Tóm tắt. Quyền tự chủ là yêu cầu không thế thiếu được đối với vai trò và hoạt động
của các trường đại học. Để giáo dục đại học chuyển biến phù hợp với nền kinh tế
thị trường và nền kinh tế tri thức, trong công tác quản lí dứt khoát phải tăng quyền
tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các trường đại học. Đây cần được xem như là khâu
đột phá trong quản lí giáo dục đại học trong thời kì mới. Tự chủ và trách nhiệm xã
hội là hai mặt không tách rời nhau và có mối quan hệ biện chứng: Không có quyền
tự chủ nào lại tách rời sự chịu trách nhiệm xã hội và ngược lại. Dân chủ đi đôi với
kỉ cương, quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ. Tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm
cao là một đòi hỏi nghiêm túc đối với các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại
học cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển, chủ động xây dựng lộ trình và
các bước đi phù hợp với tiềm năng, thực trạng của đơn vị.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 205 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số khía cạnh về quản lí tác nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học theo quan điểm tự chủ và trách nhiệm xã hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Interdisciplinary Science, 2013, Vol. 58, No. 1, pp. 79-84
This paper is available online at
MỘT SỐ KHÍA CẠNH VỀ QUẢN LÍ TÁC NGHIỆP TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
THEO QUAN ĐIỂM TỰ CHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Quyền tự chủ là yêu cầu không thế thiếu được đối với vai trò và hoạt động
của các trường đại học. Để giáo dục đại học chuyển biến phù hợp với nền kinh tế
thị trường và nền kinh tế tri thức, trong công tác quản lí dứt khoát phải tăng quyền
tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các trường đại học. Đây cần được xem như là khâu
đột phá trong quản lí giáo dục đại học trong thời kì mới. Tự chủ và trách nhiệm xã
hội là hai mặt không tách rời nhau và có mối quan hệ biện chứng: Không có quyền
tự chủ nào lại tách rời sự chịu trách nhiệm xã hội và ngược lại. Dân chủ đi đôi với
kỉ cương, quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ. Tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm
cao là một đòi hỏi nghiêm túc đối với các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại
học cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển, chủ động xây dựng lộ trình và
các bước đi phù hợp với tiềm năng, thực trạng của đơn vị.
Từ khóa: Quản lí giáo dục đại học, quản lí tác nghiệp, tự chủ trong quản lí.
1. Mở đầu
Chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Một trong những yếu tố đó là quản lí (QL) tác nghiệp ở cơ sở GDĐH. Chỉ thị 296/CT-TTg
ngày 27 tháng 2 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lí giáo dục đại học
(QL GDĐH) là cơ sở pháp lí quan trọng để các cơ sở GDĐH thực hiện đổi mới quản lí ở
cơ sở giáo dục của mình. Theo đó, thực hiện quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội là
một trong những khía cạnh của đổi mới QL giáo dục. Yếu tố này cần được quan tâm nhằm
nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH.
Received June 25, 2012. Accepted January 28, 2013.
Contact Nguyen Thi Thu Hang, e-mail address: hangntt@hnue.edu.vn
79
Nguyễn Thị Thu Hằng
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát về GDĐH hiện nay
Thực tế cho thấy ngay từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay, cuộc cách mạng
công nghệ hiện đại trên thế giới đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc, đặc biệt đã đưa nền
kinh tế thế giới sang một giai đoạn mới về chất, đó là nền kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức
cũng đã làm thay đổi căn bản nền giáo dục từ quan điểm đến hệ thống, nhà trường và
mô hình nhà trường, cơ sở giáo dục cũng như nội dung, chương trình, đội ngũ giáo viên,
người học và phương pháp giảng dạy...
Trong nền kinh tế tri thức, nhà trường chỉ là giai đoạn ngắn trong hành trình học
tập suốt đời của mỗi con người. Trước những biến đổi to lớn và phát triển nhanh chóng
của khoa học kĩ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, nhà trường không
thể chứa đựng, cập nhật nhanh mọi tri thức và bản thân con người cũng không thể chỉ học
mãi trong nhà trường mà cần phải được học tập và thử thách trong thực tế, trong lao động
sản xuất. Chính vì vậy, học tập thường xuyên, học tập suốt đời là đặc điểm nổi bật và là
chân lý của thời đại mới.
Trong bối cảnh trên, GDĐH có vai trò cực kỳ quan trọng. GDĐH không chỉ có ý
nghĩa đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao mà còn có ý nghĩa quyết định trong
việc phát minh ra những thành tựu khoa học mới. Nhà trường đại học không chỉ là nơi
đào tạo nhân lực mà còn là những trung tâm nghiên cứu để hình thành hệ thống tri thức
mới, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại cũng như góp phần quan trọng trong
việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuyên bố của UNESCO trong hội nghị quốc tế
về GDĐH năm 1998 đã khẳng định: Sứ mệnh của GDĐH là góp phần vào yêu cầu phát
triển bền vững và phát triển xã hội nói chung.
