1. Mở đầu
Nam Phong tạp chí [1] là ấn phẩm “Văn học-Khoa học tạp chí”, ra đời từ tháng 7
năm 1917 và đình bản vào tháng 12 năm 1934, với “thành phẩm” để lại là 210 số. Chủ bút
tạp chí này là Phạm Quỳnh (1892-1945, bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân, Hoa Đường,
Lương Ngọc. Nguyên quán tỉnh Hải Dương. Năm 1908 đỗ thủ khoa trường Trung học bảo
hộ (Collefge du Protectorat), từng làm ở Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, làm chủ nhiệm
kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong từ năm 1917-1932). Phạm Quỳnh là một trí thức tài hoa,
uyên bác, đồng thời cũng là một trong số những cây bút chủ đạo của tạp chí Nam Phong.
Đây là một trong những tạp chí hàng đầu đã góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam, ở
khu vực “đầu nguồn” của văn học hiện đại những năm đầu thế kỉ XX.
Phần “Văn học” của tờ tạp chí này bao gồm nhiều thể loại; có văn chương sáng
tác, như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký; có văn dịch; văn chương sưu tầm, và có cả văn
lí thuyết, như: nghiên cứu, phê bình, lí luận văn chương v.v. . . Thơ ngâm vịnh sáng tác
chiếm một lượng không nhỏ trên tạp chí này, bao gồm nhiều đề tài, nội dung, trong đó
đặc biệt là thơ vịnh Kiều. Bởi Truyện Kiều là áng văn chương tuyệt tác của đại thi hào
Nguyễn Du, có sức sống sâu rộng và lâu bền trong lòng dân tộc, trở thành đề tài khơi gợi
cảm hứng, bày tỏ tâm sự của nhiều người trong xã hội xưa. Từ Truyện Kiều, người ta có
thể lảy Kiều, vận Kiều, tập Kiều và với các nhà nho xưa còn có cả vịnh Kiều nữa.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 252 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thơ Vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Science, 2013, Vol. 58, No. 2, pp. 27-31
This paper is available online at
THƠ VỊNH KIỀU TRÊN NAM PHONG TẠP CHÍ
Nguyễn Đức Thuận
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Hải Phòng
Tóm tắt. Thơ vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí (1917-1934) có 78 bài. Các nhân
vật, tình tiết, cảnh ngộ trong tác phẩm Truyện Kiều đều trở thành đề tài của thơ
ngâm vịnh. Nghiên cứu thơ vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí chắc chắn sẽ đem
lại nhiều thú vị.
Từ khóa: Nam Phong tạp chí, Truyện Kiều, thơ vịnh Kiều,...
1. Mở đầu
Nam Phong tạp chí [1] là ấn phẩm “Văn học-Khoa học tạp chí”, ra đời từ tháng 7
năm 1917 và đình bản vào tháng 12 năm 1934, với “thành phẩm” để lại là 210 số. Chủ bút
tạp chí này là Phạm Quỳnh (1892-1945, bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân, Hoa Đường,
Lương Ngọc. Nguyên quán tỉnh Hải Dương. Năm 1908 đỗ thủ khoa trường Trung học bảo
hộ (Collefge du Protectorat), từng làm ở Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, làm chủ nhiệm
kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong từ năm 1917-1932). Phạm Quỳnh là một trí thức tài hoa,
uyên bác, đồng thời cũng là một trong số những cây bút chủ đạo của tạp chí Nam Phong.
Đây là một trong những tạp chí hàng đầu đã góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam, ở
khu vực “đầu nguồn” của văn học hiện đại những năm đầu thế kỉ XX.
Phần “Văn học” của tờ tạp chí này bao gồm nhiều thể loại; có văn chương sáng
tác, như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký; có văn dịch; văn chương sưu tầm, và có cả văn
lí thuyết, như: nghiên cứu, phê bình, lí luận văn chương v.v. . . Thơ ngâm vịnh sáng tác
chiếm một lượng không nhỏ trên tạp chí này, bao gồm nhiều đề tài, nội dung, trong đó
đặc biệt là thơ vịnh Kiều. Bởi Truyện Kiều là áng văn chương tuyệt tác của đại thi hào
Nguyễn Du, có sức sống sâu rộng và lâu bền trong lòng dân tộc, trở thành đề tài khơi gợi
cảm hứng, bày tỏ tâm sự của nhiều người trong xã hội xưa. Từ Truyện Kiều, người ta có
thể lảy Kiều, vận Kiều, tập Kiều và với các nhà nho xưa còn có cả vịnh Kiều nữa.
