đáo. Chữ “lâm” tức là rừng, rừng gắn với cây,
bộc lộ một sự mong manh, yếu ớt, đa sầu, đa cảm trong tâm hồn. Đại Ngọc luôn
có một sự mặc cảm về cuộc sống ăn nhờ ở đậu cùng nỗi buồn cho thân phận mồ
côi. Chính điều đó đã tạo cho Đại Ngọc một tính cách kiêu kì, cô độc, hay đố kị,
hay hờn giận, hoài nghi với tất cả mọi người và lối nói cạnh nói khóe như một
cách để tự bảo vệ mình. Thêm vào đó, bản chất thi sĩ sẵn có trong người làm cho
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
153
nàng luôn cảm nhận một sự mong manh của cuộc đời mình, luôn chất chứa nhiều
tâm sự. Từ đó hình thành nên tính đa sầu đa cảm ở Đại Ngọc, thấy hoa tàn nàng
rơi lệ cảm thương “Giờ hoa rụng có người chôn cất. Chôn thân ta chưa biết bao
giờ.” Hình ảnh rừng trong cái tên Lâm Đại Ngọc còn biểu trưng cho tính cách
thuần khiết, chân thật, tự nhiên, không che đậy, không giả dối, một tấm lòng bộc
trực, hồn hậu. Đại Ngọc luôn dám sống thật với bản chất của mình. Điều này
tương phản với một Bảo Thoa tùy phận theo thời, luôn biết đoán ý mọi người để
mà chọn đường cư xử. Chính vì thế Bảo Thoa được mọi người yêu mến còn Đại
Ngọc, ngoài Bảo Ngọc và Tử Quyên, dường như không một người nào hiểu và
yêu thương nàng. Chính tính cách thuần khiết ấy đã khiến Đại Ngọc trở thành tri
kỉ của Bảo Ngọc. Hai người gặp nhau trong tư tưởng chống khoa cử, khinh
thường công danh phú quý. Cũng như Bảo Ngọc, Đại Ngọc khinh ghét bọn quan
lại, bọn hoàng thân quốc thích, kiên quyết bảo vệ sự thuần khiết của tâm hồn, sự
trong sạch của tư tưởng. Nàng vẫn thường dùng những lời nói sắc sảo của mình
mỉa mai phê phán những kẻ chỉ biết sống theo những chuẩn mực giả tạo của đạo
đức phong kiến. Như vậy ngay từ cái tên Đại Ngọc đã chứa đựng một tính cách
độc đáo của nhân vật, tính cách thuần khiết, chân thật một tấm lòng bộc trực, hồn
hậu, một tài năng, khí chất khác thường.
Tiết Bảo Thoa lại là một giai nhân phong kiến chuẩn mực. Cái tên Tiết Bảo
Thoa quả xứng đáng dành cho nhân vật này. Hình ảnh cây trâm trong cái tên ngụ
ẩn những phẩm chất của một thục nữ phong kiến: dịu dàng, nhã nhặn, cư xử khéo
léo, tuân thủ nghiêm ngặt mọi chuẩn mực đạo đức, chuyên tâm vào chuyện thêu
thùa, bếp núc, một lòng khuyên chồng lập công danh. Bảo Thoa không chỉ gắn
với hình ảnh cây trâm mà đó còn là cây trâm quý nổi bật giữa vô vàn những giai
nhân phong kiến chuẩn mực khác. Phong tư lộng lẫy, cư xử khoáng đạt, tùy phận
theo thời, thông minh, uyên bác trong mọi lĩnh vực, tất cả những điều đó đã tạo
cho Bảo Thoa một diện mạo khác, nổi bật hẳn trong những thục nữ phong kiến.
Nếu Đại Ngọc sống để yêu thì có lẽ Bảo Thoa sống để làm người – một người
con gái chuẩn mực. Vương Hi Phượng đã từng nhận xét về Bảo Thoa “Không
phải chuyện của mình thì không mở miệng, hỏi một câu lắc đầu ba cái trả lời
không biết” Chữ “tiết” đồng âm với “tuyết” gợi lên tính cách thanh sạch, giản
dị, điềm đạm và kín đáo, gợi lên một phẩm cách đoan trang, đứng đắn. Ở Bảo
Thoa luôn toát lên một phong thái thanh cao lạ thường, như lời nhận xét của
thằng hầu nhà Vương Hi Phượng “người như vừa từ đống tuyết chui lên”. Chỉ
với cái tên Tiết Bảo Thoa, những nét tính cách tiêu biểu của nhân vật đã được
Năm học 2008 – 2009
154
khắc họa khá rõ nét. Đó là một giai nhân phong kiến chuẩn mực, đoan trang,
đứng đắn.