Bước vào thế kỷ XXI, GDĐH đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ GDĐH tinh
hoa chuyển dần sang GDĐH đại chúng và quy mô GDĐH cũng đã tăng nhanh trên phạm
vi toàn thế giới. Các trường đại học cũng đã có nhiều chuyển biến cơ bản về chất lượng đội
ngũ giảng dạy, về nội dung chương trình, phương pháp và quy trình đào tạo. Nhiều trường
đại học đã trở thành các trung tâm nghiên cứu mang lại lợi ích to lớn cho nhà trường và
xã hội. Nhiều nước đã và đang thực hiện những đổi mới và những cải cách giáo dục theo
hướng phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng với các tiêu chí và chuẩn mực đánh giá
chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, dịch vụ phát triển
cộng đồng.
Tuy nhiên, GDĐH cũng đang chịu sự tác động, chi phối bởi nhiều xu hướng khác
nhau, đặc biệt là những vấn đề gay cấn cần phải giải quyết như yêu cầu về phát triển quy
mô, nâng cao chất lượng, giữa đào tạo và nghiên cứu dịch vụ, giữa nhu cầu và phát triển
nguồn lực cho xã hội. Việc phát triển cơ cấu ngành nghề của xã hội và sự chuyên môn hoá
cao của các ngành đã đặt ra yêu cầu cần phải đa dạng về ngành nghề đào tạo, đặc biệt phải
đa dạng hoá các loại hình nhà trường để đáp ứng yêu cầu về xã hội học tập. Mặt khác, để
tăng nhanh hiệu quả đào tạo và thu hút các nguồn lực của xã hội, ngoài ngân sách của Nhà
80
Một số khía cạnh về quản lý tác nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học theo quan điểm...
nước cho giáo dục, loại hình trường tư đã không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu của
người học. Đây là mô hình rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới.
Các hình thức đa dạng về sự hợp tác và cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo như chuyển
đổi văn bằng chứng chỉ, trao đổi sinh viên, phát triển mạng lưới các trường đại học nghiên
cứu trở thành các trung tâm sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển
giao công nghệ mới và hiệu đại,... đã biến các trường đại học thành các cơ sở dịch vụ đào
tạo nhân lực, thu hút vốn đầu tư vào quá trình đào tạo từ nhiều nước khác nhau đặc biệt
là các nước đang phát triển có nhu cầu tiếp cận với các công nghệ hiện đại. Những thay
đổi đó đã khẳng định giáo dục đại học đang có nhiều biến đổi về chất, đặc biệt vai trò tự
quyết của hệ thống các trường đại học trong bối cảnh mới ngày càng được đề cao.
2.2. Quản lí tác nghiệp trong đổi mới GDĐH hiện nay
Hiện nay trong xu thế đổi mới, việc ra đời các quy chế tổ chức hoạt động và quản
lí nhằm nâng cao năng lực tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đang là đòi hỏi
khách quan và tất yếu. Đây cần được xem như là khâu đột phá trong quản lý giáo dục đại
học trong thời kỳ mới. Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào
tạo, 2005) đã chọn giải pháp đổi mới quản lý giáo dục đại học theo hướng tăng quyền tự
chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các trường đại học
là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế cũng như yêu cầu phát triển giáo dục hiện nay.
“Quyền tự chủ" (autonomy) của các cơ sở GDĐH là một khái niệm khá quen thuộc
trong QL GDĐH thời gian gần đây. Theo các chuyên gia về QL GDĐH thì quyền tự chủ
là yêu cầu không thể thiếu đối với vai trò và hoạt động của một cơ sở GDĐH. Để GDĐH
chuyển biến phù hợp với nền kinh tế thị trường, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một trong các vấn đề quan trọng của công tác quản lý
là phải tăng quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, cơ sở GDĐH khi thực hiện
quyền tự chủ cũng đồng thời phải thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Trách nhiệm xã hội” (accountability) là “trách nhiệm, trách nhiệm giải thích” (Từ
điển Anh-Việt, 1975). Từ điển tường giải bằng tiếng Anh "Oxford advanced learner’s
dictionary "(Encyclopedic edition, 1992) cũng giải thích tương tự như vậy.
“Quyền tự chủ” của cơ sở GDĐH chính là việc các các cơ sở GDĐH có thể làm mọi
việc mà pháp luật cho phép và thực thi những quyền hạn đã được cụ thể hoá trong điều lệ
cũng như trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường đã được cấp có thẩm quyền
thông qua.
