Tóm tắt. Kĩ năng giao tiếp là một trong những kĩ năng cần thiết để mỗi người có thể sống
và hòa nhập vào xã hội. Do đó, giáo dục kĩ năng giao tiếp là một trong những nhiệm vụ
quan trọng của nhà trường tiểu học, bởi đây là bậc học nền tảng đầu tiên, có tính chất quyết
định đến việc hình thành và phát triển nhân cách cho các em sau này. Môn Đạo đức là một
trong những môn học cơ bản có nội dung trực tiếp giáo dục nhân cách cho học sinh. Tuy
nhiên, hầu hết các nội dung của môn học được thiết kế khá nặng về kiến thức, chưa phù
hợp với đối tượng học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập. Do vậy, việc lựa chọn các nội
dung giáo dục kĩ năng giao tiếp trong môn Đạo đức, biến các kiến thức khô cứng thành các
hoạt động cụ thể, sinh động là một biện pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm nhận thức của
học sinh khuyết tật trí tuệ, giúp các em có thể lĩnh hội dễ dàng hơn và nhanh chóng hình
thành, phát triển các kĩ năng giao tiếp cần thiết.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 315 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh khuyết tật trí tuệ thông qua môn Đạo đức ở tiểu học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0123
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6BC, pp. 162-169
This paper is available online at
TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIAO TIẾP CHO HỌC
SINH KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ THÔNG QUAMÔN ĐẠO ĐỨC Ở TIỂU HỌC
Đinh Nguyễn Trang Thu
Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Kĩ năng giao tiếp là một trong những kĩ năng cần thiết để mỗi người có thể sống
và hòa nhập vào xã hội. Do đó, giáo dục kĩ năng giao tiếp là một trong những nhiệm vụ
quan trọng của nhà trường tiểu học, bởi đây là bậc học nền tảng đầu tiên, có tính chất quyết
định đến việc hình thành và phát triển nhân cách cho các em sau này. Môn Đạo đức là một
trong những môn học cơ bản có nội dung trực tiếp giáo dục nhân cách cho học sinh. Tuy
nhiên, hầu hết các nội dung của môn học được thiết kế khá nặng về kiến thức, chưa phù
hợp với đối tượng học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập. Do vậy, việc lựa chọn các nội
dung giáo dục kĩ năng giao tiếp trong môn Đạo đức, biến các kiến thức khô cứng thành các
hoạt động cụ thể, sinh động là một biện pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm nhận thức của
học sinh khuyết tật trí tuệ, giúp các em có thể lĩnh hội dễ dàng hơn và nhanh chóng hình
thành, phát triển các kĩ năng giao tiếp cần thiết.
Từ khóa: Khuyết tật trí tuệ, tiểu học, giáo dục hòa nhập, kĩ năng giao tiếp, môn Đạo đức.
1. Mở đầu
Trong quá trình sinh tồn và phát triển, loài người luôn luôn phải tương tác, trao đổi qua lại
với nhau dưới mọi hình thức nhằm truyền đạt mục đích, nhu cầu và mong muốn của bản thân tới
người khác. Sự tương tác qua lại đó chính là cách giao tiếp giữa người với người, là nền tảng của
các mối quan hệ xã hội, giúp con người có thể hội nhập cộng đồng và sống độc lập.