Ngày nhận bài 11/1/2013. Ngày nhận đăng 25/03/2013.
Liên lạc Nguyễn Đức Thuận, e-mail: tsthuandhhp@gmail.com
27
Nguyễn Đức Thuận
2. Nội dung nghiên cứu
Vịnh cũng là một cách làm thơ của các nhà thơ thuở trước. Thơ vịnh có nguồn gốc
từ Trung Quốc và phát triển mạnh vào thời kỳ nhà Đường. Thơ vịnh thường bắt đầu bằng
sự miêu tả, nghiêng về thể phú (phú giả phô dã). Về nguyên tắc, việc xác định đối tượng
được miêu tả chủ yếu dựa vào nhan đề của bài thơ. Các câu thơ trong bài thường làm
nhiệm vụ miêu tả hình dạng, đặc điểm, sự việc, tình và chí của nhà thơ, nhưng tuyệt đối
không được nhắc đến từ chỉ đối tượng được vịnh. Thơ vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí
cũng tuân thủ những đặc điểm chung này của thơ vịnh. Tuy nhiên, không phải người nào
cũng thực hiện được nghiêm nhặt điều đó.
Số lượng thơ vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí theo khảo sát của chúng tôi, tổng
số có đến 78 bài. Nếu đem thu thập, sưu tầm lại đầy đủ những bài thơ vịnh Kiều trên Nam
Phong, cũng có thể làm thành một cuốn sách riêng biệt được. Riêng hai số 54 và 210 đã
có tới 46 bài (số 54 có 31 bài; số 210 có 15 bài). Vào những thập niên đầu thế kỉ XX, trong
hoàn cảnh ngặt nghèo của lịch sử, các tác giả có thơ vịnh Kiều nhiều khi nhằm để bày tỏ
thái độ, hoặc bóng gió xa xôi một điều gì đó, chứ không hẳn đã là câu chuyện ngâm vịnh
thuần túy văn chương. Trong số những bài thơ này, nhân vật trung tâm trong tác phẩm
Truyện Kiều là nàng Vương Thúy Kiều được nhiều người cầm bút mến mộ tài sắc, phẩm
hạnh và thương xót cho cuộc đời đầy bi kịch của nàng mà viết thơ vịnh nàng nhiều hơn
cả. Các nhân vật khác trong Truyện Kiều như Kim Trọng, Thúy Vân, Thúc sinh, Mã Giám
sinh, Sở Khanh, Từ Hải. . . mỗi nhân vật năm ba bài, đều có người này người kia ngâm
vịnh!
Thơ vịnh Kiều trên Nam Phong bắt đầu từ bài Vịnh Kiều do Nguyễn Mạnh Bổng
sưu tập của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đăng trên số 4, tháng 10, năm 1917.
Bài này, như đã biết, Nguyễn Khuyến nhằm “chửi mát” Lê Hoan, kẻ đã mở ra cuộc thi
vịnh Kiều vào năm 1905:
Thằng bán tơ kia giở mối ra,
Làm cho bận đến cụ viên già.
Và cụ kết thúc bài thơ bằng hai câu thật ý vị:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ,
Đời trước làm quan cũng thế a?
Tiếp đến số 5, Nam Phong cho đăng 4 bài vịnh do NguyễnMạnh Bổng sao lục thêm
nữa của cụ là: Vịnh Kiều, Viếng Đạm Tiên gặp Kim Trọng, Mắc tay Hoạn Thư, và Kiều
khuyên Từ Hải hàng. Những bài vịnh Kiều của Nguyễn Khuyến cũng như của các tác giả
khác, đều làm theo thể thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật. Đặt vào thời điểm những
năm đầu thế kỉ XX, nhất là lại nằm trong không khí cuộc thi vịnh Kiều do Lê Hoan tổ
chức, nên cảm hứng chủ đạo trong các bài thơ vịnh của cụ là cảm hứng châm biếm, mỉa
mai. Nhân vật Thúy Kiều “bỗng dưng” bị cụ Tam nguyên chỉ trích, vì để tỏ một thái độ
nào đó, một ý nào đó của cụ đối với xã hội thực dân nửa phong kiến bấy giờ. Ví như bài
Mắc tay Hoạn Thư, sau khi Kiều bị bọn Ưng, Khuyển bắt đem về nhà mụ Hoạn, cuối bài
thơ vịnh này, cụ Tam nguyên viết lấp lửng:
28
Thơ vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí
Con ở ngẩn ngơ nhìn mặt cũ,
Nhà thầy tưng hửng mất đồ chơi.