Đối với các trường đại học của Việt Nam, Điều 60, Luật Giáo dục năm 2005 đã quy
định những lĩnh vực có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trung cấp, trường
cao đẳng và trường đại học như sau:
- Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành
nghề được phép đào tạo;
- Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công
nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng;
81
Nguyễn Thị Thu Hằng
- Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng, QL, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, cán bộ và
nhân viên;
- Huy động, QL, sử dụng các nguồn lực;
- Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao, y tế, nghiên
cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
“Trách nhiệm xã hội” là việc cơ sở GDĐH phải tự đánh giá và giám sát việc thực
hiện các quy định của nhà nước, sẵn sàng giải trình và minh bạch hoá các hoạt động của
nhà trường và chịu trách nhiệm về các kết quả của mình đồng thời sẵn sàng giải trình trước
tập thể nhà trường, trước Nhà nước và trước xã hội nhằm bảo đảm lợi ích của chính bản
thân nhà trường, của Nhà nước, của người học và của cộng đồng xã hội.
Tự chủ và trách nhiệm xã hội là hai mặt sóng đôi không tách rời nhau: không có
quyền tự chủ tách rời sự chịu trách nhiệm xã hội và ngược lại. Dân chủ đi đôi với kỉ cương,
quyền lợi phải gắn liền với nghĩa vụ.
2.3. Các giải pháp tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội
Để tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học, cao đẳng
hiện nay, chúng tôi cho rằng trong công tác QL GDĐH cần tập trung giải quyết dứt điểm
một số vấn đề cấp bách sau đây:
- Trước hết, cần rà soát, xem xét lại hệ thống mô hình giáo dục đại học hiện nay.
Từ đó có sự phân loại, xếp hạng các trường đại học, cao đẳng cho phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ và quy mô hoạt động của các trường này. Việc phân loại, xếp hạng sẽ giúp cho
quá trình xác định và ra quyết định về mức độ quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các
trường đại học, cao đẳng đảm bảo tính khoa học, tạo đà cho sự ổn định và phát triển của
các trường trong hiện tại và tương lai.
Thực tế cho thấy những thay đổi về việc sát nhập, chia tách, thay đổi cơ cấu tổ
chức,... trong thời gian qua có thể đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong công tác quản
lý, dẫn đến sự bất ổn định và phát triển của các trường đại học, cao đẳng. Thực tế cũng
cho thấy một số đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng
nhưng hiện chưa được phân loại, xếp hạng nên thiếu thống nhất về phân công và tổ chức
quản lý, điều hành (một số đơn vị có chiều hướng nâng hạng như các tổ chức sự nghiệp
và dịch vụ công). Do đó, việc phân loại trên cần có các tiêu chí và nguyên tắc nhất định
để khắc phục tình trạng này và làm cơ sở cho việc thực hiện các chế độ, chính sách, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cũng như đổi mới cơ chế và phương thức
đầu tư cho các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công lập theo hệ thống phân loại, xếp hạng.
- Trên cơ sở phân loại, xếp hạng hệ thống các trường đại học, cao đẳng, điều thiết
yếu là xác định rõ vai trò quản lí nhà nước của các bộ, ngành. Từ đó phải tạo điều kiện
để các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở GDĐH được chủ động trong mọi mặt nhất là
chủ động thực hiện đa dạng hoá nguồn tài chính, khai thác tối đa các nguồn lực từ nghiên
cứu khoa học, từ các dịch vụ và tư vấn, nguồn lực ngoài nhà nước và thu hút đầu tư của
nước ngoài... Các trường cần được quyền tự chủ về hạch toán thu - chi theo nguyên tắc
82
Một số khía cạnh về quản lý tác nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học theo quan điểm...
từ nhiều nguồn thu tài chính đủ bù cho các khoản chi hợp lí, có tích luỹ cần thiết để phát
triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để phục vụ quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cần tạo ra môi trường cũng như cơ chế thông thoáng để các trường đại học, cao
đẳng và phát triển các nguồn thu bổ sung, góp phần thuận lợi để ban hành các chính sách
quan trọng như chế độ đãi ngộ và thu hút đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lí giỏi để
phát triển và nâng cao chất lượng nhà trường.
Trong bối cảnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung vào việc hoạch định chiến
lược, chính sách phát triển, tạo môi trường pháp lí thuận lợi cho GDĐH chỉ đạo và triển
khai tốt hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; điều tiết về môi
trường, cơ cấu và quy mô giáo dục đại học theo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của
đất nước.