Các nghiên cứu về giao tiếp của con người nói chung và của trẻ em nói riêng đã bắt đầu
được nghiên cứu từ những năm 70, với một số nghiên cứu như: giao tiếp trong “Cho và nhận” giữa
trẻ nhũ nhi và mẹ của Bruner, J. S, “Sự phát triển giao tiếp của trẻ mẫu giáo” của M. I Lisana, “Sự
phát triển của trẻ trước tuổi học trò” của E. I. Chikiepva, nghiên cứu giao tiếp của trẻ mẫu giáo
của A.V. Zaporogiet và M.I.Lixina (1974)... Các nghiên cứu về giao tiếp của trẻ khuyết tật cũng
được nghiên cứu mở rộng, với một số nghiên cứu của tác giả R. Weiss, trường Đại học Colorado
(Mĩ) thực hiện nghiên cứu giao tiếp với trẻ chậm ngôn ngữ trước tuổi học năm 1974, tác giả Harry
Bostein với cuốn sách “Manual Communication implication for education” vào năm 1980 đề cập
đến giao tiếp nói chung với trẻ khuyết tật. Tại Việt Nam, vấn đề giao tiếp cũng được bắt đầu nghiên
cứu với một số bài báo, cuốn sách và công trình nghiên cứu như “Giao tiếp, tâm lí nhân cách” của
Trần Trọng Thủy, “Bàn về phạm trù giao tiếp” của Bùi Thị Huệ, hay các nghiên cứu về giao tiếp
cho trẻ em từ 0-6 tuổi của Nguyễn Thị Ánh Tuyết với các sách về “Giáo dục trẻ em mẫu giáo chơi
Ngày nhận bài: 25/5/2015. Ngày nhận đăng: 15/8/2015.
Liên hệ: Đinh Nguyễn Trang Thu, e-mail: trangthudn@yahoo.com
162
Tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh khuyết tật trí tuệ ...
trong nhóm bạn bè”, “Sự hình thành xã hội trẻ em trước tuổi học”, Lê Xuân Hồng (1996), Nguyễn
Xuân Thức (1997) về giao tiếp của trẻ mẫu giáo,...[7]. Về các nghiên cứu giáo dục kĩ năng giao
tiếp cho trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng, có nghiên cứu của các tác giả như: Hoàng
Thị Bích Hường (2002) về “Một số biện pháp giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa đối với trẻ em
lang thang tại Hà Nội”, Vương Hồng Tâm (2009) về “Sử dụng kết hợp các phương tiện giao tiếp
để phát triển nhận thức của trẻ khiếm thính tiểu học trong lớp học hòa nhập”, Nguyễn Thị Hiền
(2010) về “Biện pháp giáo dục kĩ năng giao tiếp của trẻ chậm phát triển trí tuệ học hòa nhập trong
trường tiểu học”, Hoàng Thị Phương (2011) về “Giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ mẫu
giáo 5-6 tuổi”, Ngô Giang Nam (2013) về “Giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh tiểu học nông
thôn miền núi phía bắc”,...
Nhận thức được tầm quan trọng của giao tiếp với mọi trẻ em, trong đó có cả học sinh khuyết
tật trí tuệ (KTTT), các nhà trường tiểu học hòa nhập luôn đặt ra nhiệm vụ dạy kĩ năng xã hội, trong
đó chú trọng dạy các kĩ năng giao tiếp, ứng xử cho các em bên cạnh nhiệm vụ trang bị kiến thức.
Mục tiêu của cấp tiểu học là nhằm trang bị những kiến thức nền tảng, cơ bản về các lĩnh vực cho
HS, được thể hiện cụ thể trong nội dung của từng môn học. Theo đó, nội dung dạy kĩ năng giao
tiếp cho HS được thể hiện rõ nhất trong môn Đạo đức, được thiết kế dưới các dạng bài học và bài
tập, đòi hỏi khả năng nhận thức nhất định mới có thể lĩnh hội và ứng dụng được trong thực tiễn.
Do đó, với khả năng nhận thức hạn chế của HS KTTT học hòa nhập, việc lĩnh hội kiến thức và
ứng dụng các kĩ năng giao tiếp vào thực tế còn nhiều khó khăn và thách thức với các em.