Ông giời cũng khéo chua cay nhỉ,
Một cuộc bày ra cũng nực cười.
Từ đó cho tới ngày đình bản (tháng 7 năm 1934), trên Nam Phong thường có thơ vịnh
Kiều. Liễu viên Dương Mạnh Huy có đăng tới 4 bài (Nam Phong số 6, tháng 12/1917):
Vịnh nhan sắc Thúy Kiều, Vịnh tài điệu Thúy Kiều, Vịnh nhân duyên Thúy Kiều, Vịnh
Thúy Vân. Sắc đẹp “hoa hờn nữa liễu ghen” và cuộc đời “bạc mệnh” của nàng Kiều được
người viết miêu tả qua ba bài thơ vịnh với giọng điệu cảm thông thương xót. Còn với Thúy
Vân, thì tác giả lại không có được giọng điệu xót thương như thế: “Cái số dì Vân tốt lạ
lùng/ Sẵn nong, sẵn né, sẵn con bồng/ Thoa vàng nguyền ước nhờ duyên chị/ Thềm ngọc
vinh hoa hưởng phúc chồng. . . ”. Tác giả Trần Mỹ trong bài Vịnh Thúy Kiều (số 25, trang
69) “nức tiếng khen” cho nàng Kiều “đôi vai chữ hiếu” và “một món tơ tình thủy chung”.
Đến Nam Phong số 44, (tháng 2/1921) Vũ Tích Cống với 4 bài: Vịnh Từ Hải, Vịnh Thúc
sinh, Vịnh Sở Khanh và Vịnh Thúy Kiều đã có thêm ba nhân vật nữa được vịnh. Từ Hải
hiện lên thật oai phong, lẫm liệt (“Dọc ngang trời đất hơn trăm trận/ Vùng vẫy giang hồ
một lưỡi gươm”), thế mà kết cục thật bi thảm:
Trăm điều ngang ngửa vì ai đó
Cũng tiếc cho tay dúng phải chàm!
Chỉ vài dòng miêu tả khi tác giả “tóm bắt” được đúng hành tích nhân vật, mà gã Sở
Khanh hiện lên thật rõ ra là một kẻ đểu cáng, lừa đảo:
Quyến yến rủ anh tay độc địa,
Sổ lồng tháo cũi miệng vung trời.
Đặc biệt, trên Nam Phong tạp chí số 54 (tháng 12/1921), Mai đình Phạm Xuân Khôi
đã diễn nôm 30 bài Thơ vịnh Kiều (chưa rõ tên tác giả) và ông sáng tác thêm 1 bài nữa,
tổng là 31 bài. Với trên ba mươi bài thơ vịnh này, hầu như toàn bộ những tình tiết chính
của nội dung Truyện Kiều đã được thể hiện khá đầy đủ. Bài Tổng vịnh của tác giả Phạm
Xuân Khôi đã khái quát những bi kịch của đời Kiều chỉ qua mấy dòng thơ (“Hai phen bán
phấn đâu ngờ nợ/ Mấy độ xe tơ há phải duyên. . . ”). Các bài thơ vịnh khác, như: Hội đạp
thanh, Mộng Đạm Tiên, Thàng bán tơ gây vạ, Bán mình chuộc cha, Tơ chị gán duyên em,
Gặp Mã Giám sinh, Gặp Tú bà, Gặp Thúc sinh, Gặp Bạc bà, Gặp Từ Hải, Báo ơn báo
oán, Gieo mình sông Tiền Đường. . . đã dựng lại đầy đủ những khúc “đoạn trường” của
đời Kiều. Bài vịnh Vào chùa Chiêu ẩn có những câu thơ hay nói nên tâm trạng đau xót
của nàng Kiều: “Bình hồng trước đã nhiều tân khổ/ Trai giới nay dường nhẹ kiếp duyên/
Chuông gióng canh khuya tàn giấc mộng/ Trăng soi sáng khắp rạng màu thiền. . . ” (trang
505). Khi Kiều bị ép gả cho Thổ quan, tâm trạng của nàng đến cảnh ngộ này là buồn đau
nhất. Hai câu thực trong bài Gả cho Thổ quan (trang 507) ngòi bút của tác giả đã lột tả
được nỗi lòng Kiều nhi lúc bấy giờ:
Đoạn trường khúc ấy khôn cầm lệ,
Bạc mệnh gương đây thực tỏ tình.