Bên cạnh việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính, các trường đại học, cao đẳng cần
được chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trên cơ sở tuân thủ
các chủ trương, chính sách, chế độ được Nhà nước ban hành. Ví dụ được dùng các biện
pháp, các sáng kiến hợp lý, hợp pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hiệu
suất sử dụng các trang thiết bị và cơ sở vật chất khác. Các trường được chủ động trong
việc sử dụng định mức biên chế, các nguồn kinh phí được giao từ các nguồn kinh phí khác
và được chủ động trong quan hệ, hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước (thủ trưởng
đơn vị được quyết định và chịu trách nhiệm về vấn đề này).
- Việc tăng cường phân cấp quản lí đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của
các trường đại học, cao đẳng muốn thực hiện được cần có sự chỉ đạo thống nhất của các
cơ quan quản lí hữu quan và có các văn bản hướng dẫn triệt để đảm bảo hiệu lực và tính
khả thi của nó.
- Để thực hiện tốt quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội, các trường đại học, cao đẳng
nhất thiết phải tự khẳng định mình, trước hết là việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát
triển của đơn vị mình. Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, các trường phải có
kế hoạch chiến lược để điều chỉnh mọi hoạt động, đáp ứng sự thay đổi nhanh và yêu cầu
của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch chiến lược này phải phù hợp với nhu
cầu xã hội, phải đảm bảo tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí. Các trường đại học,
cao đẳng nhất định phải công khai, minh bạch khả năng, tiềm năng chất lượng, hiệu quả
của các hoạt động của mình trong hiện tại và tương lai với những cơ sở dữ liệu, luận cứ
thuyết phục. Đồng thời phải báo cáo các hoạt động với các phía liên quan, trước hết là cơ
quan chủ quan để nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà trường với các nhóm lợi ích liên
quan và không ngừng tự hoàn thiện mình, đáp ứng những thách thức, đòi hỏi, bức xúc từ
ngoài nhà trường cũng như những đòi hỏi từ nội tại bản thân nhà trường.
- Điều cuối cùng cũng cần nhấn mạnh rằng mục tiêu cao cả của vấn đề quyền tự chủ
và trách nhiệm xã hội hay tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, cao đẳng chính là
vấn đề quản lí nâng cao chất lượng đào tạo. Thước đo để đánh giá hiệu quả của quyền tự
chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học, cao đẳng chính là số lượng sinh viên ra
trường có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo, đáp ứng cả về kiến thức và kĩ năng tay
83
Nguyễn Thị Thu Hằng
nghề của hệ thống ngành nghề mà đất nước đang đòi hỏi. Đây là trách nhiệm, là vinh dự,
là niềm tự hào của các trường đại học, cao đẳng mà trước hết là của đội ngũ cán bộ QL
nhà trường - lực lượng thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội trong bối cảnh mới.
3. Kết luận
Tóm lại, từ cơ chế QL đến tiếp cận QL trong đào tạo và những công cụ QL theo
quan điểm tự chủ và trách nhiệm xã hội nêu trên trong QL tác nghiệp tại cơ sở GD ĐH
đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Tất nhiên, những
yêu cầu và kĩ thuật thực hiện những vấn đề đã được đề cập cần phải được nghiên cứu sâu
sắc và cụ thể hơn khi vận dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Phạm Minh Hạc (Chủ biên), Trần Kiều, Đặng Bá Lãm, Nghiêm Đình Vỳ, 2002. Giáo
dục thế giới đi vào thế kỷ XXI. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] Lê Đức Ngọc, 2004. Giáo dục đại học - Quan điểm và giải pháp. Nxb Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
[4] Phạm Văn Thuần, 2009. Quản lí đội ngũ giảng viên trong đại học đa ngành đa lĩnh
vực theo quan điểm tự chủ và trách nhiệm xã hội. Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản
lí Giáo dục.
[5] Perkins, J.A, 1973. The University as an Organisation. A Report for the Carnegie
Commission on Higher Education, McGraw Hill, New York.
ABSTRACT
Perspectives on operational management at universities that will lead
to greater autonomy and accountability - based society
Autonomy is thought to be indispensable in tertiary education. In order to
transform Vietnam’s tertiary education system that reflects a market economy and
a knowledge-based economy, autonomy and social responsibility is necessary in all
institutions. This would be a breakthrough in tertiary education in Vietnam. Autonomy
and social responsibility are inseparable and share a dialectical relationship such that
autonomy cannot be parted from social responsibility and vice versa. A democratic
procedure should result in the creation of laws, with voting a duty. Autonomy, tempered
with self-responsibility, is necessary for all tertiary education institutions. They are to take
the initiative to plan a development strategy, route and stages to match their potential and
current conditions.
84