Xuất phát từ những khó khăn thực tiễn trên, dựa trên những điểm mạnh của HS KTTT cũng
như nhằm hỗ trợ các em trong quá trình học tập và hòa nhập cộng đồng sau này, bài viết đề xuất
cách thức tổ chức hoạt động các nội dung có liên quan đến giáo dục kĩ năng giao tiếp trong môn
Đạo đức ở tiểu học. Việc thay đổi hình thức tổ chức giáo dục này sẽ gây hứng thú hơn với HS
không KTTT và phù hợp với HS KTTT, giúp các em vừa có thể lĩnh hội được kiến thức bài học,
vừa có môi trường gần gũi để thực hành, từ đó nhằm hình thành và củng cố các kĩ năng giao tiếp
cần thiết cho các em.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vấn đề giao tiếp ở học sinh khuyết tật trí tuệ
2.1.1. Học sinh khuyết tật trí tuệ
Dựa trên tiêu chí chẩn đoán tiêu chí chẩn đoán về KTTT của Hiệp hội rối nhiễu tâm thần
Mĩ đưa ra trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê những rối nhiễu tâm thần V (DSM-V, 2013) [4] và
dựa trên căn cứ phân loại tuổi theo cấp học của Việt Nam, đề tài đưa ra khái niệm học sinh khuyết
tật trí tuệ (HS KTTT) tiểu học như sau:
Học sinh khuyết tật trí tuệ tiểu học là nhóm học sinh có những đặc điểm:
A. Bị thiếu hụt các chức năng trí tuệ như lí luận, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, tư duy
trừu tượng, phán xét, kĩ năng học tập, học hỏi từ trải nghiệm. Các thiếu hụt này được kiểm chứng
thông qua các đánh giá lâm sàng và cá nhân, kiểm tra trí thông minh đã được tiêu chuẩn hóa.
B. Bị thiếu hụt trong chức năng thích ứng dẫn đến thất bại trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn
phát triển văn hóa xã hội, độc lập cá nhân và trách nhiệm xã hội. Không có sự hỗ trợ, những thiếu
hụt trong chức năng thích ứng này sẽ dẫn đến những hạn chế một hoặc nhiều hoạt động trong cuộc
sống hàng ngày như thông tin liên lạc, tham gia xã hội, sống độc lập; và trong nhiều môi trường
như gia đình, trường học, nơi làm việc và cộng đồng.
163
Đinh Nguyễn Trang Thu
C. Những thiếu hụt về trí tuệ và chức năng diễn ra trong suốt quá trình phát triển.
D. Độ tuổi thực từ 6 đến 12 tuổi.
2.1.2. Giao tiếp và kĩ năng giao tiếp ở HS KTTT tiểu học
Khái niệm giao tiếp và kĩ năng giao tiếp
Trong cuộc sống hàng ngày, giao tiếp được hiểu là sự tương tác, trao đổi qua lại với nhau
dưới mọi hình thức nhằm truyền đạt mục đích, nhu cầu và mong muốn của bản thân tới người khác.
Ngay khi lọt lòng mẹ, dù chưa biết nói thành lời, nhưng mọi trẻ vẫn có nhu cầu giao tiếp và thực
hiện giao tiếp thông qua ánh mắt, nụ cười, tiếng khóc hay cử chỉ điệu bộ của cơ thể [6].
Trong giáo dục, giao tiếp được hiểu là một quá trình tổng thể với ba mặt thống nhất: mặt
nhận thức (trao đổi thông tin, tri giác lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người),
mặt thái độ cảm xúc (sự trao đổi thông tin, tình cảm với nhau) và mặt tương tác (sự tác động qua
lại giữa con người với con người) [7].
Kĩ năng giao tiếp hiểu theo nghĩa rộng là năng lực (bao hàm cả tri thức, thái độ và hành vi,
hành động) [3] hay khả năng áp dụng những hiểu biết và kĩ năng để thực hiện các vấn đề có liên
quan đến giao tiếp như: nghe, chú ý, hiểu và làm theo mệnh lệnh của người khác, biểu đạt (suy
nghĩ, mong muốn, nhu cầu, cảm xúc của bản thân và chia sẻ cảm xúc với người khác), đọc và viết
văn bản.
Trong phạm vi bài viết, các kĩ năng giao tiếp để giáo dục cho HS KTTT ở tiểu học bao
gồm: kĩ năng nghe và chú ý, kĩ năng làm theo mệnh lệnh của người khác, kĩ năng bày tỏ cảm xúc,
kĩ năng tương tác nhóm.