Đủ biết tác giả cũng đã đồng cảm với cuộc đời dâu bể của nàng Kiều đến thế nào!
29
Nguyễn Đức Thuận
Trong bài Vịnh Thúy Kiều (số 60, trang 475), Nguyễn Giản Khanh sử dụng thủ pháp
“tiêu hình tả ý” (bỏ hình lấy ý) rất đắc dụng, nhằm làm nổi rõ “kiếp đoạn trường” của đời
Kiều: “Réo rắt dây đàn cung bạc mệnh/ Ngẩn ngơ nét bút áng mây vàng/ Mười lăm năm
ấy thân lưu lạc/ Trời để làm gương bạn má hường”. Cũng với thủ pháp này, bài Vịnh Kiều
(số 60, trang 475) của Đặng Xuân Quýnh nói về cảnh ngộ Kiều dặn lại em trước lúc ra đi,
giọng điệu thật thê thảm:
Ân nặng đã đành thân phận chị
Tình sâu em phải tính sao đây?
Đặc biệt, bài thơ vịnh Khóc Kiều của Trần Huy Liệu (số 96, trang 588) có lẽ không
dừng ở câu chuyện chia sẻ thân phận “bạc mệnh hồng nhan” và cuộc đời “đoạn trường”
của nàng Kiều, mà ẩn sau lời kết bài thơ còn có điều gì đó xa xôi.
Chỉ vì chưa gặp người tri kỷ
Mà luống long đong mãi với đời.
Lối kết thúc bất ngờ này làm cho ý bài thơ vịnh đã chuyển sang hướng khác!
Bài vịnh Thúy Kiều của Phác Ngọc (số 106, trang 500), xét trên bình diện ngôn ngữ,
tác giả sử dụng chất liệu ngôn từ vừa đủ mà ý thơ vẫn dư ba: “Rớp nhà đến nỗi thân lưu
lạc/ Bạc phận xui nên kiếp dãi dầu!/ Lấy hiếu làm trinh đà mấy kẻ/ Tiền Đường một dải
nước nông sâu”. Cho đến bài Thương Kiều gặp phải mụ Hoạn Thư ghen tuông rất nghiêm
khắc của Lý khê Đặng Vũ Trợ (số 112, trang 614) tác giả muốn “nhắn nhủ bạn quần thoa”
cảnh “chồng chung” như đời Kiều đây thì đau khổ biết chừng nào:
Trước hàm sư tử gửi đằng la,
Oan nghiệt vì đâu giở mối ra!
Bó gối ngánh thay chàng tuổi trẻ,
Trêu gan riêng giận chị trăng già. . .