Cái tên Sử Tương Vân gắn với hình ảnh mây Sở, sông Tương biểu trưng
cho tính cách khoáng đạt, hào sảng, phong lưu của nhân vật này. Hai tiểu thư
Thám Xuân và Nghênh Xuân của nhà họ Giả cũng mang những cái tên thể hiện
rõ nét tính cách của mình. Thám Xuân là tìm kiếm mùa xuân, thể hiện một sự
chủ động tìm hạnh phúc, khát vọng vươn lên thoát khỏi địa vị thấp kém. Chính
khát vọng này đã hình thành một tính cách cứng cỏi, gai góc nhưng rất bản lĩnh
và sắc sảo của nhân vật này. Ngược lại với Thám Xuân là Nghênh Xuân, tức là
đón chờ mùa xuân thể hiện tính cách thụ động, nhu nhược, không có bản lĩnh và
lập trường. Vương Hi Phượng mang tên một loài chim phượng, Chim phượng
vốn đã là một loài “phàm điểu”, lại thêm một chữ “hi”, nghĩa là hiếm có, càng
nhấn mạnh hơn sự xuất chúng của Vương Hi Phượng, quả là “một bậc anh hùng
trong đám phấn son”. Vương Hi Phượng xinh đẹp, thông minh, tài năng, tâm cơ
sắc sảo, lanh lợi hoạt bát, lại rất có tài quản lí. Chính vì vậy nàng nghiễm nhiên
chiếm một địa vị quan trọng trong phủ Giả. Hình ảnh chim phượng còn thể hiện
tính cách kiêu kì của nhân vật – cái kiêu kì của một người ý thức được tài năng
và sắc đẹp của mình, kiêu kì gắn với sự lạnh lùng, tàn nhẫn, có khi còn độc ác.
Lý Hoàn mang tên một thứ lụa nõn, mềm, mỏng, mịn, ngụ ẩn cho tính cách dịu
dàng, hiếu kính với người trên, thuận thảo với kẻ dưới. Tấm lụa nõn cũng là một
thứ quý giá, điều này phần nào nói lên sự thông minh, khí chất cao quý của Lý
Hoàn. Tuy không quá sắc sảo như Vương Hi Phượng nhưng Lý Hoàn vẫn là một
người rất nhạy bén, nhìn nhận đánh giá sự việc rất tinh tế, nói chuyện cũng rất
duyên dáng và sinh động.
Tình Văn, Hương Lăng, Oanh Nhi là những a hoàn ở nhà họ Giả, nhà họ
Tiết. Tuy không thuộc tầng lớp trên nhưng họ đều là những cô gái có khí chất, tài
mạo hơn người. Mỗi cái tên của họ cũng là sự ngụ ẩn cho những nét tính cách
độc đáo. Tình Văn là a hoàn của Bảo Ngọc. Tên Tình Văn mang nghĩa là áng
mây đẹp giữa trời quang, một cái tên rất xứng hợp với những phẩm chất đáng
quý trong cô a hoàn này: thông minh, sắc sảo, bộc trực và quang minh, lỗi lạc.
Tên Tập Nhân đi kèm với họ Hoa mang nghĩa là hoa thơm khắp người. Cái tên
này ngụ ẩn cho tính cách hòa nhã, dịu dàng, khí chất thanh cao toát lên trong
từng cử chỉ, lời nói của Tập Nhân. Hương Lăng, a hoàn nhà họ Tiết, cũng là một
cô gái có tính cách rất đặc biệt. Hương Lăng tức là hương ấu thơm. Hương thơm
thanh mát, giản dị nhưng khó phai cũng chính là tính cách dịu dàng, thanh nhã
Kỷ yếu Hội nghị sinh viên NCKH
155
nhưng cương quyết, bền bỉ, chân thành của Hương Lăng và những phẩm chất này
không phải ai cũng dễ dàng nhận ra trong thân phận a hoàn của nàng.
3.3.2.2. Số phận
Đằng sau những cái tên nhân vật không chỉ có sự ngụ ẩn những tính cách
mà còn là lời dự báo cho những số phận. Giả Bảo Ngọc, viên ngọc quý giá này từ
khi sinh ra đã được hưởng một cuộc sống vinh hoa phú quý. Một chữ “giả” đã
làm cho sự quý giá, cao sang của “viên thông linh bảo ngọc” rốt cuộc chỉ là
mộng ảo. Mười chín năm sống trong sự sang giàu, Bảo Ngọc thụ hưởng mọi vinh
hoa phú quý ở đời nhưng cũng chính trong mười chín năm này, chàng đã nhìn
thấy bao điều éo le, bao số phận bất hạnh, cay đắng. Bảo Ngọc không yên ổn
trong cuộc sống quý tộc đó. Sự trói buộc của lễ giáo phong kiến luôn làm Bảo
Ngọc thấy ngạt thở. Khát vọng tự do trong Bảo Ngọc vấp phải sự ràng buộc nặng
nề của gia đình và xã hội phong kiến dẫn đến một bi kịch không lối thoát. Trong
tên Bảo Ngọc còn ngụ ẩn mối duyên “mộc thạch” từ kiếp trước và mối duyên
“kim thạch” được ấn định bởi xã hội phong kiến. Viên đá ở cung Xích Hà ngày
nào đã hội ngộ với cây Giáng Châu nơi trần thế và nối tiếp mối duyên cũ. Mối
tình giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc không phải là mối tình bình thường mà là một
tình yêu tri âm, đồng điệu, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thế nhưng sự hiện diện
của viên “thông linh bảo ngọc” và chiếc khoá vàng của Bảo Thoa gắn với quan
niệm tiền định của hôn nhân phong kiến đã khiến mối tình này gặp nhiều trắc trở.