Đặc điểm về giao tiếp và kĩ năng giao tiếp của HS KTTT tiểu học [6, 8]
- Đặc điểm về kĩ năng nghe và chú ý: khả năng chú ý của HS KTTT thường ngắn, do vậy
các em dễ bị xao nhãng hoặc khó duy trì trong thời gian dài khi thực hiện hội thoại hoặc khi thực
hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, hiệu quả và chất lượng hội thoại trong giao tiếp của các em
không cao.
- Đặc điểm về kĩ năng làm theo mệnh lệnh của người khác: do khả năng nhớ từ mới lâu và
chậm ứng dụng các từ mới được học vào trong thực tiễn giao tiếp, cùng với hạn chế về khả năng
nhận thức (khó xử lí thông tin bằng ngôn ngữ), HS KTTT khó thực hiện đúng các mệnh lệnh của
người khác, nhất là các mệnh lệnh phức tạp (nhiều về số lượng yêu cầu, nhiều về ngôn từ sử dụng).
- Đặc điểm về kĩ năng bày tỏ cảm xúc: HS KTTT có vốn từ ít và nghèo nàn, các em thường
ít sử dụng các câu phức tạp, ít dùng liên từ mà thường sử dụng câu ngắn (câu đơn, câu cụt); các
em thường hay nói rập khuôn (lặp lại) những gì người khác đang nói nhưng đôi khi không hiểu ý
nghĩa của lời nói đó. Do vậy, HS KTTT thường khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ và cả các
yếu tố phi ngôn ngữ phù hợp để bày tỏ cảm xúc của bản thân cho người khác hiểu cũng như khó
khăn trong việc bày tỏ sự chia sẻ cảm xúc với người khác. Thậm chí có những em có những cách
bày tỏ cảm xúc của bản thân và với người khác theo cách hiểu cá nhân, khiến cho người đối thoại
trong giao tiếp rất khó hiểu, thậm chí hiểu nhầm ý của các em.
- Đặc điểm về kĩ năng tương tác nhóm: HS KTTT khó hoặc không thể hiện hiện rõ nhu cầu
giao tiếp với người khác. Các em có một số biểu hiện cụ thể như: không chủ động thiết lập mối
quan hệ với người khác, không đặt câu hỏi, không chủ động trao đổi với người khác về một vấn đề
nào đó, hoặc thậm chí từ chối giao tiếp với người khác. Ngoài ra, với sự hạn chế về khả năng nhận
thức, HS KTTT luôn gặp khó khăn trong quá trình hợp tác và làm việc nhóm với các HS không
KTTT do không thực hiện được các nhiệm vụ được giao; hoặc một số HS KTTT mắc những lỗi
164
Tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh khuyết tật trí tuệ ...
phát âm thường gặp như nói ngọng, nói lắp hay nói khó, khiến các em dễ mất tự tin và đi dần đến
việc ngại giao tiếp với người khác, lâu dần không biết cách tương tác nhóm.
Ngoài những đặc điểm cơ bản về các kĩ năng giao tiếp kể trên, tùy từng mức độ khuyết tật
mà đặc điểm về giao tiếp và kĩ năng giao tiếp của HS KTTT được thể hiện khác nhau.
HS KTTT mức độ nhẹ: các em có thể hiểu được ý nghĩa của những từ và câu đơn giản, có
thể hiểu được ý của người nói nếu họ sử dụng cử chỉ, điệu bộ, có khả năng đưa ra quyết định cho
một câu trả lời đơn giản và gửi thông điệp tới người khác bằng từ ngữ hoặc bằng cử chỉ.
HS KTTT mức độ trung bình: các em có thể hiểu được ý nghĩa của cử chỉ điệu bộ, một số
từ và câu đơn giản, có khả năng trả lời các câu hỏi đơn giản, có thể thiết lập các cuộc hội thoại có
nội dung đơn giản.
HS KTTT mức độ nặng và rất nặng: các em có thể nhìn và nghe thấy bình thường nhưng
không thu nhận được từ những gì được nhìn và nghe thấy, không hiểu từ nhưng có thể hiểu qua âm
lượng của giọng nói, nét mặt và cử chỉ đơn giản, đáp lại phản ứng của người nói bằng những hình
thức giao tiếp như vận động cơ thể, chuyển động của mắt, âm thanh (tiếng khóc, tiếng rên...).