Sở Khanh là một nhân vật xấu xa bởi hành vi lừa lọc, “một tay chôn biết mấy cành
phù dung” ở lầu xanh, qua ngòi bút của Nguyễn Huy Đại càng không mấy ai quên: “Kìa
tiên “tích việt” chưa khô mực/ Mà ngựa truy phong đã tếch ngàn” (số 113, trang 89). Lấy
cảm hứng từ những nhân vật phản diện, Trực viên Phạm Văn Nghị đem đến cho người
đọc hình ảnh của mấy gã “làng chơi”, kẻ “bạc tình”, kẻ “keo kiệt” đê tiện, “bất lương”
qua ba bài thơ vịnh khá đặc sắc. Đây là hình ảnh Thúc sinh: “Cao bay xa chạy còn khuyên
hão/ Một án bạc tình chối được chăng?”; Mã Giám sinh: “Cờ đã đến tay liền phất thử/
Lời văng vào mặt cũng xin đành”; và đây là hình ảnh của gã “đại bịp” Sở Khanh: “Mặt
mũi nhìn xem cũng dịu dàng/ Lầu xanh luẩn quất kiếm ăn thường/. . . Ba mươi lạng bạc
kia là mấy/ Đế mãi ngàn thu tiếng bất lương” (số 145, trang 625). Đến số chót, số 210
(tháng 12/1934), Nam Phong tạp chí đăng tất thảy 15 bài vịnh Kiều của tác giả Hương
Sơn. Không giống với nhiều bài vịnh Kiều trước đó, hấu hết các nhân vật trong Truyện
Kiều đều “được” tác giả nhìn lại bằng một góc nhìn khác. Đây là hình ảnh Thúy Kiều
trong con mắt tác giả: “Thôi đừng trách lẫn mệnh ghen tài/ Vì mối tơ tình buộc đấy thôi/
Mồ cỏ thương hoài con đĩ dại/ Bóng hoa mê tít cậu đồ choai. . . ” (trang 346). Với Kim
Trọng, thì:
30
Thơ vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí
Chỉ quen phong nhã nghề chim gái,
Chẳng giữ trâm anh cái nếp nhà.
Còn về Thúy Vân, tác giả như “đi guốc vào trong bụng” của nàng: “Tình chị thôi
em đã hiểu rồi/ Giả vờ mà hỏi thử nhau chơi/ tơ duyên nếu chắp người hôm nọ/ Chẳng lạy
thì em cũng chịu lời. . . ” (trang 346).
3. Kết luận
Thơ Vịnh Kiều trên Nam Phong tạp chí quả thật là đa dạng và đem đến cho người
đọc nhiều thú vị. Truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du đúng là một kiệt tác, mà ở đó
người đọc có thể lấy cảm hứng để làm nên biết bao nhiêu bài thơ ngâm vịnh. Cái “khéo”
của người làm thơ vịnh là biết “tóm bắt” lấy những đặc điểm cơ bản của nhân vật, cảnh
ngộ, chi tiết. . . của tác phẩm để thể hiện trong bài thơ vịnh của mình. Vận dụng sáng tạo
đặc trưng của thể thơ ngâm vịnh, các cây bút vịnh Kiều trên Nam Phong đã đem đến cho
người đọc nhận thức sâu sắc hơn về tác phẩm Truyện Kiều. Và điều thú vị là ở chỗ, nhiều
tác giả đã tiếp nhận thế giới nhân vật Truyện Kiều từ những góc độ khác nhau, đem đến
cho người đọc những cảm hứng mới. Nếu tiếp tục phân tích những bài thơ vịnh Kiều trên
Nam Phong tạp chí, chắc chắn chúng ta sẽ còn tìm thêm được nhiều điều thú vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nam Phong tạp chí. Văn học-Khoa học tạp chí. Đông Kinh ấn quán, Imprimerie
tonkinoise 14-16, Rue du Coton, Hanoi (từ tháng 7/1917-12/1934).
[2] Phạm Thị Ngoạn, 1993. Tìm hiểu Nam Phong tạp chí 1917-1934. Nguyên tác Pháp
văn đăng trong kỉ yếu đệ nhị và đệ tam cá nguyệt 1973 của Hội nghiên cứu các vấn đề
Đông Dương (Bulletin de la Societé des Etudes Indochinoises).
[3] Nhiều tác giả, 2004. Từ điển văn học, bộ mới. Nxb Thế giới.
[4] Vũ Ngọc Phan, 1998. Nhà văn Việt Nam hiện đại, tập 1. Nxb Văn học, Hà Nội, tr.119.
[5] Phạm Thị Hoàn, 1992. Phạm Quỳnh (1892-1945) - tuyển tập và di cảo. Bản quyền
An Tiêm, Paris, tr.378.
[6] Nguyễn Du, 1971. Truyện Kiều. Nxb Văn học, Hà Nội.
ABSTRACT
Poems describing Kieu in the Nam Phong Magazine
There were 78 poems describing Kieu in the Nam Phong magazine in which the
characters, circumstances and actions of the Kieu were the topics of the poems. Studying
poems describing Kieu in Nam Phong magazine will certainly interest a good many
people.
31