Đại Ngọc nói “vàng ngọc là chuyện nhảm nhí”, Bảo Ngọc thì nhiều lần muốn
đập vỡ viên ngọc – vật tượng trưng cho cái quan niệm tiền định kia. Nhưng cuối
cùng sự phản kháng đơn độc lẻ loi kia cũng không có kết quả. Mối duyên “kim
thạch” do chế độ phong kiến ấn định đã chiến thắng. Người yêu mất đi, Bảo
Ngọc càng đi sâu vào bi kịch. Chính vì vậy, xuất gia là con đường duy nhất đưa
Bảo Ngọc thoát khỏi bi kịch này dẫu chỉ là một lối thoát tiêu cực, một sự phản
kháng yếu ớt. Kết cục từ bỏ cuộc sống tục lụy, quay về nơi tiên cảnh đã được dự
báo trước trong cái tên Giả Bảo Ngọc. “Giả bảo là chân, chân cũng giả”. Cuộc
đời tưởng chừng mộng ảo kia lại chính là một bi kịch rất thực của con người
trong xã hội lúc bấy giờ, “Chân tức là Giả, Giả tức là Chân”. Viên ngọc quý giá
kia là giả, cuộc sống vinh hoa phú quý là giả, mối duyên “kim thạch” tốt đẹp kia
cũng là giả, chỉ có số phận bi kịch của con người đằng sau những sự chuyện
mộng ảo kia mới chính là sự thật. Ngụ ý của tác giả trong cái tên này vì thế vô
cùng sâu sắc.
Năm học 2008 – 2009
156
Tên Lâm Đại Ngọc cũng là sự ẩn ngụ cho mối quan hệ khăng khít giữa cây
và đá. Số phận của Đại Ngọc gắn liền với mối duyên “mộc thạch” và bi kịch của
nàng cũng bắt đầu từ đây. Lâm Đại Ngọc bước chân vào nhà họ Giả với sự mặc
cảm của một kẻ ăn nhờ ở đậu cộng với nỗi buồn mồ côi và bản tính đa sầu đa
cảm vốn có đã khiến Đại Ngọc luôn sống trong đau khổ. Thế nhưng cái làm nên
bi kịch lớn nhất trong cuộc đời Đại Ngọc chính là tình yêu dành cho Bảo Ngọc.
Tình yêu này được xây dựng trên cơ sở tâm đầu ý hợp, thống nhất tư tưởng, tình
yêu giữa hai con người phản nghịch của chế độ phong kiến. Chính tình yêu này
đã cho Đại Ngọc niềm tin và nghị lực bảo vệ cá tính của mình, chống lại những
lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Vì vậy, tình yêu giữa họ mang một ý nghĩa sâu
sắc, đó chính là lẽ sống của Lâm Đại Ngọc. Nhưng càng yêu Bảo Ngọc, Đại
Ngọc càng dấn sâu vào bi kịch. Nỗi lo không được nên duyên cùng người mình
yêu khiến Đại Ngọc rơi vào khổ lụy. Khi nghe tin người mà Bảo Ngọc cưới làm
vợ sẽ là mình, ở Đại Ngọc đã bừng lên một sức sống mạnh mẽ. Thế nhưng, đó
chỉ là một màn kịch do giai cấp phong kiến dựng lên để vùi dập những tư tưởng
phản kháng, tiến bộ, vùi dập những ước mơ chính đáng của con người. Đại Ngọc
tắt thở giữa lúc gia đình họ Giả tổ chức lễ cưới cho Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Hình
ảnh “viên ngọc giữa rừng” trong cái tên Lâm Đại Ngọc ngụ ẩn cho cá tính độc
đáo, phức tạp cũng như mối tình sâu sắc với Bảo Ngọc, hai yếu tố dẫn đến số
phận bi kịch của nhân vật này.
Hình ảnh cây trâm quý trong tên Tiết Bảo Thoa không chỉ ngụ ẩn cho tính
cách mà còn là lời dự báo cho một số phận. Chính cây trâm quý đó đã ấn định
cuộc đời Bảo Thoa phải gắn kết với những chuẩn mực đạo đức, trở thành đứa con
trung thành của giai cấp phong kiến. Hình ảnh tuyết trong cái tên như đã g