2.2. Môn Đạo đức
2.2.1. Mục tiêu và nhiệm vụ của môn học
Môn Đạo đức ở tiểu học hướng tới ba mục tiêu về tri thức (hiểu biết về các chuẩn mực hành
vi (CMHV) cơ bản, phù hợp với lứa tuổi, phản ánh các mối quan hệ hàng ngày của các em), kĩ
năng, hành vi (vận dụng các bài học đạo đức vào thực tiễn) và thái độ (hình thành những xúc cảm,
thái độ phù hợp liên quan đến những CMHV đạo đức) [5].
Môn Đạo đức ở tiểu học thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản: 1) Hình thành cho HS ý thức về
những CMHV đạo đức (tri thức và niềm tin), từ đó định hướng cho các em những giá trị đạo đức
phù hợp với những chuẩn mực được quy định trong chương trình môn Đạo đức; 2) Giáo dục cho
HS những xúc cảm, thái độ, tình cảm đạo đức đúng đắn liên quan đến các CMHV quy định; 3)
Hình thành cho các em những kĩ năng, hành vi phù hợp với các chuẩn mực và trên cơ sở đó, rèn
luyện các thói quen đạo đức tích cực.
2.2.2. Nội dung, chương trình và thiết kế bài học
Nội dung môn Đạo đức bao gồm: Phản ánh được các mối quan hệ thường gặp của HS tiểu
học (quan hệ với bản thân, với gia đình, nhà trường, quan hệ với cộng đồng, xã hội, với môi trường
tự nhiên); giúp HS tiểu học hòa nhập vào cuộc sống văn minh, hiện đại trong bối cảnh đất nước
đổi mới toàn diện, hòa nhập quốc tế.
Về chương trình: môn Đạo đức được dạy từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp có 14 bài học. Mỗi bài
học được học trong 2 tiết/tuần. Nội dung bài học được thiết kế trong Sách giáo khoa (lớp 4,5, các
lớp 1,2,3 không có sách giáo khoa) và Vở bài tập Đạo đức (lớp 1,2,3,4,5).
Về thiết kế bài học:
- Sách giáo khoa Đạo đức: Mỗi bài đạo đức có cấu trúc các phần: giới thiệu mẫu hành vi
đạo đức (thông qua truyện kể, thông tin, tư liệu, sự kiện, tranh, ảnh), ghi nhớ (phản ánh nội dung
cơ bản nhất của CMHV, dưới hình thức đoạn văn ngắn, câu thơ, ca dao, tục ngữ...), bài tập, thực
hành.
- Vở bài tập Đạo đức được thiết kế dưới các dạng bài tập chính sau: quan sát tranh và kể
chuyện theo tranh, nhận xét về hành vi của các nhân vật trọng tranh, xử lí tình huống, đóng vai,
chơi trò chơi, liên hệ và tự liên hệ, múa hát, đọc thơ, kể chuyện, diễn kịch, tô màu, vẽ tranh...về
165
Đinh Nguyễn Trang Thu
chủ đề bài học.
2.2.3. Nội dung dạy kĩ năng giao tiếp trong chương trình [1, 2]
Trong phạm vi giáo dục kĩ năng giao tiếp cho HS KTTT, chúng tôi lựa chọn các bài học
phù hợp để giáo dục cho các em như sau:
- Giáo dục kĩ năng nghe và chú ý: Cảm ơn và xin lỗi (lớp 1), Chào hỏi và tạm biệt (Lớp 1),
Lịch sự với mọi người (lớp 4).
- Giáo dục kĩ năng làm theo mệnh lệnh người khác: Gọn gàng, ngăn nắp (lớp 2), Giữ trật
tự, vệ sinh nơi công cộng (lớp 2), Tích cực tham gia việc lớp, việc trường (lớp 3), Tôn trọng luật
giao thông (Lớp 4).
- Giáo dục kĩ năng bày tỏ cảm xúc: Quan tâm, giúp đỡ bạn (lớp 2), Quan tâm, chăm sóc ông
bà, cha mẹ, anh chị em (lớp 3), Quan tâm, giúp đỡ hàng xóm láng giềng (lớp 3).
- Giáo dục kĩ năng tương tác nhóm: Em và các bạn (lớp 1), Giúp đỡ người khuyết tật (lớp
2), Hợp tác với những người xung quanh (lớp 5).
2.3. Tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng giao tiếp cho HS KTTT thông qua
môn Đạo đức
2.3.1. Yêu cầu tổ chức hoạt động
- Thiết kế nội dung bài học dưới dạng các hoạt động, phù hợp với đặc điểm, khả năng và sự
hứng thú của HS KTTT, cũng như đảm bảo tính giáo dục để HS KTTT được tham gia tối đa, phát
huy khả năng của bản thân.
- Các hoạt động được thiết kế gắn với đời sống thực tiễn gần gũi của HS KTTT; đồng thời
dựa vào đặc điểm lớp học để lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức phù hợp.
- Luôn sử dụng các đồ dùng trực quan (tranh, ảnh, băng hình...) để minh họa nội dung bài
học cho HS KTTT dễ quan sát, dễ hình dung và dễ hiểu nội dung bài học.
- Lựa chọn sử dụng một số phương pháp dạy học và giáo dục phù hợp với đặc điểm nhận
thức của HS KTTT như: đóng vai (đóng kịch), thảo luận nhóm, kể chuyện, làm mẫu, thực hành,
luyện tập...
2.3.2. Cấu trúc tổ chức hoạt động
- Bước 1: Lựa chọn bài học phù hợp với nội dung giáo dục kĩ năng giao tiếp (có thể một bài
học phục vụ cho nhiều nội dung giáo dục kĩ năng).
- Bước 2: Thiết kế các hoạt động phù hợp với nội dung bài học (hoạt động phải phục vụ cho
việc hướng tới mục tiêu hình thành kĩ năng).
- Bước 3: Lựa chọn các phương tiện dạy học, đồ dùng trực quan phối kết hợp khi tổ chức
hoạt động.
- Bước 4: Thực hiện hoạt động.
- Bước 5: Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh hoạt động (thông qua mức độ tham gia của HS
KTTT, mức độ đạt mục tiêu kĩ năng của HS KTTT).
2.3.3. Thiết kế hoạt động
Chúng tôi xin trình bày một số hoạt động được thiết kế theo mục tiêu giáo dục từng kĩ năng
thông qua một số bài Đạo đức cụ thể như dưới đây.
166
Tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng giao tiếp cho học sinh khuyết tật trí tuệ ...
Thiết kế hoạt động giáo dục kĩ năng nghe và chú ý
Bài 12: Cảm ơn và xin lỗi (Vở bài tập Đạo đức lớp 1, trang 38-41)
+ Hoạt động 1: Chọn nói lời “Cảm ơn” hay “Xin lỗi”
Giáo viên chuẩn bị các bức tranh vẽ các tình huống: Một bạn được các bạn khác tặng quà
nhân dịp sinh nhật; Một bạn quay xuống bàn dưới, chẳng may làm rơi hộp bút của bạn khác; Một
bạn mải chạy trên đường, chẳng may va vào một bác lớn tuổi đang đi trên đường và làm bác ngã.
Giáo viên chuẩn bị 02 thẻ tranh: thẻ mặt cười – ghi chữ “Cảm ơn”, thẻ mặt khóc – ghi chữ “Xin
lỗi”. Giáo viên giải thích cho HS KTTT hiểu rõ nội dung từng bức tranh, sau đó mới yêu cầu HS
KTTT lựa chọn các thẻ tranh phù hợp với từng tình huống. Giáo viên khen nếu HS KTTT lựa chọn
thẻ tranh đúng tình huống, chỉnh sửa và hướng dẫn sử dụng thẻ tranh đúng nếu HS KTTT lựa chọn
thẻ tranh sai với tình huống.
+ Hoạt động 2: Nói lời hay
Giáo viên chuẩn bị các bức tranh vẽ các tình huống sau: Một bạn cho bạn bên cạnh mượn
bút chì để viết bài; Một bạn vội chạy lên cầu thang, va vào bạn cùng lớp và làm ngã bạn; Một bạn
làm rơi bình hoa của mẹ; Một bạn đang giơ tay đỡ quả cam ông bạn cho. Giáo viên yêu cầu HS
KTTT diễn tả lại nội dung bức tranh để kiểm tra xem các em đã hiểu đúng tình huống hay chưa,
sau đó mới yêu cầu HS KTTT tự nói lời cảm ơn hay xin lỗi phù hợp với tình huống đó. Giáo viên
khen HS nếu HS nói lời đúng với tình huống, chỉnh sửa và nói mẫu, hướng dẫn để HS KTTT ghi
nhớ, nhắc lại lời nói đúng phù hợp với tình huống trong tranh.
Thiết kế hoạt động giáo dục kĩ năng làm theo mệnh lệnh người khác
Bài 13: Tôn trọng luật giao thông (Vở bài tập Đạo đức lớp 4, trang 38-41)
+ Hoạt động 1: Trò chơi “Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng”
Giáo viên phổ biến luật chơi: mỗi lượt chơi có 3-5 HS. Các HS này phải di chuyển nhanh
hay chậm tùy thuộc vào yêu cầu của giáo viên, tương ứng với màu đèn xanh đỏ vàng, trong đó:
đèn xanh – đi nhanh, đèn vàng – đi chậm, đèn đỏ - dừng lại. Giáo viên tổ chức cho nhóm HS chơi.
Sau khi kết thúc trò chơi, giáo viên sẽ yêu cầu HS KTTT nhận xét xem bạn nào đi đúng và đi chưa
đúng theo tín hiệu đèn mà giáo viên đưa ra. Giáo viên giúp HS hiểu: khi tham gia giao thông, các
em cần phải tuân thủ đúng tín hiệu đèn giao thông, để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và cho
cả những người khác.
+ Hoạt động 2: Chọn hành vi, việc làm tôn trọng Luật giao thông
Giáo viên chuẩn bị 2 đồ dùng làm bằng bìa cứng mô phỏng đèn xanh – hành vi, việc làm đã
tôn trọng Luật giao thông và mô phỏng đèn đỏ - hành vi, việc làm chưa tôn trọng Luật giao thông.
Giáo viên chuẩn bị 4 băng giấy ghi sẵn các tình huống như sau: Đi hàng ba, hàng bốn trên đường;
Vừa đi xe máy, vừa nói chuyện điện thoại di dộng; Một bạn học sinh ngồi sau xe máy mà không
đội mũ bảo hiểm; Một nhóm các bạn học sinh sang đường theo đúng tín hiệu đèn và đi đúng phần
đường quy định. Giáo viên yêu cầu 4 HS lên bảng. Mỗi HS lên bảng sẽ chọn một tình huống bất
kì và phải đưa ra cách xử lí phù hợp với tình huống đó, bằng cách sử dụng thẻ đèn xanh hoặc đèn
đỏ để thể hiện hành vi, việc làm đó đã/hoặc chưa tôn trọng Luật giao thông. Giáo viên khen HS đã
lựa chọn thẻ đúng và giải thích, hướng dẫn để HS lựa chọn thẻ đúng với tình huống.
Thiết kế hoạt động giáo dục kĩ năng bày tỏ cảm xúc
Bài 6: Quan tâm, giúp đỡ bạn (Vở bài tập Đạo đức lớp 2, trang 18-21)
+ Hoạt động 1: Trò chơi “Đoán xem tôi là ai”?
Giáo viên chuẩn bị sẵn một số băng giấy miêu tả một số bạn ở lớp (Ví dụ: Bạn ấy có tên
167
Đinh Nguyễn Trang Thu
giống như tên một loại hoa. Bạn ấy là con gái, có mái tóc dài. Người bạn ấy hơi cao. Bạn ấy hay
đeo kính vì bạn ấy bị cận). Giáo viên sẽ đọc to các câu văn mô tả đặc điểm bạn HS đó trước lớp và
hỏi HS cả lớp cùng đoán xem đó là bạn nào trong l